Hình ảnh Mẹ Maria, thánh Giuse âu yếm nhìn Hài nhi Giêsu, nằm trong máng cỏ bên cạnh các mẹ đấng thờ lạy, các thiên thần ca hát đơn sơ mộc mạc nhưng là một hình ảnh thần tiên. Chúa Giêsu được nuôi dưỡng trong một gia đình thánh thiện. Để rồi từ Gia đình Thánh, Người hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha trao phó.
Kitô hữu Việt Nam ngay từ khi đón nhận Đạo Chúa đã xem Gia đình Thánh của Chúa Giêsu làm mẫu gương cho cuộc sống gia đình. Cuộc sống gia đình được xét ở các chiều cạnh: con cái đối với cha mẹ, ông bà; anh chị em đối với nhau, cha mẹ đối với con cái.
Bổn phận của con cái là tôn kính cha mẹ (lòng hiếu thảo) dựa trên sự biết ơn đối với những người sinh thành, nuôi dưỡng mình nên người. Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn. Vậy lời chân thành, phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy, phải có trách nhiệm đối với cha mẹ, trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, khi bệnh tật, cô đơn hoặc túng thiếu. Lòng hiếu thảo còn thể hiện anh em trong gia đình ăn ở chan hòa, khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Ngược lại, cha mẹ phải có bổn phận giáo dục, nuôi dưỡng con cái. Điều 226, Khoản 2 (Giáo luật 1983) quy định: Bậc làm cha mẹ, vì là người truyền sự sống cho con cái, nên có nghĩa vụ hết sức quan trọng và quyền lợi giáo dục con cái theo đúng giáo huấn của Giáo hội đã quy định.
Từ sau Công đồng Vatican II nhất là từ cuối thế kỷ XX khi mà trào lưu tục hóa phát triển mạnh, khi mà đời sống gia đình có nguy cơ bị phá vỡ ngày một tăng, Giáo hội càng chú trọng đến đời sống gia đình. Năm 1994, Liên hợp quốc đề xướng là Năm Gia đình, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Năm Thánh hóa gia đình đối với Giáo hội Công giáo. Năm Thánh hóa gia đình được khai mạc từ lễ Thánh gia 1993 (26/12) và kết thúc vào lễ Thánh gia 1994 (30/12). Vì thế Gia đình đã là đề tài cho nhiều văn kiện quan trọng và nhiều gặp gỡ của Giáo hoàng. Sứ điệp nhân ngày thế giới Hòa bình (1/1/1994) có kêu gọi “Từ gia đình này sinh hòa bình của gia đình nhân loại”. Sứ điệp Mùa chay 1994, có chủ đề: “Gia đình phục vụ tình bác ái. Tình bác ái phục vụ gia đình”. Trong bức thư dày 110 trang của Giáo hoàng ký ngày 2/2/1994 gửi các gia đình trên toàn thế giới là lấy đề tài “Gia đình là trung tâm văn minh và tình thương”. Bức thư này là văn kiện quan trọng thứ hai về gia đình của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II sau Tông huấn Gia đình, ban hành năm 1981.
Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm tại Hà Nội, ngày 17/10/1998 đoạn 7 Vai trò gia đình, viết: “Gia đình là Hội Thánh tại gia giữa lòng cộng đồng Kitô. Gia đình là trường học đầu tiên. Cha mẹ là những người giáo dục đầu tiên. Sách giáo khoa đầu tiên là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình này với gia đình khác.
Gia đình là Hội Thánh tại gia, là đơn vị căn bản của Hội Thánh. Gia đình là cộng đoàn thờ phượng và sống đạo, là nơi thể hiện và phát lòng tin, cậy, mến. Những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người, đều được học và dạy ở dưới mái gia đình.
Việc cầu nguyện trong gia đình và việc kiểm điểm đời sống hằng ngày giúp cho gia đình yêu thương và sống hiệp nhất. Chính bầu không khí yêu thương đầm ấm trong gia đình: vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo, anh chị em hòa thuận, là trường dạy yêu mến. Người ta học biết yêu thương nhờ được yêu thương…”.
Năm 2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ 12 (10/2013), Đại hội ra Thư chung: Hội thánh Công giáo tại Việt Nam và công cuộc tân Phúc Âm hóa. Một kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016) với chủ đề cho từng năm.
Năm 2014: Phúc Âm hóa đời sống gia đình;
Năm 2015: Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn;
Năm 2016: Phúc Âm hóa đời sống xã hội.
Phần cuối, Thư chung dành cho việc triển khai chủ đề “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” - hướng tới chủ đề “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc Âm hóa” của Thượng Hội đồng Giám mục khóa ngoại lệ diễn ra vào tháng 10/2014 và tiếp nối nhận định của Thư chung Hậu Đại hội Dân chúa 2010” Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.
Để thực hiện Phúc Âm hóa đời sống gia đình, Thư chung mời gọi “Xây dựng gia đình một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất, thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng”.
Với cộng đoàn yêu thương “Các gia đình Công giáo phải loại bỏ thứ bạo hành”. Với cộng đoàn phục vụ sự sống là tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, sinh con có trách nhiệm, giáo dục cho con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Từ đó Thư chung đề nghị một số việc mục vụ như: Chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình; đồng hành với gia đình trẻ với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ, gia đình ly tán; Các mục tử cần đồng hành, hướng dẫn, nâng đỡ các nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình”.
Vấn đề gia đình tiếp tục được trở lại thời Giáo hoàng đương nhiệm - Đức Phanxicô. Đó là nhóm họp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 14 về gia đình. Hội đồng nhóm họp 3 tuần lễ (từ ngày 4 đến ngày 24/10/2015. Rất nhiều vấn đề được Thượng Hội đồng bàn thảo như: Vấn đề ly dị; Vấn đề người đồng tính luyến ái; Giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và gia đình; Tăng cường chuẩn bị hôn phối; Bảo vệ sự sống lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên…
Để rồi cuối cùng là sự ban hành: Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Niềm vui yêu thương (Amoric Laetitia) Về tình yêu trong gia đình của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Với Giáo hội gia đình luôn giữ vị trí quan trọng trong lịch sử cũng như hiện tại. Bởi theo Đức Thánh Cha: “Tương lai nhân loại đi ngang qua gia đình”.