Suy tư - Chia sẻ

Thày dạy và chứng nhân về lòng tha thứ

Cập nhật lúc 09:23 21/09/2017
Điều đó dạy cho chúng ta rằng Thiên Chúa không bao giờ vội vàng lên án hay kết án bất cứ một ai
Đối với một người bình thường khi bị người khác xúc phạm, phản ứng tự nhiên là cảm thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng. Đôi khi họ thấy máu sôi lên trong huyết quản, người nóng bừng lên, còn hơi thở thì dồn dập, mặt đỏ gay. Có người thì lại còn lồng lộn lên như con thú bị trúng thương. Đại đa số cách thức phản ứng trong trường hợp như thế là luôn tìm cách trả đũa kẻ hại mình cho thật đích đáng với những gì mà mình bị tổn thương. Có người còn nghĩ rằng thà mình chịu chết còn hơn phải chịu nhục nhã như thế. Và thế là những cơn giông tố sẽ bùng lên, những trận đòn trả thù cứ thế leo thang không ngừng, dẫn đến những hậu quả không biết đâu mà lường!
Cách hành xử như thế đối với mỗi người chúng ta đôi khi được xem là quá đỗi bình thường. Trong khi đó, nơi thân phận con người, Chúa Giêsu thì ngược lại luôn sẵn lòng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình. Đỉnh điểm của lòng tha thứ và thương xót nơi con người Giêsu không gì khác hơn là nơi cuộc thương khó của Ngài. Giêsu sẵn sàng đón nhận những sự sỉ nhục, nhạo báng, phỉ nhổ, sẵn sàng chịu hành hạ, đánh đòn, chịu đội mão gai, vác thập giá, và cuối cùng chịu đóng đinh trần truồng trên thập giá. Người chấp nhận tất cả mà không một lời oán hận, không một lời nguyền rủa những con người đã hành hạ mình. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho mọi lỗi lầm của họ.

Như thế, chúng ta muốn học về lòng tha thứ cho người khác thì thầy dạy tuyệt vời nhất không ai khác ngoài Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, trước câu hỏi của Phêrô: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?”Đức Giêsu trả lời rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Điều đó cho thấy chính Người đã sẵn sàng tha thứ và mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho nhau, tha thứ liên tục, không ngừng nghỉ. Cả một đời sống của Chúa Giêsu là bằng chứng cao cả nhất cho lòng khoan dung, tha thứ.

Tuy nhiên, con người với thân phận phàm hèn không đủ sức để thực hiện lệnh truyền đó. Và làm sao con người đầy sân si lại có thể đủ bản lãnh và khí phách để thực thi lời dạy đó của Đức Giêsu?

1. Lầm lỗi của con người là đáng trách hay đáng thương?

Để xác định lời giải đáp cho câu nghi vấn đó, chúng ta cần quay trở về với hành động của Chúa Giêsu nơi cuộc thương khó của Ngài. Trước những sự bắt bớ, đòn roi đau đớn, những sự sỉ nhục, thóa mạ ê chề, Chúa Giêsu chỉ biểu lộ duy nhất một thái độ đối với “kẻ thù nghịch” là yêu thương. Người không những tha thứ cho họ tất cả những hành động gây đau khổ cho Người mà xa hơn Chúa Giêsu còn thực sự yêu thương họ nữa. Vì Người biết việc dữ họ làm là do sự mù quáng, thiếu hiểu biết. Và do đó, hành động ấy xem ra đáng thương hơn đáng trách. Quân dữ đã mê lầm, mù quáng không nhận ra Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Họ làm như thế và tưởng rằng hành động đó sẽ bảo vệ uy danh của Thiên Chúa, không bị xúc phạm bởi một con người Giêsu làng Nadarét ăn nói phạm thượng, tự xưng mình là Thiên Chúa.

Điều đó dạy cho chúng ta rằng Thiên Chúa không bao giờ vội vàng lên án hay kết án bất cứ một ai căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài như con người chúng ta. Nơi Chúa mọi tội nhân luôn luôn có một cơ hội để sửa đổi, để quay lại với đường ngay nẻo chính. Người là Đấng Khôn Ngoan luôn thấu suốt mọi điều, Người thấy nơi tội nhân tất cả mọi sự đều xuất phát từ sự mù quáng của chúng, do chúng không hiểu biết. Chính vì thế, thay vì lên án thì Chúa lại tỏ lòng thương xót cho dù họ có lỗi lầm đến đâu đi nữa.

Người luôn đi bước trước trong tình yêu của Người dành cho tội nhân là mỗi người chúng ta, nghĩa là Người đã tha thứ lỗi lầm cho chúng ta ngay trước khi chúng ta kịp nhận ra tội và xin ơn tha thứ của Người. Phận người mỏng manh yếu đuối, hay dễ mắc phạm lỗi lầm của chúng ta luôn là hình ảnh những đứa con bé bỏng ngây dại trước mắt Thiên Chúa cần được sự chở che, cần sự cảm thông, tha thứ. Những thiếu xót, lỗi phạm của chúng ta đối với Người thật đáng thương làm sao, vì Người cho rằng chúng ta mê lầm, không biết nên mới làm điều đó. Vì thế, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng ta vì chúng ta “không biết việc mình làm.” Thiên Chúa là thế luôn thứ tha, luôn yêu thương mỗi người chúng ta. Còn về phía chúng ta thì sao? Những người đã trót lỗi phạm đến chúng ta thì chúng ta nhìn họ với cặp mắt thế nào? Có phải là nhìn theo cặp mắt của Chúa không hay chúng ta nhìn họ với cặp mắt đầy hận thù, sôi sục của con người phàm trần chúng ta.

2. Tha thứ những xúc phạm của anh chị em

Đề tài tha thứ xem ra dùng để tranh luận thì dễ dàng hơn là dùng để thực hành. Thật vậy, chúng ta có thể nói rất nhiều về tha thứ, có thể hệ thống nó lại thành cả một bài luận dài để trình bày cho người khác. Nhưng thử hỏi mấy ai trong chúng ta có thể dễ dàng nói ra hai chữ tha thứ và bày tỏ nó ra cho những người lỗi phạm đến mình.

Ai trong chúng ta cũng đã quá quen với khái niệm “hận nước, thù nhà”, hay “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”…, những thứ đó hầu như đã in sâu vào tiềm thức của chúng ta. Có thù là phải trả, ai làm hại hay lỗi phạm đến mình thì nhất quyết phải “ăn miếng trả miếng”. Do đó, tha thứ là đi ngược lại với khuynh hướng ấy và chắcchắn một điều làđể thực thi nó như lời Chúa dạy chẳng phải là chuyện dễ dàng gì.

Nhưng với kinh nghiệm sống, chúng ta đã thấy rằng: hận thù chẳng đem lại ích lợi gì. Có chăng cũng chỉ là sự thỏa mãn nỗi căm hờn, nỗi giận dữ tức thời. Còn phần lớn đều đem đến những hậu quả vô cùng to lớn và tồi tệ: những thiệt thòi, mất mát về vật chất lẫn tinh thần; những nỗi khổ tâm, sự giằng co, ray rứt đem lại những bất ổn cho cuộc sống. Đàng khác, hậu quả của nó còn kéo dài theo thời gian, có khi mỗi ngày thêm chồng chất nữa.

Như thế, giải pháp cho chúng ta chắc chắn không phải là những thái độ kể trên. Vì một khi chúng ta trả đũa hoặc báo thù thì không những đối phương của chúng ta bị đau khổ mà ngay cả chính chúng ta cũng không hạnh phúc gì. Do đó, tha thứ mới chính là chọn lựa tốt nhất. Thật vậy, tha thứ sẽ là cách tốt nhất để tháo gỡ những bất lợi vừa kể và làm cho lòng mình được thanh thản, bình an: “Lấy oán báo oán, thì oán thù sẽ chồng chất, lấy đức báo oán, oán sẽ tiêu tan”. Giáo lý nhà Phật đã dạy thế. Hay lời khuyên của một đấng thánh: “Cách trả thù hay nhất đối với kẻ làm khổ mình, là đừng giống họ”. Xưa cũng như nay biết bao người không theo một tôn giáo nào, đã sống và hành xử như vậy. Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

Điểm mấu chốt trong lời dạy của Đức Giêsu mà chúng ta cần lưu ý đó là thái độ của chúng ta với những người xung quanh thế nào thì “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế.”

Dụ ngôn người mắc nợ bất nhân ghi khắc sâu đậm chân lý này. Và để chúng ta đừng quên, Người dạy chúng ta đọc Kinh Lạy Cha hằng ngày; trong đó, chúng ta phải coi tha thứ như là điều kiện và mức độ phải có để cầu xin và để được Thiên Chúa tha thứ (Lc 11,4; Mt 6,12).

Nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn: Người đặt Thiên Chúa làm khuôn mẫu của lòng thương xót (Lc 6,35). Thật thế,khi tha thứ cho anh em, chúng ta không được đơn giản coi đó là một đức tính, một nhân đức của một con người có tư cách, nhưng là một đòi buộc, một món nợ phải trả vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Thân phận con nợ không có khả năng chi trả của tôi đã được Thiên Chúa xóa hết mọi thứ nợ, tha thứ tất cả, thì đến lượt mình, tôi phải tha thứ theo khuôn mẫu ấy trước những xúc phạm của anh chị em. Đã nhận Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, thì chúng ta phải bắt chước Ngài để trở thành con cái đích thực cửa Ngài (Mt 5,43.48).
 
Augustine Tùng
 
Thông tin khác:
Thiên Chúa đang an ủi chúng ta (19/09/2017)
Hãy sống có trách nhiệm với tha nhân (14/09/2017)
Tình yêu Thiên Chúa (13/09/2017)
Con đường dẫn đến vinh quang - Con đường thánh giá (11/09/2017)
Tình yêu Chúa (08/09/2017)
Còn anh em, anh em nói thầy là ai? (05/09/2017)
Khiêm nhường con đường dẫn tới cứu độ (31/08/2017)
Niềm tin đích thực (30/08/2017)
Nhờ thần khí (29/08/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log