Thấy Chúa Giê-su gần gũi với những người tội lỗi đến gần Ngài, nhóm pharisêu và kinh sư trách Chúa. Chúa Giê-su đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Đây cũng là những dụ ngôn đẹp nhất nói về lòng Chúa ân cần với tội nhân.
Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường, sa lầy tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.
Trước những lời chỉ trích của các biệt phái về thái độ của Chúa Giê-su đối với người tội lỗi, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi trở về:
Những điều này gợi ý cho ta: Niềm vui trên Trời sẽ lớn lao dường nào khi một tội nhân trở về với Chúa. Ý thức được lòng thương xót của Chúa, chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi khi phạm tội và can đảm sám hối trở về với Chúa.
Hai dụ ngôn : con chiên lạc và đồng tiền bị mất : nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi. Còn dụ ngôn thứ ba về người con hoang đàng trở về : nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa đón nhận người tội lỗi trở về. Điều này giúp chúng ta tha thiết trong việc tông đồ đưa người lạc lối trở về với Thiên Chúa, và đồng thời, cũng cần tập sống có thái độ niềm nở, hân hoan đón tiếp người tội lỗi trở về với Hội Thánh.
Hình ảnh người mục tử với đàn chiên nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người. Con chiên tìm lại được biểu tượng cho ơn cứu độ (Mk 4,6-7; Gr 23,1-4 ; Ed 34,11-16) điều này cho chúng ta nhận ra : công tác mục vụ là công tác có tính cách chăm sóc và phục vụ hơn là điều khiển, lãnh đạo. Vì thế mục tử phải có tinh thần khiêm nhường, lòng yêu thương và tính khoan dung nhân hậu đối với những người mà Chúa trao phó cho mình.
Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ biến, đó là ở đâu và thời nào tâm lý con người cũng giống nhau : ai cũng tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Chúa Giê-su cảm thông tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giê-su không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa : chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử.
Trong thế chiến thứ hai, dân Roma đều kinh khiếp khi nghe nói đến Peter Kork, sĩ quan mật vụ Đức quốc xã, người đã từng giết biết bao mạng người. Sau chiến tranh, ông bị kết án tử hình và ông đã viết thư xưng tội với Đức Giáo Hoàng Piô XII, nhất là xin ngài tha cho tội đã tấn công vào Vương Cung Thánh Đường Phaolo ngoại thành.
Đức Giáo Hoàng đã sai một linh mục tới để chuyển đến ông sự tha thứ của ngài và tặng ông một chuỗi hạt mân côi. Ông cảm động thốt lên: “Tổ quốc con nguyền rủa con, điều đó cũng hợp lý. Còn Cha, đã …. tha thứ cho con …” và ông đã xin vị linh mục đeo tràng hạt vào cổ cho mình vì ông nghĩ bàn tay vấy máu của mình không xứng đáng đụng tới. Đến ngày gục xuống, ông đã kêu tên Mẹ Maria… Chúa đã tìm lại được Peter Kork.
Mặc dù chống lại tội lỗi và những nguyên nhân đưa đến tội lỗi, nhưng Chúa Giê-su không xa cách những người tội tỗi. Ngược lại, Chúa đến với từng người và mọi người. Cuộc đời Chúa Kitô là một cuộc vươn đến những linh hồn khốn cùng, thế còn bạn thì sao?
Thiên Chúa vui mừng khi chúng ta quyết tâm trở lại sau những lần sai lỗi, khi chúng ta chiến đấu để sửa lại lỗi lầm tính tự nhiên và ráng sức để vượt thắng sự chán nản.