Suy tư - Chia sẻ

Vị Mục tử đich thực

Cập nhật lúc 14:21 11/04/2024
Chúa nhật IV Phục sinh, năm B; Bài đọc 1: Cv 4, 8-12; Bài đọc 2: 1 Ga 3, 1-2; Tin Mừng: Ga 10, 11-18
“Tôi chính là Mục tử nhân lành.Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”.
“Tôi chính là Mục tử nhân lành.Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”.
Nếu là người Công giáo, chúng ta sẽ không lạ lẫm gì với hai danh từ “mục tử” bởi lẽ danh từ này đã được các tác giả Kinh Thánh sử dụng rất nhiều lần trong các tác phẩm của họ. Qua bài viết này, chúng ta sẽ khám phá hình ảnh của người mục tử dựa trên Kinh Thánh mà đặc biệt là Tin Mừng Gioan. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra khám phá ra hình ảnh người Mục tử đích thực của mọi thời.
I. MỤC TỬ LÀ AI? 
Theo nội dung của Cựu ước, hình ảnh mục tử được dùng để diễn tả ở ba cấp độ khác nhau:
Thứ nhất, mục tử là những người chăn nuôi súc vật, đặc biệt trong văn hoá du mục của người Dothái. Họ là những người không chỉ chăn nuôi đàn gia súc mà còn bảo vệ chúng được an toàn và không bị thất lạc. Người chăn nuôi đàn gia súc thường sử dụng cây gậy bên mình để chống trả thú dữ săn mồi, đồng thời họ cũng dùng gậy để xua đuổi rắn rết trước khi lùa đàn vật vào hang.
Thứ hai, danh từ mục tử muốn nói đến những người lãnh đạo dân Dothái, đặc biệt là các vua, bởi họ là người lãnh đạo và bảo vệ an toàn cho dân chúng và vương trượng của họ là biểu tượng cho quyền bính, đồng thời đó cũng là biểu tượng của “cây gậy” để bảo vệ cho sự an toàn cho con dân.
Thứ ba, danh từ mục tử được đặc biệt sử dụng để diễn tả vai trò của chính Thiên Chúa như là mục tử của dân Người như chính tác giả Thánh vịnh đã xác tín rằng: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23:1). Thiên Chúa cũng được diễn tả là mục tử luôn tìm chiên lạc và mang chúng trên vai (Tv 119:176; Is 40:11). Đặc biệt, Thiên Chúa là mục tử quy tụ chiên tản mác khắp nơi về bên đồng cỏ xanh tươi (Ed 34). 
Ba cấp độ diễn tả về mục tử nêu trên, dần cho chúng ta thấy đâu là hình ảnh vị Mục Tử đích thực được mặc khải trong Tân ước, đặc biệt là Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay.
II. MỤC TỬ ĐÍCH THỰC
Người mục tử đích thực phải là người đi trước đàn chiên, trở nên gương mẫu và dẫn đường cho đàn chiên như chính lời của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan: Người mục tử đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh và chúng không theo người lạ, bởi người lạ không phải là mục tử của chúng (x. Ga 10:4). 
Ngoài ra, chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định rằng: “Người làm thuê, không phải là mục tử, vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10: 12-13). Hình ảnh người làm thuê được Đức Giêsu khẳng định không phải là mục tử, họ chỉ được thuê mướn để coi sóc đàn chiên, nhưng khi chiên đối diện với nguy hiểm thì họ để chiên một mình mà chạy trốn. Nói cách khác, những người làm thuê họ không hề quan tâm đến vận mệnh của đoàn chiên và theo các nhà chú thích Kinh Thánh đặc biệt là Skinner cho rằng, những người làm thuê là những người mục tử tệ hại (Gr 23:1-2; Ed 34:10). 
Vậy ai là vị Mục tử đích thực và yếu tố nào để minh chứng điều đó? Trong bài Tin Mừng hôm nay Chính Đức Giêsu đã khẳng định rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10: 11). Hành động hy sinh tính mạng vì đàn chiên là một khái niệm khó tin và không thực tế vào những thế kỷ đầu. Vì thế, lời khẳng định của Đức Giêsu như một “cú sốc” cho dân Palestin vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đây chính là kế hoạch cứu độ của Đức Giêsu được thực hiện qua cuộc khổ nạn và tử nạn của Người. Thực vậy, thánh sử Gioan cũng đã khẳng định rằng Thiên Chúa là tình yêu (agape) và tình yêu đó được thể hiện qua Con Một của Người: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương (agape) của người đã hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu của mình (Ga 15:13). 
Như thế, Chúa Giêsu khẳng định Người là Mục Tử nhân lành, vị Mục Tử đích thực bởi Người đã dùng cả tính mạng mình để bảo vệ đoàn chiên, để cho chiên được sống vầ sống dồi dào. Nói cách khác, Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống mình để cứu rỗi nhân loại, để chuộc chúng ta về với thân phận là con Thiên Chúa như chính thánh Gioan cũng đã xác tín trong bài đọc thứ hai: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1). 
III. MỤC TỬ THỜI NAY
Thế giới ngày nay đang rất cần những mục tử như chính Chúa Giêsu để giúp cho “đoàn chiên nhân loại” được sống và sống dồi dào. Theo thống kê của báo chí vào cuối năm 2023, trong năm này đã có khoảng hơn 30.000 người chết và hàng trăm ngàn người bị thương bởi chiến tranh. Bởi đâu thế giới hôm nay vẫn còn chiến tranh, hận thù, chết chóc và đói khổ? Phải chăng thế giới vẫn còn thiếu những vị mục tử thật sự? Các nhà lãnh đạo các tôn giáo hay các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới này đều được mời gọi sống “tinh thần mục tử” đích thực như chính Chúa Giêsu, tức là sống và hành động vì lợi ích của con dân hơn là lo vun vén cho chính mình. 
Mỗi vị lãnh đạo dù trong đạo hay ngoài đời đều được mời gọi tránh né thái độ của người làm thuê vì người làm thuê thì không phải là “mục tử” nên họ không toàn tâm toàn ý lo cho đoàn chiên. Đặc biệt, đối với với các mục tử trong Giáo hội hôm nay họ được mời gọi “mang lấy mùi chiên” tức là sống gần chiên, lo lắng cho chiên và sống chết với đoàn chiên của mình trong mọi hoàn cảnh, nhất là lúc chiên phải đối diện với những thách đố và nguy hiểm của thời đại. “Mang lấy mùi chiên” chính là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các linh mục trong Giáo hội khi mang trên mình trọng trách của một người mục tử trong thời đại hôm nay. 
Tóm lại, lời mời gọi “vui với người vui, khóc với người khóc” của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Vui mừng và hy vọng (Gaudium et spes 1) vẫn là một lời mời gọi chung cho các nhà lãnh đạo trên thế giới này, đặc biệt là cho những ai là “người môn đệ Chúa Kitô,” Đấng đích thực là Mục tử Nhân lành, Đấng đã dám hy sinh tính mạng mình cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
LM Antôn Vũ Văn Sơn
Thông tin khác:
Vì sao tháng 5 lại được coi là tháng Đức Mẹ? (05/04/2024)
Gặp gỡ Đức Giêsu Phục sinh (05/04/2024)
Đôi chút tâm sự về nỗi sợ (05/04/2024)
Thiên Chúa một dạ xót thương (28/03/2024)
Gặp gỡ Chúa Phục sinh (28/03/2024)
Đấng bị đóng đinh đã sống lại (27/03/2024)
Cha khát (27/03/2024)
Đau khổ dẫn đến ơn cứu độ (20/03/2024)
Yêu thương và hy sinh (20/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log