Với năm tuần chữa bệnh, tôi ngoại trú ở nhà cháu dưới thành phố, cách nhà hơn 20 cây số. Nơi đây tôi phải cố gắng để thích ứng với một nhịp sống khác hẳn ở quê.
Hơn tháng ấy, tôi phải “cách ly” với nhà thờ, với máy tính. Đêm không ngủ thì cứ xâu chuỗi cầm tay thầm thì. Vì không vướng bận viết lách nên những ngày này tôi chẳng phải nặn óc bóp trán gì cả. Trong nhà chỉ tôi với bé gái mới sáu tuổi là rảnh rang nhất. Nó hỏi bà có phải một bệnh nhân không? Tôi gật đầu. Nó bảo vậy thì bà cần phải có một người chăm sóc. Vậy là bé đảm nhận luôn việc cho bà ăn, uống thuốc khéo ơi là khéo, trong khi chính nó nhiều bữa vẫn phải nhờ mẹ bón cơm cho mình. Có bữa nó chạy lên phòng hỏi tôi rồi chạy xuống nhà bếp giục: “Mẹ ơi! bà đồng ý ăn rồi, mẹ lấy cơm để con cho bà ăn!” Tôi đang đau quá mà trong lòng thấy vui vui.
Được ít bữa thì vào năm học mới. Cả nhà cháu lúc này khá đông người vì gộp hai gia đình, ai cũng có việc người nấy. Sáng ra anh chồng dậy thật sớm rồi thắng xe đi. Vợ dậy lo ăn sáng cho cả nhà rồi đi làm. Có hôm thằng con báo cáo xin tiền tranh thủ ăn xôi gần trường cho nhanh. Vậy là phải giải quyết kiểu “mì ăn liền” cho nó, lại thừa đồ ăn mẹ nấu. Ai cũng lục đục hối hả, rồi 7 giờ sáng nhà lại vắng tanh. Hai bạn học sinh tiểu học thì ăn trưa tại trường mãi tới 5 giờ chiều mới về. Tôi đang nằm dài thấy thằng bé mang balô về ngó vào phòng “hello bà” nghe vui ghê! Mẹ cháu đi làm 11 giờ 30 mới về, tập họp gia đình rồi cả nhà ăn trưa. Chỉ hơn 1 giờ chiều lại lên đường đi học, đi làm. Cô em giáo viên thì vội rửa chén bát, chạy đi ngủ trưa vẫn để nguyên bộ váy áo đóng thùng, để lát nữa mới kịp đến trường giờ lên lớp.
Cháu trai lớp 12 cũng ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương chút xíu rồi đi học chiều. 5 giờ về tới tôi gọi cần giúp xíu thì nó giục mau mau để con vào ca học tại nhà, thầy đã đến rồi. Có buổi sáng sớm, mẹ gọi dậy đọc kinh vắn tắt rồi xuống ăn sáng cho mau, nó lại thưa đang tắm, bởi tối hôm trước hai môn học khác nhau, ca học tại nhà trễ tới hơn 10 giờ mới xong, chưa kịp tắm rửa.
Buổi tối Chúa nhật cả nhà tụ họp để dự lễ onlie chung. Í ới tập họp mãi mới đủ để bắt đầu dù đã 8 giờ tối. Có hôm tôi cũng gắng nhập cuộc làm gương. Gần chục người gồm cả người lớn, trẻ nhỏ trong một căn phòng giống như một nhà thờ nho nhỏ, cũng hát vang vang ca tụng, thấy sốt sắng êm đềm, xóa tan mọi âu lo hối hả bên dòng chảy cuộc đời xô bồ cấp tốc.
Đang ngày lại ngày cứ hối hả với vòng quay cuộc sống như thế, bỗng ngày kia bệnh dịch trong thành phố trở nên phức tạp. Trường học đóng cửa cho học trực tuyến. Con trai lớn bỗng bị trở thành F1 phải cách ly tại nhà, những người còn lại thành F2 phải nghỉ làm, nghỉ dạy... Bắt buộc mọi người phải sống chậm lại, ở nhà phục vụ nhau tận tình, dù mỗi người giam mình trong phòng riêng mãi trên lầu. Tôi ở xa nhưng luôn nhắc cháu đọc kinh Mân côi xin Đức Mẹ cứu giúp, mở mạng đọc kinh thánh Giuse để khẩn cầu. Thay vì chỉ lễ online Chúa nhật thì nay dành giờ dự hằng ngày. Con phải quyết tâm sống ngoan hơn, hết lòng tin tưởng, cây trông phó thác trong tay Chúa nhân lành. Nguy cơ nhiễm bệnh rất cao nhưng Chúa ra tay biết đâu mình được cứu thoát. Nó một hai vâng dạ nhưng thực hành không biết được mấy nữa. Tạ ơn Chúa hay thương vô cùng, tất cả những lần xét nghiệm của cháu đều âm tính và cuối cùng cả nhà được gỡ cách ly nghiêm ngặt.
Ngày hôm nay nhiều gia đình, nhất là những gia đình sống ngoài phố thị luôn phải sống trạng thái vội vã, mệt mỏi trong cảnh đất chật người đông. Vì cha mẹ thiếu giờ và không gian cho sự gắn kết gia đình, dẫn tới cảnh mỗi người một nơi, con cái không còn thích cơm mẹ nấu. Không có cảnh chăm hoa tưới vườn, trồng rau nuôi gà... Bữa cơm tối tụ họp gia đình bên nhau cũng khó vì mỗi người có không gian riêng thời giờ khác nhau, nói chi cùng nhau cầu nguyện. Ước mong sao mỗi gia đình đều ý thức để sống chậm lại, để dù giữa cuộc sống vất vả bon chen, vẫn biết sắp xếp để có giờ cho nhau, bên nhau mỗi ngày. Nhờ gắn kết với nhau trong mọi công việc, cùng ăn uống, cùng nghỉ ngơi và cùng cầu nguyện, cuộc sống sẽ an bình thư thái, gắn bó yêu thương và đồng lòng vượt qua mọi gian khó cuộc đời nhờ ơn Chúa chúc lành và thánh hóa.