Đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 |
Thành phố Cần Thơ có 38.028 người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số toàn thành phố (trong đó đồng bào dân tộc Khmer có 6.198 hộ, với 23.691 người, chiếm tỷ lệ 62,3% tổng dân số dân tộc thiểu số).
Theo báo cáo về kết quả 25 năm thực hiện Thông báo số 165-TB/TW, ngày 4/9/1998, của Thường vụ Bộ Chính trị (nay là Ban Bí thư) về chủ trương đối với Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) trong tình hình mới, trên địa bàn thành phố hiện có 13 tôn giáo, với 27 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, có 3 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 551 chức sắc, 2.023 chức việc, 499.027 tín đồ các tôn giáo (chiếm tỷ lệ trên 40% dân số thành phố). Trong đó 242.400 tín đồ PGHH, chiếm tỷ lệ 20,17% dân số. Tín đồ PGHH sống tập trung đông nhất là quận Thốt Nốt, quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh. Tín đồ PGHH chủ yếu làm nghể nông và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm Hiến chương của Giáo hội PGHH, thực hành các nghi lễ theo đúng giáo lý, giáo luật. Trong thời gian qua, đồng bào PGHH đã tích cực tham gia phong trào toàn dân yêu nước, các hoạt động từ thiện, góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh...
Về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, báo cáo của Thành ủy Cần Thơ cho thấy, đồng bào dân tộc Khmer phần lớn theo Phật giáo Nam tông Khmer, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các chùa. Toàn Thành phố hiện nay có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 1 Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước với 29 thành viên và 1 Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố quan tâm chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao, từng bước giảm nghèo hiệu quả... Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp chức sắc, tín đồ tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương được phát huy, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của thành phố; xây dựng lực lượng cốt cán là những người có uy tín, ảnh hưởng sâu sắc trong tín đồ để làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia giải quyết các vụ việc trên địa bàn.
Xác định công tác dân tộc và tôn giáo là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp đảng, Sở, Ban ngành tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS và đã có hiệu quả tích cực. Các chương trình mục tiêu giảm nghèo, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả.
Thành phố Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời giải quyết, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và kích động gây chia rẽ dân tộc, chống Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các cơ quan thông tin, truyền thông, thành phố thường xuyên có chuyên mục định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố quan tâm đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ và duy trì các loại hình văn hóa như: múa lâm thôn, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, múa lân sư rồng của người Hoa.
Nhờ sự tập trung, chăm lo và sự phấn đấu vươn lên nên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 1,14% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,38%.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, Cần Thơ tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc ngày càng chất lượng và hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo trên địa bàn.
Ông Đỗ Văn Phới - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc tại Thành ủy Cần Thơ |
Đánh giá tại buổi khảo sát tại Cần Thơ về 25 năm thực hiện Thông báo số 165-TB/TW của Thường vụ Bộ Chính trị về chủ trương đối với Phật giáo Hòa Hảo trong tình hình mới và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới nhấn mạnh: Thành phố Cần Thơ tăng cường đoàn kết các tôn giáo góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; quan tâm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong tôn giáo; chú trọng phát triển đảng viên trong đồng bào tôn giáo; bồi dưỡng, đào tạo và phát huy vai trò của các cán bộ làm công tác tôn giáo ở địa phương…
Để công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được thực hiện, tốt hơn nữa trong thời gian tới, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị thành phố Cần Thơ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; quan tâm giải quyết sinh kế, việc làm trong đồng bào dân tộc Khmer, hướng tới giảm nghèo bền vững; đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề giáo dục, tạo nhiều thuận lợi trong việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết Khmer; tiếp tục phát huy phong trào Đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào; phát huy vai trò của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer, vai trò của người có uy tín...