Tin tức - Hoạt động

Chợ Tết

Cập nhật lúc 09:06 10/02/2017
Dù đi đâu về đâu, chỉ cần nhìn những tờ lịch cứ mỏng dần đi là lại khắc khoải một nỗi nhớ nhung... chợ Tết.

Chợ hoa ngày tết 

Trong không khí háo hức chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy và trọn vẹn, có một thú vui mà có lẽ bất cứ ai từ già đến trẻ đều rất thích đó là đi chợ Tết. Chợ Tết là bức tranh với nhiều mảng màu sắc sỡ: màu xanh của lá dong xen lẫn sắc đỏ của câu đối, của đen hoa trang trí, của bánh mứt kẹo cùng trăm hồng ngàn tía của những loài hoa còn động sương theo những gánh hàng rong ruổi ra chợ bán. Sắc màu ấy như một nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người như một phần không thể mất. Cũng vì thế mà nó sống lâu bền trong tâm thức mỗi người dù đi đâu về đâu, chỉ cần nhìn những tờ lịch cứ mỏng dần đi là lại khắc khoải một nỗi nhớ nhung... chợ Tết.

Với người dân nước Việt, Tết luôn là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm nhắc nhở về bao cảm xúc. Thời gian đến rồi đi, bốn mùa thay lá nhưng Tết không cũ đi mà ngược lại luôn mới và có những sự hấp dẫn riêng. Một trong rất nhiều điều khiến người ta mong ngóng về Tết chính là chợ Tết, nơi cảm nhận một cách trọn vẹn bầu không khí đón mừng năm mới: Rộn ràng, háo hức, mong chờ.

Muôn đời cũ kĩ nhưng chợ Tết xưa vẫn sở hữu một ma lực, có sức hấp dẫn đặc biệt với bất kì ai. Người ta đến chợ để sắm Tết và cũng là để... ngắm Tết, để cảm nhận những sắc màu tươi mới mà chỉ ở đây, chỉ nơi này mới có. Đã có thể là hình ảnh bà lão răng đen bõm bẽm nhai trầu ngồi bên gánh lá dong xanh mướt, giang lạt trắng phau hay ông đồ già nghiêm cẩn trong chiếc áo the nắn nót bên mực tàu giấy đỏ... Đó có thể là sắc màu bắt mắt của những sản vật quê hương được người dân cất công mang về từ những nơi xa xôi ra chợ bán. Chợ Tết vì thế là sự giao thoa giữa sắc màu của nhiều vùng đất nông nghiệp với đủ các sản phẩm do con người một nắng hai sương làm ra. Từ các loại gạo nếp, gạo tẻ, quả gấc chín đỏ để đồ xôi, những phên đường mía, mật mía... cho tới quả cam chín hồng, những quả bưởi vàng mơ. Những quả cau nho nhỏ, những là trầu xanh... tới những gà, vịt ngan ngỗng... cho tới măng rừng, cá biển cũng hiện diện đầy đủ trong phiên chợ Tết. Đặc biệt, chợ Tết là nhất định phải có hoa. Hoa và cây cảnh những ngày này được bày bán nhiều hơn những ngày thường, loại cây cảnh và hoa cũng đa dạng hơn và xuất hiện nhiều loại hoa lạ rất đẹp, rất mới. Những người đi mau hoa trưng Tết mang một phong cách khác hẳn. Không vội vã đua chen họ luôn mang dáng vẻ trầm ngâm, suy tư và... lưỡng lự. Có khi quanh đi quẩn lại mấy ngày liền mới hồ hởi mang về một chậu cây, để rồi hỉ hả khi nói gói ghém được sở thích, được ước nguyện cả một năm. Trong tiết trời bảng lảng sương giăng, trong cái lạnh se se những sắc hoa đào, hoa mai rực rỡ như màu hoa trên áo mới, lòng người lớn ấm lên vì những bông thược dược cành to và dày đượm màu mủ sắc, những bông cúc đại đóa vàng tực cả một gánh hàng hoa. màu hoa, hương hoa ấy mà hội tụ trong căn hộ nhỏ nơi góc phố Hà Nội những ngày xuân, sẽ không chỉ phủ đầy không khí Tết mà còn giúp xua tan đi bao mệt nhọc, lo toan của cả một năm dìa phấn. Tất cả tạo nên một phong vị rất Tết, một sự sung túc, háo hức trong lòng người.

Chợ Tết hôm nay cũng vẫn là chợ Tết xưa. Cũng đông vui và đầy ắp mọi thứ. Nhưng cuộc sống hiện đại đã làm cho chợ Tết bây giờ đa dạng, tiện lợi và văn minh hơn nhiều. Hàng hóa rất sẵn, mọi người không phải lo mua sắm từ nhiều ngày trước Tết như xưa. Người Hà Nội không còn phải bấm ngày để đi chợ như các cụ ngày trước, mà cứ đủng đỉnh, thong dong, ngày nào cũng có thể ghé qua chợ.

Nhưng người ta vẫn thích cái không khí của chợ Tết xưa hơn. Đến chợ Tết để thấy Tết đang đến thật gần. Tết cảm giác như chạm được vào tay khi cầm được trên tay, cảm nhận cảm giác thích thú khi nâng lên đặt xuống, hít hà khám phá, món đề trưng Tết ưng ý. Cũng chính vì thế chợ Tết trở thành nỗi nhớ không dễ gì có thể xóa nhòa hay quên lãng; nó trở thành miền ký ức thiêng liêng của bao người Việt từ xa xưa cho đến tận hôm nay. Và mãi sau này mong ký ức ấy cứ nối dài để người trẻ phần nào cảm nhận được những vẻ đẹp mộc mạc mà giàu chất thơ của phiên chợ Tết để từ đó thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương 

 
LÊ MINH
Thông tin khác:
TẾT không pháo VẪN VUI (10/02/2017)
Thực hiện tốt chính sách tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (09/02/2017)
Người Công giáo ăn Tết như thế nào? (09/02/2017)
Đức Thánh Cha tiếp tục công việc cải tổ cơ quan Tòa Thánh (08/02/2017)
Từ sự thật Thánh Kinh tới sự thật lịch sử (08/02/2017)
Bước tiến mới của nhà nước pháp quyền về tôn giáo (08/02/2017)
Đảng, Chính quyền và các tôn giáo đến thăm và chúc tết cho nhauNăm Đinh Dậu (2017) (08/02/2017)
Mùa xuân khích lệ người (07/02/2017)
Phong trào thi đua yêu nước có bước phát triển mới (07/02/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log