Tin tức - Hoạt động

Nối kết người ở xa nhưng chia xa người ở gần

Cập nhật lúc 06:51 16/07/2021
Ai cũng phải công nhận rằng thời đại 4.0 đã làm cho thế giới này ngày một thăng hoa vượt bậc, tươi đẹp lên biết bao nhiêu nơi các gia đình, xã hội và cả trong Giáo hội nữa.
Hãy đặt điện thoại xuống và gần nhau hơn!
Hãy đặt điện thoại xuống và gần nhau hơn!
Ai cũng phải công nhận rằng thời đại 4.0 đã làm cho thế giới này ngày một thăng hoa vượt bậc, tươi đẹp lên biết bao nhiêu nơi các gia đình, xã hội và cả trong Giáo hội nữa.

Bản thân người viết dù chỉ quanh quẩn bốn bức tường nhà, nhưng nhờ internet, được sống liên đới với rất nhiều bạn bè thân thuộc xa gần gồm đủ mọi thành phần, tuổi tác. Trang cá nhân còn giúp tôi nối kết lại với những bạn học từ thuở hàn vi cách mấy chục năm, nay được gặp lại mà thông chia vui buồn của đời sống dương gian. Ai đó ốm đau, gặp nạn mà chưa đến thăm được thì tôi vào tạm đó để mà an ủi sớt chia, cũng được ấm lòng người bệnh. Chị tôi bị gãy chân, ngồi nhà sốt ruột thương chị đành gọi chia sẻ với chị trên mạng vậy, cũng nhìn rõ cái giò của chị bị bó bột cứng nhắc, nó đã trói chị thành người bất toại hơn cả tôi, vì chị vốn đang khỏe mạnh. Qua hai tuần sau tôi mới lên tận nơi thăm chị bù lỗi. Đặc biệt facebook của tôi giống như mảnh đất trồng để hằng ngày gieo hạt, loan báo Tin Mừng Lời Chúa, bằng những bài viết suy niệm Tin Mừng và suy tư cuộc sống. Thi thoảng không có bài viết tôi mới treo lên tấm hình cho “vui cửa mát nhà” tí chút. Ước mong những trang viết đơn sơ mộc mạc có ngày Chúa cho mọc lên thành cây lúa xanh với nhiều bông hạt. 

Thật kỳ lạ, nhiều người đã lớn tuổi, xưa nay chỉ chân lấm tay bùn nay cũng mở trang cá nhân như đám trẻ thời hiện đại. Lý do chính là để nối kết với những đứa con đi làm ăn xa xứ ở nước ngoài. Ngày ngày bố mẹ có thể nhìn thấy và trò chuyện với con mình. Những đứa trẻ ríu rít khoe bố mẹ đang ở xa bao niềm vui nỗi nhớ, nhờ vậy xa mặt mà không bị cách lòng.

Giữa thời đại dịch phải giãn cách xã hội này, học sinh, sinh viên vẫn có thể học online, phụ huynh cũng họp trực tuyến luôn, làm việc công nghệ cũng trên máy tại nhà... tất tần tật trên cái “thế giới ảo” ấy.

Sống chung với đại dịch, mọi sinh hoạt cộng đồng trong Giáo hội cũng bị ngưng, “thế giới phẳng internet” còn giúp ta nối kết với Chúa khi tham dự thánh lễ trực tuyến, chầu Thánh Thể và nhiều tiện ích khác nữa.

Mạng internet giúp nối kết những người ở xa lại với nhau dù nửa vòng trái đất. Nhưng cũng không thể phủ nhận chính nó lại làm chia xa những người ở gần. Trong một buổi gặp gỡ với giới truyền thông, Đức Giám mục Anphongsô Nguyễn Hữu Long đã nói với chúng tôi về cái hệ lụy của truyền thông thời đại: trong chuyến bay quốc tế, ngài ngồi trong máy bay quan sát thấy cả mấy trăm người ngồi bên nhau nhưng không ai chuyện trò, hỏi thăm, gặp gỡ ai hết. Mỗi người chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại, máy tính bảng riêng của mình mà thôi. Ngồi cạnh nhau, khoảng cách thật gần mà lòng thì vẫn xa vời vợi như cái khoảng cách từ nước nọ tới nước kia theo quốc tịch của họ vậy.

Hiện tại trong các gia đình cũng ở tình trạng gần mặt mà cách lòng. Mẹ đi làm về bé không chạy ra ôm vai bá cổ nữa, mà chỉ xin mượn điện thoại của mẹ chơi là vui nhất. Không đi lễ mà thằng cháu hôm nào cũng hỏi bà ơi tối nay có lễ không? Mãi sau mới ngầm hiểu, mẹ đi lễ sẽ để điện thoại ở nhà, nó tha hồ tranh thủ vui với chiếc điện thoại, vì trong đó có thế giới riêng của nó. Người lớn gọi mãi không thấy thưa, có vâng dạ đợi con tí rồi lại say sưa trên thế giới ảo của nó, hoặc đủ thứ trò trên truyền hình. Buổi tối giờ nghỉ ngơi, thiếu cảnh cha mẹ con cái sum vầy chuyện trò ríu rít, nhà đầy ắp tiếng cười nữa, mà ai có “việc riêng” của người đó: mẹ bận... livestream, con chơi điện tử... Bao bạn trẻ yêu chiếc điện thoại hơn cha mẹ. Mẹ dạy chưa nghe nhưng một tin nhắn trong điện thoại là sẵn sàng lên đường đi ngay không hề lần lữa.

Giữa thế giới đầy biến động và phát triển tột bậc hôm nay, ước mong sao mỗi người nhìn ra điều tốt đẹp, bổ ích trong thế giới phẳng, đồng thời cũng nhìn thấy rõ mặt trái của nó để biết chấn chỉnh, cân bằng các mối tương quan trong gia đình. Mỗi người cần biết quan tâm, cho nhau thời giờ, sức lực với tình yêu thương, chứ không phải gần mặt mà lòng cách nhau ngàn dặm. Khi ta đánh mất tương quan trực tiếp người với người, tiêu cực sẽ xảy ra và phá tan những mối tương quan tốt đẹp trong tim mọi người.
 
NGUYỄN THỊ DUẨN
Thông tin khác:
Đi chúc mừng quan thầy một số đấng bậc ở Hà Nội (15/07/2021)
Hội nghị UBTƯMTTQ Việt Nam lần thứ 5: Hiệp thương cử ông Lê Tiến Châu giữ chức Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam (15/07/2021)
Thiếu nhi vẽ tranh ủng hộ Quỹ vắc-xin (14/07/2021)
Một cuộc chiến không biên giới chống virus Corona (13/07/2021)
Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (12/07/2021)
Quảng Nam "Cái nôi" Hội thánh Tin lành Việt Nam (12/07/2021)
Người Công giáo trong những ngày dịch bệnh (10/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp đồng lòng phòng chống dịch Covid-19 (09/07/2021)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mặt trận hai nước Việt Nam - Lào (08/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log