Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị tháng 3/1964. Ảnh: TL |
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi hoàn cảnh đất nước còn cực kỳ khó khăn và gặp nhiều thách thức. Một trong những cách mà Bác giải quyết những điều đó là mời các chuyên gia, các nhà khoa học người Việt Nam và cả nước ngoài về Việt Nam cộng tác, làm việc. Ngày 20/11/1946, trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” của đất nước khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, trên báo Cứu quốc số 411 đã đăng Thông lệnh Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Bên cạnh đó việc tuyển chọn nhân tài, Bác đề cao việc người đó phải trung thành với đất nước, không phản bội quyền lợi dân tộc, không phân biệt người tài ít, người tài nhiều: “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng người tri thức, mạnh dạn trao cho người trí thức những chức vụ tương xứng với tài năng và đức độ của họ. Nhiều quan lại, trí thức của triều đình phong kiến đi theo cách mạng, như các vị Bùi Bằng Đoàn (Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn); Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim); Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền đức vua Bảo Đại);...