Việt Nam-Singapore thúc đẩy công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vắc-xin. Ảnh: CTV |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố “Việc cung cấp vắcxin chống covid-19 cho toàn dân là một trong hai nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Một chiến dịch tiêm phòng chống covid-19 chưa từng có bắt đầu từ tháng 7/2021 trên toàn quốc”. Để làm công việc tối cần thiết và khẩn cấp ấy, Nhà nước đã và đang huy động các nguồn vắcxin từ nước ngoài về nước mình, đồng thời thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắcxin được sản xuất trong nước và khẩn trương hợp tác sản xuất với nước ngoài”.
Tôi nêu những điều cơ bản ấy với mấy cụ bạn cùng tập thể dục dọc hành lang khu chung cư. Nhiều lời đáp lại rằng “chúng tôi đều đã biết”, “ai cũng hoan nghênh Chính phủ tận tâm tận lực chống dịch cứu dân”. Song cũng có cụ e ngại phải tiêm phòng. Hiểu tâm tư ấy, một cụ là bác sĩ về hưu có lời bàn: “Trong chiến dịch tiêm vắcxin, Thủ tướng đặt lên hàng đầu là phải an toàn. Ai được tiêm ngay, ai chưa được tiêm, ắt có cán bộ y tế chỉ định. Chúng ta cứ yên tâm”.
Một cụ thạo tin tiếp lời cụ bác sĩ: “Ở đâu vắcxin được sử dụng rộng rãi thì ở đó covid-19 bị đẩy lùi, cuộc sống trở lại ổn định. Bên Mỹ, bà tiến sĩ Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nêu rõ: “Những ca tử vong do Covid-19 gây nên đều nằm trong số những người chưa được tiêm vắcxin. Cụ thể, vùng trung và đông nam nước Mỹ người tử vong có số lượng cao. Còn các bang Đông Bắc và miền Tây - nơi các vị thống đốc bang quan tâm việc tiêm vắcxin cho dân chúng thì sự lây lan covid-19 đã chấm dứt. Ở châu Âu thì kết quả việc tiêm chủng được minh họa bằng nửa tỉ người an tâm và tưng bừng đón chào lễ hội bóng đá”.
Bàn về không khí khẩn trương và thành quả sử dụng vắcxin chống covid-19 hiện nay, tôi nhớ câu chuyện “ngoại giao vắcxin đầu thế kỷ XIX. Tướng Pháp Napoléon khởi xướng chiến tranh với nước Anh. Lúc đó, bác sĩ người Anh Edward Jenner nghiên cứu và quảng bá vắcxin đậu mùa và cung cấp cho phía Pháp. Sau khi toàn bộ binh lính Pháp được tiêm chủng, Napoléon đáp lại bằng việc thả hàng ngàn tù nhân cùng một số nhà khoa học người Anh. Lại nữa, suốt 80 năm đầu thế kỷ XX, nhiều nước xuất hiện dịch bệnh đậu mùa, hàng triệu người bi chết. Chỉ đến khi Mỹ và Liên Xô hợp tác phân phối vắcxin rộng rãi, cộng với những nỗ lực của nhiều quốc gia về giám sát, phát hiện, truy tìm dấu vết, thực hiện cách ly và điều trị người bệnh, nạn dịch mới hết.
Từ những thành tựu liên kết quốc tế trừ dịch đã có, các cụ ở khu dân cư tôi có chung nhận định chúng ta sẽ dẹp được giặc covid-19 nguy hiểm, cho dù nó đang rất ngoan cố, với lý do, bên cạnh sức mạnh toàn dân, Việt Nam còn cuốn hút được sức mạnh của cộng đồng quốc tế. Chỉ tính riêng lĩnh vực hợp tác quốc tê chống covid-19 cũng khá rõ. Việt Nam sớm cung cấp cho thế giới những kinh nghiệm quý về ngăn chặn covid-19 và nhiều nước đã áp dụng có hiệu quả. Đáp lại nhiều nước đã và đang chia sẻ thuốc đặc trị covid-19 cho Việt Nam. Tại nhiều địa phương, nhân dân ta đã và đang sử dung sản phẩm mang nhãn hiệu nhiều nước thuộc Âu, Á, Mỹ, Úc…Nhiều nước còn thỏa thuận hợp tức sản xuất loại thuốc đặc trị ấy tại Việt Nam.