Tin tức - Hoạt động

Gia Kiệm những ngày phong tỏa

Cập nhật lúc 15:00 29/07/2021
Quang cảnh giáo xứ Đức Long, giáo hạt Gia Kiệm, GP. Xuân Lộc.
Quang cảnh giáo xứ Đức Long, giáo hạt Gia Kiệm, GP. Xuân Lộc.
Gia Kiệm đối với tôi là cả một trời kỷ niệm. Tôi đã có thời tuổi trẻ gắn bó với vùng đất Kiệm Tân tỉnh Long Khánh, gồm hai xã Gia Kiệm, Gia Tân trước năm 1975, lúc còn là một thầy giáo trẻ, sống trong nhà xứ Thanh Sơn hai năm trời. Nghe tin Gia Kiệm bị phong tỏa vì có người dương tính với Covid-19 trong chuỗi lây nhiễm từ chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), lòng tôi không khỏi xốn xang về một vùng đạo hiền hòa, còn là một “Vùng lương thực” cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh các loại nông sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm.
Bản tin của Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thống Nhất ngày 26/6/2021 đưa: “Sau khi nhận được thông tin từ CDC Đồng Nai vào tối 26/6, huyện Thống Nhất có 03 ca mắc Covid-19 tại các xã Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3. UBND huyện phối hợp tổ phản ứng nhanh CDC tỉnh đã khẩn trương xuống thực địa xác minh...”. Ngày 27 tháng 6 vùng Gia Kiệm có quyết định phong tỏa. Chị Dung Nguyễn, một người bạn tôi, giáo dân giáo xứ Phát Hải viết trên Facebook cảm nghiệm của mình nhằm thông tin cho những người con, người đồng hương của miền đất hiền hòa này những dòng cảm xúc thật tha thiết mà cũng là những nhắc nhở người mình ngay khi Gia Kiệm bị phong tỏa. 
GIA KIỆM - NGÀY DẬY SÓNG
“Thế rồi dân Gia Kiệm không còn yên ổn khi dịch bệnh tràn tới. Thật ra đây là điều khó tránh khỏi, bởi hằng ngày biết bao chuyến xe buôn bán hàng hóa, giao thương đến các chợ đầu mối Sài Gòn từ mấy chục năm nay chưa ngày nào ngừng nghỉ. Việc làm ăn không chỉ cung cấp thực phẩm cho người Sài Gòn, mà còn tiêu thụ nông sản cho địa phương nữa. 
Do đó, khi Sài Gòn bùng dịch, nguy cơ cho Đồng Nai rất gần, và những người thường xuyên đến vùng dịch phải tuyệt đối thực hiện 5K, hạn chế tối đa thời gian lưu lại ở đó, hoặc phải chấp nhận giảm lãi bằng các phương cách “giãn cách” (tức là không đi buôn chung xe, chuyển sang phương thức gửi hàng), để giảm thiểu lây nhiễm, nhưng hình như chúng ta còn lơ là lắm. Đêm qua, Gia Kiệm thức trắng bởi những người phun khử khuẩn, giăng dây khoanh vùng F0, di chuyển F1 cách ly, có biện pháp với các F khác, họp bàn phân công nhiệm vụ chống dịch và có cả số người....đi xem (!). 
Sáng nay, tranh thủ đi chợ thật sớm khi còn ít người, tôi phát sợ khi thấy rất nhiều người chủ quan: Đeo khẩu trang nhưng kéo xuống khỏi mũi, miệng để thở. Gặp người quen đứng lại trò chuyện. Mua bán nói cười rôm rả. Chen chúc trong một quầy hàng....mà lẽ ra phải mua cho nhanh chóng mà về, rất hạn chế nói, đeo khẩu trang kín mũi miệng, tới nhà phải khử khuẩn ngay... 
…Sóng đã nổi lên, những ngày kế tiếp chưa biết thế nào. Chúng ta phải biết virus Covid chưa có thuốc đặc trị, cơ sở y tế không đủ các thiết bị trợ thở cho bệnh nhân, đường lây nhiễm rất dễ và cũng không khó phòng tránh, và đặc biệt dầu bạn chưa là F0, nhưng chỉ cần là F1 thì lập tức bị đưa đi cách ly, rồi thành F0 dễ dàng. 
Do đó, đừng ra ngoài, đừng giao tiếp khi không cần thiết, mang khẩu trang đúng cách, khử khuẩn, chấp nhận đóng cửa hàng với những ai không quá bức thiết cần thu nhập ít ra là trong thời gian phân định các F. Vì một điều đơn giản, có tiền mà không giữ được mạng sống thì chẳng để làm gì. 
Và một điều không thể quên: Chúng ta cùng dâng những hi sinh, việc bác ái, lời kinh nguyện, một lòng hướng về Đấng Chí Thánh xin phó thác trong sự quan phòng của Chúa.
TÌNH NGƯỜI GIA KIỆM
Trong những ngày này, người Gia Kiệm mớí bộc lộ rõ tình bác ái sẻ chia với nhau, không chỉ xứ nào biết xứ ấy, xã nào biết xã ấy. Khi biết toàn vùng Gia Kiệm bị phong tỏa để phòng chống Covid-19, Đức Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân đã gửi thư chia sẻ với quý cha, quý tu sĩ và giáo dân. Ngài nhấn mạnh: “Xin các cha Quản hạt, cùng với quý cha trong hạt, dấn thân tìm hiểu tình hình lương thực địa phương mình: thực phẩm nào còn thiếu cần trợ giúp, hoặc thực phẩm nào số lượng dồi dào có thể gởi đi cứu trợ… và các cha quản hạt thông báo cho nhau để nguồn thực phẩm luân chuyển hợp nhu cầu, không bị phí phạm và đến được nơi anh chị em chúng ta đang cần trợ giúp hơn…”.
“Siêu thị giáo xứ Đức Long 0 đồng đây, siêu thị giáo xứ Đức Long 0 đồng đây, siêu thị giáo xứ Đức Long 0 đồng đây…”. Đây là tiếng rao của “siêu thị di động 0 đồng” mà giáo xứ Đức Long xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất đang triển khai để giúp đỡ bà con trên địa bàn xã Gia Tân 2. Hằng ngày, vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, “siêu thị” sẽ len lỏi khắp các đường dong, ngõ hẻm để gửi đến các hộ gia đình khó khăn những phần thực phẩm hoàn toàn miễn phí để giúp họ vượt qua cơn đại dịch. Giáo xứ đã không ngần ngại biến khu nhà mục vụ của giáo xứ mới xây chưa đưa vào sử dụng thành nơi tập kết đồ tiếp tế.
Ông Vũ Huy Hoàng - Chánh trương giáo xứ Đức Long xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất cho biết: “Thực sự khi mà dịch đến, phải phong tỏa, các gia đình ở trong giáo xứ cũng như trong vùng miền không kịp chuẩn bị, chính vì lẽ đó chúng tôi kêu gọi mạnh thường quân trong và ngoài xứ giúp chúng tôi để tạo khuôn viên giáo xứ Đức Long thành khu chợ 0 đồng. Nhưng chỉ để tại nhà xứ thì không thể đáp ứng hết được, nên chúng tôi tạo một chiếc xe 0 đồng để di động giúp đỡ tất cả mọi người trong cũng như ngoài giáo xứ”.
Không chỉ riêng giáo xứ Đức Long, mà tất cả các giáo xứ trên địa bàn huyện Thống Nhất đã trưng dụng khuôn viên nhà thờ thành nơi tập kết đồ tiếp tế cho người dân từ các nguồn vận động. Từ ngày đầu khi dịch Covid có trên địa bàn xã Gia Tân 1 đến nay, giáo xứ Dốc Mơ bị cách ly, phong tỏa hoàn toàn, mọi người ai nấy đều nghĩ về nhau, nhất là những người còn khó khăn. Ban hành giáo kêu gọi bà con của giáo xứ trong và cả ngoài nước gửi về ủng hộ, hằng tuần đều công bố trên trang Web của giáo xứ.
Ông Vũ Thanh Quang- Đại diện Ban hành giáo, giáo xứ Dốc Mơ, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất nói: “Lúc đầu trong giáo xứ chúng tôi có 3 địa điểm bị cách ly tại 3 xóm, giáo xứ kêu gọi bà con hỗ trợ cho 3 xóm đó, không thiếu thốn gì cả. Rồi cách ly cả xã, cả giáo xứ, giáo xứ cũng giúp đỡ cho tất cả mọi người. Bên ngoài giáo xứ có những hộ nghèo, khó khăn chúng tôi vẫn sẵn sàng đến chia sẻ”.
Linh muc Lê Vinh Hiến- Chánh xứ giáo xứ Hưng Bình- Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất cho biết: “Chúng tôi là các linh mục ở huyện Thống Nhất cũng thống nhất với nhau kêu gọi bà con giáo dân, đặc biệt là ban điều hành các giáo họ, ban hành giáo kêu gọi những ai có thể được thì giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cách này hoặc cách khác có khi thì gạo, có khi thì rau và nhiều thứ khác nữa”.
Những ngày phong tỏa, chị Thảo Thanh, trên trang tin của giáo xứ Võ Dõng chia sẻ cảm nghĩ về những hoạt động của đội tình nguyện của giáo xứ: “Gia Kiệm mấy hôm nay ngập tràn nghĩa tình ủi an. Vào xem những trang thông tin, lòng bỗng rưng rưng khi nhìn thấy hình ảnh những chuyến xe chở đầy ắp rau củ, lương thực và nhu yếu phẩm cứu trợ cho những khu xóm bị cách ly. Khắp nơi, dễ thấy hình ảnh đội tình nguyện tiếp sức cho các anh dân quân áo đẫm mồ hôi bằng những ly nước, cà phê, giải khát mỗi ngày. Hội Phụ nữ ngày ngày chuẩn bị và cung cấp các bữa ăn cho anh em dân quân đảm bảo để sức khỏe thực hiện nhiệm vụ”. Võ Dõng không chỉ lo cho bổn đạo mình nhưng còn sẻ chia nông sản, thực phẩm cho các giáo xứ bạn. Thậm chí gửi về giúp bà con nghèo thành phố Hồ Chí Minh những sản phẩm của vùng Gia Kiệm thân thương.  
Đến hôm nay, Gia Kiệm đã không còn người nhiễm, ngày 18/7 vừa qua theo qui định đã gỡ phong tỏa. Trở lại cuộc sống bình thường, vẫn tuân thủ 5K, vẫn chung lòng chống dịch, Gia Kiệm mãi mãi là cái nôi yêu thương của Giáo phận Xuân Lộc. Mai đây, khi hết dịch rồi, đoàn con Gia Kiệm sẽ tụ về Trung tâm Thánh Mẫu Núi Cúi, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Mẹ dẫn đến với Chúa. Đức Maria Mẹ của Lòng Thương Xót, luôn chở che mọi người trong cơn dịch bệnh.
Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Đón thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc (28/07/2021)
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh liệt sĩ (27/07/2021)
Nhà truyền giáo, nhà khoa học nước ngoài với hoa lan Việt Nam (28/07/2021)
Thông báo về việc tích cực tham gia phòng chống dịch (27/07/2021)
Thi viết, vẽ "Con đường chiếc áo blouse" (23/07/2021)
Chống dịch không có tiền lệ (22/07/2021)
Ban công tác Mặt trận giám sát bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (22/07/2021)
Sống niềm tin Đức Kitô giữa dân của mình (21/07/2021)
Thời covid nghĩ về lao động nhập cư (21/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log