Tin tức - Hoạt động

Đồng bào Công giáo hiệp hành cùng sự phát triển của Thủ đô

Cập nhật lúc 11:27 18/11/2022
Đại hội đại biểu Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra trong hai ngày 21 - 22/11/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp này, linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có những chia sẻ về đặc điểm của tổ chức và phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Thủ đô.
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh trao đổi về thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Hà Nội.
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh trao đổi về thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Hà Nội.
Phóng viên: Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đời sống tôn giáo Thủ đô cũng rất phong phú đa dạng, vậy Công giáo ở Hà Nội có đặc điểm gì nổi bật, thưa linh mục?
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh:
Hà Nội là Thủ đô và trái tim của cả nước, có vị trí rất quan trọng cả về địa lí, văn hóa xã hội và quan hệ quốc tế. Vì vậy đời sống tín hữu Công giáo cũng là một phần trong nét văn hóa của Hà Nội.
Một điểm khá thú vị nữa, đó là hơn 200.000 tín hữu Công giáo sinh sống ở 110 giáo xứ, 428 giáo họ tại Hà Nội nhưng về mặt Giáo hội thì người Công giáo Hà Nội thuộc ba giáo phận Hưng Hóa, Bắc Ninh và Tổng giáo phận Hà Nội.  
Đời sống tôn giáo tại Hà Nội vừa có điều kiện thuận lợi về môi trường văn hóa, kinh tế và hội nhập quốc tế; song cũng có những thách thức về việc giữ gìn bản sắc và truyền thống đạo đức, văn hóa trước những tác động của lối sống hiện đại và tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng.
Về phát triển của đạo Công giáo, tôi được biết đến nay tại Thủ đô đã có 206.046 nhân danh chiếm gần 3% dân số toàn Thành phố (tăng 13.088 nhân danh so với năm 2017), 413 nhà thờ và nhà nguyện (tăng 07 nhà thờ và nhà nguyện so với năm 2017), 07 đền thờ Đức Mẹ và 03 đền thánh tử đạo Việt Nam; có 6 dòng tu, 123 vị linh mục quản nhiệm. Qua báo cáo trong 5 năm gần đây trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã đã xây dựng mới 34 nhà thờ, sửa chữa và nâng cấp 57 nhà thờ. Đồng bào Công giáo đang sinh sống và làm việc ở 326/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 42 thôn Công giáo toàn tòng thuộc 25 xã, thị trấn trên địa bàn 10 huyện thành phố Hà Nội. Lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm đến người Công giáo; không những có chế độ hỗ trợ tài chính ổn định cho Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố, các Ban Đoàn kết Công giáo mà còn hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà thờ Công giáo. Ví dụ hỗ trợ tiền để xây nhà thờ Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội).
Như vậy số tín hữu, số nhà thờ, nhà nguyện đều gia tăng. Nhưng những con số đó là chưa đầy đủ, bởi còn rất đông giáo dân tại các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội làm ăn, sinh hoạt, học tập hằng tuần họ tham gia thánh lễ và hội đoàn tại các xứ đạo tập trung nhiều ở khu vực nội thành,...
Với những đặc điểm trên, hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội những năm qua được triển khai thế nào, thưa linh mục? 
- Với đặc điểm phân bố như trên, địa bàn hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội rất rộng. Tuy nhiên, Hà Nội đã phát triển được bộ máy tổ chức của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tới tất cả các quận, huyện có đông giáo dân sinh sống. Điều này giúp cho việc triển khai các phong trào thi đua do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và công tác phối hợp triển khai các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc thành phố được kịp thời và lan tỏa.
Bên cạnh đó, bộ máy nhân sự của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội là những người có trình độ và kinh nghiệm công tác xã hội; trong đó Ban Thường trực có linh mục làm Chủ tịch, có người trình độ là Tiến sĩ về chuyên ngành liên quan đến tôn giáo,… Theo tôi đây là những nhân tố quan trọng để phát huy giá trị văn hóa đạo đức của đạo Công giáo và các chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống, góp phần xây dựng xứ đạo, quê hương phát triển cả về đời sống tinh thần và vật chất.
Các định hướng và phong trào của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố triển khai cách sáng tạo, hiệu quả. Từ phong trào chung của toàn quốc là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, từ thực tế tại cơ sở, Ủy ban đã vận dụng để triển khai thành phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiến tiến” với 4 nội dung trọng tâm; phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt”; mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” tại các thôn toàn tòng Công giáo; mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn toàn tòng Công giáo; “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn lương - giáo chung sống.
Nhờ bộ máy thông suốt từ thành phố tới 29 Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện và hàng trăm Tổ Đoàn kết Công giáo hoạt động nề nếp, thường xuyên, nên việc nắm bắt tình hình, đặc điểm thực tế tại cơ sở được kịp thời, qua đó các định hướng xây dựng phong trào được sát với thực tế, việc triển khai các phong trào được lan tỏa rộng khắp. 
Linh mục có thể chia sẻ về kết quả thi đua yêu nước nổi bật của đồng bào Công giáo Thủ đô trong bức tranh chung của đồng bào Công giáo cả nước?
- Đồng bào Công giáo cả nước những năm qua luôn thực hành tốt đường hướng mục vụ của Giáo hội “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” với nhiều việc làm thể hiện nhân đức bác ái. Theo tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2023-2024 với chủ đề: Hướng về một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông- Tham gia- Sứ vụ, tôi nghĩ, tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô đã, đang và sẽ hiệp hành sâu rộng với Giáo hội cũng như xã hội tại địa phương.
Trong tinh thần thi đua yêu nước sống “tốt đời, đẹp đạo” đồng bào Công giáo Thủ đô đã đáp lại lời mời gọi của Giáo hội trong các hoạt động bác ái; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo Thủ đô đã ủng hộ các quỹ từ thiện xã hội với số tiền  hơn 10 tỷ 907 triệu đồng. Bên cạnh đó còn đóng góp vào quỹ Bác ái với số tiền hàng tỷ đồng; từ nguồn quỹ từ thiện bác ái của các giáo xứ và giáo dân ủng hộ đã xây dựng 23 nhà cho hộ nghèo, tổ chức thăm và tặng quà các bệnh nhân trại phong, người khuyết tật; ủng hộ khuyến học khuyến tài 3 tỷ 886,3 triệu đồng,…
Qua theo dõi, tôi nhận thấy, từ thiện xã hội và bác ái là hoạt động nét đẹp thường xuyên của người Công giáo Thủ đô trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, cần được nhân lên và lan tỏa ra các địa phương khác.
Nhiều thôn, xã có đông người Công giáo sinh sống về đích nông thôn mới, bộ mặt xứ đạo và quê hương khang trang, sạch, đẹp; an ninh trật tự xã hội được giữ gìn; đời sống vật chất và tinh thần của người Công giáo được cải thiện và nâng cao, trong đó nhiều người có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Theo tôi, đó là những điểm nhấn rất ý nghĩa trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Thủ đô, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của thành phố và đất nước.
Nhân dịp Đại hội đại biểu người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027, linh mục có gợi mở, nhắn nhủ gì cho hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. Hà Nội trong thời gian tới?
- Để phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo được nâng cao về chất lượng và có bước phát triển mới, theo tôi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố cần phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn năm văn hiến; yêu chuộng hòa bình, gắn bó với quê hương, hiệp hành, đồng tiến cùng dân tộc của người Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. 
Ngoài ra, cần vận dụng sáng tạo các hướng dẫn của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong triển khai các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp để phản ánh, kiến nghị giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người Công giáo, các giáo xứ, giáo họ; động viên, khích lệ đồng bào Công giáo tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cần nắm bắt kịp thời thực tế và vấn đề đặt ra tại cơ sở để xây dựng các mô hình thi đua yêu nước cho phù hợp. Có như vậy phong trào mới có sức sống lâu dài và hòa nhịp cùng bước đường phát triển của Thủ đô.
Nhân đây, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, bình an và thành công tới các quý vị đại biểu cùng toàn thể Đại hội Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Chúc tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô ngày càng hiệp hành sâu, rộng hơn với Giáo hội và đất nước. 
Xin trân trọng cảm ơn linh mục!
Bùi An
(thực hiện)
Thông tin khác:
Đại hội đại biểu những người Công giáo tỉnh Trà Vinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 – 2027 (18/11/2022)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chung vui ngày hội Đại đoàn kết với đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu (16/11/2022)
397 đại biểu dự Đại hội đại biểu Người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022–2027 (16/11/2022)
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân thôn Thượng Đình 2 (14/11/2022)
Nhà đấu giá Millon đồng ý chuyển giao ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ cho Việt Nam (14/11/2022)
Đắk Lắk thực hiện đồng bộ chính sách dân tộc (12/11/2022)
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình (11/11/2022)
Quán cơm Martinô - 2000 (11/11/2022)
Đồng bào Công giáo Hà Nam tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (09/11/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log