Quang cảnh giáo xứ Kẻ Bền. Ảnh: CTV |
Lịch sử hình thành và phát triển Kẻ Bền không những là quê hương của các thánh tử đạo mà con được xem là nơi đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, với sự kiện cụ Đỗ Viên Mãn và Đỗ Hưng Viễn là những người theo Kitô giáo đầu tiên từ thời vua Lê Anh Tông, khoảng năm 1556 -1573.
Giáo xứ Kẻ Bền trước kia là một phiên của xứ Pháp Ngỡ (nay là họ Pháp Ngỡ thuộc giáo xứ Nhân Lộ), được thành lập từ thời Đức cha Retord Liêu, năm Minh Mạng thứ XIII, tức năm 1832, và được gọi là Mai Lĩnh xứ hay Mai Vực xứ, và tên thường gọi là Kẻ Bền.
Năm 1883, đời vua Tự Đức, nhóm Hồ Hạnh Kiểm lấy lý do nghi ngờ những người dân theo Tây, đã kéo đến đốt phá nhà xứ và bắt đi trên 70 giáo dân của giáo họ Kẻ Bền, sau đó nhốt vào điếm canh thiêu sống. Nhà cửa của các giáo hữu trong các giáo họ Bồng Trung, Lại Thôn bị đốt phá, nhiều người bị sát hại.
Năm 1912, đời Đức cha Marcou Thành, xứ Kẻ Bền được chia thành 2 xứ: Kẻ Bền và Vân Lung. Các giáo họ Ban Long, Tây Trác, Tế Hộ, Du Nghi, Kiên Lao, Vân Du, được tách ra thành xứ Vân Lung ngày nay. Xứ Kẻ Bền còn lại 10 giáo họ: Bản Thủy, Bồng Trung, Cự Khánh, Duệ Thôn, Hương Đạm, Lại Thôn, Phú Ninh, Trị Sở, Yên Giáo, Yên Khang, (có 2 giáo họ làm nghề sông nước là họ Yên Khang và Cự Khánh) với tổng số nhân danh là 4.848 (theo sổ tất niên năm 2005), sống trên địa bàn 6 xã của 3 huyện: Vĩnh Lộc, Yên Định, Hà Trung.
Thời cố Lan, xứ có thêm giáo họ Tiên Thôn nằm trên địa bàn xã Hà Đông, huyện Hà Trung với số giáo dân bấy giờ là 200 người, về sau, giáo họ này được tách ra và lập thành giáo xứ mới (xem lược sử giáo xứ Tiên Thôn).
Thời cha Dương (vào năm 1850), có thêm giáo họ Lộng Giang, với số nhân danh là 50 (không rõ nằm trên địa danh nào). Sử cũ chép lại: “So với năm mới thành lập, giáo dân trong giáo xứ có lòng đạo đức sốt sắng, làm ăn thịnh vượng gấp 5 lần khi trước”.
Năm 2007, giáo xứ Kẻ Bền được tách thành 2 xứ. Xứ mới được gọi là Yên Khánh, bao gồm các giáo họ được tách ra: Cự Khánh, Duệ Thôn, Phú Ninh, Yên Giáo, Yên Khang, thuộc địa bàn huyện Yên Định.
Ngày 21/01/2011, giáo họ Hương Đạm (thuộc địa bàn xã Hà Tiến, huyện Hà Trung) được nhập về xứ Đức Tâm.
Quê hương của các thánh tử đạo Trong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, giáo xứ Kẻ Bền vinh dự được đóng góp 2 người con. Đó là cha thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, sinh năm 1781, tại giáo họ Bồng Trung, tử đạo ngày 12/8/1838, tại Bảy Mẫu, tỉnh Nam Định và cha thánh Phaolô Nguyễn Ngân, sinh năm 1771, tại giáo họ Cự Khánh (nay thuộc giáo xứ Yên Khánh), tử đạo ngày 8/11/1840 và nhiều ngôi mộ tử đạo khác. Trong đó có một mộ tử đạo tập thể của những tín hữu trong giáo xứ đã bị gỉểt hại trong phong trào Văn Thân, được các nhà sư trông chùa thôn Vực lo liệu chôn cất. Hiện ngôi mộ đã được sửa sang tu bổ thành di tích các vị tử đạo gần khu vực nhà thờ xứ. Bên cạnh ngôi mộ vẫn còn tấm bia khắc tên tuổi 72 vị với nhan đề: “Cam phận bia” bằng chữ Nôm.
Giáo xứ Kẻ Bền hiện nay Theo sổ tất niên giáo phận năm 2011, giáo xứ Kẻ Bền có 2.830 giáo dân, phân bổ trong 8 giáo họ: Antôn, Bản Thủy, Bồng Trung, Giacôbê, Lại Thôn, Liên Sơn, Phanxicô và Phaolô.
Hiện nay, giáo xứ có 5 ngôi nhà thờ. Nhà thờ xứ được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm cung hiến ngày 26/8/1998; nhà thờ giáo họ Lại Thôn được Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh cung hiến ngày 22/5/2012; nhà thờ giáo họ Bản Thủy; nhà thờ giáo họ Liên Sơn; nhà thờ giáo họ Bồng Trung, đây cũng là nơi đặt thi hài cha Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm (dự tính trong tương lai, giáo họ Bồng Trung sẽ xây dựng lại nhà thờ thành đền thánh để kính nhớ Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm).
Giáo dân Kẻ Bền ngoài làm nghề nông còn có một nghề truyền thống nổi tiếng đó là làm đá mỹ nghệ, như: chế tác ban thờ, tượng các thánh, kệ sách, chân nến... được cung cấp cho hầu hết các nhà thờ trong giáo phận Thanh Hóa cũng như nhiều giáo phận khác.
Hiện trong giáo xứ có cơ sở của Hội dòng Mến Thánh giá Thanh Hóa.