Hà Nội đang trên đà phát triển, uy tín và vị thế ngày càng được nâng cao. Ảnh: CTV |
Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” rộng 3.358 km², dân số 8,25 triệu người (niên giám thống kê 2020), Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Hà Nội đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Với vai trò thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung nhiều địa điểm văn hóa giải trí, công trình thể thao quan trọng của đất nước, đồng thời cũng là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện chính trị và thể thao quốc tế. Đây là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống và nhiều hội lễ. Nền ẩm thực Hà Nội với nhiều nét riêng biệt cũng là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch tới thành phố. Năm 2019, Hà Nội là đơn vị hành chính Việt Nam xếp thứ 2 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người và đứng thứ 41 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Khu Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Năm 2010, Hà Nội lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cho một thành phố trên 10 triệu người.
Phân khu sông Hồng thuộc Hà Nội được xác định là khu dân cư, bãi đất nằm dọc hai bên bờ sông với định hướng xây dựng nhà ở, kết nối giao thông, kết hợp với trụ sở hành chính, văn hóa, y tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng. Cảng Khuyến Lương là cảng container kết hợp với cảng tổng hợp; cảng Hà Nội được nghiên cứu chuyển đổi công năng theo hướng chủ yếu phục vụ du lịch, kết hợp bốc dỡ hàng sạch. Đường giao thông đô thị thuộc hai bên bờ tả, hữu sông Hồng sẽ được xây dựng và kết nối với nhau thông qua gần chục cây cầu. Tại đây sẽ mọc nhiều công trình dịch vụ đô thị như trạm sửa chữa ôtô, trạm xăng dầu, trạm cung cấp ga, khí, đồng thời cấm xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp, kho tàng tại vị trí là đất cơ quan, đất cây xanh... Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phân khu đô thị sông Hồng sẽ là khu vực đặc thù, tuân thủ yêu cầu của Luật Đê điều. Theo đó, đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cấp đặc biệt để ổn định dòng chảy. Trong quy hoạch giao thông vận tải, Hà Nội sẽ có 2 tuyến đường sắt quốc gia và 6 tuyến đường sắt đô thị qua sông Hồng.