Tin tức - Hoạt động

Hồi ức của người "không được biểu lộ cảm xúc" giữa biển cờ hoa ngày 2/9/1945

Cập nhật lúc 06:13 02/09/2021
“Nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, chúng tôi rất vui mừng, sung sướng khi đất nước thoát khỏi ách nô lệ, đất nước giành được độc lập, nhưng là nhiệm vụ quan trọng được quán triệt từ trước nên anh em chúng tôi không ai được biểu lộ cảm xúc như hàng vạn người dân có mặt ở Vườn hoa”.
Ông Phạm Gia Đốc giới thiệu những tư liệu quý giá về ngày Quốc Khánh đầu tiên của dân tộc. Ảnh: Lan Nhi
Ông Phạm Gia Đốc giới thiệu những tư liệu quý giá về ngày Quốc Khánh đầu tiên của dân tộc. Ảnh: Lan Nhi
Đã nhiều thập kỷ trôi qua, nhưng ông Phạm Gia Đốc - người đội trưởng bảo vệ Lễ đài Vườn hoa Ba Đình - vẫn bồi hồi, xúc động kể tường tận giây phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Trên bốn bức tường trong căn nhà nhỏ ở phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), ông Phạm Gia Đốc treo kín những bức ảnh chụp tại Vườn hoa Ba Đình ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc Lập.
Bức ảnh chàng thanh niên 21 tuổi mặc đồng phục trắng, đứng nghiêm trang trước lễ đài, trước hàng vạn người dân, được ông Đốc coi đó là tài sản quý, nhắc nhở ông và các thành viên trong gia đình luôn nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Phạm Gia Đốc sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Hà Nội. Năm 1943, ông Đốc tham gia tổ chức Việt Minh.
“Nhiệm vụ của chúng tôi thời điểm đó là vận động nhân dân tham gia cách mạng, giữ gìn trật tự trên toàn địa bàn thành phố, nắm bắt tình hình địch, diệt trừ Việt gian... Vũ khí chúng tôi được trang bị rất thô sơ, trong khi công việc nguy hiểm bởi luôn đối đầu với quân Nhật, Pháp trong nội thành với vũ khí hiện đại”, ông Đốc nhớ lại.
Vượt qua những khó khăn, ông Đốc cùng những chiến sĩ công an Sở Công an Bắc Bộ góp phần quan trọng vận động, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia cách mạng. Đến tháng 8/1945, khi thời cơ đến, các tổ chức ở Hà Nội đã nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội.
“Ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các tầng lớp nhân dân tham gia rất đông, lấn át cả kẻ thù với vũ khí hiện đại. Từ mọi ngả đường, người dân cùng lực lượng tự vệ, trinh sát Việt Minh nhanh chóng chiếm đóng các vị trí quan trọng của kẻ thù như trại Bảo an binh, bốt cảnh sát… rồi tiến về khu vực Nhà hát Lớn”.
Ngày 26/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp để bàn những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Cuộc họp cũng ra quyết định về việc tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập và chuẩn bị mít tinh lớn ở Hà Nội vào ngày 2/9.
Cuộc họp cũng đánh giá các địa điểm để tổ chức mít tinh và Trung ương đã quyết định chọn Vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình).
Nhiệm vụ bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời và quần chúng dự mít tinh được giao cho Sở Công an Bắc Bộ cùng với quân đội và tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu.
Trước ngày diễn ra lễ mít tinh, ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ lựa chọn hàng chục đội trưởng công an trực tiếp bảo vệ lễ đài, trong đó có ông Phạm Gia Đốc.
“Làm nhiệm vụ quan trọng, nên khi được lựa chọn chúng tôi chưa biết thực hiện công việc gì. Hai ngày trước khi diễn ra lễ mít tinh chúng tôi được đưa đến xem xét địa bàn mình bảo vệ thì mới rõ nhiệm vụ cụ thể của từng người trong khu vực Vườn hoa Ba Đình trong ngày 2/9/1945”.
Vườn hoa Ba Đình là khu đất rộng có thể chứa hàng vạn người. Còn lễ đài cao khoảng 5m, xung quanh phủ nhung đỏ. Đúng 14h ngày 2/9/1945, buổi lễ mít tinh chính thức bắt đầu, nhưng ông Đốc và các chiến sĩ trong tổ bảo vệ đến Vườn hoa Ba Đình từ sáng sớm để chuẩn bị.
Các chiến sĩ mặc đồng phục trắng, đứng cách lễ đài khoảng 3m. Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, các chiến sĩ công an đứng im, mắt hướng về phía hàng vạn người dân với nhiệm vụ quan sát những bất thường có thể xảy ra.
Lễ mít tinh diễn ra trong khoảng một giờ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời lễ đài vẫy tay chào đồng bào, cả một “biển người” náo nức trong ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. 
Sau ngày 2/9, ông Phạm Gia Đốc tiếp tục làm việc tại Sở Công an Bắc bộ đến cuối năm 1946, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, Sở Công an Bắc bộ giải thể thực hiện nhiệm vụ mới.
QUANG PHONG
Thông tin khác:
Vị mục tử ghi dấu đậm sâu trên từng cây số (01/09/2021)
91 tình nguyện viên các tôn giáo kết thúc tham gia hỗ trợ các bệnh viện dã chiến (01/09/2021)
Đức Giáo hoàng Francis hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam 100.000 euro (26/08/2021)
ĐTC cầu nguyện cho hòa bình ở Afghanistan và kêu gọi liên đới với Haiti sau trận động đất (29/08/2021)
Công giáo châu Âu tổ chức hành hương Fatima cho người di cư (29/08/2021)
Ra mắt Fanpage "Đoàn kết chống dịch" (28/08/2021)
Sân bay quốc tế Tây Nguyên (28/08/2021)
Nỗ lực vượt khó, chung tay chống dịch (27/08/2021)
Thay đổi lối sống để bảo vệ môi trường theo chỉ dẫn của Đức Thánh Cha (27/08/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log