Nhà sách Bảo Anh tại Khu đô thị Gold Mark- Hồ Tùng Mậu, TP.Hà Nội (trước khi thành phố giãn cách xã hội). Ảnh: AL |
Khốn khó vì tiền thuê mặt bằng Những năm qua, hệ thống Nhà sách Bảo Anh tại TP.Hà Nội đều nhộn nhịp khách hàng. Cả chủ lẫn nhân viên không có thời gian nghỉ ngơi vì lượng khách ruột là các bạn học sinh, sinh viên thường xuyên tìm đến Nhà sách, nhất là vào buổi tối. Tuy nhiên năm nay, tình hình dịch COVID-19 phức tạp, lây lan nhanh, các giao dịch trở nên thưa thớt. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách, Nhà sách phải tạm ngừng kinh doanh để phòng dịch.
Với phương châm trọng chữ tín, giá cả cạnh tranh và luôn cập nhật những đầu sách mới, sản phẩm mới, Nhà sách Bảo Anh đã có mặt tại nhiều khu vực của Hà Nội như phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân; đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); Khu đô thị Gold Mark- Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm). Nhưng theo khảo sát của Phóng viên, hệ thống cửa hàng này hiện nay đều rơi vào tình cảnh ảm đạm, hàng hóa nằm im như tích trữ trong kho.
Chủ nhân của Nhà sách Bảo Anh cho biết, dù có xoay xở kiểu gì thì trong tình thế COVID-19 khó lường như hiện nay, thu vẫn không thể đủ chi. Chỉ tính riêng khoản tiền bỏ ra thuê mặt bằng đã hàng trăm triệu mỗi năm, dù tạm dừng hay hoạt động thì cũng phải thanh toán, vì hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn. Giờ chỉ mong sao mọi người chung tay để dịch bệnh mau qua còn có cơ hội gỡ gạc.
Để ứng phó với “đòn COVID”, Nhà sách Bảo Anh đành phải cắt giảm nhân viên, hạn chế tối đa chi phí văn phòng, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, huy động các nguồn tài chính khác để duy trì, chờ phục hồi doanh số khi hết dịch.
Một giải pháp thích ứng khác đang được Nhà sách tính tới, đó là chuyển dịch kinh doanh một số mặt hàng lên sàn thương mại điện tử. Vì trong tình hình giãn cách xã hội, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển hướng sang hình thức online. Theo số liệu thống kê từ báo cáo thị trường thương mại điện tử vào tháng 06/2021, tỉ lệ người dùng thương mại điện tử mới ở Việt Nam là 41%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.
Chung tay để dịch mau qua mà làm ăn Chị Nguyễn Thu Hằng kinh doanh nhà hàng tại khu vực giáo xứ Phùng Khoang (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã dừng hoạt động nhà hàng. “Dừng nhưng khốn nỗi, hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh theo năm, giờ ngồi chơi vẫn phải trả tiền mặt bằng, khác nào ngồi trên đống lửa”, chị Hằng sốt ruột.
Giáo xứ Phùng Khoang (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi sinh sống tập trung của hàng trăm hộ giáo dân đang bị tác động nặng bởi COVID-19. Chợ đầu mối Phùng Khoang, chợ đêm Phùng Khoang đã thành thương hiệu nhiều năm qua, nhất là với các bạn trẻ- đã phải đóng cửa vì xuất hiện F0.
Phùng Khoang cũng là địa bàn tập trung sinh viên, người lao động tỉnh lẻ thuê trọ. Nguồn thu nhập người bản xứ chủ yếu từ chợ và ngành dịch vụ, cho thuê nhà. Nay chợ bị phong tỏa, các dịch vụ đóng cửa, dịch kéo dài, người tỉnh lẻ rời Thủ đô về quê, nhà trọ trống vắng hẳn, nguồn thu hầu như không còn. Một số giáo dân vừa vay tiền tỷ xây dựng phòng trọ nhưng cả năm nay thiếu vắng người hỏi thuê, đang loay hoay trả nợ ngân hàng.
Khó khăn là thế nhưng khi nói về cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, chị Hằng và nhiều giáo dân khác lại hăng hái: “Đó là trách nhiệm của mọi người dân. Dù khó khăn về kinh tế, chúng tôi vẫn chung tay ủng hộ. Ủng hộ để mau mau thắng con COVID mà làm ăn”.
Tại Hà Tĩnh, công việc làm ăn của giáo dân cũng bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19. Giáo dân đang nỗ lực vượt qua. Nhưng chính trong lúc khó khăn này, người Công giáo vẫn tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bằng vật chất và nhân lực, đó là nét đẹp bác ái, yêu thương và tinh thần đoàn kết dân tộc để quyết tâm đẩy lùi, tiến tới chiến thắng đại dịch. Điển hình như giáo xứ Gia Hòa (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân), đã cùng giáo họ trên địa bàn thị trấn ủng hộ 34,5 triệu đồng qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ủng hộ các giáo xứ khác 150 triệu đồng để phòng, chống dịch. Caritas giáo phận Hà Tĩnh và đại diện giáo xứ Kim Lâm (huyện Can Lộc) vừa qua đã tiếp ứng 1.340 suất cơm để hỗ trợ người dân và lực lượng phòng dịch tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh.