Tin tức - Hoạt động

Một cuộc chiến không biên giới chống virus Corona

Cập nhật lúc 06:47 13/07/2021
Tích cực chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV
Tích cực chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Cuộc chiến chống virus corona, một cái tên thật mỹ miều, duyên dáng (corona theo tiếng latinh có nghĩa là vương miện, hào quang) mà vô cùng ác độc, tàn bạo giết người hàng loạt, không trừ một ai. Con virus quái độc này mang danh hiệu “triều thiên” nữ hoàng nhưng tâm địa quỷ dữ có ý đồ nham hiểm tiêu diệt, triệt phá công trình của loài người, chia rẽ tình yêu thương gắn bó của con người, đập tan vỡ vụn khối đoàn kết trong công đồng nhân loại. Một cuộc chiến với kẻ thù gần như  “vô hình” luôn luôn biến thể, biến hóa khôn lường. 

Không gì khác ngoài yêu thương đoàn kết. Có yêu thương mới có hy sinh dấn thân. Cần khoác lấy, phủ kín mỗi người chúng ta  bằng tình yêu của Đức Kitô và Mẹ Maria. Các nguyên thủ tôn giáo và chính trị xã hội đã không ngừng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế chung tay góp sức nâng cao nhận thức kẻ thù độc ác này, tìm ra các phương  pháp hạn chế sự lây lan, các phương thuốc hữu hiệu chống lại và tiêu diệt con COVID-19 này.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã luôn trăn trở và không ngừng cho những lời khuyên thấm tình của người cha chung và những đóng góp vật chất khi có thể. Ngài kêu gọi đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích

Vì virus corona không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu không dựng rào cản, biên giới vì công ích để giải quyết những vấn đề trầm trọng do đại dịch gây ra.

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Tư ngày 9/9/2020 là buổi tiếp kiến thứ hai có sự tham dự của giáo dân kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ tại Ý, và được tổ chức tại sân Damaso của Vatican.

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói về đề tài “Tình yêu và công ích”. Ngài nhắc rằng học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng công ích phải là mục tiêu của mọi nỗ lực cá nhân và tập thể để chữa lành thế giới bị thương tích. Sự dấn thân của các Kitô hữu chúng ta trong khía cạnh này được truyền cảm hứng bởi tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa; tình yêu này kêu gọi chúng ta không đặt giới hạn cho tình yêu của chúng ta đối với người khác và cho mối quan tâm của chúng ta đối với phúc lợi của họ…

Cách đáp trả của Kitô giáo với đại dịch là tình yêu không giới hạn

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Câu trả lời của Kitô giáo đối với đại dịch và những khủng hoảng kinh tế xã hội, hậu quả của đại dịch, được dựa trên tình yêu, trên hết là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta (x. 1Ga 4,19). Người yêu thương chúng ta trước, Người luôn đi bước trước trong tình yêu và trong các giải pháp. Người yêu chúng ta cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu này của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể đáp lại theo cách tương tự. Tôi không chỉ yêu những người yêu tôi như gia đình, bạn bè, nhóm của tôi, mà cả những người không yêu tôi, những người không biết tôi, hoặc những người ngoại quốc, và cả những người làm cho tôi đau khổ hoặc những người tôi xem là kẻ thù (x. Mt 5,44). Đây là sự khôn ngoan Kitô giáo, đây là thái độ của Chúa Giêsu.Và điểm cao nhất của sự thánh thiện là yêu kẻ thù và điều này không dễ dàng. Tất nhiên, yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù, thì rất khó - tôi phải nói rằng đó là một nghệ thuật! Nhưng đó là một nghệ thuật mà người ta có thể học hỏi và cải thiện. Tình yêu đích thực, điều giúp chúng ta trở nên phong phú và tự do, luôn luôn mở rộng và bao gồm. Tình yêu này hàn gắn, chữa lành và tạo nên điều tốt. Rất nhiều lần, một sự nhẹ nhàng thì tạo nên điều tốt hơn là các cuộc tranh luận; một sự dịu dàng tha thứ chứ không phải là những tranh luận để tự vệ. Tình yêu bao gồm thì chữa lành.

Tình yêu bao gồm, không giới hạn

Đức Thánh Cha giải thích: Vì vậy, tình yêu không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ giữa hai hoặc ba người, hoặc giữa bạn bè, hoặc gia đình. Nó bao gồm các mối quan hệ dân sự và chính trị (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo [CCC], 1907-1912), bao gồm cả mối quan hệ với tự nhiên (TĐ. Laudato si' [LS], 231). Vì chúng ta là những hữu thể xã hội và chính trị, một trong những biểu hiện cao nhất của tình yêu chính là biểu hiện xã hội và chính trị, có tính chất quyết định đối với sự phát triển của con người và để đối mặt với bất kỳ loại khủng hoảng nào (sđd, 231). Chúng ta biết rằng tình yêu thương làm cho gia đình và bạn bè trở nên phong phú, trổ sinh kết quả; nhưng thật tốt khi nhớ rằng nó cũng làm cho các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị trổ sinh kết quả, cho phép chúng ta xây dựng một “nền văn minh của tình yêu”, như thánh Phaolô VI đã thích gọi và thánh Gioan Phaolô II cũng nói theo cách thức của Ngài. Không có nguồn cảm hứng này, nền văn hóa ích kỷ, vô cảm, loại bỏ sẽ thắng thế; nghĩa là loại bỏ người tôi không thích, người tôi không thể yêu thương và người đối với tôi là vô ích cho xã hội...
 
NGUYỄN MAI (ST)
Thông tin khác:
Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (12/07/2021)
Quảng Nam "Cái nôi" Hội thánh Tin lành Việt Nam (12/07/2021)
Người Công giáo trong những ngày dịch bệnh (10/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp đồng lòng phòng chống dịch Covid-19 (09/07/2021)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mặt trận hai nước Việt Nam - Lào (08/07/2021)
Niềm vui mới ở Sa Đéc (08/07/2021)
Hội sách trực tuyến (07/07/2021)
Các giáo xứ tích cực hành động vì môi trường (06/07/2021)
Mừng kính Tam đa quân nhân tử đạo (06/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log