Tết tết tết tết sắp đến rồi, Tết tết tết tết sắp đến rồi, Tết đến trong tim mọi người...” Bài hát “Tết quê em” của Từ Huy vang lên mỗi dịp xuân về trên quê hương tôi.Tết ở quê hương mình mà ta quen gọi là Tết Nguyên đán là một thời khắc tự nó đã có cái gì đó rất đặc biệt, rất linh thiêng, cao quý, hơn hẳn những thời khắc khác trong năm và hết sức có ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt. Ai cũng cảm thấy hồi hộp và mong đợi…
1. Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ Về chung vui bên gia đình... Tết là thời gian thuận lợi nhất trong năm để gia đình đoàn tụ. Đối với người Việt Nam, không được sum họp với những người thân yêu vào dịp xuân về quả là một nỗi buồn không sao tả xiết. Vì cuộc sống, vì kế sinh nhai, vì công ăn việc làm, nhiều người phải xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân yêu, nhưng khi Tết đến, họ đều hướng về quê cha đất tổ, hướng về quê hương Việt Nam thân yêu, hướng về gia đình và cố gắng hết sức có thể để được đoàn tụ trong những ngày đầu năm, vì niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với một gia đình chính là sự đoàn kết yêu thương nhau. Cảnh cha mẹ, con cái, anh chị em sum vầy, đoàn tụ, quây quần bên nhau, sống với nhau trong những ngày Tết quả là một niềm hạnh phúc vô biên mà mọi người đều mơ ước và cố gắng thực hiện, như lời Thánh Vịnh: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1)
2. Mừng ngày Tết ta chúc cho nhau
Một năm thêm sung túc an vui
Người nông dân thêm lúa thóc
Người thương gia mau phát tài.. .
Tết còn là thời khắc của niềm hy vọng, của mơ ước có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với mỗi người Việt Nam, Tết chính là giây phút dâng trào của niềm hy vọng đổi mới: đổi mới cuộc đời, đổi mới gia đình, đổi mới tương lai; bỏ lại cho năm cũ, cho quá khứ tất cả những gì không tốt đẹp, không vui hoặc không vừa ý. Năm mới phải là năm của những cái mới hơn, tốt hơn, chất lượng hơn. Ước mong Tết sẽ mang lại cho mình và cho gia đình mình một luồng gió mới, giúp cho cuộc sống được tốt hơn, hạnh phúc hơn và đáng sống hơn. Ước mơ này không chỉ có trong tâm trí, mà còn được thực hiện một cách sống động và cụ thể qua cách thức người Việt Nam chuẩn bị đón Tết.
Tết cũng luôn mang đến những lời cầu chúc hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm hy vọng đó không chỉ có trong ước mơ, mà còn được thể hiện cách cụ thể qua những bàn bạc, suy nghĩ, cân nhắc, tính toán để hoạch định những đường hướng cho tương lai: tương lai của gia đình, của mỗi người và nhất là của con cái. Những bữa cơm gia đình, những cuộc họp mặt, những buổi tối sum vầy, đoàn tụ trong nhà không những làm cho mối liên kết của mọi thành phần ngày một gắn bó hơn, bầu khí ngày một ấm áp hơn, mỗi thành viên trong gia đình biết nghĩ đến nhau hơn, lo cho nhau nhiều hơn, mà còn là dịp để chuẩn bị công việc và những toan tính cho những tháng ngày sắp tới.
3. Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoa sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa...
Vào những ngày giáp năm, người người, nhà nhà ai cũng hối hả lo sơn sửa, tân trang lại nhà cửa hay ít ra cũng phải lau rửa cho sạch, các vật dụng trong nhà như tủ giường, bàn ghế, tủ thờ quét dọn cho sạch sẽ, tươm tất hơn… Người Việt không ngại chi khá nhiều tiền cho việc mua hoa, mua cây cảnh, đặc biệt là cây hoặc cành mai, cành đào để chưng trong nhà với niềm ước mong được thần may mắn chiếu cố. Dù rất nghèo, người dân cũng cố gắng dành dụm mua cho bằng được vài chậu hoa cúc để chưng trước cổng nhà. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm quần áo mới cho con cái cũng là một mối lo không nhỏ đối với các bậc làm cha mẹ trong thời điểm này.
4. Ngày xuân dâng lời nguyện xin, cầu cho ông bà tổ tiên. Mong Chúa ban muôn hồng ân cho cha mẹ con, cho khắp nơi xa gần. Người ơi xin người đừng quên, nhờ ai ta được dựng nên, được hưởng xuân yêu thương bình yên, hãy hướng lòng lên nhớ về tổ tiên. (Thánh ca Ngày xuân thảo hiếu- Nguyễn Duy)
Tết được coi là thời khắc để tỏ bày lòng hiếu thảo, tôn kính, mến yêu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, đặc biệt với những người thân yêu đã khuất. Người giàu cũng như người nghèo, trong nhà đều có bàn thờ gia tiên được đặt nơi trang trọng nhất và dễ thấy nhất. Nơi đây thường trưng bày, có khi các bài vị, gia phả của dòng tộc hoặc ít ra là các hình chụp chân dung ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã qua đời. Trong những ngày đầu năm, bàn thờ gia tiên luôn được thắp sáng như một cách kêu gọi và nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến cội nguồn của mình, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục và nhớ đến công lao của những bậc tiền bối để con cháu và mọi người cầu nguyện cho các ngài. Theo tục lệ cổ truyền, vào chiều 29 hoặc 30 Tết, người Việt thường có thói quen “rước ông bà về ăn Tết” với cháu con. Người Công giáo thì thường quy tụ rất đông tại các nhà chờ Phục sinh (nhà hài cốt) viếng linh cốt tổ tiên, ông bà, đến các nhà thờ để dự thánh lễ hoặc chầu Thánh Thể tạ ơn cuối năm, tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa đã thương ban.
5. Ngày đầu xuân con dâng lên Thiên Chúa chí tôn lời cảm mến chúc khen cha chí lành. Chúa đã ban thêm một mùa xuân, mùa xuân sáng tươi hy vọng cho mọi người trên dương gian. (Thánh ca Xuân hy vọng - Nguyên Kha)
Tết cũng là thời khắc việc thể hiện niềm tin tôn giáo diễn ra khá đậm nét. Việt Nam là một đất nước đa văn hóa và đa tôn giáo. Tuy thuộc nhiều tôn giáo khác nhau nhưng cùng có chung một niềm tin vào Đấng Tối Cao, Đấng đó đang an bài mọi sự, đang điều hành mọi sự và cũng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi con người. Người Việt Nam luôn tin rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Nếu Trời không thương giúp thì dù có cố gắng hết sức, cũng chỉ uổng công thôi. Do đó, ngay từ trước Giao thừa, rất đông những người Công giáo đến các nhà thờ để dự thánh lễ và “Mừng tuổi Chúa”, cảm tạ ơn Chúa đã ban cho một năm mới nữa, xin Chúa chúc lành và ban cho năm mới được bình yên, được “Vạn sự như ý”. Sau khi mừng tuổi Chúa, nhiều nơi còn tổ chức “Hái lộc đầu năm” chính là những câu Thánh Kinh được chọn lọc, được trích dẫn và được rút thăm coi như điều mà Chúa muốn mỗi người phải sống như thế nào cho xứng đáng. Những tín đồ của các tôn giáo khác ngay từ sáng sớm mồng Một đã rủ nhau đến chùa, đến các thánh thất để cầu lộc, cầu phúc, cầu an..., xin mọi sự may lành và hoặc cho được tai qua, nạn khỏi.
6. Nắng xuân lung linh, cánh mai rung rinh báo tin xuân vừa mới quay về. Hãy vui lên đi, hãy trao cho nhau tiếng yêu chan hòa ý thơ. Nào cùng quên đi niềm đớn đau của những ngày qua. Nào cùng ôm vai và nói cho nhau lời tha thứ. Để lòng hân hoan niềm khát khao đón xuân mới về. Chúa xuân yêu thương sẽ ban cho ta biết bao nhiêu là hồng ân. (Thánh ca Chúa xuân yêu thươngNguyễn Ngọc Tiến)
Tết còn là những ngày của tình thân ái, tình bạn bè và tình làng nghĩa xóm. Người Việt Nam tránh không làm việc, không lao động, ngoài việc để nghỉ ngơi, còn là dành thời gian để đi thăm viếng nhau và tiếp đón khách đến nhà. Ngay từ sáng sớm, sau khi đã mừng tuổi ông bà, cha mẹ, con cái được cha mẹ dẫn đi thăm vú bõ, chú bác cô dì. Trước khi đi, ai cũng được dạy cho một đôi câu chúc Tết để mong có được nhiều tiền “lì xì”. Việc viếng thăm nhau trong những ngày đầu xuân mới quả là một tập tục cao đẹp của người Việt Nam.
Tết không chỉ là những ngày lễ hội để vui chơi, mà còn là dịp để cảm nghiệm, để tìm hiểu, để sống có ý nghĩa những truyền thống đã có từ rất lâu đời, và nhất là để cầu nguyện thật nhiều cho quê hương, đất nước, cho Giáo hội Việt Nam thân yêu.
Fx Đỗ Công Minh