Cắc tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid - 19 |
Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao vị thế con người và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI: Người Công giáo tốt cũng là người Công dân tốt, đồng bào Công giáo đã chủ động tham gia vào các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào chăm lo đời sống an sinh xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường… Đến nay, cùng với sự phát triển của đất nước, các giáo xứ, giáo họ đã có nhiều khởi sắc về đời sống kinh tế, kiến thiết hạ tầng, chất lượng cuộc sống giáo dân được nâng cao, nhiều giá trị đạo đức văn hóa được thăng tiến.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta, các tu sĩ, chức việc và giáo dân đã phát huy những giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp của đạo Công giáo, vượt qua hiểm nguy, cùng lực lượng y tế và các chiến sỹ tham gia nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác ở trong và ngoài nước đã có những đóng góp to lớn về vật chất và tinh thần để chung tay cùng cộng đồng “chống dịch như chống giặc”, nhất là trong thời điểm nhiều tỉnh, thành phía Nam là tâm dịch của cả nước. Những phần quà nặng nghĩa tình từ đồng bào Công giáo chính là tình đồng bào trong khối đại đoàn kết dân tộc như hưởng ứng Lời kêu của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19” và Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19”.
Giá trị đạo đức tôn giáo rất bền vững trải qua các thời kỳ của đất nước, qua bao nhiêu thay đổi và ngày càng được khẳng định trong đời sống. Trong phòng, chống dịch COVID-19, các tu sĩ, chức việc và giáo dân tự nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch, bất chấp nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt là những người mắc các bệnh phong, HIV, chất độc da cam… thường bị người đời xa lánh, nhưng chính các tu sĩ, thiện nguyện viên Công giáo đã chăm sóc họ, góp phần xóa đi nỗi đau thể chất, nỗi đau tinh thần. Tất cả đều làm từ tâm và từ sự thôi thúc của tình yêu thương người khác như yêu chính mình vậy.
Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa khẳng định nguồn lực tôn giáo có ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Nguồn lực tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng đều rất phong phú, gồm nguồn lực vật chất, nguồn lực con người và nguồn lực tinh thần. Gần 7 triệu người Công giáo Việt Nam đang phát huy tốt đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và những giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của đạo Công giáo để giúp đỡ bệnh nhân COVID-19, góp phần xây dựng cuộc sống tốt lành. Điều này được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhân dịp đến thăm, chúc mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021 tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Chủ tịch nước vui mừng cho biết: “Theo dòng lịch sử, đồng bào Công giáo luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sống tốt đời, đẹp đạo. Các giáo phận, giáo xứ, dòng tu Công giáo tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, bác ái; đặc biệt là chung tay cùng các lực lượng trong phòng, chống dịch COVID-19, mang lại những tình cảm ấm áp, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân”.
Theo TS Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), tôn giáo đã được xác định là một nguồn lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ vậy, nhiều giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tôn giáo trong đó có Công giáo đã và đang được phát huy tốt hơn. Tất nhiên, không phải bây giờ chúng ta mới phát huy giá trị đạo đức ấy, bởi những đóng góp của Công giáo cũng như nhiều tôn giáo khác đối với đời sống xã hội đã có từ rất lâu. Để phát huy tốt nguồn lực tôn giáo thì ngoài công tác quản lý nhà nước, cần hoàn thiện công tác tôn giáo nói chung của cả hệ thống chính trị, bởi việc phát huy nguồn lực tôn giáo liên quan đến rất nhiều các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác tôn giáo, tích cực thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”. Đây là một trong những thuận lợi để trong thời gian tới, đồng bào Công giáo cũng như các tôn giáo có thể phát huy tốt hơn nguồn lực của mình vào đời sống xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.