Tin tức - Hoạt động

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Cập nhật lúc 07:17 29/01/2022
Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách Việt, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Ảnh: CTV
Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách Việt, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Ảnh: CTV
Bạn tôi là một ca sĩ. Mẹ của bạn đã ở tuổi 90 có đôi hàm răng đen nguyên vẹn được nhuộm từ tuổi trăng tròn. Bạn tâm sự là mẹ rất thích ăn trầu và rất thích nghe con cháu hát bài “Hoa cau vườn trầu” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến với những câu mở đầu tình tứ phản ánh đúng tâm tư của mẹ một thời: “Nhà anh có một vườn cau/ Nhà em có một vườn trầu/ Chiều chiều nhìn sang bên ấy/ Hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em. Anh lên đường mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh/ Một lá trầu xanh thắm tình em chẳng phai màu/ Hoa cau rụng trắng sân nhà em/ Mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu/ Anh thương em rồi sao anh chẳng nói/ Để hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn/ Hoa cau rụng trắng sân nhà em/ Mà hương cau ngan ngát quanh vườn trầu/ Lá vẫn xanh tươi màu/ Xin ai đừng để lá trầu vàng…”.

Vui với gia đình nhà bạn, tôi hồi tưởng “Sự tích trầu cau” được cô giáo giảng cho nghe từ hồi còn là học sinh cấp II trường huyện. Vào đời vua Hùng thứ ba có hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Sau khi có vợ, Tân lại giảm đi tình cảm ấy. Lang buồn, rời nhà ra đi, tới bờ suối, mệt quá, gục xuống chết, hóa thành tảng đá vôi. Tân, không thấy em về, đi tìm, đến bờ suối, mệt lả, tựa lưng vào hòn đá vôi rồi chết, biến thành cây cau. Vợ Tân không thấy chồng cũng đi tìm, đến bờ suối, quá mệt, dựa vào thân cau và chết, biến thành dây trầu không. Chẳng bao lâu dân tình phát hiện trầu, cau và vôi quyện với nhau tạo ra sắc đỏ như máu. Vua Hùng nghe chuyện cảm động, lấy làm bài học dạy cho dân ta vun đắp tình anh em. Cho đến nay, trầu cau là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân và cưới hỏi của người Việt. Tại làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có ngôi đền Tam Khương thờ ba người xưa đã tạo nên hình ảnh liên kết đẹp. Đền ấy nhận được nhiều sắc phong tặng của các triều đại phong kiến và đón khá nhiều khách đến vãn cảnh.

Ý nghĩa của “Sự tích trầu cau” thật tuyệt diệu. Song dân ta không dừng lại đó, mà còn phát triển thêm một điều tuyệt diệu nữa là “Nghệ thuật sử dụng trầu cau” trong đời sống hằng ngày. Tục ngữ, ca dao Việt Nam miêu tả “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Miếng trầu nên dâu nhà người”, “Miếng trầu có 4 chữ tòng/ Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà/ Nào là chào mẹ chào cha/ Cậu cô, chú bác mời ra ăn trầu”. Việc chọn dâu qua miếng trầu thì tuyệt hảo, chứa những bài học ứng xử tinh tế qua ngôn ngữ bàn tay. Như khi đi xem mặt cô dâu tương lai, nhà trai thường đợi cô gái ra têm trầu, rót nước để nhận xét về công dung ngôn hạnh. Như thấy cô gái nâng cao ấm nước mà rót để nước chảy tung tóe vào chén là thiếu lễ độ, thấy cô gái têm trầu vụng về vá kém, thấy cô gái để miếng cau nhỏ bên miếng trầu lớn là chưa biết tính toán, thấy cô gái quyệt nhiều vôi vào miếng trầu là chưa biết lo xa…Lại nữa, khi đình đám và lễ Tết, sự đòi hỏi người têm trầu phải đạt nghệ thuật cao. Trầu phải được têm hình cánh phượng, cau phải được tróc vỏ hình hoa nở, đĩa trầu phải được bày đủ 5 miếng hoặc 10 miếng, hạt cau phải được bày song hàng chầu đầu vào giữa đĩa trầu, khi đưa đĩa trầu mời khách phải bưng hai tay cho kính cẩn.

Tôi lại nhớ chiều ngày 22/4/2006, ông tỷ phú Bill Gates người Mỹ giàu nhất nhì thế giới tới thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông đã dành thời gian thăm xóm Tự, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nằm trong vùng dân ca Quan họ đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể thế giới”. Tại đây, ông Bill Gates được các cô gái mời trầu cánh phượng và thưởng thức dân ca Quan họ. Đỡ lấy miếng trầu được trao tay, ông nở nụ cười rất tươi. Khi nhai trầu, môi ông thắm đỏ, nụ cười lại tươi thêm. Sau đó, ông có bài phát biểu về tiềm năng công nghệ thông tin của Việt Nam, trực tiếp khởi động chương trình One click, với hy vọng công việc của công nghệ hiện đại phát triển cùng nhịp với câu chuyện dân gian ngày xưa, giúp cho cuộc sống con người thêm phong phú, hữu ích, nhẹ nhàng, tươi trẻ. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” trong thời đất nước hội nhập quốc tế rõ hay. Tôi nghĩ vậy.

Dương Quang Minh
Thông tin khác:
Đón xuân an toàn trước đại dịch (29/01/2022)
Ông Ba Mươi và điểm hên xui (29/01/2022)
Nghĩ về tính Hiệp hành của Giáo hội trong đại dịch (28/01/2022)
Tết Việt trên đất Mỹ (28/01/2022)
Người Công giáo Việt Nam với việc tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên (28/01/2022)
Chút tâm tình hướng tới Hội Thánh hiệp hành (28/01/2022)
Tết và đạo hiếu (27/01/2022)
Tết với người Công giáo Việt Nam (27/01/2022)
“Không bao giờ nghĩ Chúa sẽ chọn mình vào chức vụ này” (26/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log