Tin tức - Hoạt động

Nghĩ về tính Hiệp hành của Giáo hội trong đại dịch

Cập nhật lúc 06:58 28/01/2022
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam có đóng góp trong phòng, chống đại dịch, đặc biệt là phải kể đến lực lượng hàng nghìn tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu tại các bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam khác.
Các tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID -19.
Các tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID -19.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam có đóng góp trong phòng, chống đại dịch, đặc biệt là phải kể đến lực lượng hàng nghìn tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu tại các bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam khác. Đến ngày 10/10/2021 đã có 1.558 linh mục, tu sĩ và giáo dân các giáo phận phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu. Đáng chú ý là tại giáo phận Xuân Lộc, trong số 566 tình nguyện viên có hàng chục tình nguyện viên là bạn trẻ thuộc Ban mục vụ Giới trẻ và huynh trưởng của hội đoàn Thiếu nhi Thánh Thể của giáo phận Xuân Lộc. Hầu hết tình nguyện viên giới trẻ là những giáo dân có trình độ, được đào tạo cơ bản từ hệ trung cấp trở lên đã tình nguyện tham gia phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó cũng cần kể đến hội Y tế Công giáo, Caritas thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp trợ giúp cho người bị nhiễm COVID-19 tại nhà như tư vấn sức khỏe, cung cấp thuốc thông dụng, bình ôxy, máy tạo ôxy, dụng cụ SpO2 tại nhà, đồng hành tâm linh; hàng chục bác sĩ Công giáo cung cấp số điện thoại cho các bệnh nhân gọi trao đổi tư vấn 24/24… Những sự kiện trên cùng lúc với việc Giáo hội Công giáo đang đề ra một chủ đề mục vụ của năm tới với nội dung “hiệp hành”. Bài viết này thử nhìn lại các tính chất của hiệp hành này được biểu hiện thế nào trong trận chiến chống COVID-19 mà Giáo hội đã tích cực là một đồng chủ thể cùng tham tham dự với chính phủ và người dân.

Đại dịch đã tạo ra những ảnh hưởng lớn về kinh tế, xã hội so với những lần trước đó. Tâm điểm lần này ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, khu vực có hàng triệu tín hữu sinh sống và chịu ảnh hưởng chung với bao nhiều đồng bào khác. Khi đại dịch phức tạp, cần sự huy động toàn xã hội vào chống dịch, người ta thấy không chỉ có những chiến sĩ áo trắng, lực lượng, công an, quân đội, dân phòng trong trận tuyến này, mà có cả hình ảnh của nhiều chức sắc, tu sĩ giáo dân tham gia trong đó. Họ đồng hành cùng Chính phủ và các ngành chức năng với các vai trò khác nhau như trực tiếp điều trị, tư vấn, tình nguyện,… Tất cả đều hướng đích tới việc đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa thành phố và các tỉnh có dịch trở về trạng thái an toàn, đem lại bình an cho mọi người. Xét về mục vụ, có thể xem sự tham gia của chức sắc, tu sĩ và giáo dân là một sự hiệp hành trong thời đại mới, trong một bối cảnh hoàn toàn xa lạ khác với sự hiệp hành mô tả trong các sách Phúc Âm hay các sự kiện trong quá khứ. Dù vậy nếu đem kết nối lại dấu ấn quá khứ và hiện tại, người ta có thể thấy rõ hiệp hành đã trở thành một trạng thái mà ở đó các thành phần Dân Chúa có khả năng liên kết trong một hành trình chung, vì đại cục, theo tinh thần của Tin Mừng. Chính tính hiệp hành của tín hữu Việt Nam trong phòng chống dịch, làm cho mỗi cá nhân trong Giáo hội nhận rõ hơn chiều kích hiệp thông của mình với Hội Thánh và lan tỏa đồng hành, khiến các thành viên của Giáo hội cùng nhịp bước, cùng quy tụ và tham gia tích cực vào sứ mệnh chống dịch.

Sự tham gia chống dịch của người Công giáo rõ ràng không chỉ là một ngẫu hứng theo trào lưu mà xuất phát từ một trách nhiệm rõ ràng. Khi dịch bệnh chưa bùng phát, hàng giáo phẩm đã nêu cao tinh thần bằng việc tuân thủ giãn cách. Bởi vậy mới có những buổi lễ không giáo dân trong nhà thờ. Nhiều gia đình đã dự lễ online để đảm bảo an toàn chống dịch. Đối với người Công giáo, đó là một sự đánh đổi lớn về đời sống tâm linh khi không được trực tiếp rước Thánh Thể, song ở chiều kích hiệp hành, đã cho chính quyền và người dân thấy rõ quyết tâm cũng như ý thức về trách nhiệm công dân của người tín hữu Việt Nam trong chống dịch. Trong tình huống này hiệp hành thúc đẩy các thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm và ý thức trách nhiệm. Điều này rất khó khăn nhưng nhận được sự tôn trọng của xã hội. Người ta cũng không chỉ nhìn thấy Giáo hội Công giáo Việt Nam hiệp hành ở trong mức độ đề cao ý thức phòng chống dịch. Bởi nếu như vậy dễ rơi vào trạng thái cầu toàn, thụ động, đóng khung trong sự an toàn riêng tư của mình. Nhìn lại những ngày tháng ở tâm điểm của đợt dịch, hiệp hành còn là sự dấn thân tham gia của toàn thể Dân Chúa. Cũng như bao lực lượng chống dịch tuyến đầu khác, nhiều người đã không quản hiểm nguy mà đem vào sự cô đơn, tuyệt vọng của nhiều người một tình yêu thương bằng một sự dấn thân triệt để, tạo ra những nâng đỡ tinh thần, tạo ra cho nhiều người nguy khốn sự hi vọng. Sự dấn thân trong hiệp hành được xuất phát từ sự lắng nghe, quan tâm và phục vụ người bệnh. Bởi vậy mỗi thành viên trong Giáo hội không mang trong mình một dáng vẻ cá nhân riêng biệt cho dù có thể thành phần tham gia chống dịch bao gồm cả chức sắc. Hiệp hành là một sự đồng lòng mà ở đó người ta không thấy rõ màu sắc của cái tôi cá nhân, thay vào đó là sự dấn thân, yêu thương, phục vụ theo tinh thần của Tin Mừng. Caritas các giáo phận đã thực hiện những hoạt động thiết thực như trao tặng thực phẩm, suất ăn đến tận tay người nghèo. Caritas Việt Nam và các giáo phận thành lập và điều phối Chương trình “Trao nhau yêu thương”. Mục đích là hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo trong mùa dịch COVID-19. Caritas các giáo phận triển khai “Siêu thị 0 đồng”, gửi hàng chục nghìn phiếu mua hàng đến người nghèo, để mua hàng trực tiếp tại các siêu thị theo nhu cầu của gia đình với số tiền trợ giúp lên đến hàng chục tỷ đồng

Trong đại dịch, chức sắc và hàng giáo phẩm giữ vai trò tiên phong cho các định hướng hoạt động chung, nhưng định hướng đó chỉ có thể lan tỏa qua vai trò của các tổ chức, thành phần của Giáo hội. Bởi vậy Hiệp hành ở đây còn nói tới vai trò của cộng đoàn. Khi vai trò cộng đoàn cơ sở được phát huy, sẽ tạo ra một sức mạnh vai trò hàng ngang ở giữa và cùng nhau để tương trợ cho những người bệnh. Ở nhiều giáo phận, có nhiều giáo xứ lập hội tín dụng tiết kiệm. Các thành viên của hội chung nhau góp vốn cho những người nghèo vay không lấy lãi đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó mà không ít người thoát khỏi đói nghèo, vươn lên sản xuất đủ ăn, có tiền nuôi con ăn học. Nhiều giáo xứ gây dựng quỹ khuyến học, trao học bổng cho các em học giỏi, đặc biệt là các em nhà nghèo học giỏi. Đó còn là trao xe đạp, cặp sách, vở, bút, quần áo cho học sinh, người khuyết tật được trao xe lăn… Rõ ràng Hiệp hành còn là một Giáo hội tham gia đồng trách nhiệm, vì mọi người và cũng vì chính mình.

Có thể Hiệp hành chỉ là một sự diễn ngôn mới để nói lại những hành động cũ đã trở thành truyền thống và giá trị của Công giáo. Trong chuỗi những nội dung của Hiệp hành, phải kể đến sự đồng hành của Giáo hội với những người bệnh. Người ta không thể nhớ nổi bao nhiều giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ đã chăm sóc những người bệnh nhận xấu số, bị bỏ rơi trong suốt hành trình của Giáo hội trong các nền văn hóa khác nhau từ trong quá khứ. Như vậy Hiệp hành chính là một quá trình mà Giáo hội nói chung và người tín hữu nói riêng trở lại với cội nguồn truyền thống của mình như những chân lý và gương sáng mà Đức Giêsu Kitô đã từng hành động khi Ngài nhập thể làm người. Nhìn từ đại dịch lần thứ tư, có thể nói Hiệp hành là một tình huống mà Giáo hội cùng đi với Nhà nước và người dân. Khi cùng đi và người bệnh sẽ không ai bị bỏ lại.
 
Ts. Ngô Quốc Đông
Thông tin khác:
Tết Việt trên đất Mỹ (28/01/2022)
Người Công giáo Việt Nam với việc tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên (28/01/2022)
Chút tâm tình hướng tới Hội Thánh hiệp hành (28/01/2022)
Tết và đạo hiếu (27/01/2022)
Tết với người Công giáo Việt Nam (27/01/2022)
“Không bao giờ nghĩ Chúa sẽ chọn mình vào chức vụ này” (26/01/2022)
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm, chúc mừng tại giáo phận Thanh Hóa (26/01/2022)
"Xuân nhân ái - Tết sẻ chia" đến với người nghèo huyện Thường Tín (25/01/2022)
Tp Hồ Chí Minh: Đưa hơn 1.000 sinh viên khó khăn về quê đón Tết (25/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log