Tin tức - Hoạt động

Nhớ về ngôi trường Thành Nam nổi danh toàn quốc

Cập nhật lúc 10:11 19/11/2021
Vào dịp "Ngày Nhà giáo Việt Nam" năm nay (20/11/2021) tôi được hầu chuyện nhà giáo lão thành Nguyễn Văn Xuyên, quê Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định, nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên hệ côn lập Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định (1985-1988), vui mừng xiết bao, qua ký ức của ông, tôi được cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá của ngôi trường 101 tuổi lừng danh toàn quốc này.
Trường được thành lập theo Nghị định số 2455 do Toàn quyền Đông Dương Maurice Long ký ngày 24/8/1920 với tên gọi trường Thành Chung Nam Định. Nghị định quy định, năm học đầu trường được mở một lớp tuyển sinh từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Tờ báo Trung Bắc Tân Vân thời ấy  ra số 8/10/1920 đưa tin lớp học đầu tiên của trường có 45 trò, được đặt tại căn phòng gần Sở Bưu điện. Nhà giáo Việt Nam làm Hiệu trưởng từ năm học đầu là Nguyễn Văn Hiếu...

Trường Thành Chung Nam Định đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. Đông đảo học sinh của Trường thời trước Cách mạng tháng Tám về sau trở thành danh nhân như Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh, Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Đức Cảnh, Trưởng ban Tổ chức của Đảng Lê Đức Thọ, Phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Việt Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Cơ Thạch, Đại tướng Công an nhân dân Mai Chí Thọ, các nhà văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, Thép Mới…

Năm 1959, trường Thành Chung Nam Định được đổi tên là trường Lê Hồng Phong và nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định. Nhà giáo Nguyễn Văn Xuyên cho tôi xem bảng liệt kê thành tích chứa đầy sự khích lệ của trường trên 60 năm qua. Triển khai phong trào thi đua dậy tốt, học tốt, đội ngũ thầy và trò hợp lực với các cấp các ngành và nhân dân tỉnh nhà giành danh hiệu Nhà giáo ưu tú ngày càng nhiều, số học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olimpic khu vực và quốc tế trên 40 em, số học sinh giỏi giành giải Quốc gia trên 1000 em. Trường được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Rời trường, hàng vạn học sinh tỏa đi khắp nơi, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, quân sự, ngoại giao… tô thắm truyền thống nơi mình đã một thời du dưỡng.
 
Thầy Nguyễn Văn Xuyên tặng hoa chúc mừng Tổng bí thư Trường Chinh về thăm trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 1987. Ảnh: TL
Thầy Nguyễn Văn Xuyên tặng hoa chúc mừng Tổng bí thư Trường Chinh về thăm trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 1987. Ảnh: TL
Lướt qua trang sử truyền thống lừng danh ấy, tôi tâm tình với nhà giáo Nguyễn Văn Xuyên: “Hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm với trường?”. Ông vui cười đáp: “Kỷ niệm chất đầy trong tim, nhất là thời tôi làm  giáo viên và đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng của Trường, xin kể một trong số đó cho nhà báo nghe”. Ông lấy trong tủ kính phòng khách bức ảnh đẹp trao cho tôi xem. Tôi nhận ra ngay ông đang tươi cười tặng hoa Tổng bí thư Trường Chinh về thăm trường cũ đúng dịp "Ngày Nhà giáo Việt Nam” (1987). Ông kể: “Trân trọng và yêu quý biết bao khoảnh khắc lịch sử ấy không chỉ riêng tôi, mà là toàn thể giáo viên, học sinh của Trường, cũng có thể là tất cả đội ngũ thầy cô giáo và học sinh cũng như toàn nhân dân tỉnh Nam Định”. Ông nhấn giọng: “Chuyến thăm trường cũ của Tổng bí thư tỏa sức cổ vũ lớn về nhiều mặt, như tôn sư trọng đạo, tình xưa nghĩa cũ, ôn cố tri tân, cổ vũ phong trào dạy tốt, học tốt hiện tại… tô thắm thêm lá cờ truyền thống của trường”.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và làm việc với ngành GD - ĐT Nam Hà năm 1994
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và làm việc với ngành GD - ĐT Nam Hà năm 1994
Tổng bí thư Đỗ Mười về thăm tỉnh năm 2002
Tổng bí thư Đỗ Mười về thăm tỉnh năm 2002

Vui với nhà giáo lão thành Nguyễn Văn Xuyên, tôi mở điện thoại cá nhân ra xem bài thơ “Một thầy hiệu trưởng” của thầy Nguyễn Ngọc Lãnh, giáo viên toán trường chuyên Lê Hồng Phong viết về ông. Tôi thưa: “Thầy ơi! Thầy còn có thêm một kỷ niệm đẹp nữa đây này!”. Ông chưa kịp xem tôi đã ngân nga:
 
Một thầy hiệu trưởng trường tôi
Dịu dàng tế nhị mọi người mến yêu
Đồng nghiệp kính trọng thầy nhiều
Học trò tôn trọng sớm chiều vui tươi
Thầy làm việc tốt mọi nơi
Lý tình trọn vẹn mọi người tôn vinh
Thầy luôn làm việc nhiệt tình
Nhân dân yêu mến sở mình mời ngay
Mời thầy làm giám đốc đây
Thầy làm thật tốt ngày ngày vui tươi
 
Tiếng thơm lan tỏa khắp nơi
Tỉnh nhà tin tưởng lại mời thầy lên
Làm Phó Chủ tịch tỉnh liền
Thầy luôn làm tốt mọi miền kính yêu
Nhân dân được hưởng lợi nhiều
Công tâm xử lý mọi điều tốt hay
Thầy làm chu đáo lâu ngày
Tuổi vàng đã đến nên thầy nghỉ ngơi
Tiếng thơm lưu lãi suốt đời
Chúc thầy khỏe mạnh vui chơi mọi miền
Cuộc đời luôn được an viên
Gia đình hạnh phúc thiên niên rạng ngời
Ở đâu thầy cũng vui tươi
Đến đâu cũng được mọi người kính yêu

Nghe xong bài thơ nhà giáo Nguyễn Văn Xuyên lại nở nụ cười tươi và mơ màng nhớ về ngôi trường Thành Nam nổi danh toàn quốc, nơi mình say sưa giảng dạy học trò, tiếp đến là đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tiếp nữa là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định những nơi làm việc hết mình.
Dương Quang Minh
Thông tin khác:
Cấp căn cước công dân lưu động trên xe buýt (20/11/2021)
Hai vành đai Hà Nội số 4 và số 5 (20/11/2021)
Thay đổi tư duy chống dịch theo hướng quản lý rủi ro (19/11/2021)
Rác thải nhựa và hành động của chúng ta (19/11/2021)
Hà Nội: Phong trào "Xứ họ đạo tự quản về an ninh trật tự" sau 2 năm nhìn lại (18/11/2021)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi thư chúc mừng Đại lễ Khai đạo Cao Đài (17/11/2021)
Hân hoan ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thủ đô gió ngàn (17/11/2021)
Cầu nguyện cho đồng bào tử vong vì dịch bệnh COVID -19 (16/11/2021)
Tối 19/11, các tổ chức tôn giáo hưởng ứng lễ tưởng niệm đồng bào bị tử vong vì Covid-19 (16/11/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log