Thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 để phục hồi phát triển kinh tế. Ảnh: CTV |
Tại Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, cơ quan này đã đề nghị các địa phương trong tỉnh triển khai cách ly F0 tại nhà. Chủ trương của tỉnh chỉ giữ lại một số bệnh viện dã chiến với quy 3 đến 4 ngàn giường bệnh. Để tăng tính linh hoạt trong phòng chống dịch và hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế khi phòng chống dịch, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn và trong các khu công nghiệp. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là nếu xuất hiện ca F0 mới phải điều trị tốt, không để xảy ra tử vong.
Thực hiện tinh thần vừa tăng cường phòng chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế theo chỉ đạo chung của Thủ tướng, đơn vị chức năng tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác phòng dịch COVID-19 trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đi về hằng ngày. Theo lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp đang triển khai tốt việc chia ca, kíp, luân phiên ăn giữa ca, phun khử khuẩn… Các doanh nghiệp bố trí nhân lực, đường đi lối lại, khu vực ăn uống, nghỉ ngơi cho từng phân xưởng để khi có ca F0 ở phân xưởng nào thì xử lý nhanh, gọn phân xưởng đó, không để lây lan ra phân xưởng khác. Đến ngày 8/11, Đồng Nai có 1.661/1.713 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã trở lại hoạt động với hơn 537 ngàn lao động trong tổng số 615 ngàn lao động, còn 52 doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động, tương ứng với hơn 2,2 ngàn người lao động. Các khu công nghiệp đã nhanh chóng triển khai thành lập các trạm y tế lưu động, thực hiện cách ly F0 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Về chính sách hỗ trợ người lao động, Đồng Nai đã chi đạt khoảng 90% cho người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tại Nam Định, những ngày gần đây, số ca dương tính COVID-19 liên tục gia tăng, nhiều ca nhiễm mới được ghi nhận ở nhiều địa bàn nông thôn (thuộc hầu hết các huyện) cách đây ít ngày vẫn còn là vùng xanh.
Để ứng phó với diễn tiến dịch phức tạp, Nam Định một mặt vẫn duy trì sản xuất, các khu công nghiệp vừa tăng cường phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất. Mặt khác tăng cường các biện pháp phòng ngừa như cách ly nhiều cấp độ khác nhau đối với người về từ các vùng đỏ, cam, vàng trên cả nước; dừng học tập trung, chuyển sang hình thức học trực tuyến đối với các trường học phổ thông trên địa bàn; hoãn nhiều hoạt động hội họp; khuyến cáo người dân giảm quy mô số người tham dự đám cưới, đám tang… Tỉnh cũng linh hoạt trong cách ly y tế theo hướng: người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc, sẽ cho áp dụng cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế 14 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Những hành động trên của chính quyền tỉnh Đồng Nai, Nam Định cho thấy, các địa phương này đang thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách “không COVID”. Đây là những ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nội dung công điện mới đây của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chỉ đạo nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắcxin. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...