Trong bài hát Huyền thoại mẹ, Trịnh Công sơn viết: “Mẹ là gió uốn quanh/ Trên đời con thầm lặng/ Trong câu hát thanh bình/ Mẹ là gió mong manh”. Trong trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm viết: “Em ơi em/ Hãy nhìn rất xa/ Vào bốn ngàn năm Đất Nước/ Năm tháng nào cũng người người lớp lớp/ Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta/ Cần cù làm lụng/ Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh/ Nhiều người đã trở thành anh hùng/ Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ.../ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.
Còn mở đầu bài thơ Gửi mẹ, Lưu Quang Vũ viết: “Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ/ Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta/ Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ/ Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học/ Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh/ Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa/ Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha...”.
Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi đậm dấu son chói ngời của những liệt nữ anh hùng không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, vùng lên chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi. Từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu... cho tới các nữ tướng lẫm liệt cầm quân ra trận, và còn đó biết bao Mẹ Việt Nam anh hùng thầm lặng hiến dâng cho đất nước những người thân yêu nhất...
Những trang sử chói ngời dựng nước và giữ nước của người Việt Nam đều có phần đóng góp vô giá của các bà, các mẹ, các chị. Nối tiếp truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh tiếp bước tiền nhân cho chúng ta có được đất nước của ngày hôm nay. Vinh quang của đất nước cũng là vinh quang của các bà, các mẹ, các chị.
Gần suốt hai năm qua, khi “giặc” dịch Covid-19 ập đến, ai ai cũng vất vả nhưng khổ nhất hẳn phải là các bà, các mẹ, các chị, các em. Trong những ngày dài giãn cách phòng chống dịch phải chịu nhiều thiếu thốn bất tiện, thì chính họ là người lo gìn giữ ngọn lửa ấm trong từng mái nhà, lo cho cả nhà từng bữa cơm từng hớp nước, rồi lại quần quật “học” cùng con khi lũ trẻ chưa được đến trường. Họ đã trở thành trụ cột của gia đình đúng nghĩa để chúng ta có thêm tinh thần và nghị lực vượt qua thử thách của dịch bệnh không hề có tiền lệ từ trước tới nay.
Và, cũng trong những tháng ngày đương đầu với dịch bệnh ấy, thật vô cùng tự hào và cảm phục những nữ anh hùng áo trắng, họ là những nữ y bác sĩ, là nữ sinh các trường Y Dược đã không quản hiểm nguy vào tận tâm dịch, vào những cơ sở điều trị bệnh bệnh nhân Covid-19, những khu cách ly F0... quên mình cứu người. Gánh nặng trên vai họ tăng lên gấp hai, gấp ba lần vì cùng với nghĩa vụ công dân thì họ còn phải đảm đương thiên chức của người mẹ, người vợ, người phụ nữ. Những tưởng phận liễu yếu đào tơ nhưng khi đất nước gặp khó khăn họ chợt trở nên vô cùng mạnh mẽ, vô cùng dũng cảm với đức hy sinh không gì sánh nổi của người phụ nữ Việt Nam.
Trong những ngày tháng gian nan ấy, nhiều nữ y bác sĩ nhiều tháng ròng không được gặp chồng, gặp con. Họ chỉ được gặp người thân yêu qua những cuộc điện thoại vội vã. Nhiều câu nhắn giản dị cảm động khiến ta rơi nước mắt: Con ở nhà ngoan ngoãn, học giỏi, hết dịch mẹ về...
Nay dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhưng hàng trăm ngàn y bác sĩ, trong đó phần nhiều là các mẹ, các chị vẫn tiếp tục công việc của mình trong các bệnh viện, trạm y tế, những cơ sở thu dung điều trị F0, F1. Cuộc chiến đấu gian nan này vẫn rất cần các mẹ, các chị. Và cũng chính vì thế, trong chiến thắng dịch Covid-19 có công lao vô cùng lớn của những “nữ chiến sĩ áo trắng”. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng trên một chiến trường đặc biệt: chiến trường chống lại virus SARS-CoV-2 để giữ gìn sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Hôm nay, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, xin một lần nữa được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người phụ nữ Việt Nam, những người đã góp phần “làm ra Đất Nước”.