Chiều 15/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khai trương Lầu Tàng Thơ- thư viện Hoàng gia thời Nguyễn tại đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế.
Lầu Tàng Thơ là nơi cất giữ và bảo quản các sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu, phục dựng lại để gìn giữ nét văn hóa, lịch sử truyền thống.
Thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), triều đình đã tập trung về kinh đô khá nhiều tư liệu thành văn quý báu như: Gia Định thành thông chí; Bản triều ngọc phả; Khai quốc công thần diễn chí... Đây cũng là thời kỳ các thư viện và kho lưu trữ đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn ra đời như Đông Các viện (1826); Quốc Sử Quán (1821); Tàng Thơ lâu (1825),…
Tàng Thơ Lâu được xây dựng năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng. Tổng thể kiến trúc Tàng Thơ Lâu được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách, văn bản giấy tờ quan trọng của triều đình, đặc biệt để đối phó với hai thứ họa lớn là nước và lửa. Sau khi được xây dựng xong vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826 ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc dựng Tàng Thơ Lâu.
Trải qua 7 năm phục dựng (2014 - 2021). Hiện nay Tàng Thơ Lâu đang được lưu trữ dưới ba loại hình gồm tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh.
Tư liệu thành văn với hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, Phật giáo, tôn giáo, tín ngưỡng,…
Về tư liệu video, sau nhiều năm nỗ lực phục dựng và tái hiện các hoạt động nghi lễ, những thức phim được chăm chút đến từng chi tiết, chất lượng hình ảnh rõ nét… Riêng tư liệu hình ảnh có hơn 4.000 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau tái hiện sinh động, qua đó người xem có thể hình dung được chốn hoàng cung triều Nguyễn với những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi, kiến trúc nguyên sơ. Từ những bức hình toàn cảnh đến góc chụp tỉ mỉ, chi tiết hoa văn, họa tiết trên các kiến trúc cung đình, còn là kết quả nặng tình với di sản Huế của các nhà nghiên cứu trùng tu và bảo tồn.