Tin tức - Hoạt động

Tiểu thương chợ Vồi gượng dậy sau dịch

Cập nhật lúc 05:50 23/10/2021
Chợ Vồi là trung tâm giao thương của huyện Thường Tín, Hà Nội. Nơi đây, có tỷ lệ lớn tiểu thương là người Công giáo thuộc giáo xứ Hà Hồi (xã Hà Hồi, Thường Tín), họ đã làm ăn gắn bó với chợ từ bao năm nay. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 kéo dài, đã đẩy nhiều hộ kinh doanh vào tình thế khó có thể xoay xở. Hiện nay, các tiểu thương đang cố gắng phục hồi hoạt động buôn bán
Chị Bùi Thị Phương kinh doanh giày dép tại chợ Vồi chia sẻ về khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: An Luých
Chị Bùi Thị Phương kinh doanh giày dép tại chợ Vồi chia sẻ về khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: An Luých
Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua, UBND huyện Thường Tín đã triển khai và tăng cường thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thiết yếu. Theo đó, UBND huyện yêu cầu những người kinh doanh tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích… bố trí, lắp đặt các màng chắn bằng nilông trắng, trong suốt ngăn cách riêng giữa khu vực người bán và người mua hàng, tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bán hàng và người mua hàng. 

Tại chợ Vồi (xã Hà Hồi, Thường Tín), Ban Quản lý chợ đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch, như: Treo băng rôn tuyên truyền tại vị trí dễ dễ thấy ở các lối ra vào chợ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh qua hệ thống loa truyền thanh tại chợ; yêu cầu toàn bộ tiểu thương và người dân đến trao đổi, mua bán hàng hóa thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế. Ban Quản lý chợ đã bố trí phân luồng chợ theo nguyên tắc một chiều ra-vào đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Tuy nhiên do dịch bệnh phức tạp, những tháng cao điểm dịch gần đây, UBND TP.Hà Nội phải quy định thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, nên các hoạt động dịch vụ nói chung, người làm ăn buôn bán tại chợ Vồi nói riêng đã bị đình trệ. Các ki ốt thuê với giá khá cao tại chợ tạm đóng cửa thời gian dài để phòng chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của các hộ kinh doanh, đặc biệt là những gia đình chỉ chuyên kinh doanh những mặt hàng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu, không có nghề nào khác. Họ không chỉ chật vật trong chi tiêu gia đình mà còn phải trả lãi vốn vay kinh doanh, trong khi hàng tồn kho rất nhiều, dẫn đến việc quay vòng vốn bị đứt quãng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.

Vợ chồng giáo dân Bùi Thị Phương- Lê Đạt thuê hai ki ốt chuyên buôn bán giày dép có uy tín lâu năm, giá cả cạnh tranh tại chợ Vồi cho biết: Cửa hàng vốn là nơi giao dịch tin cậy của đông đảo khách hàng, nhưng gần 5 tháng qua đã tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID. “Năm ngoái đã có dịch, hàng hóa tiêu thụ giảm nhiều, năm nay tình hình “nóng” hơn nhiều, chợ vắng vẻ, đành đóng cửa tạm dừng buôn bán mà lòng như lửa đốt vì cả gia đình 6 người sống nhờ đồng tiền buôn bán tại chợ, bỗng chốc nguồn thu không còn, lao đao lắm!”, chị Phương nói.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, chợ Vồi có khoảng 400 người buôn bán, làm ăn. Giáo xứ Hà Hồi có nhiều gia đình không làm ruộng, không có nghề phụ nào khác ngoài buôn bán tại chợ Vồi, vì thế mỗi khi nghe dịch bệnh, giãn cách xã hội là trăm mối lo rình rập. Đợt dịch COVID-19 thứ 4 kéo dài, những gia đình này đành ngồi nhà chờ hết giãn cách xã hội, mọi chi tiêu hàng ngày đành lấy từ những đồng tiền tích lũy, thậm chí đã phải ăn vào vốn hàng hóa.

Từ ngày 14/10, TP. Hà Nội cho phép khôi phục hàng loạt hoạt động kinh doanh. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bình thường. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm hai mũi văcxin phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng quét mã QR. Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia… Hiện các tiểu thương chợ Vồi đã mở cửa kinh doanh trở lại. Song nhiều tiểu thương cho biết: doanh thu không đáng kể, chợ vắng vẻ, việc phục hồi kinh doanh chắc còn phải dài dài. Tiểu thương mong muốn được chính quyền xã giảm tiền thuê mặt bằng và các tiền dịch vụ để chia sẻ khó khăn, tiếp sức cho họ gượng dậy làm ăn sau dịch.
 
Bùi An Luých
Thông tin khác:
Vận tải khách vẫn chưa phục hồi sau giãn cách (22/10/2021)
Thận trọng khi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em (22/10/2021)
Thầm lặng đức hy sinh (20/10/2021)
Chi tiết cấp độ dịch tại 579 xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội (21/10/2021)
Trao nhà đại đoàn kết cho giáo dân sinh sống tại giáo xứ Yên Khánh (19/10/2021)
Trung đoàn thủ đô (19/10/2021)
Mần non tư thục lao đao, tiến thoái lưỡng nan vì dịch bệnh (18/10/2021)
Phật giáo Việt Nam tích cực đồng hành trong bảo vệ môi trường (18/10/2021)
Phát huy hiệu quả nguồn lực các tôn giáo, góp phần tích cực vào an sinh xã hội (17/10/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log