Văn hóa nghệ thuật

Đại Vương cung thánh đường thánh Gioan ở Latêranô.

Cập nhật lúc 15:23 20/04/2018
Nội thất nhà nguyện Sistine với hai tuyệt tác vĩ đại của Michelangelo. Ảnh: CTV
Nội thất nhà nguyện Sistine với hai tuyệt tác vĩ đại của Michelangelo. Ảnh: CTV
...Hành lang dẫn vào nhà nguyện Sixtine là những điêu khắc và bức họa vô giá về giá trị lịch sử và nghệ thuật. Những pho tượng đá lưu giữ có từ thời Pharaon, thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Những bức họa nổi tiếng có từ thế kỷ XV - XVI vẫn sống động như mới. Đặc biệt bức họa thêu Chúa Phục sinh có đôi mắt mà khi ta di chuyển 180 độ vẫn thấy Chúa đang nhìn mình.
Trung tâm là trần nhà thờ Sixtine, do Michel Angelo suốt 3 năm vẽ trên trần nhà thờ từ 1481 – 1483. Những hình ảnh thánh tổ phụ và Môise trong Cựu ước và những hình ảnh về Tân ước suốt dọc nhà thờ dài 40m. Phông bàn thờ là toàn cảnh bức tranh ngày phán xét chung rộng hết chiều ngang của nhà nguyện là 13m.

Có lẽ được ở đây nghiên cứu cả năm vẫn còn là “Cưỡi ngựa xem hoa”. Thế giới của nghệ thuật nhưng nhất là thế giới của lòng tin đã đạt đến độ chín của lòng mến.

Lối ra của Viện Bảo tàng thông sang Đại Vương cung thánh đường Phêrô. Khách lần theo dãy cột lớn hình vòng cung của quảng trường thánh Phêrô. Hàng cột có đường kính 1,45m, tổng hai bên vòng cung có 284, cột mỗi bên đều chia thành 4 hàng cột, nhưng đứng ở trung tâm quảng trường, bạn chỉ thấy có một hàng mà thôi. Đó cũng là một nét đặc biệt trong tính toán thiết kế của kiến trúc sư Bernini thế kỷ XVII. Tại trung tâm này, vút cao một cột đá có xuất xứ từ Ai Cập tính từ bệ tới đỉnh cao hơn 40m nặng 312 tấn. Đức Giáo hoàng Sixto V cho đặt trên tháp một cây Thánh giá lớn bằng sắt trong có chứa mảnh Thánh giá thật của Chúa Giêsu. Từ trung tâm này tỏa ra, quảng trường thánh Phêrô có hình bầu dục với diện tích khoảng 4 hécta. Chúng tôi đứng ở một trong hai đài phun nước đặt đối xứng qua cột đá Ai cập để nhìn lên cửa sổ căn phòng của Đức Thánh Cha. 11h50' cánh cửa bật mở, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên cửa sổ, chào các đoàn hành hương trong tiếng vỗ tay chào mừng không ngớt. Ngài ngỏ lời trước khi nguyện kinh truyền tin và ban phép lành cho cộng đoàn hành hương quy tụ về từ khắp các nước trên thế giới. 

Không có thời gian xuống viếng hầm mộ các Đức Giáo hoàng cũng như các Hang Toại đạo là một thiệt thòi lớn đối với việc hành hương. Châu Âu nói chung, khi chỉ đánh giá trên mặt đất là quên đi cuộc sống không kém phần sôi động dưới mặt đất. Ở Paris và ở Ý là hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, ở Rôma là các Hang Toại đạo. Suốt ba thế kỷ đầu, Giáo hội Rôma bị bách hại, Hang Toại đạo trước khi là các hộc mộ an táng các Kitô hữu thì đã là các hầm mộ cử hành các lễ nghi phụng vụ và hội họp của Giáo hội thời các Sứ đồ và Tử đạo. Những hầm mộ sâu 20, 40 và 60m dưới mặt đất xuyên ngầm khắp Rôma. Có những đường hầm dài như bất tận không biết đi mãi tới đâu, buộc phải niêm phong.
 
Đại Vương cung thánh đường thánh Gioan ở Latêranô. Ảnh: VNN
Đại Vương cung thánh đường thánh Gioan ở Latêranô. Ảnh: VNN

 Đại Vương cung thánh đường thứ hai là Gioan Laterano, đây là nhà thờ đầu tiên của Giám mục Rôma và cũng là Nhà thờ Chính toà giáo phận Rôma. Thánh đường này được gọi là “Mater et Caput” là Mẹ và là Đầu của tất cả các nhà thờ khác trên thế giới. Tên Laterano là cung điện của nhà quý tộc Laterano đã bị giết chết hết dòng họ dưới tay bạo chúa Nero. Thời vua Constantino đầu thế kỷ IV, sau khi trở lại đạo Công giáo, vua đã xây nhà thờ đầu tiên này. Theo truyền thuyết, thánh Gioan Tông đồ đã được Chúa giải thoát khỏi vạc dầu sôi trong cuộc bách hại tại Rôma, dân chúng ở Rôma có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Gioan nên Đức Giáo hoàng Ilaro (461-468) đã dâng kính nhà thờ này cho thánh Gioan và từ đó đến nay gọi là nhà thờ Gioan Laterano. Liên tiếp có tới hơn 20 vị Giáo hoàng xây cất, tái thiết, tu bổ và trang hoàng nhà thờ này. Đến thế kỷ XVIII mặt tiền mới hoàn chỉnh, cân đối và được coi là hùng vĩ nguy nga nhất trong số các mặt tiền Đền thờ ở Rôma. Từ mặt tiền này đến cuối nhà thờ dài 130m. Cột tháp bút ở đây cao 47m tính từ bệ chân, cao hơn tháp Vương Cung thánh đường Phêrô (41,23m) và được coi là cao nhất và cổ kính nhất trong số 13 tháp bút tại Rôma..
 
Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Thông tin khác:
Nghê theo địa lý (20/04/2018)
Nét vẽ tri ân (19/04/2018)
Thăm đại Vương cung thánh đường Phêrô. (18/04/2018)
Nhà thờ Chính tòa Santiago, Chilê (16/04/2018)
Xuất xứ bài thơ Thăm lại Pác Bó (11/04/2018)
Đức Mẹ Fatima (10/04/2018)
Nghê theo giai đoạn lịch sử (09/04/2018)
Bức tranh đắt nhất thế giới (05/04/2018)
Nghê theo chức năng sử dụng (27/03/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log