Một trong những đặc trưng của các tác phẩm nghệ thuật dân gian của người Việt là chúng mang dấu ấn của làng nghề: nơi sản xuất, chế tác.
Nghê khảm sứ trang trí ở lăng Kiên Thái Vương. Ảnh: CTV |
Chúng ta thường nghe đến nghề đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội), nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), nghề tạc tượng gỗ Sơn Đồng (Hà Tây cũ), nghề làm gốm Bát Tràng (Hà Nội),... Những địa danh gắn với các nghề truyền thống nêu trên chính là “thương hiệu” của sản phẩm và cũng chính là một cách phân loại tự nhiên theo khu vực địa lý. Biểu tượng Nghê được chế tác tại làng nghề này sẽ không giống biểu tượng Nghê của làng nghề khác. Mục đích chế tác, cách sử dụng nguyên liệu, cách tạo tác mẫu, thậm chí cách sử dụng công cụ lao động khác nhau chính là những nét riêng biệt trong nghệ thuật chế tác biểu tượng Nghê ở mỗi làng nghề. Vì vậy mà chúng ta cũng có thể phân loại biểu tượng Nghê Bát Tràng, Nghê Bình Dương, Nghê Phù Lãng,. khác nhau như thế nào. Cách phân loại này nếu được kết hợp với chất liệu tạo tác sẽ cho chúng ta một cái nhìn cụ thể nhất đối với biểu tượng Nghê trong văn hóa Việt Nam.
Nghê cõng tòa sen. |
Trên đây là một số phương pháp phân loại biểu tượng Nghê trong văn hóa Việt Nam mà chúng tôi đã áp dụng trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn cần thêm những cách phân loại khác để đạt tới mục tiêu cuối cùng là xác định một cách rõ ràng nhất, cụ thể nhất đối với biểu tượng Nghê. Chẳng hạn một con Nghê đất nung, đời Lê, được sản xuất ở Bát Tràng, có đặc trưng lông xoắn và được đặt ở ban thờ là những tiêu chí cần tìm. Nhưng vì biểu hiện của Nghê vô cùng phong phú và đa dạng nên rất khó để chúng ta có thể hội đủ các thông tin trong mỗi hiện vật. Vì vậy, mỗi cách phân loại nêu trên có thể đáp ứng được một tiêu chí mà chúng ta mong muốn. Để đạt được đủ các tiêu chí trong việc xác định biểu tượng Nghê trong văn hóa dân gian Việt Nam chúng ta cần kết hợp nhiều phương pháp phân loại với nhau. Vì vậy, việc phân loại biểu tượng Nghê càng kỹ lưỡng càng giúp chúng ta xác định được các giá trị đặc sắc của con Nghê trong nền văn hóa Việt Nam.
PGS. TS ĐINH HỒNG HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com