Sau thánh lễ, Đức Phanxicô đã dùng xe để đến thành phố Czestochowa cách Cracovia 140km. Thành phố này có 807.000 giáo dân sinh sống ở 311 giáo xứ. Czestochowa là trung tâm hành hương nổi tiếng nhất của Ba Lan và đứng hàng thứ tư trên thế giới sau Rôma, Lộ Đức và Jerusalem. Tại đây có đền thờ Đức Mẹ trên núi Jasna Gora nghĩa là Núi Sáng (Minh Sơn). Ngày Giới trẻ Quốc tế năm 1991, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đến đây cùng với 1,4 triệu bạn trẻ và khi Ngài qua đời năm 2005, 300 ngàn bạn trẻ đã về đây cầu nguyện cho Ngài.
Đức Phanxicô cũng dâng lên Đức Mẹ những bông hồng vàng theo truyền thống của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm. Lúc xông hương bàn thờ xong, khi qua xông hương cho ảnh Đức Mẹ, Ngài bị vấp ngã. Ngài bảo do mải ngắm ảnh Đức Mẹ nên không để ý bậc lên xuống. Rất may, Ngài không bị thương.
Theo tương truyền, bức ảnh Đức Mẹ trên núi Jasna Gora là do chính thánh Luca vẽ trên mặt bàn mà sinh thời Đức Giêsu làm việc khi ở Nazaret. Sau khi Đức Giêsu chịu nạn, thánh Gioan về ở với Đức Mẹ như trăng trối của Đức Giêsu trên đồi Golgotha. Đức Mẹ mang theo chiếc mặt bàn mà xưa thánh Giuse và Đức Giêsu cùng làm. Thánh Luca đã lấy Đức Mẹ là nguyên mẫu cho bức tranh của mình. Bức ảnh vẽ Đức Mẹ đang ẵm Chúa Giêsu trên tay. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều mặc áo hoa sặc sỡ và có hào quang vàng óng xung quanh đầu. Mặt Đức Mẹ có vẻ hơi buồn sầu, lo lắng. Bức ảnh cao 1,05m. Bức ảnh đã lưu lạc qua nhiều nơi và thánh nữ Helena đã tìm thấy bức ảnh này năm 326 nên đem về Constantinople. Tại đây, con trai thánh nữ là hoàng đế Consatntine của Rôma đã xây một đền thánh để tôn kính bức ảnh. Bức ảnh rất được dân chúng sùng kính vì có tiếng là hay làm phép lạ. Có lẽ do bị ám khói hương nến qua nhiều năm tháng nên bức ảnh biến thành màu đen và người ta gọi là ảnh Đức Mẹ Đen. Rồi bức ảnh lại bị thất lạc do chiến tranh, do cướp phá. Có tin đồn nói là Thiên thần hiện ra với vua thánh Ladislaus xứ Opila là phải đem bức ảnh về Jasna Gora ở Czestochowa. Nhà vua đã làm đúng như vậy. Vua cho xây một nhà nguyện đặt bức ảnh và làm một tu viện cho các tu sĩ dòng Phaolô để coi sóc. Năm 1386, các tu sĩ xây một đền thánh để tôn kính Đức Mẹ Đen. Vô số phép lạ đã được ghi nhận xung quanh bức ảnh thánh. Vua Jaquello cho xây vương cung thánh đường bao bọc lấy đền thánh. Nga hoàng cũng có ý định chiếm bức ảnh đem về St. Peterburg nhưng không thành.
Đã có nhiều ghi nhận về sự linh thiêng của bức ảnh. Nhiều cuộc tấn công của các giáo phái Tin lành như Hussite ở Boemia hay quân đội Thụy Điển, quân Tarta Nga và cả đội quân của Đức những năm chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng nhà thờ không hề hấn gì. Chúng bực tức lấy dao chém hai nhất vào mặt bức ảnh và hiện vẫn còn rõ vết chém. Những năm 1980, sinh hoạt tôn giáo ở Ba Lan cũng gặp khó khăn nhưng giáo dân vẫn bí mật đến cầu nguyện trước bức ảnh. Năm 1627, có một cuộc hành hương lớn đến đền thánh Đức Mẹ Đen để cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ che chở cho giáo dân sở tại. Năm 1690, sau hỏa hoạn, vương cung thánh đường lại được tái thiết cho đến năm 1700 mới hoàn thành. Năm 1717, Đức Clemente XI đã công nhận bức ảnh Đức Mẹ Đen là bức ảnh hay làm phép lạ. Năm 1925, Đức Piô XI đã tái xác nhận Đức Mẹ Đen là Nữ vương của Ba Lan. Lễ kính hàng năm vào ngày 3/5.