Trở nên ánh sáng muôn dân, đó cũng là sứ mạng của mỗi tín hữu. |
Suy nghĩ trong một thời gian dài cuối cùng ông quyết định đưa ra một thử thách nhỏ dành cho các con, ai vượt qua tất nhiên sẽ được ông trao cho cả gia tài. Nhân một hôm cuối tuần gia đình sum họp, ông nói với các con rằng: “Bây giờ bố sẽ đưa cho các con 2000 USD, ai có thể dùng số tiền này để lấp đầy một gian nhà trống sẽ được bố chọn làm người kế thừa công ty”. Các con ông nghe xong hào hứng lắm, họ nhanh chóng dùng số tiền ấy để thực hiện yêu cầu của bố.
Người con cả dùng 2000 USD để mua một cây cổ thụ to lớn xum xuê di chuyển để vào gian nhà trống, anh nghĩ bụng bản thân mình quá sáng tạo khi nghĩ ra cách này.
Người con thứ 2 thay vì mua cây cổ thụ thì lại chọn mua cỏ, anh chàng mua cả một thảm cỏ to đùng để lấp đầy gian nhà trống. Về phần mình, anh cũng cho rằng bản thân sẽ chiến thắng tuyệt đối thử thách của bố.
Người con út thì gây bất ngờ hơn cả, anh chàng chẳng những không dùng hết số tiền 2000 USD mà chỉ trích ra một phần rất nhỏ để mua một cây nến với giá 3 USD. Ngoài ra chẳng còn gì khác.
Cuối cùng, ai là người chiến thắng? Đó chính là cậu con trai út. Cụ thể, khi mua xong cây nến về đặt giữa gian nhà trống, đêm đến cậu thắp nến sáng lên và mời bố cùng 2 anh đến xem. Ánh sáng ngọn nến lấp đầy gian nhà khiến hai anh thất bại, tâm phục khẩu phục. Người bố cũng rất lấy làm hài lòng nên quyết định trao quyền quản lý công ty lại cho cậu. (Theo OLD FASHIONED).
Đến lượt chúng ta hôm nay, chúng ta cũng phải suy nghĩ làm thế nào để lấp đầy “Một ngôi nhà chung” là thế giới này - theo cách gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô – Một ngôi nhà chung “Đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên” (Laudato Si số 2).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ý thức cho chúng ta: “Chúng ta được kết hợp lại với nhau để đón nhận ngôi nhà này, ngôi nhà được trao cho chúng ta, vì chúng ta biết, tất cả điều gì tốt đẹp đang có, sẽ được đón nhận vào bàn tiệc thiên quốc” (Số 244).
Đã có nhiều phát minh như hai người anh trong câu chuyện trên. Khoa học thì chủ trương “phủ sóng toàn cầu”. Chính trị gia chủ trương “Toàn cầu hóa”...Còn người Công giáo thì sao?
Cũng như người em trong câu chuyện đã dùng ánh sáng lấp đầy gian nhà trống. Người Công giáo chủ trương chỉ có ánh sáng mới lấp đầy được khoảng trống mênh mông trong “Ngôi nhà chung” của chúng ta. Ánh sáng ấy không đến từ mặt trời, vì năng lượng mặt trời không chiếu được vào tới những cõi lòng u tối. Ánh sáng ấy được thánh Gioan Tông đồ khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).
Một ngọn lửa sáng lên không chỉ giãi ánh sáng mà còn đem lại sức nóng ấm áp. Ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể còn trao ban năng lượng tình yêu và nhờ tình yêu kỳ diệu ấy “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).
Và quan trọng nhất, chính Chúa Giêsu đã xác quyết điều này: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Đêm Giáng sinh khắp thế giới bừng sáng! Ánh sáng của những ngôi sao chỉ về Đấng Cứu Tinh xuất hiện. Ánh sáng biến hang đá lạnh lẽo âm u bừng lên thành những không gian đầy nghệ thuật. Ánh sáng xua tan cảnh mùa đông băng giá giữa những cây thông phủ đầy tuyết trắng. Ánh sáng giãi trên những gương mặt rạng rỡ niềm vui an bình. Và nhất là ánh sáng từ một Hài Nhi đầy sức sống , một sức sống không phải chỉ riêng cho Hài Nhi nhưng là “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4).
Trở lại câu chuyện người cha trao quyền quản lý tài sản cho người con trai út, đây là một câu chuyện giàu tính sáng tạo. Qua đó chúng ta rút được bài học nhận thức về Thiên Chúa là Cha, Đấng đã muốn trao cho chúng ta tất cả gia sản của Ngài:
“Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu,
làm sao nó có thể được duy trì ?
Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài,
vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,25-26).
Ánh sáng đi vào căn nhà trống, lấp đầy và làm biến đổi từ định dạng không gian tới những suy tư của những người trong cuộc, và cuối cùng là giải đáp thỏa đáng kết quả của cuộc thi sáng tạo. Từ câu chuyện này, ta mới hiểu rõ hơn lời hiệu triệu của tiên tri Isaia: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,1-3).
“Hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” Đúng là ánh vinh quang của Chúa không chỉ giãi sáng mà còn là quy tụ. Ngay từ giây phút đầu tiên Chúa Giáng sinh tại hang đá Belem, các mục đồng đã được quy hướng về đây: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,15-16).
Từ đây, ánh sáng Belem trở thành tâm điểm để mỗi khi Giáng sinh về, triệu triệu con tim cùng nồng ấm bên nhau, cùng rạng rỡ bên hang đá và hướng về Hài Nhi Giêsu - Ánh sáng của Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người!
Vượt thời gian và không gian, ánh sáng Belem hôm nay lại về với chúng ta. Cùng với Tông đồ thánh sử Gioan, mỗi người chúng ta hãy hiện thực hóa những dòng Tin Mừng mang tính chứng nhân: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14)