Văn hóa nghệ thuật

Bí tích của lòng thương xót

Cập nhật lúc 10:45 24/03/2023
“Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.” (Tv 50, 5)
Xin giữ con để con thuộc về Chúa…
Xin giữ con để con thuộc về Chúa…
Xưng tội xong, chị nghe từ bên trong tiếng Cha giải tội dịu dàng:
- Chúa không chấp tội con đâu, Chúa nhân từ lắm!...
Lòng chị bỗng nhẹ tênh không còn nặng trĩu. Tai chị như nghe tiếng Chúa nhẹ nhàng với chị phụ nữ nào ngày xưa: “Tôi không kết án chị đâu. Chị cứ về đi…” Hôm nay Chúa không chấp tội chị mà sao chị thấy vô cùng hối hận. Phải, càng nhận ra tình yêu thương tha thứ của Chúa, chị càng thêm hối tiếc hơn. Chị muốn từ đây sẽ không làm Chúa buồn nữa và lòng chị hân hoan. Đây hẳn là dấu chỉ ơn được chữa lành. Lần khác, chị nghe bên tòa cáo giải, vị linh mục mở đầu với lời khuyên thật dễ thương: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân…” Chị hiểu Chúa muốn từ nay chị phải làm gì để bầu khí gia đình, cộng đoàn trở thành “mùa xuân ấm áp”. Một lần giữa đoàn người đông đảo hành hương, chị rón rén đến gần vị linh mục đeo dây stola tím, Ngài cất tiếng hỏi: 
- Chị có biết rằng Chúa đang yêu chị nhiều lắm không?
- Dạ có! chị lí nhí trả lời.
Sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chị ra về lòng tràn đầy bình an, bình an đến lạ thường… Lòng chị hân hoan vui sướng vì được “Chúa yêu”!
Để giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn, Chúa để lại “phép lạ của Lòng Thương Xót”, đó là bí tích Hòa Giải. Ở đây Chúa hiện diện với chúng ta như Đấng Cứu Độ với lòng thương xót, là suối nguồn thương xót để tẩy rửa, ủi an, tha thứ và hoán cải đời sống chúng ta, cho dù tội lỗi chúng ta có đầy tràn. 
Mỗi lần chúng ta đi xưng tội với đức tin và tâm tình sám hối thì cả thiên đàng và hỏa ngục đều bàng hoàng chấn động trước sự đổ trào Lòng Thương xót của Thiên Chúa đầy bao dung tha thứ. Anh trộm lành ngày xưa vừa nhận mình là kẻ có tội và quay sang xin với Chúa, ngay lập tức anh được Chúa thứ tha: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.
Chúa nói với chị Faustina: “Khi con đi xưng tội, tức là con đến với nguồn Thương xót này, gồm Máu và nước đổ ra từ Thánh Tâm Ta luôn luôn tuôn xuống linh hồn con... nơi Tòa Án Thương Xót, những phép lạ cao cả nhất tiếp diễn không ngừng… Đây là nơi gặp gỡ của Thiên Chúa Thương xót và linh hồn tội lỗi.
Con hãy dùng đức tin khi quỳ dưới chân người đại diện của Ta… Chính Ta đang chờ đợi con ở đó… Hãy xưng tội trước mặt Ta. Cá nhân vị linh mục đó là Ta, chỉ cách có bức màn. Đừng bao giờ thắc mắc vị linh mục mà Ta dùng đó là ai. Hãy mở linh hồn con khi xưng tội như là xưng với Ta, và Ta sẽ ban cho linh hồn con đầy ánh sáng…
Hãy chỉ cho các linh hồn biết phải tìm đâu niềm an ủi. Đó chính là nơi tòa giải tội... bằng đức tin chân thành, hãy đến với vị đại diện Ta nơi tòa giải tội, và kể hết cùng ngài những khốn khổ của linh hồn, và rồi phép lạ của Lòng Thương xót sẽ xảy ra. Một linh hồn giống như thây chết đã thối rữa, đối với quan điểm của loài người là hết hy vọng, là mất tất cả. Nhưng đối với Thiên Chúa lại không vậy. Phép lạ của Lòng Thương xót sẽ phục hồi hoàn toàn linh hồn đó.” (Thông điệp và việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa).
Mùa Chay thánh đã về. Mùa Chay thường được gọi là mùa “sám hối” hay “trở về”. Đây thực sự là thời gian ân sủng khi nó trở thành cơ hội để ta trở về với chính mình và trở về với Chúa. Mỗi Mùa Chay đến ta lại nghe vang vọng khúc thánh ca: 
“Chúa chờ ta từ bao năm ta vẫn ngủ mê 
Từ bao năm quên lối đường về,…
Chúa chờ ta đôi tay Ngài rộng mở,
Chúa chờ ta nghe từng hơi thở, Chúa vẫn 
chờ ta.
Nghe trong tim như có tiếng gọi ta
Nghe du dương như tiếng suối lời thơ
Con hãy về với Cha đi, con hãy về với Cha
Đừng chần chừ vì trời tối buông mau.
Con hãy về với Cha đi, con hãy về với Cha
Hãy trở về tìm đến mạch suối trong
Tìm về nguồn tình mến thương vô bờ.”

Là Kitô hữu mỗi người chúng ta hãy mau mau trở về với Chúa, để nối lại mối dây liên kết với Chúa, như người con đi hoang trở về nhà Cha của mình. 
Mùa Chay thực sự là thời gian thuận tiện mà Hội Thánh muốn dành cho mỗi Kitô hữu để trở về. Nhưng nếu sự sám hối của chúng ta chỉ dừng lại ở việc trở về với chính mình thì đó mới chỉ là cuộc “hoàn lương” đi tìm sự bình an và hạnh phúc cho bản thân. Điều thiết yếu của sự sám hối là đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa, để sau cuộc trở về, chúng ta được thúc đẩy ra đi làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể đã nghe và bắt gặp nhiều chứng từ của những con người vốn chìm sâu trong tội lỗi mà nay đã trở về. Chính chúng ta cũng là những chứng từ sống động cho người khác bằng những chiến thắng cám dỗ nho nhỏ mỗi ngày. Khi chúng ta quyết tâm không buôn gian bán lận, không nói dối…là ta đang làm chứng cho Chúa của Sự thật; khi chúng ta nhịn một lời vu khống, những câu nói khó nghe, khi chúng ta tha thứ, bỏ qua cho những người cố ý làm hại mình là chúng ta đang làm chứng cho Thiên Chúa của Tình yêu…
Sau hết, chúng ta không chỉ trở về mỗi khi Mùa Chay đến, để sám hối và phục sinh một lần mà thôi, mà mỗi chúng ta được mời gọi hãy sám hối mỗi ngày, để ngày ngày ta luôn được phục sinh với Chúa, để được sống hạnh phúc sung mãn trong biển Tình yêu bao la của Chúa.
“Xin giữ con để con thuộc về Chúa…dù khi mỏi mệt, dù khi lỗi tội xin giúp con khiêm cung về với Ngài. Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, này con chiến đấu, này con chiến thắng, tươi sáng hy vọng”.
Nguyễn Thị Duẩn
Thông tin khác:
Đất đã hóa tâm hồn (24/03/2023)
Phố Quảng Ngãi xưa và nay (16/03/2023)
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường (24/02/2023)
Mùa Chay và giữ Chay (20/02/2023)
Cây cầu hơn 100 năm tuổi bắc qua sông Danube thơ mộng (10/02/2023)
Công viên rừng (06/02/2023)
Chiêm ngưỡng hồ Bán Nguyệt 2000 năm lọt thỏm giữa sa mạc (30/01/2023)
Ấn tượng xứ sở Kangaru (27/01/2023)
Thú chơi tranh con giáp - nét đẹp văn hóa ngày Tết (22/01/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log