Văn hóa nghệ thuật

Chiếc Chuông Tự do, một hiện vật lịch sử vô giá của Hoa Kỳ

Cập nhật lúc 13:37 28/12/2022
Thành phố Philadelphia được xếp vào hàng thứ tư trong các trung tâm lớn, cùng với dân số đông đảo đứng thứ sáu của nước Mỹ. Danh xưng Philadelphia thường gọi tắt là Philly, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Tình Huynh Đệ - (Brotherly Love)”, còn là thành phố quan trọng và cổ kính nhất của Hoa Kỳ.
Philadelphia là thành phố di sản thế giới đầu tiên ở Mỹ.
Philadelphia là thành phố di sản thế giới đầu tiên ở Mỹ.
Philadelphia từng là thủ đô đầu tiên của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, từ khi lập quốc vào năm 1775 đến năm 1783. Sau đó, còn được tạm dùng một lần nữa, trong lúc Thủ đô Washington D.C. tu sửa, từ năm 1790 đến 1800. Nơi đây, vào ngày 4/7/1776 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội để thông qua Bản Tuyên ngôn Độc Lập và Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ, mà tác giả chính là ông Thomas Jefferson (1743 - 1826). Và cũng tại nơi này, vào ngày 8/7, từ trên tháp cao, tiếng chuông vang lên rộn rã. Dân chúng nô nức cùng nhau tụ họp đến, chứng kiến giờ phút Bản Tuyên ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ được long trọng loan báo.
Kể từ ngày đó, chiếc Chuông này đã trở thành vật chứng của sự kiện lịch sử trọng đại trên. Nói về lai lịch thì chiếc chuông này được chế tác từ 900 kg đồng và thiếc, đúc tại hãng Whitechapel Bell Foundry ở Luân Đôn nước Anh vào năm 1752, với giá tương đương 36.400 đôla ngày nay. Dự định đem về sử dụng, treo tại tháp chuông của Pensylvania State House. Nhưng rất tiếc, chiếc chuông đã bị nứt ngay trong lần đánh thử đầu tiên vào tháng 3 năm 1753. Cũng trong năm này, người ta đem chuông đập bể vụn đồng ra mà đúc lại, do hai người thợ đúc lão luyện ở địa phương đảm trách là John Pass và John Stow. Danh tánh của họ cùng với dòng chữ trích từ trong Kinh Thánh “Hãy trao sự tự do cho mọi người dân trên khắp xứ sở đất nước “ được khắc trên thân chuông.
Chuông Tự do là biểu tượng tinh túy của tự do Mỹ, và nó là một trong những di tích lịch sử được ghé thăm nhiều nhất ở Hoa Kỳ.
Khách tham quan chuông tự do ở Philadelphia.
Nhưng rất tiếc, khi đúc xong đánh lên thì âm thanh lại quá tệ. Cho nên vào tháng 6 năm 1753 phải đúc lại lần thứ hai, thì nghe đã hay hơn và không còn bị nứt nữa. Dân chúng vô cùng mừng rỡ và chuông được treo trên gác chuông của Dinh thự Tiểu bang Pennsylvania (ngày nay gọi là Nhà Độc lập). Chuông này được sử dụng để triệu tập các nhà lập pháp cho các phiên họp và để thông báo công dân đến tham gia những cuộc họp công cộng. 
Đặc biệt ngày 8/7/1776, tiếng chuông vang lên mời gọi dân chúng đến chứng kiến Bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử ra đời. Chuông được mang danh “Chiếc Chuông tự do” (Liberty Bell). Kể từ đó, nhiều phong trào, đoàn thể quần chúng nhận hình ảnh “Chiếc Chuông tự do” là biểu tượng cho tổ chức của mình.
Điển hình như năm 1830, chuông được nhận là biểu tượng của phong trào “Chống chế độ nô lệ ngược đãi người Mỹ gốc châu Phi” đã được chính quyền cho phép những người da đen khiêng chuông đi khắp nơi trên nước Mỹ. Cho dù đến khi chuông không còn ngân vang được nữa vì nó đã già cỗi, lại bị nứt trở lại vào năm 1846, trùng vào dịp mừng sinh nhật lần thứ 114 của Tổng thống Geore Washington (1732 - 1799), nhưng các tổ chức quần chúng vẫn yêu cầu, nên chính quyền thành phố phải bằng lòng cho mượn chuông này để trưng bày ở nhiều địa phương cho dân chúng đến chiêm ngưỡng. Nhưng rất tiếc, vết nứt của chuông ngày càng trầm trọng. Cho nên từ năm 1915 trở đi, chiếc chuông này không còn cho ai mượn khiêng đi đâu nữa.
 
Chuông Tự do là một trong những di tích lịch sử được ghé thăm nhiều nhất ở Hoa Kỳ.
Chuông Tự do là một trong những di tích lịch sử được ghé thăm nhiều nhất ở Hoa Kỳ.
Chuông tự do được đưa về thành phố Philadelphia trưng bày như một hiện vật Di tích lịch sử quốc gia. Và trong suốt thời gian chiến tranh lạnh, chuông này được dùng làm biểu tượng của tự do. Nên vào những năm của thập niên 1960, nhiều cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức tại nơi đặt chuông. Năm 1973, chuông được di chuyển về một gian nhà bằng kính trong Quảng trường Độc Lập (Independence Mall). Tiếp theo, vào năm 2003, chuông lại được di chuyển về một gian nhà rộng lớn hơn có tên “Trung tâm Chuông tự do” (Liberty Bell Center), tạo cơ hội thuận tiện hơn cho dân chúng vào chiêm ngưỡng.
Từ đó đến nay, nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng thân hành tới Philadelphia xem Chuông tự do, biểu tượng cho khát vọng giải phóng loài người, như: Thomas Edison (1847 - 1931) năm 1915 - Martin Luther King (1929 - 1968) năm 1959 - Nelson Mandela (1918 - 2013) năm 1995... Không kể hàng năm còn có trên 2 triệu du khách khắp nơi trên thế giới vô cùng thích thú, dù phải xếp hàng rồng rắn để được quan sát và chụp hình bên Chiếc Chuông tự do.
Sở Bưu điện Hoa Kỳ cũng đã cho phát hành hàng trăm ngàn con tem mang hình Chiếc Chuông tự do dưới dạng Forever phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới, và còn được các nhà sưu tầm Bưu Hoa ưa chuộng trên khía cạnh lịch sử và mỹ thuật. Hình ảnh chuông nứt được đúc thành tiền xu, cũng như nhiều công ty ở Mỹ sử dụng chuông bể làm biểu tượng.
Trên các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại thành phố Philadelphia cũng như nơi các sân bay Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ, nhiều “Chiếc Chuông tự do” xinh xắn với đủ kích cỡ lớn nhỏ, mô phỏng theo mẫu chiếc Chuông nứt, được bày bán thu hút khách du lịch mua rất nhiều về làm quà lưu niệm, ghi dấu một chuyến đi đến miền đất Huynh đệ cổ kính này.
Nhân đây, xin nói thêm vào những ngày Chúa nhật và ngày lễ, dọc theo con đường Washington Avenue là nơi tập trung nhiều cơ sở thương mại của người Việt tại Philadelphia. Người Việt từ khắp nơi tụ tập về rất đông để ăn uống, mua sắm và gặp gỡ bà con, bạn bè. Ngoài ra về mặt ẩm thực, các tiệm phở thường nằm gần nơi có nuôi gà vịt sống. Nơi đây cũng là Tiểu bang cho phép mổ gà vịt sống, trong khi các bang lân cận thì cấm. Phải chăng, nhờ ưu đãi nguyên liệu và qua sự chế biến của các đầu bếp nhà mình, mà món phở gà lâu nay nổi tiếng đó đây, được xếp vào hạng ngon nhất ở nước Mỹ. Thật đáng tự hào với sự cần mẫn và tài năng hội nhập của người Việt Nam ta. Mời mọi người ghé đến đây thưởng thức tô phở nóng hổi một lần cho biết, cùng chiêm ngưỡng “Cái Chuông tự do” là biểu tượng của thành phố Philadelphia cổ kính lâu nay.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Trang thơ N0en 2022 (26/12/2022)
Ánh sáng Bêlem (24/12/2022)
Đêm nay Noen về (24/12/2022)
Thiên Chúa ở cùng chúng ta (24/12/2022)
Chuyện đêm Giáng sinh (24/12/2022)
Xây dựng nông thôn mới ở Thu Lũm (05/12/2022)
Đan viện Citeaux Mỹ Ca (28/11/2022)
Hạnh phúc của giáo viên vùng cao (19/11/2022)
Tu viện "trên không" (11/11/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log