Những ngày cuối thu, nắng vàng nhạt, khi những con phố nhỏ giăng man mác bao ngọn gió mong manh, se se lạnh, cũng là lúc nhiều người sẵn sàng cho tâm thế mới…
Đó là mùa xa nhà của những “sĩ tử” đỗ đại học tựu trường; mùa mà các bậc cha mẹ có những ngày thật khó quên: Vui mừng, hạnh phúc xen lẫn nỗi lo lắng, hẫng hụt, bồi hồi trước ngày con lên nhập trường.
Tiếng cô em lanh lảnh qua điện thoại: “Cháu nhà em đã có giấy báo rồi. Cuối tháng này nhập học”. Rồi giọng hạ dần: “Đầu năm học cũng phải nộp nhiều khoản lắm bác. Nhưng chúng em phải cố để các cháu được đi học. Vì cháu khát khao chuyện học hành, có quyết tâm”... Rồi một loạt phần việc sẽ được thực hiện trong thời gian gần nhất: Sẽ đi tiền trạm tìm phòng trọ cho con, rồi chuẩn bị các vật dụng cho một tân sinh viên đi học (điện thoại, máy tính xách tay, quần áo, giày dép mới, ba lô…), làm mấy mâm cơm chia tay gọi là “khao” gặp mặt nội bộ gia đình. Không khí chộn rộn, vui vẻ của gia đình người em khiến ai cũng vui lây… So với trước đây, các cháu được trang bị như thế là quá đầy đủ rồi. Sướng thật… Câu chuyện của gia đình người em lại khiến lòng nao nao. Ừ, dù gì cũng có một thời đẹp đẽ đáng nhớ như thế, dẫu hồi đó “con đường học hành” vất vả, gian nan khó có thể kể hết…
Minh họa: Ngọc Mai
Vào đại học không phải con đường duy nhất nhưng vẫn là con đường của khát vọng, của những ước mơ trong lành và lấp lánh những chờ mong. Có một tuổi hoa niên nào… Mỗi lần gặp các anh chị đang học đại học về quê thăm nhà (rất ít, không có nhiều) lại háo hức được nghe các câu chuyện của các anh chị về giảng đường, ký túc xá sinh viên và những người bạn cùng lớp, cùng phòng… để rồi có những mộng mơ của tuổi hoa niên. Bất cứ cuốn sách, hay bộ phim liên quan đến cuộc sống sinh viên đều được đọc, xem nhiều lần để rồi nhen lên dần những giấc mơ. Đó như là điều thôi thúc, động lực lẽ sống của tuổi thanh xuân năm nào… Rồi cũng đến ngày nhận giấy báo vào đại học. Thời bao cấp… Khó khăn trăm bề. Học sinh nông thôn lấy đâu là tem phiếu gạo. Lại phải đổi nọ, đổi kia. Đồ dùng mang theo toàn là “nhà trồng được”. Mấy bộ quần áo lỗi mốt, vỏ chăn xanh cũ kỹ, đôi dép nhựa Tiền Phong lằng nhằng mấy miếng vá được hưởng từ người anh. Nhớ nhất là chiếc gối được “chế” lót bằng những chiếc áo, quần cũ (đáng lẽ phải bằng bông cho mềm)… Cũng không vì thế mà mất đi niềm vui và điều thiêng liêng cần có. Ngày ra Hà Nội, người nhà đưa đón, lễ mễ bê vác hòm gỗ, đồ đạc. Chiều muộn, người thân lại trở về quê xa trên chuyến xe đông đúc, chật chội, lắc lư bụi bặm. Đêm đầu tiên không ngủ được vì không quen ánh đèn điện hắt vào phòng (quê nhà hồi đó vẫn tù mù đèn dầu)...
Còn cậu bạn thân học ở Thái Nguyên được bố mua cho chiếc ba lô cũ kỹ (sinh viên lộn ra để sử dụng cho thuận lợi), cùng chiếc hòm gỗ của chị gái tặng cho dịp đỗ đại học. Bạn lên nhập học, nhưng kiên quyết không cho người nhà đưa tiễn. Mình cậu ra Hà Nội xếp hàng mua vé lên Thái Nguyên. Nó khăng khăng: “Thôi, bố mẹ già rồi, đi lại vất vả. Tàu xe đâu thuận. Thôi để con đi cùng bạn”. Nhưng khi bạn bè chia sẻ, nó bảo: “Tôi không thích đưa tiễn ủy mị, sướt mướt… dù lúc ra khỏi nhà, chuẩn bị lên xe khách ra Hà Nội, tưởng không cầm được lòng. Nhưng lên trường, tôi chắc chắn là sinh viên duy nhất tự làm các thủ tục nhập học. Chứ các bạn khác, ai cũng có người thân. Chính lúc này, tôi mới thấy mình đã sai và “sĩ hão”… Tuổi trẻ có những phút bồng bột và nông nổi như vậy đấy. Thế mới có những câu chuyện để kể mỗi khi gặp nhau…
Đó là chuyện của hôm qua. Giờ lại là chuyện của các con, cháu tiếp nối câu chuyện tựu trường, xa nhà và những năm tháng sinh viên chờ đón ở phía trước. Dù điều kiện mỗi thời, mỗi khác, nhưng chắc chắn cảm xúc của mùa tựu trường vẫn vẹn nguyên như vậy: Trong sáng, thiêng liêng cùng bao khát vọng cho chặng đường mới.
Bùi Huy