Văn hóa nghệ thuật

Năm mèo nói chuyện mèo

Cập nhật lúc 09:46 14/01/2011
Khi con người bắt đầu biết làm nhà để ở thì loài chuột không biết từ đâu bỗng dưng không ai mời cũng tự động bồng bế kéo nhau về sống chung, lại còn thi nhau đào hang khoét vách ăn phá gặm nhắm tan hoang của người, người đành bó tay, do đó khi người vừa khám phá ra mèo rất giỏi về săn bắt chuột thì liền rước ngay về để trị chuột giúp mình.Có thêm ả mèo thì cũng chẳng sao , cái đáng lo là lo “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu”, cho nên chủ bèn cho ở chung luôn cho tiện.
   Sở dĩ được ở chung với người vì thấy mèo nhỏ con, không có khả năng như cọp bắt người làm mồi để xơi , nó thường tỏ ra rất nhu mì, lại hay lân la quấn quýt bên người để được người vuốt ve chiều chuộng . Đây có lẽ cũng là cái chiêu mà sau này người học được của mèo nên mới hay dùng tiếng “mèo” để chỉ về người yêu hay người tình của mình .
   Nhưng chủ nhà lắm gạo nhiều cơm, ngô khoai đầy bồ, lũ chuột được ăn nhiều nên sinh sản nhanh và ngày càng thêm đông, đến nỗi chủ nhà  phải rước dăm bảy mèo về sống chung mới đủ lực lượng để tảo thanh chuột, thì ngay giữa đám mèo với mèo cũng không mấy khi thuận thảo với nhau được, chỉ vì mèo nào cũng ganh tỵ, cho nên mới xảy ra những cảnh gầm gừ nhau, khiến cho bầu không khí sinh hoạt trong nhà lúc nào cũng có vẻ phập phồng vì “chưa biết mèo nào thắng mèo nào”.
   Theo tục truyền thì mèo đã từng là thầy dạy võ cho cọp. Tuy nhiên vì tính cọp hung dữ cho nên khi truyền nghề cho cọp, mèo vẫn giữ lại cái bí quyết leo trèo cho riêng mình để phòng thân , không dạy cọp môn này, nên nhờ thế mà sau này khi cọp đã lên ngôi chúa tể sơn lâm đã muốn hại mèo và mèo ta chỉ việc thót lên cây là yên chí tai qua nạn khỏi ngay. Cọp rất bực tức nên đã thề rằng “Tao bắt được mày ,tao ăn cả cứt” . Đây cũng là một điều may cho người vì nếu cọp cũng được mèo dạy cho biết leo trèo thì e rằng loài người đã tuyệt chủng từ lâu.
 Nhắc tới mèo thì  nói về cái tài leo trèo của mèo trong bài ca dao:
Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.
   Cái chuyện mèo leo cau tìm chuột không phải do tình nghĩa mà muốn nói đây với một lời than cay đắng của loài chuột, vì cả mèo và chuột hình như có một mối hận ngàn đời ám ảnh cho nên mèo mà gặp chuột là không bao giờ tha, còn chuột mà thoáng nghe hơi mèo là toàn thân bủn rủn, rồi nằm chết trân chờ nộp mạng. Không những thế, mèo còn ác đến độ mỗi khi vồ được chuột thì lại chưa chịu ăn tươi nuốt sống ngay, mà lại còn vờn tới vờn lui cho đến khi chuột không còn lết nổi mới bắt đầu cắn xé từng tí một, làm cho người yếu bóng vía trông thấy cảnh “vờn như mèo vờn chuột” này cũng phải sợ khiếp vía theo.
   Do cung cách ăn uống của mèo rất khoan thai từ tốn cho nên mấy người thích nói chữ mới hay ví von “nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Nhưng mèo lại có biệt tài ăn vụng nổi danh, cho nên nói về mấy bà mấy cô “ăn như mèo hửi” .
   Vào cái thủa còn sống lang thang giữa núi rừng thì mèo có lẽ chỉ thích ăn thịt sống như cọp. Tuy nhiên kể từ lúc về với người rồi được người dạy cho biết ăn cơm, nhai xương cá, thì mèo nhiều khi cũng quên luôn cái món thịt chuột truyền thống mà đâm ra mê những món ăn đã được chế biến dành cho người, nhưng khoái nhất có lẽ là món mỡ thì phải, cho nên các cụ ta mới có câu ví “như mèo thấy mỡ”. Chính vì lẽ đó mà nhà ai có lỡ để mỡ trong nhà thì cũng xin đừng hớ hênh rồi trách mèo, vì “mỡ treo miệng mèo” thì làm sao mèo nhịn thèm được. Riêng cái tật ăn vụng thành tinh của mèo như mấy ông thầy bói đã lên án thì chắc chắn không phải do bẩm sinh, mà chỉ là một sự “phát huy sáng kiến” của mèo từ khi về chung sống với người. Khi mèo đã mang thân về quy thuận và dốc lòng phò tá cho người rồi thì không còn màng đến chuyện tự lập nữa, cho nên lỡ mà số trời sắp đặt cho đầu quân nhằm gia chủ thuộc hạng nhà nghèo, họ áp dụng triệt để chủ  trương “chó treo, mèo đậy”, khiến cho mèo mới nảy sinh ra cái thói “đói ăn vụng, túng làm càn”.
   Tuy thích thịt nhưng thỉnh thoảng người ta cũng thấy mèo đi tìm cây cỏ để gặm , chỉ vì mèo có tật hay liếm lông làm cho những sợi lông rụng dính vào lưỡi mà không thể nhả ra nên cứ phải nuốt vào rồi tích tụ trong dạ dày lâu ngày không tiêu hoá được, làm cho mèo bị đau bụng, phải tìm cây cỏ ăn vào để xổ mớ lông ra ,mèo làm như vậy để chữa bệnh thôi.
   Mèo chỉ hay đi rình chuột ban đêm còn ban ngày mèo lại thích ngủ, do đó mỗi khi thấy mèo ăn no rồi hay tìm chỗ ấm áp nằm lim dim, đừng tưởng mèo ngủ say mà đụng vào vì tai của mèo rất thính. Có điều vành tai của mèo trông cứng nhưng lại mỏng và nhạy cảm cho nên lúc nào muốn hỏi tội mèo người ta vẫn hay nắm tai mèo mà xách lên .   Móng của mèo rất nhọn và sắc nhưng chỉ giương ra khi quào cấu hay cần bám vào vật nào đó để leo trèo, chứ lúc bình thường thì lại co rụt vào dấu dưới lớp da của bàn chân, cho nên đừng thấy bàn chân của mèo mềm mại rồi tưởng lúc nào cũng êm như nhung mà lầm. Mèo lại có thói quen hay chuốt móng chân cho thêm sắc bằng cách quào cấu vật này vật nọ, và khi mèo cần mài giũa móng mà không có gì để quào cấu thì coi chừng mùng mền chiếu gối của chủ cũng sẽ rách bươm luôn. Ngoài ra, vì tứ chi của mèo đều là chân cho nên mèo chỉ có thể có “hoa chân” chứ không tài nào có “hoa tay”, do đó những vết quào của mèo trông ra cũng thiếu thẩm mỹ không khác gì những nét chữ  nguệch ngoạc của mấy anh học trò lười, vừa dở văn, vừa vụng bút, cho nên mấy ông thầy giáo mới hay dùng câu “gà bươi, mèo quào” để ví von và răn đe mấy anh học trò này.
   Mèo cũng có râu mà râu cũng giúp cho mèo thính mùi, trẻ em nào mà lấy kéo cắt râu nó đi sẽ làm bớt phản xạ đánh mùi, nhưng vì có râu mà làm cho mặt mèo đôi lúc trông cũng có vẻ bớt hiền dịu đi. Tuy vậy, mèo lại có được đôi mắt tròn và trong đến nỗi người ta đã dùng để đặt tên cho một loại ngọc có màu xanh là “ngọc mắt mèo”. Không những thế, mắt mèo lại có khả năng nhìn rõ trong đêm tối, cũng như có khả năng phản chiếu ánh sáng cho nên đang đêm mà chủ nhà có bất chợt nghe tiếng động nên thức dậy đi rình mò bắt trộm nhưng không thấy trộm đâu, trái lại chỉ thấy ánh mắt của mèo - cũng đang đi tìm đồ để ăn vụng - loé lên trong bóng tối thì đâm hoảng, cứ ngỡ như là mình nhìn thấy yêu tinh. Có lẽ cũng vì thế mà mấy ông thầy bói mới bảo mèo là thứ “ăn vụng thành tinh”. Một lẽ nữa khiến cho các cụ xưa cho mèo là tinh vì các cụ tin rằng nếu trong nhà có người chết chưa được tẩm liệm mà không lo bắt mèo nhốt lại hoặc cắt người canh xác để lỡ có con mèo nào - nhất là mèo mun - vô tình nhảy qua là cũng đủ làm cho xác chết phải bật dậy theo.
   Mèo  rất hay săn sóc bộ lông của mình và chỉ bằng cách le lưỡi liếm thôi chứ không bao giờ dám tắm vì mèo rất sợ nước. Mèo mà lỡ té ao hay mắc mưa khiến cho bị ướt sũng thì trông cũng co ro cúm rúm thật thảm hại không khác gì con chuột lột, cho nên người ta cũng hay ví mấy người nhút nhát chẳng bao giờ dám làm một thứ gì cho ra hồn là thứ ‘mèo ướt”, “mèo mắc mưa”. Lạ một điều là cọp còn dám vọc  nước, thế mà vẫn cứ hôi, ngược lại mèo chỉ tắm khô thôi nhưng lúc nào cũng có vẻ sạch sẽ, có điều là những gì mà mèo phế thải ra thì nồng nặc mùi khỏi chê đến nỗi người ta vẫn hay ví “chua như cứt mèo”. Còn cứt mèo thì có lẽ chính mèo cũng còn sợ đạp phải nên mỗi lần muốn trút cái của nợ chất chứa trong lòng, mèo đều tìm chỗ kín đáo đào lỗ chôn, cho nên người ta mới bảo: “giấu như mèo giấu cứt”.
   Mèo thường hay kêu “meo meo” cho nên có truyện cười dân gian “Của bà tròn hay méo?” Người ta xách tai mèo lôi lên ,mèo bị đau kêu lên “méo méo” .Đó là lời giải đáp  của bà méo rồi cùng nhau cười hỉ hả. Người nghèo mà nghe tiếng mèo kêu cứ như “ngheo ngheo” rồi liên tưởng đến cái phận nghèo của mình mà tủi thân, đó cũng là cái lý do khiến cho các cụ xưa thường tin rằng “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”, có điều khi buồn tình thì các cụ lại thích lôi chó ra mà làm rựa mận để đánh chén với nhau chứ không có cụ nào dám bắt mèo ra làm món ra-gu, có lẽ vì sợ mèo bị chết oan như thế sẽ thành tinh quay trở lại ăn thịt các cụ chăng? Họa hoằn mới có một vài tay bợm nhậu cỡ “coi trời bằng vung” mới cả gan bắt mèo làm thịt để giải quyết cho cái nhu cầu túng mồi của mình.
   Cũng vì tin rằng mèo hay mang lại xúi quẩy cho nên các cụ bảo đầu năm mà thấy mèo thì cũng không khác gì xuất hành “ra ngõ gặp gái”, tức là cả năm coi như không tài nào khấm khá nổi. Tuy thế, vẫn có nhiều cụ thích lân la làm bạn với “bác thằng bần” thì lại hay bảo nhau là ai mà kiếm được cái nhau mèo đẻ làm bùa lận lưng rồi thì tha hồ yên chí mà “xóc, xoa, xoè, binh, tố…” để được thấy “tiền bạc vô như nước”, vì nhau mèo đem lại sự may mắn. Không biết điều này có đúng không, nhưng mèo vốn nổi tiếng cứt còn biết giấu thì dễ gì có cái nhau của mình đẻ ra lại để rơi rớt cho các cụ lượm, cho nên nếu có cụ nào khoe mình có lận nhau mèo trong lưng thì e rằng đó cũng chỉ là nhau mèo dỏm thôi, vì xưa nay chưa từng thấy có cụ nào ghé chơi nhà “bác thằng bần” rồi trở về làm nên sự nghiệp cả, mà chỉ thấy các cụ lần lượt rủ nhau đem sự nghiệp cúng hết cho mấy tay xì thẩu, rồi mình thì tự nguyện gia nhập “làng bị gậy”.
     Mèo chủ trương “dĩ hòa vi quý” đối với mọi người, cho nên gặp chủ cưng cũng “hẩu lớ”, mà có ai lạ vuốt ve cũng “ô kê”, còn kẻ đi qua người đi lại thì mèo chỉ nhìn bằng đôi mắt bàng quan nên dễ sống.
   Chẳng may một biến cố nào đó xảy đến khiến cho mèo lạc mất chủ, hoặc cơ nghiệp chủ nhà bị tan tành thì số phận mèo phải lâm vào cảnh “sẩy nhà ra thất nghiệp” rồi bị đời gọi là mèo hoang , nhưng mèo hoang còn có cơ may săn được chuột đồng , chuột cống mà ăn chứ chó mà lang thang thì chỉ ăn cứt thôi, vì “chó mà không ăn cứt thì không phải là chó”, các cụ ta vẫn thường nói thế. Chính vì chó có nhiều cái ngu quá cho nên người đời mới hay ví  “ngu như chó”. Còn mèo có thông minh nhưng không nên căn cứ vào câu truyện dân gian Trạng Quỳnh ăn cắp mèo thì sẽ thấy mèo cũng không hơn gì chó bao nhiêu.

                                              Hải Cường sưu tầm nghiên cứu

Lại Văn Miễn
Thông tin khác:
Câu lạc bộ Cổ vật Kim Sơn hội ngộ mỗi độ Noel về (06/01/2011)
PHỤC VỤ (18/12/2010)
Triển lãm "Rồng trong gốm cổ Việt" của một nhà báo Người Công giáo (01/11/2010)
DẤU CHỈ QUANH TA (01/11/2010)
Người lưu giữ ánh sáng suốt lịch sử (30/10/2010)
Bát bửu trong các đạo và đạo Công giáo (28/10/2010)
LỄ PHÉP (13/10/2010)
CHÚA GỌI CON (04/10/2010)
Tân Bề Trên cả Dòng Đa Minh muốn làm đầy tớ trợ giúp cho việc hiệp nhất giữa tất cả mọi anh em (13/09/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log