Văn hóa nghệ thuật

Triển lãm "Rồng trong gốm cổ Việt" của một nhà báo Người Công giáo

Cập nhật lúc 19:13 01/11/2010

 

Vũ Thành Nam là một nhà báo. Anh hiện đang công tác tại Báo "Người Công giáo Việt Nam". Lăn lộn với nghề báo đã lâu, nhưng Vũ Thành Nam hoàn toàn gây bất ngờ với bè bạn khi được biết anh đã "âm thầm" chơi đồ cổ 5 năm trở lại đây, là chủ nhân của trang web giao dịch covatviet.com. Càng ngạc nhiên hơn khi anh đã là chủ nhân của 1000 cổ vật. Anh đã trưng bày cuộc triển lãm đầu tiên vào đầu tháng 8, cũng tại nhà 87 Mã Mây. Ở cuộc triển lãm thứ 2 với ý nghĩa chào mừng thủ đô tròn 1000 năm tuổi này, Vũ Thành Nam tập trung vào một chủ đề lớn, đó là hình tượng Rồng trên gốm cổ. Rồng, trong văn hóa của người Việt Nam nói riêng và văn hóa của người phương Đông nói chung là con vật thiêng liêng gắn liền với vua chúa và các triều đại. Nó là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực tối cao. Người xưa dùng chữ "yết kiến long nhan" không phải là nhìn thấy mặt rồng, mà là được gặp người đứng trên trăm họ, ý chỉ nhà vua, người đứng đầu đất nước. Với ý nghĩa đó, Vũ Thành Nam đặt tên cho triển lãm của mình là: "Cao trọng- Long trong cổ ngoạn".
 
 
 
Cổ vật vốn mang trong mình dấu ấn của văn hóa các thời kỳ lịch sử. Chơi cổ vật từ xưa tới nay là một thú chơi tao nhã, sang trọng và công phu. Người chơi cổ vật phải hội tụ đủ các điều kiện về kinh tế cũng như sự hiểu biết sâu sắc, ngọn nguồn về văn hóa. Là một nhà báo, anh Vũ Thành Nam có điều kiện được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đọc nhiều sách về lịch sử văn hóa dân tộc. Anh nhận thấy trong mỗi cổ vật là sự kết tinh của tâm hồn và trí tuệ người xưa gửi gắm vào đấy. Buổi đầu là một chút tò mò, nhưng càng chơi thì càng thấy quý, thấy yêu, thấy trân trọng văn hóa nước mình. Anh Nam rất may mắn có một gia đình hạnh phúc làm chỗ dựa. Vợ anh, một nghệ nhân may áo dài làng Trạch Xá với thương hiệu Hồng Thanh nổi tiếng trên phố Huế là một người phụ nữ thành đạt và rất biết chiều các sở thích của chồng. "Mỗi khi gặp một món đồ hay, vợ tôi đều vui vẻ "dốc hầu bao" để tôi có thể sở hữu chúng"- anh Nam tâm sự. Là một người làm kinh doanh, chị Hồng Thanh hiểu rằng đầu tư vào những món đồ này không phải để có được lợi nhuận bằng tiền, mà chính là chị đang "đầu tư" cho một niềm đam mê của đức ông chồng. Giống như những người chơi cổ vật khác, nhà báo Vũ Thành Nam quan niệm rằng, người chơi phải có tâm, và đặc biệt là phải có duyên. Chữ duyên ở đây rất quan trọng. Không phải anh cứ có nhiều tiền là có thể mua được một món đồ quý.. Đôi khi người bán lại đồng ý nhượng cổ vật cho người mua với giá rất mềm so với giá mà một số người lắm tiền nhiều của khác đã trả, đơn giản bởi vì họ cảm nhận được sự tri kỷ trong câu chuyện với người mua. Muốn có được cái duyên ấy thì người mua thực sự phải là người có văn hóa, biết nâng niu những giá trị cao quý của cha ông gửi lại. Vũ Thành Nam cảm thấy mình rất may mắn khi đi tìm kiếm, sưu tập cổ vật. Anh kể chuyện một đại gia trên phố Huế đã vui vẻ bán lại cho anh chiếc đĩa hổ để anh hoàn thiện bộ sưu tập "Bát vật" của mình. Hay chuyến đi về Nam Định để mua đôi chóe vẽ Rồng của một gia đình nọ. Nghe anh thuyết trình về tích trên đồ cổ hay quá, chủ nhà đã đồng ý bán cho anh với giá 200 triệu. Trên đường về Hà Nội anh Nam lại nhận được điện thoại của chủ nhà, họ nói rằng họ muốn chuộc lại đôi chóe ấy với giá bao nhiêu cũng được. Vì qua sự hiểu biết của anh Nam họ mới nhận ra rằng nó thực sự quý hiếm. Nhưng quý vật vốn tầm quý nhân. Hình như các cổ vật có một sức mạnh kỳ bí nào đấy, nó chỉ chọn những ai có hiểu biết để thuộc về. Nghề chơi vốn công phú, riêng với thú chơi cổ ngoạn thì càng đa đoan hơn. Để phân biệt được thật giả, nhất định người sưu tập phải nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, địa lý. Hiểu biết càng sâu sắc thì niềm vui cảm nhận của người chơi càng lớn lao.
 
 
 
Quay trở lại cuộc triển lãm "Rồng trong gốm cổ Việt" của nhà báo Vũ Thành Nam. Anh đã rất dày công để có được 500 cổ vật liên quan đến Rồng trưng bày, như một món quà nhỏ dâng tặng thủ đô 1000 năm tuổi. Điểm nhấn của triển lãm chính là những đôi chóe, bình đại vẽ Rồng. Đặc biệt nhất là đôi chóe to vẽ hình tượng long-hổ dựa theo tích cổ Hàng Long Phục Hổ nói về hai vị La Hán thứ 4 và thứ 10 trong Thập bát La Hán đã thu phục hai linh vật này như thế nào. Một điểm nhấn khác là ba chiếc ấm cổ được trang trí bằng các họa tiết của Rồng có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, một điều thú vị là dưới những chiếc đế đựng ấm đều khắc hai chữ Đại Nam từ thời nhà Nguyễn, sau khi chúa Nguyễn bình định xong lục tỉnh. Những chiếc ấm rồng này đã được vua chúa Nguyễn đặt hàng từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Việc khắc chữ Đại Nam dưới đế ấm, theo anh Vũ Thành Nam thì đây chính là một bản “tuyên ngôn” trên cổ vật mà ông cha ta gửi lại cho muôn đời con cháu mai sau.
 
 
Trong ngày khai mặc triển lãm, khách tham quan trong và ngoài nước đều rất thú vị với những lời thuyết trình đầy hiểu biết của chủ nhân bộ sưu tập. Mỗi cổ vật đều ẩn giấu một câu chuyện thú vị của người xưa, đang chờ người hôm nay khám phá. Anh Vũ Thành Nam không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng Hà Nội là mảnh đất anh đã đến, học tập và trưởng thành rồi xây dựng sự nghiệp. Đây cũng là nơi cho anh một gia đình nhỏ đầm ấm với vợ hiền, con ngoan. Anh Nam tâm sự, cơ hội được tham dự vào đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội là một may mắn của anh và hàng triệu người dân đang sinh sống, lập nghiệp tại thủ đô. "Triển lãm "Rồng trong gốm cổ Việt" là một lời tri ân của tôi với Hà Nội. Tôi yêu thành phố này không chỉ vì vẻ đẹp của nó, mà còn vì các giá trị văn hóa lâu đời ẩn giấu trong từng hàng cây, góc phố, từng mái nhà và từng gương mặt con người. Tôi mong muốn bằng lao động và sáng tạo của mình, chúng ta mỗi người hãy cùng chung tay góp sức để tạo ra những giá trị mới cho Hà Nội. Để thành phố của chúng ta mãi mãi là một thành phố của lịch sử, của hòa bình và của những tiến bộ, văn minh".
Hội Quân
Thông tin khác:
DẤU CHỈ QUANH TA (01/11/2010)
Người lưu giữ ánh sáng suốt lịch sử (30/10/2010)
Bát bửu trong các đạo và đạo Công giáo (28/10/2010)
LỄ PHÉP (13/10/2010)
CHÚA GỌI CON (04/10/2010)
Tân Bề Trên cả Dòng Đa Minh muốn làm đầy tớ trợ giúp cho việc hiệp nhất giữa tất cả mọi anh em (13/09/2010)
GƯƠNG SÁNG NHƯ VÌ SAO (24/08/2010)
Nhà thờ Cam Ly (Lâm Đồng) (25/07/2010)
IV. CẢM TƯỞNG (25/07/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log