Nguyên tổ loài người, Adam và Eva nhận ra mình trần truồng, lẩn trốn trong lùm bụi, sau khi phạm tội trái lệnh Chúa, đã ăn trái cấm. Chúa hỏi:
- Tại sao các ngươi trốn? Có phải các ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm không?
Eva:
- Con rắn đã cám dỗ con.
Adam:
- Eva đưa cho con ăn.
Hai ông bà bị đuổi, lủi thủi ra khỏi vườn địa đàng, lấy lá che thân thể trần truồng.
Từ đó, mọi tội ác đen tối, như núi lửa phun trào, phủ lấp con người, như hỏa ngục xâu xé, đổ lỗi cho nhau khi vừa bày tỏ niềm vui hạnh phúc có nhau: “Xương này bởi xương tôi, thịt này bởi thịt tôi”. Và xã hội, qua hôn nhân nam nữ luôn đi tìm cái “nửa” của nhau, nhưng rồi lại chối bỏ nhau như trên: “tại Eva đưa cho con ăn”.
Ngày nay, phần đông người ta ưa chuộng lối sống giả hình, sẵn sàng đánh đổi theo vật chất thực dụng bên ngoài. Ngay cả trong văn chương hiện thực tôi đã học thời học sinh trung học, tôi thích ngâm nga bài thơ “Mười thương”; nhưng nay đã biến thể thành:
Một thương khâu chỉ hột xoàn,
Hai thương xế hộp nữ hoàng tay ga
Viết tới đây tôi chợt nhớ đã đọc bài trong báo Công giáo và Dân tộc, rất ấn tượng:”Khủng hoảng giá trị tinh thần”.của tác giả Lê Phú Cam:
“Tất cả sự thờ ơ, thói vô cảm, trạng thái “mất sự xấu hổ” của xã hội bây giờ xuất phát từ sự tuyệt đối hóa vai trò của vật chất và bỏ mặc sự thiếu thốn về mặt tinh thần. Nguyên nhân của sự tăng trưởng của đời sống vật chất đã phá vỡ những thang giá trị tinh thần cũ một cách vội vàng và vô tội vạ, trong khi chúng ta chưa kịp (hoặc không chọn) bồi đắp, kiến tạo nên những giá trị tinh thần mới”.
Chuyện điển hình sau, tưởng như đùa, nhưng ám chỉ một sự thật xã hội ngày nay:
Một ông nhà giàu nọ mở tiệc khoản đãi tất cả những người láng giềng. Cạnh nhà ông, có một người rất nghèo. Vì nể tình hàng xóm, nên người này cũng đến dự. Tuy nhiên khi tới cổng, anh bị các đầy tớ của người giàu không cho vào.
Tức quá, anh mượn một chiếc áo rất đẹp của một người nhà giàu khác mặc vào và lại đến. Lần này anh được mời vào tử tế. Vì chiếc áo đặc biệt này có hai cánh tay tháo ráp được, người nhà nghèo chưa quen mặc, đã không cẩn thận cài nút ở chỗ ráp nối, nên đã rớt xuống dĩa thức ăn. Người đầy tớ thấy vậy bảo anh nhà nghèo mau lượm cánh tay áo lên, nhưng anh nhà nghèo thản nhiên nhìn cánh tay áo và nói: “Mày nằm trong đĩa thức ăn thì cứ tha hồ mà ăn cho thỏa thích đi nhé, vì người ta kính trọng mày chứ đâu phải kính trọng tao”.
Thế giới này như thế đó! Nhiều người trọng đồng tiền hơn nhân nghĩa. Thậm chí Việt Nam có câu:
Tiền là tiên là Phật
Là sức bật của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý!
Hoặc câu cay độc hơn:
“Đồng bạc xé toạc công lý!”
Có một người ông đã dạy cháu về triết lý đồng bạc sau:
“Con biết không, trên thế giới này, trong bao năm qua đã có vô số người tiêu xài những tờ giấy bạc như thế này, họ đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí đổi cả mạng sống để giành giật những tờ giấy bạc lớn hơn thế này. Nhưng có lẽ chẳng mấy ai bận tâm suy nghĩ xem bốn chữ “Ta tin có trời” trên tờ giấy bạc (dòng chữ IN GOD WE TRUST – Ta tin có trời - được in trên mặt lưng tờ một đô), muốn nhắn nhủ điều gì?
Vậy thì hôm nay ông tặng cháu một đồng làm kỷ niệm. Cháu hãy luôn nhớ rằng ta tin có Trời. Tin rằng Trời nhìn thấy rõ tất cả mọi việc ta làm. Cháu cũng như mọi người, đều cần tiền, đều phải làm việc để kiếm tiền, nhưng cháu hãy nhớ đừng vì cần tiền mà phạm tội. Cũng vậy, khi có nhiều tiền cháu chớ lạm dụng đồng tiền để làm điều tội lỗi. Cháu hãy biết dùng tiền sao cho kẻ khác đừng đau khổ, hoặc giúp họ được vơi bớt khổ đau”.
Quả thật, cũng vì đồng tiền, đã xô đẩy nhiều người xuống vực thẳm của muôn vàn tội lỗi. Có người gần như bị trói buộc bằng những bộ áo giả như “người nghèo dự tiệc” trên: ăn mặc giả, nói giả, hát giả (hát nhép), cư xử giả, thực phẩm giả, học giả, bằng giả, thành tích giả…tình yêu giả… Một chuyện phiếm về trang phục kể rằng:
Hôm đó, một đệ tử của một vị thiền sư đi dự một buổi lễ trở về, mặt mày hớn hở. Khi được hỏi tại sao hớn hở như vậy, người đệ tử ấy cho biết là mọi người đều khen anh mặc áo đẹp. Vị thiền sư ôn tồn chỉ dạy: “Con chẳng có gì để vui mừng hớn hở cả, vì người ta khen chiếc áo đẹp chứ đâu phải khen con đẹp”
Đã có nhiều thông tin cảnh báo: “thực phẩm giả gây hoang mang bữa cơm gia đình” Như trên VEF.VN :”
“Những vụ lương thực, thực phẩm nghi bị làm giả xuất hiện trong thời gian vừa qua khiến người tiêu dùng một phen hú vía và không khỏi hoang mang, lo lắng về sự an toàn và chất lượng bữa cơm của gia đình”.
Nói chung, con người ngày nay dường như mất phương hướng, tự đánh mất mình và không tìm thấy lý tưởng xã hội để đi theo, nên cứ luồn lách sống thế nào thì sống, chẳng cần phân biệt thật giả, chết thì thôi; người khác không chịu nổi đành tìm con đường giải thoát bằng tự tử; mà đa phần ở các nước công nghiệp tiên tiến, hoặc các chế độ độc tài.
Theo gương Đức Kitô, như được Thánh Linh thúc đấy, nghe được tiếng gọi kêu cứu của thế giới, anh Artur Blessit người Hoa Kỳ 55 tuổi, đã ròng rã suốt 26 năm vác trên vai một cây Thập Giá bằng gỗ, dọc 3m60 và ngang 1m80, nặng 18kg, đi bộ vòng quanh thế giới. Khi khởi hành tại Los Angeles vào năm 1969, anh đã ngỏ lời xin nhận cuộc hành trình của mình như là một cống hiến mang tính tôn giáo cho tất cả những ai đang khao khát sống yêu thương, chân thật theo gương Đức Giêsu.
Rong ruổi dặm trường, hy sinh gian khổ, nguy hiểm cả tính mạng, cứ mỗi 4.800 cây số anh lại phải thay một đôi giày. Không ít nhà thờ xua đuổi anh như một tên điên khùng. Tuy nhiên, anh lại được vinh dự đồng hành với một số vị thủ lãnh tôn giáo như Đức Gioan Phaolo II. Anh từng bị các loài cá voi, cá sấu, khỉ, rắn và cả con người tấn công, qua sa mạc, rừng rậm, nơi đang có chiến tranh, bạo động; đã từng bị cảnh sát các nước bắt giam 20 lần vì tội lang thang hoặc bị tình nghi “diễn biến hòa bình”. Bị hành quyết năm 1978 tại Nicaragoa. Khi họ trói anh để xử bắn, anh nói: “tôi không thể chết nếu không có một cuốn Thánh Kinh trên tay. Họ đồng ý mở trói để lấy cuốn Thánh Kinh nhỏ. Họ có vẻ bối rối, và rồi họ đã đồng loạt hạ súng tha cho tôi được ra đi bình an”. Anh đi được 50.140 cây số, qua 227 nước.
Anh đã đạt kỷ lục Guiness năm 1996.
Chúa Giêsu yêu thương nhân loại cho đến chết và chết trên Thập giá. Tuy nhiên Chúa lại lên án gắt gao những bọn biệt phái giả hình.
Cái sai lầm lớn nhất của bọn biệt phái và luật sĩ xưa và nay, đó là họ đã đảo lộn bậc thang giá trị như đã nêu trên. Lấy cái phụ làm chính và lấy cái chính làm phụ. Họ tuân giữ những tập tục của cha ông, của xã hội dân gian, mà quên đi giới luật của Thiên Chúa, của đạo đức. Họ bám víu vào những nghi thức, những phong trào, lễ hội bên ngoài mà quên đi tình mến bên trong. Chẳng hạn, họ thấy các môn đệ của Chúa ngồi vào bàn mà không rửa tay. Đối với họ đó là một trọng tội không thể nào tha thứ. Người ta kể lại rằng: một luật sĩ tên là Aquiba, thà chết khát trong tù còn hơn là sai lỗi tập quán này. Ông đã lấy nước, đổ trên tay dù rằng nước đó rất cần cho ông để được sống.
Chưa bao giờ Chúa kết án tội nhân nặng nề như với nhóm biệt phái: “Khốn cho các ngươi, hỡi những biệt phái và luật sĩ giả hình, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy giòi bọ và xú khí” (Mt.23,13)
Lần khác, thấy các môn đệ bứt bông lúa chín dọc đường mà ăn trong ngày Sabbat, họ đã lên tiếng bắt bẻ vì đã vi phạm ngày nghỉ lễ, khiến Chúa phải đặt lại vấn đề:
“Luật lệ vì con người hay con người vì luật lệ. Ngày Sabbat được cứu sống hay giết chết?” (Mc.2, 27)
Lòng nhiệt thành họ có, nhưng lại quá vụ hình thức. Trong khi chú trọng vào những chi tiết bên ngoài, họ quên mất tình yêu thương bên trong, là điều Chúa đòi hỏi mỗi người trong chúng ta.
Các ngươi kinh kệ dài dòng mà lại nuốt trửng gia tài của các bà góa. Chúa đã chỉ trích:
“Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ lại xa Ta”(Mt.15,8)
Nhìn vào đời sống, nhiều người trong chúng ta cũng chẳng hơn gì bọn biệt phái. Chúng ta cũng đảo lộn các thang giá trị, lấy cái chính làm phụ và lấy phụ làm chính. Chúng ta cũng bám vào nghi thức bên ngoài mà quên đi tình mến bên trong. Chúng ta cũng sống một cuộc sống bôi bác giả hình. Có người thì sùng bái ảnh tượng nhưng lại coi thường sự công bằng. Có người ưa đọc kinh dài dòng nhưng lại gian tham và hà khắc với anh em. Thật giống với mẫu người mà tục ngữ đã diễn tả:
“Khẩu Phật tâm xà
Miệng nam mô bụng bồ dao găm”
Có người thì tang ma cỗ bàn dềnh dang, cho cha mẹ, nhưng khi cha mẹ còn sống thì lại hất hủi và đối xử tệ bạc:
“Còn sống thì chẳng cho ăn
Đến khi đã chết làm văn tế ruồi”
Có người lập gia đình thì chỉ nhắm tới tiền bạc và địa vị mà quên rằng tình yêu thương và tinh thần đạo đức mới là đảm bảo vững chắc cho cuộc sống lứa đôi.
Cảm nghiệm lối sống phù phiếm, xa hoa, giả dối sâu xa, cô siêu mẫu người Côlômbia ăn năn trở lại. Amada Rosa Perz là một trong những siêu người mẫu nổi tiếng nhất của Côlômbia. Thế mà bỗng một hôm cách đây 5 năm cô chợt biến mất khỏi ánh mắt công chúng. Hôm nay, người phụ nữ xinh đẹp này lại bất ngờ xuất hiện trang nhất các báo và qua tin nóng nhất truyền thanh, truyền hình, không phải vì những chuyện sắc đẹp, mốt thời trang, nhưng cô siêu mẫu xinh đẹp lần này xuất hiện để chia sẻ về câu chuyện ăn năn trở lại đạo của cô:
“Trước đây, tôi luôn luôn sống vội vã, chịu đựng mọi căng thẳng quá mức và dễ dàng nổi giận, nhưng bây giờ thì khác hẳn, tôi đã an vui sống trong thanh bình. Thế giới trần tục không còn chi hấp dẫn và quyến rũ tôi được nữa. Tôi hân hoan hưởng thụ mỗi giây đời sống mà Thiên Chúa đã ban cho tôi. “Tôi năng xưng tội rước lễ”. Hiện nay cô đang làm việc rất hăng say, không biết mỏi mệt…cho một Cộng đoàn Tu hội Đức Mẹ Maria tại Côlômbia.
Hãy học và sống theo Lời Chúa dạy:
“Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xa, cốt để người ta khen”(Mt. 6, 2)
Danh tiếng tự nó không phải là điều xấu:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông”
(Nguyễn Công Trứ)
Nó chỉ mang lại hậu quả xấu cho con người khi con người dùng những cách giả hình để tô son cho danh tiếng mà thôi.
Lm. Sơn Đoài