Văn hóa nghệ thuật

Vatican II ảnh hưởng gì tới Giáo hội Việt Nam ?

Cập nhật lúc 09:02 21/09/2012

 Theo tôi nghĩ, bằng hình ảnh mà chính Chân phước Gioan 23 đã dùng để nói về Vatican II, khi ngài mở cửa sổ căn phòng của ngài và nói: “Công đồng là như thế đó!”. Đúng, Công đồng là mở cửa. Sau bảy thế kỷ thống trị Âu châu (từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 17), Giáo hội dần dần mất quyền lực đối với thế giới, đặc biệt là sau khi hòa ước Latran (thời Đức Piô thứ 9), Giáo hội chỉ còn giữ lại mảnh đất nhỏ bé giới hạn sau bốn bức tường của Vatican, Giáo hội đã tự nhốt kín mình lại, tự bằng lòng với thế giới siêu nhiên hay thiêng liêng của mình, không còn muốn đi ra ngoài thế giới để đồng hành với nhân loại nữa. Có thể nói Giáo hội đã tự đóng khung mình trong đời sống mà người ta gọi là thuần túy tôn giáo. Chúng ta cử hành thánh lễ, cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, xa lánh thế gian tội lỗi, chỉ chờ mong được về Nước Chúa, như người Công giáo Việt nam đã hát say sưa trong bao nhiêu năm trước Vatican II: “Mẹ ơi, hãy đem con về trời, khỏi tơ vương mùi đời!”

Đức Gioan 23 muốn mở cửa để Giáo hội đi ra, bởi vì trước khi thăng thiên, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các Tông đồ: “Anh em hãy ra đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho khắp thế gian.” (Mt 28,20 ). Ra đi khắp thế gian có nghĩa là đi đến với hết mọi dân tộc, đồng hành với mọi người. Ý tưởng “đồng hành” với nhân loại để chia sẻ “Vui mừng và Hy vọng” với nhân loại tìm được trong câu mở đầu của Hiến chương Mục vụ, một hiến chương chỉ mới có lần đầu tiên trong lịch sử các Công đồng của Giáo hội, một Hiến chương mục vụ hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào mọi sinh hoạt trần thế với anh em nhân loại của mình, chứ không chỉ chăm chỉ sốt sắng chu toàn những sứ vụ thiêng liêng.
Chính vì mục đích tối hậu là tìm về với mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Kitô, để hội nhập với thế giới và đồng hành với nhân loại, mà Giáo hội trước hết cần phải tự khẳng định lại xem mình là ai, và tự hỏi xem mình đã sống đúng với bản chất, với ơn gọi của mình hay chưa. Vì thế mà Hiến chế Lumen Gentium đã định nghĩa Giáo hội là Cộng đồng Dân Chúa, cộng đồng của những người cùng chia sẻ chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Ý thức được điều đó, và nhận ra mình đã không sống hoàn toàn đúng với ba sứ vụ nói trên, cho nên Giáo hội thấy cần phải canh tân, đổi mới. Một trong những việc phải canh tân đầu tiên, chính là cung cách phụng thờ Thiên Chúa. Ví thế Hiến chế quan trọng thứ hai mà Công đồng soạn thảo và công bố, là Hiến chế Phụng vụ.
Và thực tế việc canh tân Phụng vụ đã trở thành một hoạt động tích cực và nổi bật nhất sau Vatican II. Cùng với cải tổ Phụng vụ, Giáo hội cũng đổi mới về suy tư thần học, trong đó quan niệm lại mối tương quan của mình đối với thế giới, không còn coi mình ở ngoài cuộc để phê phán hay lên án, nhưng muốn thực sự là men, là muối, và là ánh sáng cho trần gian. Vì thế Giáo hội không còn lên án người Do thái vì coi họ là những kẻ giết Chúa, cũng không còn coi các tôn giáo khác như là thù nghịch, mà là anh em. Giáo hội cũng không còn lên án chủ nghĩa cộng sản, nhưng tìm đến con đường đối thoại, hợp tác với mọi người thiện chí trên trái đất. Do vậy mà chính trong thời gian Công đồng đang tiếp tục hoạt động, Đức Gioan 23 đã gửi Thông điệp nổi tiếng Pacem in terris cho mọi người trên thế giới, chứ không chỉ riêng cho người Công giáo, và ngưởi kế vị ngài là Đức Phaolô 6 đã đến tận New York gặp các vị nguyên thủ quốc gia đang họp tại Liên hiệp quốc, lên tiếng trước mặt họ như một người anh em, rồi đó vài năm, ngài cũng đã công bố một Thông điệp nổi tiếng, là Populorum progressio Phát triển các dân tộc, trong đó ngài nói rằng: Ngày hôm nay, Phát triển là danh hiệu mới của hòa bình.
Trong nội bộ Giáo hội, công việc canh tân còn đưa tới những đổi mới tư duy về phẩm trật Hội thánh, về sứ vụ phục vụ của Hội thánh. Một trong những thay đổi tư duy quan trọng nhất, có lẽ chính là tái khẳng định rằng mọi người tín hữu, chứ không chỉ có các giám mục hay linh mục, đều chia sẻ chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế duy nhất của Chúa Kitô.
Ảnh hưởng Vatican II đối với Việt Nam
Tất cả những tư tưởng và hành động canh tân của Giáo hội mà Vatican II đã khởi xướng, đã như một luồng gió mới, vừa mát mẻ, vừa mạnh mẽ, đã thổi vào đất nước nhỏ bé đang bị chiến tranh tiếp tục bị tàn phá, và bị chia cắt làm hai: một nửa phía Bắc không được trực tiếp tham gia hay biết gì về Công đồng, còn nửa phía Nam thì cũng không được hoàn toàn an bình thư thái để theo dõi và hòa kịp nhịp bước của cộng đồng Dân Chúa trên toàn cầu.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa, tại miền Nam, nhất là thành phố Sài Gòn, người Công giáo, đặc biệt là giới trí thức, trong đó có những linh mục và giáo dân, một số đông hồi đó du học ở nhiều nước Âu Mỹ trở về, đặc biệt là từ Âu châu, như Pháp, Ý, Đức, Thụy sĩ. Họ đã sống ở Âu châu trong thời gian trước, và đang khi diễn ra Công đồng Vatican II, cũng như thời gian sau đó, nên còn mang trong tâm trí đầy áp những kỷ niệm khó quên, được gọi “Thời đại của ân sủng”. Thật vậy quên sao được những niềm vui mừng và hy vọng mà Công đồng đem đến cho mọi người, nhất là quên sao được những biến đổi lạ lùng của Giáo hội, sau khi Công đồng kết thúc. Có thể nói những gì mà thế hệ này học được ở các nước Âu châu thời Công đồng Vatican II, không chỉ có chữ nghĩa với tư tưởng, mà chính là những bài học lịch sử sống động về tác động của Thần Khí, đúng như lời Thánh vịnh 104, 30:
“Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
Và Ngài đổi mới mặt đất này”
Thật vậy, đối với những ai từng sống thời tiền Công đồng mới thấy rõ được tác động mạnh mẽ của Vatican II đối với Giáo hội. Chỉ gợi lại một sự đổi mới rõ nét trong Phụng vụ, chẳng hạn như trước Vatican II, Kinh đêm hay Kinh Sách có 9 Thánh vịnh, 9 bài đọc, bây giờ chỉ còn 3 Thánh vịnh với 2 bài đọc; Kinh Sáng và Kinh Chiều chỉ còn 3 Thánh vịnh, thay vì 5, như trước. Trước Công đồng không có lễ chiều, thế nên người ta cử hành vọng Phục sinh vào sáng ngày thứ Bảy với 9 Thánh vịnh Thánh ca, 9 bài đọc, toàn bằng tiếng La tinh, giáo dân chẳng hiểu gì, cứ ngồi nghe như vịt nghe sấm, chỉ biết đứng lên ngồi xuống theo hiệu lệnh mà thôi! Ngoài ra, thời đó chưa ai nghe đến việc đồng tế, cho nên mỗi khi các linh mục hội họp, mỗi buổi sáng nối tiếp nhau dâng lễ tại những bàn thờ riêng, có nơi sắp thành hàng ngang, vừa dâng lễ vừa ngó sang người bên cạnh…
Các linh mục du học về có kinh nghiệm về những đổi mới theo tinh thần Vatican II, đã mạnh dạn tìm kiếm, sáng tạo, và áp dụng vào đời sống thực tế ở Việt Nam.
Để làm được điều này, nhiều những nhóm sinh hoạt, những phong trào được lập ra. Nào là nhóm trí thức Công giáo, qui tụ các giáo sư đại học, nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là giáo sư Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung, thường hội họp, hội thảo ờ Trung tâm Phục sinh, của Dòng Đa minh, do cha Nguyễn Huy Lịch chủ xướng. Bên phía giới lao động thì có tổ chức Thanh lao công (Phong trào Thanh niên Lao động) do cha Trương Bá Cần và một số anh chị em giáo dân, trong đó có các anh Nguyễn Đình Đầu, Trần Hữu Quảng, Nguyễn Đức Phong, chị Nguyễn Thị Oanh vv.
 Giáo xứ Vườn Xoài, lúc đó trở thành một giáo xứ mệnh danh là “Pilote”. Linh mục Trần Viết Thọ làm cha sở, quy tụ một đội ngũ linh mục rất năng động, nhiệt thành đi tiên phong trong việc quảng bá và thực hiện tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II. Trong số các linh mục qui tụ về hoạt động tại đây, có những tên tuổi như Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Thiện Toàn vv.
Trung tâm Phục sinh của dòng Đa minh, như vừa nói trên, cũng là một cái nôi phổ biến học thuyết của Vatican II, đặc biệt là cho giới trí thức, nhất là giới trẻ, bởi vì 43 Nguyễn Thông còn là Trung tâm Sinh viên Công giáo, nơi đây có ba phong trào sinh viên Công giáo sinh hoạt thường xuyên, đó là Liên đoàn Sinh viên Công giáo, Phong trào Thanh niên Công giáo Đại học, và Đạo binh Đức Mẹ. Tưởng cũng nên nói tới Thanh quan Lưu xá của các chị Nữ trợ tá quốc tế, do chị Hương Sơn (Gervais) chủ trì, nơi qui tụ một số chị em người Việt, hoạt động trong giới nữ sinh viên và giới lao động nữ.
 Mùa xuân 1968, ngay trong khói lửa của Tết Mậu Thân, Tạp chí Nhà Chúa ra mắt đọc giả. Tạp chí là một tờ báo do Hiệp hội Bề trên cao cấp các dòng tu Việt Nam chủ trương, và trao cho Dòng Đa minh chi nhánh Lyon phụ trách. Tạp chí Nhà Chúa xuất bản hai tháng một kỳ, mang những nội dung thần học, Kinh Thánh và Tu đức, dần dần trở nên một diễn đàn tư tưởng của hầu hết các cây bút tên tuổi của Giáo hội miền Nam, cách riêng của Thành phố Sàigòn. Nhưng điều đáng nói Nhà Chúa đã sớm trở thành một công cụ hữu hiệu cho việc quảng bá và cổ võ cho tinh thần canh tân và hòa giải của Công đồng Vatican II.
Bên cạnh các phong trào sinh viên và trí thức, còn có Phong trào Thanh lao công, do cha Trương Bá Cần khởi xướng, với sự hợp tác của những anh chị em Công giáo trí thức như Nguyễn Đình Đầu, Trần Hữu Quảng, Nguyễn Đức Phong, chị Nguyễn Thị Oanh, (thuộc Thanh Quan Lưu xá) vv., tác động mạnh mẽ tới sinh hoạt xã hội của giới Công giáo.
Tinh thần Vaican II, tác động mạnh mẽ, qua sự dấn thân của những phong trào và tổ chức Công giáo nói trên, Giáo hội miền Nam dần dần thay đổi bộ mặt của một cách rõ rệt. Có thể nói Giáo hội miền Nam bắt đầu hướng ra ngoài xã hội, vào đời, quan tâm đến những vấn đề của đất nước. Bức thư ngỏ đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh của 11 linh mục, là một điển hình, vụ đấu tranh đòi hỏi công bằng xã hội cho anh chị em công nhân nhà máy Pin con Ó cũng vậy.
Nói tóm lại, tinh thần canh tân và hòa giải của Vatican II đã đánh thức dậy những tiềm năng to lớn của Giáo hội miền Nam, đặc biệt là nơi sinh viên học sinh, hay giới trẻ nói chung và người trí thức. Điều may mắn, là Tổng giáo phận Sài gòn có được vị Tổng giám mục rất hợp thời là Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, một chứng nhân sống động của Vatican II, vì ngài từng là nghị phụ Công đồng, đã tham gia từ đầu tới cuối Công đồng lịch sử này.
Nhưng một trong những kết quả quan trọng mà tinh thần canh tân và nhập thể của Vatican II tạo ra cho Giáo hội Việt Nam nói riêng, và cho đất nước Việt Nam nói chung, đó là chủ trương hòa giải và đối thoại với thế giới mà Công đồng chọn làm hướng đi mới cho Giáo hội, cộng với chính sách được mệnh danh là Ost Politik của Đức giáo hoàng Phaolô 6, nghĩa là chính sách mở cửa về phía Đông, tức là các nước Đông Âu, thuộc khối Cộng sản. Chính sách này làm dịu bớt tình trạng căng thẳng kéo dài từ lâu giữa thế giới Cộng sản và Giáo hội Công giáo, đưa tới những cuộc giáo tiếp giữa Tòa Thánh với các nước Cộng sản, trong đó phải kể đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Phaolô 6 với phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do ông Xuân Thủy dẫn đầu. Ngoài ra, Đức Phaolô 6 còn chính thức lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ không được dội bom phá hoại hệ thống đê điều của sông Hồng, đe dọa đến tính mạng của người dân Hà Nội.
Thực ra chính sách hòa giải với thế giới Cộng sản đã được chính Đức Gioan 23 thực hiện, khi ngài trực tiếp quan hệ ngoại giao với chủ tịch Krút-xếp, qua thư từ, và qua việc tiếp đón vợ chồng ông At-du-bêy con rể và con gái Chủ tịch Liên Xô.
Chính sách hòa giải này ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam, khiến cho một thành phần trí thức Công giáo tìm được một sự lựa chọn đúng đắn để góp phần vào công cuộc tìm kiếm một nền hòa bình cho Việt Nam, chấm dứt những năm dài chiến tranh gây hận thù, chết chóc và tàn phá. Con đường đó là con đường hòa giải và chung sống hòa bình. Thành phần người Công giáo trí thức bắt đầu ý thức được rằng giữa đức tin và lòng yêu nước không có sự mâu thuẫn, và Giáo hội không đương nhiên phải cầu kết với một thể chế chính trị nhất định nào, trái lại, Giáo hội có thể sống chung hòa bình với bất cứ những người thiện chí nào, để phục vụ hạnh phúc của con người. Đường lối hòa giải mà Vatican II khởi xướng, được các Đức giáo hoàng Gioan 23 và Phaolô 6 cổ võ, cũng đã được Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình của giáo phận Sài gòn triệt để đi theo, đặc biệt là từ khi hiệp định đình chiến Paris được ký kết vào tháng Giêng 1973. Người Công giáo dần dần tự tách mình ra khỏi sự liên minh chặt chẽ, gắn bó hầu như tự đồng hóa với chế độ. Vì thế nên một số người Công giáo chuyển hướng về phía đối lập, tổ chức phong trào chống độc diễn, khi ông Nguyễn Văn Thiệu ra tái ứng cử mà không có người đối lập, các linh mục Trần Hữu Thanh và Chân Tín lập ra Ban cải thiện chế độ lao tù, chống lại việc tra tấn dã man các tù nhân Côn đảo, nhốt họ trong những hầm cũi sắt được gọi là “chuồng cọp”, linh mục Thanh Lãng tổ chức ngày “Ký giả đi ăn mày”, để phản đối chính quyền kìm kẹp báo chí, ngoài ra nhiều giáo sư đại học, trong đó có các linh mục tham gia tuyệt thực để chống nhà nước đàn áp sinh viên…
Tạp chí Nhà Chúa đã đóng góp tích cực để cổ võ cho tinh thần hòa giải và chuẩn bị tinh thần cho người Công giáo thanh thản bước vào giai đoạn mới của lịch sử dân tộc, với niềm tin yêu và hy vọng vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”( Mt 5,9)
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi hòa bình thống nhất được thực hiện, thì không phải ai ai cũng sẵn sàng hòa giải và sống chung hòa bình như Chúa và Giáo hội kêu gọi. Bên này bên kia, và ngay trong Giáo hội, vẫn còn có những quan điểm và lập trường khác nhau, thậm chí còn chống đối và thù hận, bởi vì không phải một sớm một chiều quên đi được cả một quá khứ đau buồn. Những cách thức vội vã, đôi khi cực đoan để thực hiện sự thống nhất về chính trị, kinh tết văn hóa vv. đã đưa tới những sai lầm đáng tiếc, khiến một số người bỏ nước ra đi, một số người bị bắt bớ, tù đầy oan uổng, khiến cho không ít người Công giáo mất niềm tin tưởng vào con đường hòa giải. Cộng đồng Công giáo bắt đầu trở về trong tư thế khép kín, lo bảo vệ chính mình, hơn là đối thoại, hợp tác. Thậm chí, một số người còn trở về với lập trường chống đối, đặc biệt là từ khi Việt kiều ở nước ngoài đã an cư lạc nghiệp, bắt đầu liên lạc được với những phần tử chống đối trong nước, làm cho tinh thần hòa giải ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Công cuộc hòa giải trở nên khó khăn, Giáo hội trở nên bảo thủ, không chỉ làm cho tương quan giữa Giáo hội với thế giới bên ngoài mỗi ngày một căng thẳng hơn, mà còn làm cho nội tình Giáo hội cũng trở nên phức tạp, thiếu hiệp nhất và đồng thuận, khiến cho Giáo hội mất đi phần nào tinh thần hiệp thông, mà hậu quả là tiến trình thực thi tinh thần canh tân của Vatican II gần như khựng lại. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì khi người ta chỉ bận tâm lo bảo vệ chính mình, thì dễ sinh ra nghi ngờ mọi người, và chẳng còn sẵn sàng đối thoại, hợp tác với ai.
Ngay trong nội bộ, sự chia rẽ trong lập trường chính trị nhiều khi cũng ảnh hưởng gián tiếp đến cả những những sinh hoạt tôn giáo. Một trong những hậu quả của sự bất đồng quan điểm ấy chính là chúng ta chỉ mới thực hiện được nửa vời việc canh tân Phụng vụ: một bản dịch Phụng vụ vẫn còn gây xôn xao bàn tán, bởi vì chưa đạt được yêu cầu về nhiều mặt nội dung cũng như về văn chương chữ nghĩa. Ngoài ra, lời hứa hẹn của Thư Chung 1980 vẫn chưa được thực hiện bước nào, đó là Giáo hội nhập thể, hay hội nhập vào văn hóa dân tộc. Cụ thể mà nói, chúng ta chưa thích nghi theo tinh thần Vatican II, để Giáo hội Việt Nam có một nghi thức riêng cho lễ tang và lễ cưới. Nhờ Nhóm các Giờ kinh Phụng vụ soạn thảo và đề nghị, chúng ta mới chỉ có bộ lễ Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu, ngoài ra, chưa thấy nói gì đến Lể giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Mồng Mười tháng Ba, và Lễ Xá tội vong nhân ngày Rằm Tháng Bảy. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa sửa lại các kinh đọc hàng ngày, trong đó vẫn còn sử dụng một thứ ngôn ngữ, thậm chí đôi khi cả nội dung, cũng rất lỗi thời.
Những điều cần phải thực hiện và hoàn tất
Như trên đã nói, chính thái độ khép kin trở lại, chủ yếu để lo tự bảo vệ, khiến Giáo hội trở nên bảo thủ, không còn mạnh dạn canh tân.
Nhưng muốn trở lại với đường lối canh tân thì trước hết đòi hỏi Giáo hội phải sám hối, nhìn nhận những lỗi lầm của mình. Trong Thông điệp gửi cho Giáo hội Viêt Nam nhân dịp Khai mạc Năm Thánh 2010, Đức Giáo hoàng Bênêđitô 16, đã mời gọi Giáo hội sám hối về những lỗi lầm của mình, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, đối với nhau và đối với cả đồng bào, những người ngoài Giáo hội.
Đây là một đòi hỏi tiên quyết và hết sức cấp bách, bởi vì không ai có thể chối cãi được rằng, lúc này đây, hơn bao giờ hết, ngay trong nội bộ Giáo hội, thái độ chia rẽ, thậm chí cả hận thù, đang đạt tới đỉnh điểm, khiến những ai thực sự trung thành và yêu mến Giáo hội phải xót xa, đau lòng.
Chúng ta phải tích cực trở về với tinh thần hòa giải, hòa hợp của Vatican II, để thực hiện sự hiệp nhất trong chính nội bộ Giáo hội. Muốn được vậy, chúng ta cũng cần phải hòa giải với thế giới bên ngoài. Thật vậy, trong tình thế hiện nay, chính sự bất đồng quan điểm và thái độ đối với người thứ ba, là nhà nước xã hội chủ nghĩa, khiến nội bộ Giáo hội không tìm được sự hiệp nhất và bình an.
Giáo hội Việt Nam phải tích cực trở về với Thư Chung 1980, và chọn 8 chữ vàng3 chữ son của Đức Giáo hoàng Bênêđitô 16 làm kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ của mình, đó là: Đối thoại thẳng thắn, Hợp tác chân thành, Trong bác ái.
Một khi tìm về được vị trí của mình giữa lòng dân tộc, chúng ta sẽ thanh thản tiếp nối công việc canh tân Hội Thánh, đổi mới tư duy và hoạt động. Ngoài việc kiện toàn công cuộc cải tổ Phụng vụ, tìm cách thích nghi văn hóa dân tộc vào sinh hoạt phụng vụ, chúng ta còn cần phải làm sao cho Lời Chúa nhập thể vào được nền văn hóa dân tộc, nỗ lực xây dựng một nền thần học Á châu và Việt Nam, chứ không chỉ bằng lòng chuyển dịch thần học Tây phương cho người mình. Bởi vì làm như thế, có nghĩa là Giáo hội Việt Nam chưa nhập thể vào lòng dân tộc Việt Nam, để có thể yêu thương và phục vụ đồng bào bằng cả con người Việt Nam, với trí óc, với trái tim, và đôi tay đôi chân, cùng tiếng nói của người Việt, như Chúa Kitô đã làm người Do thái, nên giống mọi người Do thái, để sống giữa lòng dân tộc của Người.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là Giáo hội Việt Nam cần phải đổi mới trong lối sống của mình. Phải sớm thoát ra khỏi thời đại giáo sĩ trị. Một trong những đổi mới có ý nghĩa của Vatican II là trả lại cho giáo dân vị trí và vai trò đích thực, là dồng tư tế, đồng ngôn sứ và đồng vương đế với các linh mục và giám mục. Trong Giáo hội không có bề trên với bề dưới, mà chỉ có những người phục vụ, và như Chúa đã nói: “Ai muốn đứng đầu anh em, thì phải làm người nhỏ nhất.” Bởi vì chính Chúa cũng đến “Không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ, và hiến thân làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Một Giáo hội không trước hết là một Phẩm trật, mà là một Cộng đồng dân Chúa, là gia đình của những người anh em con cùng một Cha trên trời, luôn luôn đồng tâm nhất trí, siêng năng lắng nghe Lời Chúa và phục vụ lẫn nhau, đề không ai phải thiếu thốn (Cv 2,422-44; 4,32-34), phải chăng đó chính là Hội Thánh mà Chúa Kitô muốn làm cho trở nên dấu chỉ của Người trên thế gian, và riêng ở đất nước Việt Nam này.

Lm Thiện Cẩm OP
Thông tin khác:
Khát giữa dòng nước lũ (05/09/2012)
TIN HAY KHÔNG TIN? (05/09/2012)
LƯỢC SỬ NGÀY LỄ ĐỨC MẸ LINH HỒN VÀ XÁC VỀ TRỜI (14/08/2012)
TRÁI TIM (11/08/2012)
BÊN MỘ CHỊ SÁU (26/07/2012)
Đời sống đạo - đời nơi chân sóng Cô Tô (24/07/2012)
Hồ Chí Minh với công tác thương binh liệt sĩ nơi đồng bào có đạo (20/07/2012)
Giáo hội Công giáo với vấn đề môi trường (11/07/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 18-hết) (25/06/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log