Văn hóa nghệ thuật

BÊN MỘ CHỊ SÁU

Cập nhật lúc 09:31 26/07/2012

 

Đoàn chúng tôi gồm trên bốn chục thành viên, khởi đi từ Tân Sơn Nhất sáng ngày 4 tháng 7, và trở lại thánh phố cũng bằng đường hàng không, chiều ngày 6 tháng 7,
Trong ba ngày hai đêm ở huyện đảo Côn Sơn, chúng tôi đã có dịp đi thăm viếng tất cả các di tích lịch sử tại đây, trong đo trước hết phả kể đến hệ thống nhà tù nổi tiếng đã từng nuôi nhốt hàng vạn chiến sĩ yêu nước của ta trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong số đó phải kể đến những tên tuổi như Nguyễn An Ninh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, và đặc biệt là Võ Thị Sáu, nữ liệt sĩ anh hùng dân tộc, người con gái của vùng Đất Đỏ Bà Rịa Vũng Tầu.
Tôi là người cư ngụ tại đường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp Hồ Chí Minh, vì thế tôi đặc biệt quan tâm đến chuyến đi này, và dĩ nhiên, coi việc đến thăm mộ chị Sáu là mục tiêu quan trong nhất của chuyến đi.
Chuyến đi viếng nghĩa trang Hàng Dương được tổ chức vào ngày thứ hai của cuộc hành hương Côn Đảo, vì ngày thứ nhất được dành cho việc viếng thăm hệ thống nhà tù, đặc biệt là các khu được mệnh danh là “chuồng cọp”. Tại những nơi này, người ta phân loại “chuồng cọp Pháp”, và “chuồng cọp Mỹ”. Chuồng cọp Pháp tương đối lớn và rộng rãi hơn, còn chuống cọp Mỹ thì thấp, hẹp và tăm tối hơn, nhưng đặc biệt là có dãy chuồng lộ thiên, không có mái che, và đặc biệt là nền nhà chỉ là đá dăm, không tráng si măng hay lát gạch: các tù nhân bị quẳng vào đó trần truồng, nằm phơi nắng phơi mưa trên lớp đá dăm lởm chởm, bên cạnh những thùng phân và nước tiểu không nắp đậy… Nhìn cảnh tưởng ấy, chúng ta không thể nào không suy nghĩ tự hỏi: làm thế nào con người lại có thể trở nên độc ác, mất tính người đến nỗi đối xử dã man tàn bạo không thể tưởng tượng nổi đến như vậy? Tôi tự nhiên nảy ra ý tưởng mời tổng thống Mỹ và tổng thống Pháp đến sống trong chuồng cọp mà những người tiền nhiệm của họ đã cho xây dựng nên tại đây mới chưa đây 100 năm về trước, vả lại nhiều công dân của họ đã từng đánh đập hành hạ những con người mà họ đối xử không được bằng những con chó của họ!
Ông Khổng Tử ngày xưa có nói rằng: nhânngười, và nhân cũng là nhân ái. Vì thế, kẻ không có lòng nhân, thì không xứng danh là người…lòng nhân ở đây được định nghĩa một cách đơn giản, khiêm tốn là lòng chẳng nỡ: lòng trắc ẩn, xót thương đứng trước cảnh khổ của người khác. Chỉ có con vật mới bỏ đi, không quan tâm đến cái khổ của đồng loại!
Tôi càng suy nghĩ càng lấy làm lạ, khi nghĩ đến chuyện nước Pháp đã chọn châm ngôn Liberté. Égalité, Fraternité, Tự do, Bình đẳng và Huynh đệ, hơn thế nữa, họ còn hãnh diện vì có Jeanne d’Arc, nữ anh hùng dân tộc, một vị Thánh của Giáo hội Pháp, vậy mà sao họ lại lập tòa án để xử án, kết tội và đem xử bắn một thiếu nữ Việt Nam mới chưa đầy 18 tuổi, nghĩa là chưa được sống trọn tuổi xuân thì! Người con gái ấy, dù có tội gì đối với nước Pháp và dân tộc của cuộc Cách Mạng 1789, theo quan niệm sai lầm của họ, thì cũng chỉ đáng đánh vài ba roi, chứ làm gì đến nỗi làm cho họ phải sợ hãi đến nỗi phải điệu đi xử bắn dưới những hàng cây dương ven bờ biển của hòn đảo xanh tươi tuyệt đẹp này!
Thật mỉa mai! Cả một nước Pháp vĩ đại đã từng đem quân đi xâm lăng, chiếm thuộc địa ở Á châu, Phi châu và Nam Mỹ, cả một đế quốc đã từng đem quân tới cửa ngõ nước Nga dưới thời Napôlêông, vậy mà ngay sau khi giải phóng dân tộc khỏi ách phát xít Đức, lại không đủ tự tin để phóng thích cho một người con gái da vàng người Đất Đỏ!
Nước Pháp đã giết Võ Thị Sáu, nhưng đã thua người con gái của dân tộc Việt Nam, bởi vì người con gái ấy đã làm ô danh một dân tộc vốn được tiếng là văn minh, vì được xây dựng trên nền tảng nhân bản Kitô giáo…
Nhưng trông người lại nghĩ đến ta. Tôi thầm trách người Pháp, người Mỹ, những kẻ thực dân, những quân xâm lăng dã man, tàn ác, đã đày đọa, tra tấn và giết hại hàng vạn người Việt nam yêu nước thương dân, trong số đó có tới hàng trăm hàng ngàn người còn vùi lấp dưới những làn cát đồi dương Côn Đảo, cũng như ở nhiều nơi khác trên đất nước này…Nhưng tôi càng cảm thấy đau xót và thất vọng khi nghĩ tới những nhà tù và chuồng cọp vô hình, mà chính những con người Việt Nam chúng ta, vốn hiền lành chất phác, - “nhân chi sơ tính bản thiện”, - nay cũng đang dựng nên để nhốt chính trái tim mình lại  khiến nó mất cảm giác đứng trước tha nhân!
Thật vậy, không ngày nào chúng ta không đọc trong báo chí và nghe nhìn trên tivi những chuyện tham nhũng thối nát của các quan chức chính quyền cướp đất cướp nhà của dân, lấy cớ quy hoạch đất đai, xây dựng công trình thủy điện, sân gôn, di dời dân chúng đến những vùng đất không đủ điều kiện sinh sống, vì thiếu đường xá cầu cống đi lại, không đất canh tác, thiếu chợ búa, trường học trạm xá vv. Những vụ án như Tiên Lãng - Hải Phòng đâu phải hiếm hoi cục bộ!
Còn về phía người dân thì sao? Từ nhỏ tới nay chưa bao giờt tôi nghe nói nữ sinh đánh nhau ngay trong trường học ở Thủ đô, cũng chẳng bao giờ nghe nói chuyện những chàng trai trẻ giết người cướp bóc, để lấy tiền đi hút chích xì ke hay đề đóm cá độ, con trai giết cả bố lẫn mẹ vì xin tiền mà bố mẹ không cho… Và cả những ca sĩ, người mẫu với hoa hậu đi bán dâm cho những ông già đáng tuổi ông nội hay bố chồng…!
Quả thật, thế hệ của anh hùng Võ Thị Sáu không còn nữa! Không còn những thiếu nữ nghèo không được học hành đầy đủ, ăn mặc sơ sài, không biết gì đến diêm dúa, phấn son. Mới mười ba tuổi đầu đã tham gia cách mạng, để rồi bị bắt bớ, tù đầy, tra tấn, và chỉ được nhìn cảnh đẹp của đảo ngọc Côn Sơn lần đầu và lần cuối, trước khi bị viên đạn của thực dân xuyên thủng trái tim đã dâng trọn cho Tổ quốc!
Vì thế, tôi mong ước nhà nước ta nên tổ chức nhiều đoàn sinh biên học sinh đi Côn Đảo để rèn luyện cho họ nên những con người xứng danh là người, có tấm lòng nhân ái, quả cảm, biết sống một tuổi trẻ trong sáng, vị tha, và biết vươn lên từ những khó khăn thử thách, hơn là chỉ biết đua đòi hưởng thụ, say mê điên cuồng bắt chước những ngôi sao nghệ thuật nước ngoài chỉ đáng giá như những con thiêu thân đang tự hủy đời mình trong ánh hào quang phù du, giả tạo.
Có lẽ chúng ta chỉ nên giữ lại một số di tích nào đó, thí dụ như mỗi nhà tù, mỗi chuồng cọp, chỉ cần giữ lại một phần làm di tích, còn thì nên cải tạo thành những nơi cắm trại hay phòng trọ cho các thanh niên sinh viện học sinh ra Côn Đảo, để vừa du lịch vừa học tập, nghỉ ngơi, rẻn luyện lòng yêu nước. Tôi mới được xem một phim tài liệu về Hàn Quốc, thấy họ có cả một đường lối, chính sách giáo dục tuổi trẻ toàn quốc rất bài bản và hữu hiệu. Tất cả những di tích lịch sử cũng như thắng cảnh và những công trình quốc gia có tính tiêu biểu, như bảo tàng, đền chùa, thánh thất vv. Lúc nào cũng đầy ắp các học sinh, sinh viên được hướng dẫn tham quan… Trong khi đó, ở nước ta, hình như người ta chỉ nghĩ đến kinh doanh! Thậm chí ngay cả đến những tổ chức gọi là “lễ hội” cũng chi nhằm mục đích moi tiền thiên hạ! Cũng cờ quạt, trống phách với múa máy rập khuôn, nhưng kéo theo là hàng quán với cờ bạc, và những người ăn xin níu kéo khách tham quan…
Đất nước ta tươi đẹp, hay như lô gô và khẩu hiệu mới của Du lịch Việt nam là “Vẻ đẹp vô tận”, nhưng thực ra chúng ta đang phát huy và bảo tồn có đúng cách hay không, hay trái lại, không thiếu gì những kẻ thiếu kiến thức lịch sử và văn hóa, đang vô tình phá hủy bằng cách tu sửa không đúng cách, như vá víu tùy tiện, lấy xi măng thay gỗ, lấy mái tôn thay ngói, và xây dựng những công trình phụ thuộc lai căng, lấn chiếm mặt bằng…Chỗ nào cũng lấy xi măng với đá xây bờ kè làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của những, bờ suối, bến đò nên thơ thuở nào…
Nền văn hóa duy vật hiện nay đang có nguy cơ đánh mất đi bản sắc dân tộc của nước ta, mà nếu không kịp thời chấn chỉnh, sẽ đưa đến một thảm họa không thể nào cứu vãn nổi. Thật vậy, những đầm tôm ao cá, những khu resort và lều quán đang che lấp những bờ biển đẹp, cũng như những rặng san hô và rừng dương, bãi cát đang bị phá hủy khắp nơi, đang biến non sông gấm vóc và biển trời của nước ta thành những bãi rác hoang tàn…
Đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn: một là lịch sử và di sản văn hóa, tinh thần, hai là nền văn minh vật chất, biến con người thành dụng cụ sản xuất và hàng hóa để mua bán, đổi chác.
Con người không chỉ sống bằng cơm gạo hay bách mì, mà còn sống bởi những giá trị tinh thần, như tự do, tình yêu và bác ái, huynh đệ, cho nghệ thuật, cho chân lý và cái đẹp…Con người không chỉ sống để sống, mà sống để tìm kiếm và làm nên một ý nghĩa cho đời mình.
Lm Thiện Cẩm OP
Thông tin khác:
Đời sống đạo - đời nơi chân sóng Cô Tô (24/07/2012)
Hồ Chí Minh với công tác thương binh liệt sĩ nơi đồng bào có đạo (20/07/2012)
Giáo hội Công giáo với vấn đề môi trường (11/07/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 18-hết) (25/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 14,15,16,17) (20/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 11,12,13) (15/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 7,8,9,10) (13/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 4,5,6) (12/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 1,2,3) (11/06/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log