1- Quan điểm của giáo hội Công giáo về môi trường thiên nhiên
Mới nhìn vào 10 điều răn của Chúa và 6 điều răn của Hội thánh thấy chỉ thấy quan hệ giữa Thiên Chúa với nhân loại, giữa người với người, không có điều nào nói về quan hệ với môi trường. Thật ra vấn đề môi trường là vấn đề mới được đặt ra từ giữa thế kỷ XX. Có lẽ chính thảm họa bom hạt nhân do Hoa Kỳ ném xuống Hirôshima và Nagasaki tháng 8-1945 đã làm cho nhân loại phải đối mặt với môi trường sinh thái. Nhưng đọc kỹ lại Kinh thánh từ Cựu ước, Tân ước đến các Thông điệp của nhiều Giáo hoàng, các văn kiện của Công đồng lại thấy vấn đề môi trường được Giáo hội Công giáo đặt ra từ rất sớm.
Các nhà mỹ học khi tìm hiểu thế nào là cái đẹp đã đưa ra câu trả lời: Cái đẹp chính là cuộc sống. Như vậy cuộc sống của con người, của tự nhiên đều đẹp. Theo giáo lý của giáo hội Công giáo vũ trụ tự nhiên này do Thiên Chúa tạo dựng. Sách Sáng thế mô tả Chúa dựng lên trái đất, mặt trời, trăng sao, cây cỏ, muông thú trong 5 ngày và “ Chúa đều thấy nó tốt đẹp” (St. 1,4-25). Rồi khi chiêm ngắm công trình tuyệt vời của mình, Thiên Chúa đã quyết định tạo ra Adam và Eva trong ngày thứ 6, để làm chủ thế giới bao la. Như vậy thiên nhiên được Thiên Chúa trao cho con người là một bức tranh hoàn mỹ. Ngày nay, những nơi nào còn giữ được nét tự nhiên hoang sơ, nguyên thủy đều trở thành những nơi du lịch lý tưởng. Chúng ta không còn được chiêm ngắm Vườn địa đàng của nguyên tổ Adam và Eva thủa ban đầu vì đã bị phá hủy khi ông bà phạm tội nhưng mô phỏng Vườn địa đàng ở Canada ngày nay cũng làm cho bất cứ du khách nào đến đây cũng phải trầm trồ thích thú. Như vậy, tự nhiên được tạo dựng là tác phẩm đẹp. Con người được trao quyền làm chủ tự nhiên, vũ trụ nhưng cũng có nghĩa vụ phải giữ gìn tự nhiên hài hòa và phát triển ( St.1, 26-30). Nếu con người phá hoại môi trường, thiên nhiên thì con người đã phụ bạc lại Thiên Chúa nhân hậu vì đã làm hỏng món quà quý giá mà Thiên Chúa trao ban.
Cũng theo giáo lý Công giáo, con người được khai thác thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chính đáng của mình nhưng không được chiếm hữu tuyệt đối mà phải chia sẻ cho mọi người với tình huynh đệ. ( xem Lc.11, 11-13). Giáo hội Công giáo công nhận lợi ích của của cải: “ Con người không thể làm gì nếu không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành” (1). Giáo hội cũng công nhận là nhờ lao động cả chân tay và trí óc “ con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình thu được thông qua lao động. Đây chính là nguồn gốc của tư hữu” (2). Nhưng giáo hội Công giáo quan niệm của cải có mục tiêu phổ quát. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nguyên tắc đầu tiên trong việc sử dụng của cải, tài nguyên thiên nhiên. Hiến chế Gaudium et Spes viết : “ Thiên Chúa đã tiền định cho trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng đều là cho mọi người và cho mọi dân tộc, ngõ hầu mọi thụ tạo đều được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người dựa vào công lý, được điều tiết bởi bác ái” (MV, số 26). Học thuyết xã hội Công giáo cũng luôn cho rằng, con người nhận một cách nhưng không tài nguyên thiên nhiên từ Thiên Chúa thì cũng phải có nghĩa vụ cho đi vô vị lợi phần của cải mình có được để giúp người nghèo khó. Cách 600-700 năm trước Chúa giáng sinh, trong sách Đệ nhị luật có viết : “Khi người gặt lúa đồng của ngươi và ngươi bỏ quên lượm lúa trong đồng, ngươi đừng quay lại mà lấy vì nó thuộc về khách ngụ cư, người góa bụa, ngõ hầu Thiên chúa ngươi chúc lành cho ngươi mọi công việc tay ngươi làm” ( Dnl 24, 10-22). Đây không chỉ là đòi hỏi của lòng bác ái mà còn theo luật của công bằng. Đúng thế, đất đai, không khí, nước, khoáng sản, lâm thổ sản, hải sản là quà tặng của tự nhiên, con người không mất tiền mua. Để tạo ra hạt lúa con người phải bỏ lao động nhưng còn rất nhiều yếu tố như đất đai, nước, không khí…con người đâu có tạo ra? Vì vậy Giáo hoàng Gregorio (sau được phong thánh gọi là thánh Gregorio Cả 540-604) rất có lý khi nói: “Lúc chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải cái của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả một món nợ công bằng” (3). Thánh Gioan Kim Khẩu còn tuyên bố mạnh mẽ hơn: “Không cho những người nghèo dự phần vào của cải của ta, đó là ăn trộm của họ và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải ta giữ lấy đó không phải là của ta, nhưng là của họ” (4).
Những nguyên tắc trên đây quy định trách nhiệm của mỗi người, mỗi tập thể hay mỗi quốc gia khi khai thác tài nguyên thiên nhiên môi trường.
Trước hết, tài nguyên thiên nhiên là của toàn thể nhân loại kể cả trước kia, hiện nay và tương lai. Cho nên, giáo hội Công giáo nhìn nhận: “ Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta. Chúng ta là một gia đình nhân loại. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai”(5). Do đó, chăm sóc , bảo vệ thiên nhiên, môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người trên trái đất vì đó là tài sản chung của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Không ai được khai thác sử dụng “ một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên, hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” (6). Phải chăng vì lợi ích trước mắt nên có người, có quốc gia đã tàn phá thiên nhiên, môi trường, phá hoại cân bằng sinh thái? Làm sao có người đánh cá bằng lưới điện, thuốc nổ hay các chất độc khác? Làm sao người ta có thể xả hàng ngàn tấn chất thải công nghiệp để giết chết những con sông hiền hòa? Làm sao người ta dám xuất khẩu những động, thực vật gây hại sang nước khác như ốc bươu vàng, hải ly hay cây bèo Nhật Bản ( bèo bồng)…Giáo hoàng Phaolô VI gọi đây là những hành vi “bệnh hoạn” của con người. Hành vi này là do kết quả của một quá trình lịch sử và văn hóa chối bỏ tương quan giữa con người và Thiên Chúa.
Đối với từng quốc gia cũng phải xây dựng luật pháp và những chương trình hành động để người dân có môi trường tự nhiên lành mạnh: “ Quốc gia cũng cần nỗ lực tích cực trong lãnh thổ mình để ngăn chặn những sự phá hoại khí quyển và sinh quyển, bằng cách kiểm soát cẩn thận, đảm bảo cho công dân nước mình không phải chịu những chất ô nhiễm nguy hiểm hay những chất độc hại” (7). Còn trên bình diện quốc tế cũng phải có sự liên đới để giải quyết vấn đề toàn cầu này. Có một tình trạng bất công xảy ra “ kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Các nước giàu sử dụng nhiều năng lượng, khai thác tài nguyên nhiều hơn và thải vào môi trường nhiều chất độc hại gây nguy hại cho cả thế giới nhất là biến các nước nghèo thành bãi rác. Nhiều hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thế giới đã thất bại vì không tìm được tiếng nói chung bởi nước giàu không chịu chia sẻ trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường. Đức Gioan Phaolô 2 đã lên tiếng về hiện tượng này: “ Người ta không thể đòi hỏi các nước mới phát triển áp dụng trên nền công nghiệp còn non trẻ những luật lệ chế tài liên quan đến môi trường, nếu các nước kỹ nghệ không đi tiên phong trong việc áp dụng những biện pháp đó nơi đất nước của họ. Về phần mình, các nước đang phát triển cũng không được lặp lại những sai lầm của các nước khác trong quá khứ và tiếp tục hủy hoại môi trường do những sản phẩm gây ô nhiễm, do nạn phá rừng thái quá hoặc khai thác không giới hạn làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên” (8).
Một vấn đề không thể đề cập đến trong tương quan với môi trường là khoa học và kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật giúp con người trong việc chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Song nếu không có đạo đức trong khoa học, kỹ thuật coi thiên nhiên là những vật vô tri vô giác để sử dụng các công nghệ bất chấp hậu quả thì con người sẽ phải trả giá đắt cho những hành vi của mình. Có thời kỳ chúng ta nghĩ con người là vô địch, có thể xẻ núi, lấp biển: “ Bàn tay ta làm nên tất cả” và thậm chí muốn thay cả Trời: “Thế Thiên hành đạo”. Nhưng thực tế là “có Trời, có đất, có ta”. Đúng vậy, con người làm đất, gieo trồng, chăm bón nhưng đâu dám chắc mùa màng trĩu hạt? Vậy nên cha ông xưa mới cầu khấn:
“Lạy Ông nắng lên/ Cho trẻ nó chơi/ Cho già bắt rận/ Cho tôi đi cày
Lạy Ông mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm”…
Khi ngăn sông làm thủy điện đáp ứng nhu cầu năng lượng của công nghiệp không ai nghĩ bão lụt sẽ gia tăng. Khi Trung Quốc mở chiến dịch” diệt chim sẻ” để làm lợi lương thực không thể nghĩ đến mất mùa do bị sâu hại phá và khi các nhà vật lý nguyên tử tìm ra năng lượng hạt nhân đâu có nghĩ đến thảm cảnh ở Hiroshima, Nagasaki, Trecnobưl…Engel nói rằng, khi con người chiến thắng được thiên nhiên một bước thì lập tức thiên nhiên trả thù con người bằng tai họa. Phải chăng, những thảm họa thiên tai ngày nay do thiên nhiên đang trả thù con người? Dĩ nhiên, ngày nay nhân loại đã thức tỉnh, biết rằng chằng phải thiên nhiên trả thù mà chính là “ nhân tai”. Giáo hội Công giáo cho rằng: “ Việc ứng dụng các khám phá mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả tai hại lâu dài. Từ đó, chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực sinh thái mà không chú ý tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai”(9).
Ngược lại với thái độ duy khoa học, duy kỹ thuật là thái độ coi thiên nhiên, trái đất là thần thánh bất khả xâm phạm. Giáo lý Công giáo quan niệm thiên nhiên là tạo vật của Chúa ban tặng cho con người và con người được giao quản lý. Giáo hoàng Benedicto XVI nói: “Nhân loại cần phải có mối quan hệ đúng đắn với môi trường. Trái đất này là món quà quý giá của Đấng Tạo hóa và chúng ta phải ứng xử như những người quản lý công trình sáng tạo của Người” (10).
Giáo hội Công giáo không chỉ ban hành nhiều văn bản nói về môi sinh mà còn trực tiếp đề cao những tấm gương thân thiện với môi trường. Giáo hội đã tôn phong thánh Francisco di Assisi (1181-1226) làm thánh bảo trợ môi trường. Vị thánh người Italia này không chỉ nổi tiếng về khó nghèo và là nhà truyền giáo nhiệt thành mà còn nổi tiếng vì yêu hòa bình, yêu thiên nhiên với “ Bài ca Mặt Trời”:
“ Chúc tụng Chúa vì Chúa đã tạo dựng muôn loài, muôn vật, nhất là anh bạn Mặt Trời chiếu sáng chúng con ban ngày. Chúa đã dùng anh để soi sáng chúng con. Anh đẹp đẽ và huy hoàng rực rỡ. Anh cho chúng con một hình ảnh về Chúa. Chúc tụng Chúa vì đã dựng nên cô em Mặt Trăng và các vì sao trên trời. Chúa đã tạo dựng nên họ trong sáng, quý hóa và đẹp đẽ”.
Gọi mặt trời là anh, mặt trăng là em, thân thiện với thiên nhiên đến thế là cùng. Và như vậy làm sao con người có thể tàn phá thiên nhiên và thiên nhiên có thể gây tai họa cho con người được.
Giáo hội Công giáo cho rằng, muốn cứu vãn môi sinh, thiên nhiên, trái đất, quan trọng nhất là phải thay đổi lối sống từ cá nhân đến xã hội: “ Những lối sống này sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ. Cần phải dẹp bỏ cái logic chỉ biết có tiêu thụ, đồng thời phải xúc tiến các hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn trọng trật tự sáng tạo và thỏa mãn các nhu cầu căn bản của mọi người” (11). Từ xa xưa trong lịch sử Cựu ước, người ta đã quy định 3 năm chia lại lợi tức, 7 năm tha nợ và 50 năm xóa nợ cho nhau. Đất đai cũng 3 năm được nghỉ 1 năm. Đó cũng là cách bảo vệ môi trường rất nhân văn.
Tóm tắt toàn bộ quan điểm của Giáo hội Công giáo với môi trường, Giám mục Giampaolo Crepaldi- Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và hòa bình đã rút ra 10 nguyên tắc hay còn gọi là 10 điều răn về môi trường:
“1-Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được đặt trên tất cả các thụ tạo khác trên thế giới. Tuy nhiên, các thụ tạo đó phải được sử dụng và chăm sóc một cách có trách nhiệm.
2-Thiên nhiên không được giảm thiểu đi trở thành một đối tượng bị khai thác quá mức, cũng không được tuyệt đối hóa hoặc đặt trên phẩm giá con người.
3-Trách nhiệm sinh thái liên quan đến toàn bộ hành tinh trong một nhiệm vụ chung phải tôn trọng một tập thể hài hòa cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
4-Trong việc xử ý các vấn đề môi trường, đạo đức và phẩm giá con người phải đặt trước công nghệ.
5-Thiên nhiên không phải thực tại linh thiêng hoặc thần linh, được đặt ra khỏi sự can thiệp của con người. Vì vậy sự can thiệp của con người làm thay đổi một số đặc điểm của các sinh vật không phải là sai lầm, với điều kiện là con người biết tôn trọng vị trí của chúng trong hệ sinh thái.
6-Chính sách phát triển phải được phối hợp hài hòa với chính sách sinh thái và mọi chi phí bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển phải được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng.
7- Vấn đề xóa đói giảm nghèo toàn cầu có liên quan đến vấn đề môi trường, xin nhớ rằng của cái trên trái đất phải được chia sẻ bình đẳng.
8- Quyền được có một môi trường an toàn và sạch sẽ phải được bảo vệ thông qua hợp tác và các điều ước quốc tế.
9- Việc bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự thay đổi về phong cách sống phản ánh sự tự chế và tự chủ, trên phạm vi cá nhân và xã hội. Điều đó có nghĩa là bỏ đi cái logic của chủ nghĩa tiêu thụ.
10- Các vấn đề môi trường cũng đòi hỏi phải có sự đáp trả tâm linh và một nhận thức mới lớn hơn rằng thế giới được tạo dựng là một món quà của Thiên Chúa”(12).
2- Giáo hội Công giáo Việt Nam với vấn đề môi trường.
Đạo Công giáo có nhiều đóng góp với văn hóa Việt như là cầu nối văn hóa Đông- Tây, sáng tạo ra chữ quốc ngữ, xây dựng lối sống lành mạnh, có nhiều đóng góp về văn học, nghệ thuật, báo chí… nhưng về vấn đề môi trường chưa được Giáo hội quan tâm nhiều.
Người Công giáo có nhiều tư tưởng canh tân táo bạo nêu vấn đề môi trường sớm nhất chính là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Ông đề nghị thành lập Bộ canh nông, đào tạo quan lại chuyên trách đi khắp đất nước khảo sát đất đai, cây trồng, vật nuôi xem đất nào thích hợp cây gì, con gì, nơi nào cần khai hoang, nơi nào cần tưới tiêu, dạy cho dân biết trồng cấy, chăn nuôi, không phó mặc cho tự nhiên. Ông đề nghị giao rừng cho dân để đâu cũng có chủ chứ không để chặt phá bừa bãi…Ông cho rằng vì con người linh hơn muôn vật nên có quyền điều khiển loài vật. Trong bản điều trần “ Lục lợi từ” ( Di thảo số 5), ông viết: “ Nếu để cái thấy, nghe, ăn , nghỉ của con người, chỉ biết tuân theo tự nhiên như loài vật không có linh tri, linh giác mà không gia cho con người có quyền điều khiển vận hành thì làm sao phân biệt được con người linh hơn muôn vật?” Ông cũng quan niệm thế giới là của mọi người: “ Thiết nghĩ, tạo vật sinh ra đất đai là cốt cho cả loài người hưởng thụ chứ không phải cho một người chiếm lấy làm của riêng”. Ông sớm phát hiện ra nước ta giàu tài nguyên, khoáng sản: “ Nước ta một bề giáp bể, một bề tựa vào núi, giữa là một dải đồng bằng, lại có nhiều sông chảy ngang qua, từ bờ biển dến tận cùng rừng núi mất 5,6 ngày mà thôi, không như các nước khác xa biển, xa núi, hoặ biển ít, núi nhiều, hoặc núi nhiều sông ít, hoặc nhiều cồn cát sa mạc, hoặc nhiều đất khô cằn, thật là nơi địa thế tốt nhất trên địa cầu”. Trong tờ trình “ Tế cấp bát điều” (ngày 15-11-1867), ông đề nghị sớm đo đạc biên giới cương thổ: “ Cảnh vực của một nước rộng hẹp bao nhiêu cũng như một nhà có bao nhiêu vườn ruộng. Chủ nhà không biết hết gia sản của mình có bao nhiêu vườn ruộng, tọa lạc ở đâu như thế là thiếu sót với gia đạo…Nay xin vẽ bản đồ tất cả các xứ trong nước. Về địa phận mỗi tỉnh, huyện, xã, thôn, phường, sách động, trang phải đo đạc lại hết cho phù hợp bốn bên, xa gần, rộng hẹp đồng thời mô tả hình thế mặt đất, có ghi chú rõ ràng…”. Ông đề nghị lập khoa địa lợi, khoa thủy lợi để khai thác tốt nhất tài nguyên thiên nhiên, ban thưởng cho ai có phương pháp hay phòng chống bão lụt…(13). Đây là những ý tưởng mới mẻ và táo bạo đối với nước ta lúc bấy giờ.
Hàng giáo phẩm Việt Nam được thành lập cuối năm 1960 nhưng do hai miền bị chia cắt bởi chiến tranh nên mãi đến năm 1980 mới có đại hội đầu tiên của các giám mục cả nước. Thư chung năm 2001 đã chỉ ra mặt tiêu cực trong xã hội trong đó có môi trường: “ mức sống người dân còn thấp, lao động không đủ sống, thất nghiệp, sự sống chưa được bảo vệ và tôn trọng đúng mức, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và nạn phá hủy môi trường” (số 8). Bản nhận định “ Về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay” của Ủy ban Công lý và hòa bình công bố ngày 15-5-2012 vưa qua cũng giành hẳn mục 6 để nói về môi trường sinh thái: “ Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, Việt Nam sẽ là một trong bốn nước phải gánh chịu hậu qủa nghiệt ngã nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân một phần do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng một phần khác do chúng ta thiếu quan tâm đến môi trường sinh thái và tính bền vững trong phát triển.Điều đáng quan ngại nhất là chúng ta vụng về và vội vàng khai thác tài nguyên. Những năm gần đây Nhà nước đã cho nước ngoài đầu tư nhiều dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái và biến đổi khí hậu…”.
Vị chủ chăn có riêng lá thư mục vụ bàn về môi trường là Hồng y Phạm Minh Mẫn- TGM Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lá thư mục vụ ngày 29-5-2009 đã trình bày khá đầy đủ hiện trạng môi trường hiện nay sau biến cố công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải. Lá thư cũng nêu 4 nguyên tắc của giáo hội đối với vấn đề môi trường: thiên nhiên là quà tặng của Tạo Hóa; quà tặng này giành cho mọi người nên khi khai thác phải tuân theo quy luật và tôn trọng lợi ích của mọi người nhất là người dân bản xứ. Lá thư cũng nêu 3 gợi ý hành động cho người dân, cho nhà đầu tư và cho chính quyền. Hồng y Phạm Minh Mẫn kết luận: “ Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là một đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.
Người trình bày rõ ràng, đầy đủ nhất quan điểm của giáo hội Công giáo về môi trường là GS Nguyễn Thái Hợp - Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình và Giám mục giáo phận Vinh. Trong cuốn “ Một cái nhìn về giáo huấn xã hội Công giáo” ( Nxb Phương Đông 2010) cũng đã giành 20 trang để bàn về môi trường sinh thái ( tr.455- tr.475). Ngoài việc trình bày những quan điểm cơ bản của giáo hội về vấn đề môi trường, tác giả đã khẳng định: “Chính việc tiêu thụ quá độ, bừa bãi, cuộc sống ích kỷ, thiếu vắng lý tưởng và liên đới là nguyên nhân của tình trạng nô lệ vật chất, cắm đầu chạy theo thị hiếu, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều bệnh tật, cũng như nhiều tệ nạn trong xã hội hôm nay. Cần cố gắng tìm một nếp sống khác thân thiện với môi trường hơn, lành mạnh về thực phẩm, đặt ưu tiên cho việc triển nở nhân bản, văn hóa tinh thần, biết liên đới với những người kém may mắn, sống giản dị nhưng mạnh khỏe hơn thể lý cũng như sung mãn về tinh thần” (tr.473).Do đó, lối sống tiết dục, chay tịnh theo tinh thần tôn giáo không chỉ có lợi cho sức khỏe con người mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường.
Như vậy so với các lĩnh vực đạo đức, giáo dục nhân bản nhất là truyền giáo thì vấn đề môi trường mới được giáo hội quan tâm gần đây và cũng chưa được coi là cấp bách, quan trọng nhưng cũng nêu khá toàn diện quan niệm của mình nhằm góp phần bảo vệ môi sinh của trái đất. Riêng đối với giáo hội Việt Nam, có lẽ do tránh né các vấn đề xã hội, chính trị nên giáo hội Việt Nam còn ít quan tâm đến vấn đề môi trường . Nhưng nếu phổ biến rộng rãi quan niệm của giáo hội về vấn đề này trong cộng đồng Công giáo và cả ngoài xã hội, nó cũng sẽ đem lại tác dụng to lớn bởi người Công giáo không chỉ chiếm số lượng đông mà có ý thức tuân giữ giáo huấn của Giáo hội rất cao từ trong lương tâm.
Hà Nội, tháng 7 năm 2012