- “Thưa Ngài, con sẽ đi ngay và sẽ đem nước về cho Ngài”. Và Narada đi tìm nước. Cách đó không bao xa có một thôn làng, Narada đi vào đó tìm nước uống cho đức Krisna. Y vừa gõ cửa thì một cô gái trẻ thật đẹp ra mở cửa. Vừa trông thấy cô gái, y liền quên bẵng đi là thầy mình đang chờ nước uống, và giờ này không chừng đang chết khát. Y quên tất cả, và bắt đầu nói chuyện với vô gái. Và ngày hôm đó y không trở về, hôm sau cũng vậy, y vẫn ở lại nhà cô gái và truyện trò với cô. Câu chuyện chín muồi dẫn tới tình yêu. Y hỏi cô gái làm vợ. Hai người trở thành vợ chồng và sinh được ba con. Mười hai năm trôi qua. Thế rồi bố vợ y chết, để lại cho vợ chồng y tất cả gia tài. Vợ chồng y sống thật hạnh phúc… Thế nhưng bỗng một đêm kia nước sông dâng lên tràn bờ, khắp nơi trong làng bị chìm ngập. Nhà cửa bị sụp đổ, người và thú cũng như mọi đồ vật bị cuốn trôi đi. Nhiều người chết. Narada phải tìm cách đi lánh nạn : một tay dắt vợ, tay kia dắt hai đứa con, còn đứa thứ ba thì ngồi trên vai y. Y cố gắng vượt qua dòng nước lũ chảy mạnh. Nhưng vừa bước đi được vài bước, thì nước lũ càng chảy xiết, đứa bé ngồi trên vai y rớt xuống và bị cuốn đi. Narada thét lên một tiếng tuyệt vọng, và ráng sức cứu đứa bé, nhưng vô ích. Đang lúc đó, một đứa khác lại tuột khỏi tay y, rồi đứa cuối cùng cũng bị cuốn đi. Chỉ còn lại có hai vợ chồng. Nhưng rốt cuộc, thì cả người vợ cũng bị cuốn đi, mặc cho y lấy hết sức kéo lôi trở lại. Chỉ còn một mình y bị cuốn đi và ném vào bờ cạn. Y nằm đó khóc lóc thở than. Bỗng từ phía sau có tiếng nhẹ nhàng hỏi : “Này con, nước uống của thầy đâu ?”.
Câu truyện thần thoại trên đây ngụ ý giải thích về Mâya, mà chúng ta thường dịch là “ảo ảnh”, hay “ảo cảnh”, hoặc có lẽ đúng hơn là “tuồng ảo hoá”, khiến chúng ta thấy cái không thật là thật, chẳng hạn thấy vũng nước hiện lên đàng xa, nhưng đến nơi thì chẳng có gì, hoặc trong đêm tối, thấy sợi dây thừng thì tưởng là con rắn. Theo Phật giáo, thì cái mà ta gọi là cái “tôi”, chẳng qua là sự giả tập của hai yếu tố danh và sắc. Trong khi đó thì tất cả mọi sự vật, kẻ cả cái mà chúng ta gọi là cá nhân tôi, chỉ là do ngũ đại, tức là đất, nước, lửa và không khí tập hợp lại theo luật Thập nhị nhân duyên, cộng thêm một cái tên gọi được gán cho. Nhưng tất cả những yếu tố đó chẳng có cái gì thường tồn cả, nên cái tôi, hay cái được gọi là hồn, thực ra cũng chỉ là vô thường. Hay nói cách khác, sự vật chúng ta tưởng là có, là hiện hữu, chẳng qua cũng chỉ giống như những thực tại mà chúng ta thấy trong một giấc chiêm bao, khi thức dậy chúng đều biến mất. Mọi sự vật trên đời chỉ là như thế. Đó là Mâya.
Mục đích của tôi không phải là nói về Mâya, nhưng chỉ ghi lại hình ảnh Narada đi tìm nước, bị nước lũ cuốn đi và ném vào bờ, nhưng trong tay không có được một giọt nước !
ĐẾN THỰC TRẠNG THẾ GIỚI HIỆN NAY
Trong thế giới chúng ta đang sống, biết bao người cũng đang ở trong tình trạng tương tự : người ta đang bị những dòng thác lũ ghê gớm của tiền bạc, vật chất, cũng như những cái mà chúng ta gọi là giá trị tinh thần, tràn ngập, lôi cuốn. Nhưng hơn bao giờ hết, nhân loại lại đói khát những giá trị đích thực.
Thật vậy, theo cuộc thăm dò của viện Gallup năm 1997, thì nếu tình hình của các tôn giáo suy giảm, thì ngược lại nhu cầu tâm linh của con người hiện nay lại gia tăng. Nói cách khác, người ta có khuynh hướng đi tìm đời sống tâm linh ngoài tôn giáo, ngoài nhà thờ. Tính chung, có 84% người Mỹ nói rằng họ tin Thiên Chúa, nhưng năm 1978 có tới 41% không đi nhà thờ, đến năm 1988 con số này tăng lên 44%. Tuy vậy trong số những người bỏ nhà thờ, thì có tới 30% cho rằng tôn giáo vẫn quan trọng đối với họ.
Điều mà người ta phiền trách các tôn giáo truyền thống, là đã quá lưu tâm đến những vấn đề thuộc tổ chức mà xem nhẹ những vấn đề thuộc thần học và tâm linh. Đặc biệt là giới trí thức bất mãn về sự thiếu bồi dưỡng tâm linh này.
Đó chính là lý do khiến cho ngày càng xuất hiện nhiều những nhóm tôn giáo phi nhà thờ, tạm gọi như thế, thay vì gọi là các “giáo phái” quen thuộc xưa nay. Theo phụ bản cuốn Bách khoa từ điển các tôn giáo My phát hành năm 1987, thì con số các nhóm tôn giáo này đã lên tới 206, nhưng tới năm 1989, theo tiến sĩ Gordon Melton, người biên tập cuốn Bách khoa từ điển tôn giáo nói trên, con số ấy đã lên tới 400 ! Song song với sự bùng nổ các tổ chức tôn giáo phi nhà thờ này, các giáo phái bảo thủ cũng tăng thêm số tín đồ. Chứng nhân Giêhôva từ 330 ngàn lên tới 752 ngàn, Cơ đốc Phục lâm từ 365 ngàn lên tới 666 ngàn. Giáo phái Cộng đoàn Thiên Chúa tăng gấp 4 lần, từ 572 ngàn lên tới 2,1 triệu. Giáo phái Mormon tăng từ 750 ngàn năm 1940, thì nay đạt tới con số 6,2 triệu , trong số đó 4 triệu sống trên đất Mỹ. Riêng về phong trào New Age, Thời đại mới, người ta không đưa ra được con số chính xác, nhưng phong trào này hiện chiếm từ 5% tới 10% dân số Mỹ. Một trong những đặc điểm của tổ chức này là chấp nhận thuyết luân hồi của Đông phương, nhưng vẫn tin rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.
Sự kiện các tôn giáo bị phiền trách là không cung cấp đầy đủ cho con người thời đại những lương thực tinh thần, khiến tôi nhớ tới chuyện hồi lũ lụt ngoài Huế, bao nhiêu người khốn khổ vì thiếu nước, đang khi họ sống giữa làn nước lũ mênh mông !
NHỮNG NGÓN TAY CHE KHUẤT MẶT TRĂNG
ÂM THANH TIẾNG ĐỘNG LẤN ÁT “LỜI”
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của những mâu thuẫn. Chẳng hạn như chung quanh chúng ta hiện nay đầy dẫy những âm thanh : nào tiếng xe cộ, tiếng máy bay, tiếng nhạc vang lên ngày đêm, qua đài phát thanh, qua máy truyền hình, qua các máy thâu thanh, qua những tiếng rao vặt, quảng cáo vv, nhưng chúng ta lại chẳng nghe được gì thực sự có ý nghĩa: tất cả chì còn là những tiếng động ồn ào, gây khó chịu, mệt đầu mệt óc. Chẳng hạn như thế giới hôm nay đầy dẫy những nhà cao cửa rộng, những cao ốc trong đó chen chúc một dân số đông hơn cả một thôn xóm hay làng mạc cổ truyền, nhưng nhân loại càng ngày càng trở nên cô đơn và xa cách với đồng loại : người ở sát vách với ta, nhưng không bao giờ là hàng xóm láng diềng của ta, và người ngồi ăn cùng bàn với ta ở trong quán ăn không nhất thiết là người đồng bàn. Và các đồ ăn thức uống được làm sẵn ngày càng được chất đống trong các siêu thị và tiệm buôn, nhưng nhiều người vẫn thiếu thực phẩm và suy dinh dưỡng.
Về phương diện tôn giáo, và đặc biệt là Công giáo chúng ta, chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều những bài giảng được in sẵn hay gửi qua thư điện tử (E-Mail), vậy mà tại sao nhiều giáo dân vẫn phàn nàn vì cảm thấy đói khát Lời Chúa ?
Tôi tự nhiên ghĩ tới các thực phẩm đóng hộp mà lâu lâu ăn thì thích, nhưng nếu cứ ăn hoài thì sẽ chán, và cuối cùng người ta vẫn thích ăn những thực phẩm tươi sống. Thời quân đội viễn chính Pháp hay quân đội Mỹ đóng ở Việt Nam, họ thường đổi đồ hộp để lấy thực phẩm tươi sống, có khi còn cho không những đồ hộp ấy. Ngoài ra, những đồ hộp ấy còn có thể gây ngộ độc khi quá thời hạn tiêu dùng. Vậy thì những bài giảng kiểu “mì ăn liền”, hay đóng hộp, sở dĩ không hấp dẫn người ta, cũng là điều dễ hiểu. Tệ hơn nữa, khi những thực phẩm tinh thần ấy đã trở nên thiu, nguội, mốc meo, thì làm sao còn có thể hấp dẫn người ta ?
Có lẽ tình trạng của chúng ta ngày nay cũng không khác gì lắm với tình trạng dân Do thái thời Đức Giêsu . Các kinh sư và tư tế cũng hằng ngày hăng say giảng giải về Lề Luật, nhưng tại sao lại không lôi cuốn được dân chúng ? Trái lại, khi nghe Đức Giêsu giảng dạy thì họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.” (Mc 1,27). Sở dĩ thế là vì Đức Giêsu không phải là người chỉ biết lặp lại Kinh Thánh như cái máy cát-xét hay một đĩa CD, hay tệ hơn, là như con vẹt chỉ biết lặp lại những gì kẻ khác đã dạy nó, nhưng Người chính là Lời Thiên Chúa đã nhập thể và trở thành người phàm (x.Ga 1,14). Lời của Người không chỉ là âm thanh tiếng nói, mà là “thần khí và sự sống” (Ga 6,63).
Chính những thực tại, những giá trị tinh thần, cái gì là sống động ấy đang cần cho thế giới khoa học kỹ thuật, cho thế giới máy móc khô cứng của chúng ta.
Nhân loại ngày càng chán ngấy cái thế giới giả tạo được làm sẵn : nhà cửa, phố phường, xe cộ, đồ dùng máy móc và cả thực phẩm đóng hộp, để tìm về với thế giới hoang dã, với thiên nhiên hoang sơ, mà trong thực tế chẳng còn được bao nhiêu. Phong trào “hoà bình xanh” là một biểu tượng của sự khát khao chính đáng ấy.
Văn chương, chữ nghĩa và lời nói của nhân loại ngày nay đã rơi vào tình trạng lạm phát. Từng tỉ tỉ trang web trên Internet có thể làm cho người ta bội thực, cũng như rừng những quảng cáo phơi bầy trên mọi đường phố, ngõ ngách và dọc theo các quốc lộ, đã che khuất tầm nhìn của của kẻ đi đường. Và than ôi, những lời kinh tiếng hát, các bài giảng trong nhà thờ cũng đang trở thành những khuôn sáo nhét đầy vào lòng chúng ta, nhưng lại không có khả năng đem lại cho chúng ta sự sống.
Đó chính là tình trạng chết khát giữa dòng nước lũ. Bởi vì nước lũ tuy mênh mông, nhưng lại vẩn đục. Tư tưởng và những bài giảng thuyết của chúng ta có thể bị vẩn đục bởi bởi những “vi khuẩn”, “vi trùng”, như là khoe khoang tự cao tự đại, phô trương trình độ học vấn cao sâu, tài năng hùng biện với khả năng “phun châu nhả ngọc”, với uy quyền thuyết phục, áp đặt quan điểm của mình, hơn là khiêm tốn để cho Lời Chúa nhập thể vào con người và tiếng nói hay chữ viết của mình.
Theo bản thăm dò của Arbitron Ratings Company thì các chương trình giảng dạy hay rao giảng Tin Mừng trên Tivi của những nhà giảng thuyết Mỹ tên tuổi như Swaggart và Oral Roberts, cũng như của Jerry Falwell và Pobert Schuller đang dần dần mất đi sự chú ý của dân chúng. Thật vậy, trong vòng có 2 năm, số người mê chương trình của Jimmy Swaggart đã giảm từ 2,3 triệu xuống còn có 836.000 người, và con số những người ái mộ Jerry Falwell giảm từ 700.000 còn có 284.000 người !
Theo tôi nghĩ, nhân loại ngày nay đang khao khát tìm về với thế giới tâm linh, huyền bí. Nhưng sự huyền bí đó không phải là thứ huyền bí theo nghĩa bí hiểm, kỳ quặc, mà là cái gì đơn sơ, có thể nói là “hoang dã” nhất, nghĩa là mộc mạc gần như trần trụi. Nói theo Claude Jeffré, thì ngay cả thần học cũng phải có tính chất huyền bí, chứ không chỉ là lý luận trừu tượng, sắc bén. Còn cha Radcliffe, Bề trên Cả dòng Đa Minh thì cho rằng cả Phụng vụ cũng phải có khả năng diễn tả được chính mầu nhiệm, hơn là chỉ nói lên được ý nghĩa của lời kinh tiếng hay hay cử chỉ.
“Vực thẳm kêu gào vực thẳm”! Chính mầu nhiệm sẽ mời gọi chúng ta đi sâu vào gốc rễ của thực tại, chứ không chỉ ngắm nhìn cái bên ngoài mầu mè như hoa lá, sớm nở tối tàn, hay xơ xác sau một cơn dông, hoặc trơ trụi cành khô vào mùa thu.
Trở lại với hình ảnh người chết khát giữa dòng nước lũ, chúng ta thấy rằng, sở dĩ không ai uống được thứ nước tuy mênh mông ấy, là vì dòng nước lũ bao giờ cũng vẩn đục và chứa đựng đầy rác rưởi, thậm chí còn mang theo cả xác những con vật và người chết. Trong khi đó, những dòng nước suối đôi khi chảy qua những kẽ đá, nhưng lại trong vắt, mát dịu, ngọt ngào. Cũng vậy, nhiều khi người ta vì muốn ba hoa nhiều lời, những tưởng cứ nói thao thao bất tuyệt là hấp dẫn, là thuyết phục được người nghe. Trái lại, các bậc thánh hiền, các nhà linh đạo thường chỉ nói ít lời, và hay dùng những ẩn dụ, hoặc những hình ảnh gợi ý, hơn là diễn tả bằng những chi tiết rườm rà. Khổng Tử, Mạnh Tử cũng như Trang Tử đâu có nói nhiều. Lão Tử càng tiết kiệm lời nói hơn nữa. Đức Giêsu cũng vậy, nếu tổng hợp lại tất cả những gì các tác giả sách Tin Mừng ghi lại, thì những lời giảng dạy của Người đâu có là bao, so với các lời giảng dạy của các thánh giáo phụ, hay so với thông điệp và giáo huấn của các vị giáo hoàng, hay của các giám mục, và nhất là so với các lời giảng dạy, các sách vở của các nhà thần học, và các giáo sư !
Và mặc dầu người ta đã chú giải, đã bình luận các lời nói và sách viết của các bậc thánh hiền, từ hết đời nọ sang đời kia. Rồi còn có những sách chú giải về những chú giải, bình luận về những bình luận. Hay nói bằng hình ảnh mượn của nhà Phật, thì trước tiên chỉ có ngón tay Phật chỉ mặt trăng, nhưng rồi có đến cả ngàn ngón tay chỉ vào ngón tay Phật, sau đó hàng vạn ngón tay khác chỉ vào những ngón tay kia, khiến che khuất luôn cả mặt trăng! Nhưng Lời thì ít ai nghe được, và Trăng thì đã bị che khuất.
Nước chảy trong những mạch ngầm hay qua khe suối ngoằn ngoèo tuy ít nhưng trong sạch. Nước lũ tràn về tuy mênh mông nhưng lại vẩn đục vì cuốn theo rác rưởi và cả xác chết. Cũng vậy, lời của Chúa và của các bậc thánh hiền thì chảy ra từ chiều sâu của cái tâm, nên chẳng cần nhiều cũng có thể làm đã cơn khát của tâm hồn. Trái lại, những lời nói và tư tưởng của chúng ta thường bị vẩn đục bởi những ý tưởng không trong sáng, thậm chí có khi độc hại, phát xuất từ lòng kiêu căng, sự tham lam vụ lợi, chỉ muốn “mượn đầu heo nấu cháo”, vận dụng lời của thánh hiền để mưu cầu danh vọng, địa vị, hay lợi lộc cho mình.
Tôi đã từng thấy có người dùng Kinh Thánh, dùng Lời Chúa để chú giải sách viết của thầy mình! Và trong quá khứ, không thiếu gì những “nhà thần học” dùng Lời Chúa để giải thích, biện minh cho giáo huấn của giáo quyền! Trong các chủng viện, ít ra là ở Việt Nam, trước Công đồng Vatican II, các chủng sinh không có Kinh Thánh mà đọc, nhưng lại được đọc và dạy cho biết dịch thông điệp của các giáo hoàng một cách thông thạo. Chính vì thế mà đôi khi người ta có cảm tưởng như giáo quyền quan trọng hơn chính Thiên Chúa, hơn Chúa Kitô, và Toà Thánh quan trọng hơn Giáo hội, và Giáo hội hơn Nước Thiên Chúa!
Còn ngày nay, cũng không thiếu gì những vị mục tử khi lên toà giảng thì nói về đủ thứ chuyện, nhưng lại thiếu chia sẻ Lời Chúa cho anh chị em tín hữu, mà nếu có, thì cũng thường vay mượn, hoặc sử dụng nguyên văn những bài giảng “mì ăn liền”. Bởi thế có vị đem bài giảng của các linh mục Mỹ hay Tây mà giảng cho giáo dân Việt Nam, đem chuyện trong Nam mà giảng cho ngoài Bắc, hay ngược lại.
LỜI PHẢI NHẬP THỂ MỚI THÀNH TIẾNG NÓI
Dĩ nhiên các người giảng thuyết có quyền, và cũng nên học hỏi, thu thập tư tưởng người khác, kể cả tư tưởng của những người nước ngoài. Cha Nguyễn Huy Lịch thường nhắc lại rằng: “Con tằm phải ăn dâu thì mới nhả ra tơ được. Nhưng cái nó ăn vào thì là lá, cái nó nhả ra phải là tơ, chứ không phải là lá. Con tằm ăn dâu mà lại thải ra cái gì đen đen, là con tằm vô tích sự.” Cũng vậy, đọc sách, đọc báo, nghiên cứu và suy gẫm sách vở hay những bài giảng có sẵn là một chuyện, nhưng giảng thì lại là một chuyện khác. Thánh Gioan Vi-a-nây ngày xưa chắc chắn cũng đã vất vả học hỏi như vậy. Nhưng khi giảng, thì ngài đã cố gắng nói ra tự đáy lòng mình, những gì ngài đã học hỏi và suy tư, mặc dầu ngài không phải là nhà thông thái, và chắc cũng chẳng có tài văn chương chữ nghĩa. Thế mà có một nhà giảng thuyết nổi tiếng thời bấy giờ là cha Lacordaire dòng Đa Minh, đã tìm đến ngồi dưới chân toà giảng của cha sở họ Ars! Lacordaire ngồi đó không phải để nghe những gì cao siêu huyền bí, hay nghe những lời lẽ văn chương hùng hồn, mà để đón nhận những lời xuất phát từ tâm hồn và trái tim của một vị thánh nhân đã biết làm cho lời Chúa “nhập thể” vào trong con người của mình, để cho lời mình được trở nên Lời Chúa, như con tằm xấu xí đã tiêu thụ lá dâu và làm cho lá dâu biến thành tơ lụa. Hoá ra không phải ông cha xứ nhà quê tìm đến nghe nhà giảng thuyết của nhà thờ Đức Bà Paris, mà là ngược lại! Vì nếu cha sở họ Ars đến nghe Lacordaire giảng, chưa chắc ngài đã hiểu được từ đầu đến cuối, nhưng Lacordaire thì lại cần nghe cha sở họ Ars, để có thể giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris!
Nhân nói tới tơ lụa, tưởng cũng nên nói đến chuyện ngày nay thiên hạ bắt đầu chán ghét những hàng may bằng nylon, hay bằng những tơ sợi tổng hợp, để trở về với tơ lụa tự nhiên và với vải bông. Đấy cũng là một thí dụ có thể dùng để giải thích tại sao người Kitô hữu hôm nay tuy có thể đọc nhiều sách thần học hay linh đạo, có thể trực tiếp đọc được nhiều bài giảng hay bằng ngoại ngữ, thậm chí bên Au Mỹ, và ngay cả tại Việt Nam, nhiều giáo dân có trình độ giáo lý, thần học chẳng kém, đôi khi còn hơn cả linh mục, nhưng vẫn đói khát Lời Chúa và tìm đền với những người có khả năng chia sẻ cho họ một cách đơn sơ, chân thành.
“Hát hay không bằng hay hát”, câu nói đó chỉ đúng một phần. Cũng vậy “giảng hay không bằng hay giảng” (!), vả lại cái “hay” ở đây không nên hiểu là “hay ho”, nghĩa là hùng hồn, văn chương chữ nghĩa, hoặc cao siêu. Theo tôi nghĩ, đức tính đầu tiên mà người giảng thuyết phải có, đó là biết yêu thích sự im lặng.
Lời Chúa đã xuất hiện vào giữa đêm khuya thanh vắng, như chúng ta hát trong Điệp ca bài Thánh ca Tin Mừng ngày 26-12 :
“Khi cảnh vật chìm sâu trong thinh lặng,
lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,
thì lạy Chúa, Con Chúa là Ngôi Lời toàn năng
đã rời bỏ ngai vàng thiên cung mà giáng thế.”
HALLÊLUIA.
Lời đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria và được cưu mang chín tháng mười ngày, rồi mới sinh ra làm người. Sau khi sinh ra, Người đã sống âm thầm lặng lẽ suốt ba mươi năm, trước khi mở miệng rao giảng.
Vậy thì tất cả những ai có sứ vụ rao giảng Lời Chúa, cũng phải biết cưu mang, nghĩa là lặng lẽ suy niệm Lời Chúa lâu dài, trước khi chia sẻ cho anh em của mình.
Trở về với hình ảnh của nước, chúng ta thấy rằng nước suối, hay nước từ những mạch ngầm hay giếng sâu thì trong lành. Nước mưa được lọc và để lâu thì ngọt. Nhưng những thứ nước đó ít khi có sẵn.
Những người chia sẻ Lời Chúa cũng phải biết để Lời Thiên Chúa ngấm sâu và lắng đọng trong tâm hồn mình, trước khi chia sẻ cho người khác.