Người không bao giờ biết xin ai tha thứ, thì cũng chẳng bao giờ biết tha thứ cho ai. Và đối lại, người không bao giờ tha thứ cho ai, thì cũng chẳng bao giờ biết xin tha thứ.. Một người khiêm tốn, biết nhìn nhận lỗi lầm, còn áy náy tội mình nặng quá, không biết đáng được tha không?.
Một nhà truyền giáo trên đảo ngạc nhiên thấy một phụ nữ mang nắm cát ướt vào túp lều của ông và hỏi:
- Ông biết cái gì đây không?
- Nó như cát.
- Ông biết tại sao tôi mang nó vào đây không?
- Làm sao tôi biết được?
- Đây là tội của tôi. Tội tôi không thể đếm hết được như cát biển. Làm sao tôi được tha hết?
-Bà hãy đem nó ra bờ biển, gần mé nước, bỏ nó xuống đó. Bà sẽ thấy những con sóng ập vào, chắc chắn chúng sẽ từ từ cuốn đi hết số cát đó. Đó là cách Chúa thực hiện việc tha thứ của Ngài. Lòng nhân từ tha thứ của Chúa bao la như đại dương, chỉ cần chúng ta thành thật hối lỗi và hết lòng yêu mến thì Ngài sẽ tha thứ, như người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng Luca: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”.(Lc 7, 47)
Nếu Chúa Giêsu không xuống thế làm người thì không người nào có thể tha thứ cho người khác làm tổn thương mình. Ta vẫn thường nghe người ta nói: “Phật trên bàn thờ còn phải nhảy xuống, ai chịu nổi!”, Hay, “tức chết được”. Phêrô xuất thân từ một anh nông dân chài lưới, hiền hậu, đã dám bỏ cả chài lưới, tương lai, sự nghiệp, thoát ly theo Thầy, tu thân tích đức, thế mà còn chưa bỏ được tánh cục cằn, nóng nảy, giận dữ, liền rút gươm chém đứt tai tên “quân dữ”, dám hại Thầy. Tức thì Chúa cảnh cáo ông và chữa lỗ tai trả lại cho hắn. Chúa bảo: “Hãy xỏ gươm vào bao, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”.
Ta sẽ thấy nỗi khổ và khó thế nào khi phải tha thứ cho kẻ thù qua thảm cảnh thực tế sau: sau thế chiến thứ II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo chằng chịt trên thân thể, tàn tích của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức Quốc Xã, đã đi khắp Âu Châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.
Thế nhưng vào một Chúa nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài, bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó là dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí bà.
Lúc đó người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa bà, tôi rất cám ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ. Xin bà tha thứ cho tôi”. Bà Coritanbun như chết lặng người, rằng trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ.
Sau này, vào năm 1971 khi kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi ẩn trốn”, bà đã cho biết: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa”.
Tha thứ giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát!
Quả thực, cái khó của tha thứ cứ chồng chất hết sự bực tức này đến bực tức khác và không có cái nào lý giải giống cái nào. Những ai đang tức giận, người ta sẽ nói: “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nên có người đã than não nề rằng: “Chao ôi, chỉ hai từ đơn giản này thôi mà sao khó thực hiện được cho trọn vẹn thế!”. Khó khăn không phải đối với kẻ thù, mà tự chính lòng ta. Trong câu chuyện kể trên, hai trạng thái tha thứ rồi không tha thứ đã nổ ra cuộc chiến bất phân thắng bại trong chính nội tâm bà Coritanbun, nên bà đã phải cầu cứu tới Chúa: “Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”.
Muốn có được sự tha thứ, ta phải biết tha thứ “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (Kinh hòa bình). Ta đã thấy rõ, nỗi khó của mỗi con người biết tha thứ. Có người nói rằng: những từ ngữ bình dị này, không phải ai cũng dễ làm được! Phải có tấm lòng và phải biết yêu thương thì may ra mới biết tha thứ cho những ai đã làm hại đến mình. Nói theo các môn đệ của Chúa Giêsu: “Sự thể như vậy, còn ai được cứu rỗi”. Chúa cũng trả lời họ “Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa không gì mà Chúa không làm được”. Vì thế bà Coritanbun mới thỏ thẻ với Chúa: “Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”.
Henri Charrìè, tác giả cuốn “Papillon”- “Người Tù Khổ Sai”, rất nổi tiếng trước đây, có kể lại trong tự truyện của mình rằng: ông hận tay Biện lý buộc tội oan cho ông thấu đến tận xương! Ông căm thù tay làm chứng gian đến tận não tủy, chỉ mong thoát khỏi ngục tù để xử tội hai tên này. Ông đã chuẩn bị những hình thức trả thù chậm chạp nhưng hoàn hảo, khiến cho chúng phải đau đớn mà ông đã hứng chịu trong ngục tù khổ sai. Ngày này sang ngày khác, bước từng bước một quanh phòng giam, ông tưởng tượng sẽ hành hạ chúng như thế nào để trả mối thù này…Thế mà sau lần vượt ngục đầu tiên, ông được đến Trinidad và được phép lưu lại vài ngày trước khi bắt buộc phải trục xuất ông ra biển trở lại. Những giây phút tự do đầu tiên, ông gặp một vị Giám mục khả kính ấy làm ông nhớ mãi, vị Giám mục sau khi nghe ông kể lại bao nỗi oan khiên và các dự định trả thù, liền khuyên Papillon hãy biết tha thứ! Papi liền giãy nảy lên: Không bao giờ! Không bao giờ! Mục đích vượt ngục của ông là đẻ trả thù mà. Phải giết những thằng chó chết ấy, bao đêm trường ông mất ăn mất ngủ để vạch kế hoạch này, kế hoạch nọ nhằm trả thù một cách cay độc và hoàn hảo, thế mà bây giờ ông bảo tha thứ ư? Nhưng vị Giám mục chỉ nói với ông rằng: anh Henri! Khi anh biết tha thứ cho người khác, dù cho người ta phạm tội tầy đình với anh cỡ nào đi nữa. Tha thứ được cho họ thì anh sẽ trở thành một người rất cao cả và sự cao cả ấy không phải ai cũng có được! Papi sững sờ vì cái từ ngữ cao cả ấy, điều mà ông không bao giờ nghĩ đến.. Phải, khi tha thứ, bạn sẽ cảm thấy mình vượt qua được chính mình và trở thành người cao cả, rộng lượng. Quả thực, sau này khi được tự do hoàn toàn, ông cũng đã nhớ lại lời vị Giám mục khả kính và đã biết tha thứ.
Ngoài ra, tha thứ là bí quyết hạnh phúc, đem lại sự tĩnh lặng và thanh thản cho tâm hồn và cuộc sống con người. Có ông nhà giàu nọ, hằng ngày có người hành khất ngồi ăn xin trước cửa nhà ông. Ông chẳng bao giờ động lòng cho một đồng xu, một miếng bánh, nhưng người hành khất vẫn kiên trì hy vọng có ngày ông sẽ đổi lòng. Lần đó, chẳng những không thèm đếm xỉa gì, ông ta còn cầm cục đá chọi vào mặt người hành khất. Người hành khất vẫn bình tĩnh lượm cục đá bỏ vào bị luôn đeo bên mình với ý định quyết trả thù khi mày sa cơ thất thế!
Quả thực, đúng như lời nguyền rủa, chúc dữ của người hành khất, ông nhà giàu nhúng tay vào vụ biển thủ công qũy nhà nước, nên bị truy tố ra tòa. Ngày ông ta bị áp giải vào tù, người hành khất đi theo, thời cơ đã đến, nắm chặt cục đá trong tay đã giữ kỹ mười lăm năm nay, miệng rít lên, hai hàm răng xiết chặt như muốn nghiền nát kẻ thù, đang vung tay định ném vào mặt tên nhà giàu hắc ám này, bỗng kịp dừng tay. Người hành khất nghĩ lại, nhìn khuôn mặt nhăn nhúm, tiều tụy, thấp hèn, lão ta cũng tầm thường như mình thôi, liền buông rơi cục đá dưới chân.
Sau đó, người hành khất tự nhủ: phải chi ta đừng lượm cục đá oan khiên đó và chẳng thèm giữ nó làm chi suốt mười lăm năm dài đằng đẵng, ta đã thanh thản và bình an biết bao!