Sách "Khâm Định Sử Việt Thông Giám Cương Mục" ghi nhận sự kiện: "Năm Nguyên Hoà nguyên niên (1533), tháng ba. Đời vua Lê Trang Tôn, có người Tây Dương tên I-nê-Khu lén vào xã Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo” (Khâm Định Sử Việt Thông Giám cương Mục, quyển XXXIII, tờ 6a và 6b). Như vậy, năm 1533 có thể coi là mốc xác định sự bắt đầu du nhập của Công giáo vào Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và dân tộc. Từ hàng ngàn năm trước, Phật giáo và Nho giáo, bằng nhiều con đường khác nhau, đã du nhập và phát triển thịnh vượng trên đất nước này. Công giáo mới được chính thức du nhập từ thế kỷ XVI có thể nói là “sinh sau đẻ muộn”. Nếu chọn thời điểm 1533 như cột mốc của khởi đầu, thì so với các tôn giáo khác: Phật, Khổng, Lão…, con đường hội nhập của Đạo Công giáo vào bối cảnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam quả thật chưa xa và cũng không sâu. Tính đến hôm nay, mới hơn 4 thế kỷ, trong khi Công giáo đã xuất hiện tại Á Châu đã hơn 2000 năm! Vì thế, có nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa-văn học Việt Nam đã cho rằng: Chưa có một nền văn học Công giáo Việt Nam đúng nghĩa.
Có ý kiến cho rằng, trong cả mấy thế kỷ, tư tưởng Công giáo đã không thấm được vào văn học, nghệ thuật, học thuật của Việt Nam, cũng không nổ ra cuộc tranh luận ồn ào, gay gắt về lý thuyết giữa các tôn giáo Nho, Phật, Lão với tôn giáo này. Nhưng gần đây, qua một số “phát hiện mới” (thực ra là một sự nhận thức lại) đối với một số tác phẩm văn thơ của các tác giả người Công giáo dưới thời cận đại, nhất là từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 40 của thế kỷ XX…trong đó có đậm nét “tư duy đạo”.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan và nghiêm túc dưới góc độ của các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, điểm lại cuộc “hành trình sống và diễn tả niềm tin” của người Công giáo tại Việt Nam hơn 4 thế kỷ qua, chúng ta sẽ có một đánh giá tích cực và chính xác hơn, nhất là trong lãnh vực hội nhập văn hóa-văn học, chúng ta có thể nói rằng: người Việt Nam Công giáo đã tạo ra cho mình những nét văn hóa đặc thù, ăn sâu vào mọi phạm vi của đời sống. Từ làng xã đến thơ văn, nghệ thuật và kiến trúc, âm nhạc..., so với các tôn giáo khác, xét một cách khách quan, người Công giáo đã cống hiến cho dân tộc một kho tàng thơ ca, âm nhạc độc đáo và phong phú, tới mức ở nhiều địa phương, nhất là các vùng quê, các ca đoàn, hội vè nhà thờ nhiều khi đã trở thành “chủ lực” trong phong trào ca nhạc quần chúng… Về những mặt khác, như hội họa, kiến trúc, tuy chưa có được nhiều những tác phẩm, như đáng lẽ phải có, nhưng một nhà thờ Phát Diệm, một bức tranh sơn mài Giáng Sinh của danh họa Nguyến Gia Trí, cũng đủ chứng minh cho khả năng của nghệ thuật Công giáo tại Việt Nam, tuy ít, nhưng lại đạt tới những đỉnh cao không thể nào chối cãi.
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu ngoài Công giáo, PGS.Nguyễn Văn Kiệm, trong cuốn sách “Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX” (do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 2001) đã khẳng định: “Tôn giáo này cũng tập hợp các giáo hữu của mình thành những cộng đồng có nếp sống văn hóa đặc trưng: văn hóa Công giáo”.
Trong hơn 400 năm hình thành và phát triển ở Việt Nam, nền văn hóa Công giáo đã dần ăn sâu vào tiềm thức và đời sống của một bộ phận không nhỏ của người dân Việt Nam, tạo thành một Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ và bền vững, trong đó văn học Công giáo đóng vai trò quan trọng.
Nói tới văn học là đề cập tới phạm vi tư tưởng, tác phẩm. Cùng với sự phát triển và kiên vững về đức tin hay cơ cấu tổ chức, giáo lý…, Công giáo Việt Nam đã hình thành nên một nền văn hóa, văn học riêng, mang màu sắc tôn giáo của mình. Dù vậy, nó không tách rời khỏi dòng chảy và sự phát triển chung của nền văn hóa-văn học Việt Nam. Tìm hiểu văn học Công giáo tại Việt Nam là chúng tôi đi sâu tìm hiểu một khía cạnh văn hóa mang màu sắc của tôn giáo, nhưng đặt trong tương quan và sự ảnh hưởng qua lại với văn học Việt Nam, trong hệ thống chung của văn hóa Việt Nam. Trong phạm vi văn học, đạo Công giáo đã đem lại những nguồn cảm hứng mới. Những công trình sáng tác, biên khảo Công giáo đã làm cho văn học Công giáo phát sinh và trưởng thành theo một đường hướng riêng biệt, nhưng không phải là không có những mối liên hệ hỗ tương với các thành phần khác của nền văn học Việt Nam.
Trong hành trình tìm về những giá trị toàn vẹn của văn học nghệ thuật tại Việt Nam, cách riêng trong đời sống văn học, nhiều nhà nghiên cứu đã có sự thao thức tìm hiểu đối với nền văn hóa-văn chương mang màu sắc Công giáo ở Việt Nam. Bước đầu đã dần hình thành nên một sự đánh giá, nhìn nhận mang tính khách quan và nghiêm túc dưới góc độ nghiên cứu khoa học bước đầu về một hình thái văn chương tồn tại từ mấy trăm năm nay trong Văn học Việt Nam, một mảng lớn nhưng dường như lại chưa được trân trọng đúng mức và tìm hiểu sâu rộng khi tìm hiểu về diện mạo chung và riêng của văn chương Việt Nam.
Có một nền văn học Công giáo đã hình thành và phát triển ở Việt Nam, hay ít ra cũng có một bộ phận tác phẩm văn học Việt Nam được sáng tác dựa trên cảm hứng Công giáo. Đó là một thực tế trong dòng chảy văn học Việt Nam. Tuy nhiên, bộ phận văn học ấy từ trước đến nay dường như chưa được tìm hiểu một cách sâu rộng như khi nghiên cứu các mảng văn chương khác. Người ta nhắc nhiều đến văn chương của các nhà Nho Việt Nam như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du… hay xa hơn là văn chương của các nhà sư Khương Tăng Hội, Đại Thừa Đăng… nhưng dường như chưa thấy tìm hiểu một cách rộng rãi đối với văn chương của các thi sĩ Công giáo. Đó là một thiếu sót, một phần khuyết cần được bổ sung và có những đánh giá một cách đầy đủ hơn. Dĩ nhiên, so với các tôn giáo khác ở Việt Nam, Công giáo có những nét đặc thù riêng và có những ảnh hưởng nhiều chiều với tiến trình lịch sử hay văn hóa Việt Nam. Người ta thường có cái nhìn về Công giáo ở Việt Nam là một tôn giáo ngoại lai, có những liên hệ với cuộc xâm lược của ngoại bang, nhưng người ta cũng lại chưa có cái nhìn đầy đủ về tôn giáo này, khi bỏ quên hay cố tình bỏ qua những đóng góp to lớn của Công giáo đối với văn hóa-văn học và ngôn ngữ Việt Nam.
Một thực tế khác cũng cần nhận thấy rằng: các tác phẩm văn học Công giáo ở Việt Nam chưa được chú trọng bảo tồn và gìn giữ, nhất là các nguyên bản. Chúng tôi đã đến thư viện của Đại Chủng Viện Hà Nội, là trường đào tạo Linh mục cho miền Bắc Việt Nam, thư viện của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, thư viện Quốc Gia,… nhưng hầu như không tìm được một tài liệu văn chương Công giáo nguyên bản nào, có chăng chỉ là một số cuốn sách nghiên cứu mang tính sưu tầm mới được thực hiện trong vài thập niên trở lại đây, tuyệt nhiên không có một tài liệu gốc của tác phẩm nào. Đó là một khó khăn khi tiếp cận vấn đề tư liệu. Do những biến động của lịch sử và sự thay đổi của những cơ cấu trong nội bộ giáo hội Công giáo, những tài liệu văn chương và những ấn bản gốc hầu như không còn được lưu trữ, có chăng chỉ nằm trong văn khố của các thư viện nước ngoài như của hội Thừa Sai Balê (MEP-Pháp) hay văn khố Vatican…
Theo nhà nghiên cứu Võ Long Tê trong cuốn Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam (Nxb.Tư Duy, Sài Gòn, 1965), văn học Công giáo tại Việt Nam có thể chia làm ba thời kỳ lớn, mốc giới phân định là những biến cố quan trọng trong quốc sử hay giáo sử Việt Nam, tất nhiên, trong mỗi thời kỳ, có nhiều giai đoạn tiến triển và gồm nhiều khuynh hướng:
- Thời kỳ thứ nhất: từ 1533 đến giữa thế kỷ XVII: phát sinh văn học Công giáo Việt nam
- Thời kỳ thứ hai: từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX: thời kỳ phát hiện trong phạm vi cộng đồng giáo dân (nội bộ)
- Thời kỳ thứ ba: từ giữa thế kỷ XIX đến hiện đại: thời kỳ phát triển trong cộng đồng văn học Việt Nam nói chung.
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang trên đường phát triển và ngày càng được củng cố hơn về tổ chức, lễ nghi và nền tảng Đức Tin. Bên cạnh đó, việc tìm tòi, nghiên cứu và phát triển vốn văn học mang đậm màu sắc riêng của giới Công giáo cần được thực hiện sâu rộng hơn nhằm đem lại một cái nhìn khách quan, toàn diện về nền văn học đặc biệt này, trong dòng chung của văn học Việt Nam.