Văn hóa nghệ thuật

Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 14,15,16,17)

Cập nhật lúc 15:05 20/06/2012

 

Năm đó, tôi đắc cử, số thăm cao hàng thứ ba trong tỉnh.
Nhiệm kỳ 5 năm 1994 - 1999, hạng nhì huyện. Liên danh còn có Thượng toạ Thích Nhật Huệ, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh, sau tôi. Đơn vị tôi ứng cử sáu xã, trong đó có hơn hai xã thuộc đồng bào dân tộc Khơmer, hai xã vùng giải phóng phần đông đạo Cao Đài, Phật Giáo và đạo Ông bà, chỉ 2 xã có đồng bào Công giáo. Ai đến đất Trà Vinh mà không tiếp xúc với người Khơmer, kể như chưa biết Trà Vinh, chiếm 33% dân số tỉnh khoảng 1 triệu dân. Trước khi tiếp xúc với cử tri tôi đã học lóm một ít tiếng Khơmer, đủ thăm hỏi, xã giao. Người dân tộc Trà Vinh có điểm chung nhiều dân tộc, là tính trung thực, thẳng thắn, thích sống tập trung trong các phum, sóc, bao quanh những bờ tre gai, bụi duối, nhà lá sơ sài. Cuộc sống nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn vốn ưu đãi. Tới mùa, bà con đi khắp nơi làm mướn. Ở địa phương, đi làm, xin ứng tiền trước, gọi là ăn trước trả sau. Hằng năm có nhiều lễ hội, Chịu Tuổi (Cholnam) tháng 3, Ăn OOK tháng 8 và Dolta tháng 10, ngoài ra còn Dang Bông, xá tội vong nhân và lễ hội dân tộc, tất cả đều có ngày vô chùa, rất sùng bái các vị sư, có thể bỏ tài sản ra để dâng cúng chùa, sẵn sàng vay nợ đi chùa. Phần đông con trai lớn lên đều đi tu một, hai ngày xuất ra (hoàn tục), tu trả hiếu. Tu ra dễ cưới vợ. Trong tỉnh Trà Vinh hiện 141 ngôi chùa, riêng huyện Trà Cú 41 chùa. Nhiều ngôi chùa đồ sộ đã có lịch sử lâu đời, cổ nhất chùa Ân trên 900 năm, chùa Hang trên 500 năm. Cảnh chùa yên tịnh, vườn cây Sao, cây Dầu chiếm gần hết đất chùa, nhìn xa như khu rừng bảo tồn thiên nhiên. Vào buổi sáng, mỗi ngày các vị sư đi khất thực và phải về dùng cơm (Sal) trưa trước ngọ (12 giờ) và chỉ dùng 1 bữa. Từ thuận lợi về cảm thức Tôn giáo lâu đời đã sẵn có, bà con cũng kính trọng tôi như một vị sư cả trụ trì chùa. Ngoài ra bà con nghe anh em cán bộ gọi tên tôi Sơn Đoài (Nguyễn Sơn Đoài), rồi truyền tai nhau: “ông này người mình” (người Khơmer có 3 họ chính: Kim, Sơn, Thạch), nên gọi nhau lấy hết ông cha này (lấy là bỏ phiếu). Nhờ đó tôi đạt thăm số cao.
15. TÌNH LÝ
Từ khi, chính thức là đại biểu HĐND 2 cấp, tất cả mọi ngành, mọi giới đều nhìn tôi cái nhìn thiện cảm, tin tưởng; cán bộ cấp dưới dè chừng hơn. Tôi đã có tiếng nói mạnh mẽ, thẳng thắn trong các phát biểu tại các hội nghị đoàn thể. Lãnh vực Tôn giáo, tôi có thể thảo luận với ban Tôn giáo về một số vấn đề liên quan đến nhà thờ trong tỉnh. Tháo gỡ một số khó khăn, hiểu lầm giữa chính quyền địa phương với các linh mục, tu sĩ. Điển hình, một buổi tối, vào khoảng 20 giờ, có hai nữ tu sĩ dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, đang xin tạm trú di dân làm kinh tế, tại khu vực rừng nuôi tôm Long Khánh, Duyên Hải cách Phước Hảo 40km, hốt hoảng chạy lên tôi báo khẩn cấp: “bị công an trục xuất ra khỏi địa phương trong 24 tiếng”. Tôi dự định gọi điện cho ông Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, nhà riêng, nhưng giờ này đã khuya không thể xoay xở được. Phương án cuối cùng, đột ngột, mong manh, tôi viết mấy chữ gởi ông Chủ tịch huyện xin xem xét, không khéo vi phạm chính sách. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần phát triển kinh tế, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản… Căn cứ nghị định của Chính phủ, các chức sắc tôn giáo được quyền làm kinh tế. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư, tài sản sẵn có thất thoát ai chịu trách nhiệm. Nếu quy trách nhiệm dạy học trái phép, nên giáo dục lần đầu, hứa khắc phục sửa sai. Viết xong, giao cho hai Dì và dặn: “không chắc ăn may rủi thôi”. Không ngờ hôm sau báo lên yên ổn rồi, mấy ông thông cảm. Một vụ tranh chấp đất đai mang tính nghiêm trọng hơn, liên quan Nhà nước, Nhà thờ và hai hộ cá thể. Hơn nữa vì thời gian kéo dài trên mười năm, nhiều đơn thưa tới Trung ương, vẫn không giải quyết, hoặc khó đưa ra giải pháp khả thi, nên đơn thưa khiếu nại càng chồng chất thêm. Khu đất khoảng 1000m2, nằm giữa ranh giới nhà thờ Cái Đôi và chợ Long Khánh. Sau 1975, linh mục Mừng, là cha Sở cho HTX thương nghiệp mướn mổ heo. Sau khi giải thể, HTX bán cho hai hộ tư nhân, giá 8 chỉ vàng. Giáo dân đã ngăn cản nhưng Chủ tịch xã không thay đổi, vẫn ký giấy bán. Mua được đất, hai hộ này đã cất lên hai căn nhà tầng kiên cố, ngoài ra còn lấn thêm đất nhà thờ phía sau, gây ô nhiễm trầm trọng và làm mất vẻ mỹ quan ngay cửa sau nhà thờ. Từ đó càng gây bất bình trong giáo dân. Mãi năm 1999, với chức năng HĐND tỉnh, tôi chất vấn tại hội trường, nhân kỳ họp thường niên, ông chủ tịch tỉnh Triệu Văn Bé hứa làm rõ vấn đề này. Vài hôm sau, ông mời tôi lên văn phòng thường trực HĐND, cùng các ban tham mưu bàn bạc cách giải quyết. Sau khi nghe ý kiến các ban, chờ ý kiến tôi. Vụ việc này đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh nhìn nhận khuyết điểm, cấp dưới làm sai và trên xác minh thiếu chính xác nên đã ra quyết định nhà thờ vi phạm. Về hai căn nhà đã cất kiên cố trên phần đất tranh chấp, mặc dù giáo dân đã ngăn cản, hai chủ hộ là ông Ninh và ông Hiệp vẫn kiên quyết tiến hành do chủ trương của chính quyền địa phương. Tôi sẽ động viên, thuyết phục họ đạo Cái Đôi, hiến phần đất hai nền nhà cho Nhà nước, để giải quyết khó khăn, làm sao đập nhà để trả đất.
Hôm sau, tôi cùng đoàn tỉnh, kết hợp huyện Duyên Hải, xuống xã Long Khánh mời số đông đại diện Giáo dân, có người không được mời cũng đến dự họp. Đúng kế hoạch thống nhất, đại diện chính quyền tỉnh nhìn nhận sai sót từ cấp dưới dẫn đến sự việc kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, một bà giáo dân đã từng quen biết chính quyền, lại là giáo dân nhiệt thành, can đảm và kiên trì đấu tranh không mỏi mệt, đã từng ôm đơn ra tận Hà Nội và nhiều cơ quan tỉnh suốt mười năm qua, vẫn không khoan nhượng, bà đã phát biểu trong nước mắt giàn giụa và hằn học. Chúng tôi đã chịu nhiều tủi nhục, oan ức, vu khống: “do nhà thờ ngoan cố chiếm dụng đất bất hợp pháp, không thi hành quyết định Nhà nước, gây mất đoàn kết, phá rối an ninh, trật tự địa phương, khiến tình trạng căng thẳng kéo dài”. Trong tình huống chưa thể hoà dịu, tôi lên tiếng ve vãn tự ái cả đôi bên: “Nhà nước đã thông cảm khó khăn nhà thờ và bà con cũng thấy khó khăn về phía Nhà nước, chắc không thể giải toả hai ngôi nhà kiên cố để trả đất cho nhà thờ, nên theo tôi chúng ta chỉ cần đi tìm chân lý mà chân lý là sự thật phần đất tranh chấp là sở hữu của họ đạo Long Khánh. Vì trước đây Nhà nước chỉ công nhận phần đất ông Ninh, ông Hiệp lấn chiếm là của nhà thờ nay đã sáng tỏ. Tôi đề nghị bà con sẵn sàng, hiến hai nền nhà cho Nhà nước đã sử dụng bán trái phép cho ông Ninh và ông Hiệp…”. Kết thúc cuộc trao đổi người đại diện giáo dân cuối cùng đã ký vào biên bản, nhưng vẫn ấm ức nói thầm: “vì nghe lời cha tôi mới ký”. Có lẽ thời kỳ đổi mới đã thực sự đi vào cuộc sống.
16. TỆ NẠN XÃ HỘI
Một vấn đề thời sự, nói theo thời đại gọi là “nóng”, thường được dư luận và báo chí đăng tải đó là tệ nạn “Ôm”. Vài năm gần đây chỉ nghe bàn luận lên lén trong giới ăn chơi sành điệu, mà cũng giới hạn trong quán “bia ôm”. Nay, đã phổ biến rộng rãi trong giới bình dân, từ thành thị tới nông thôn, cà phê ôm,cháo ôm… Chuyện tưởng như đùa ở nông thôn, nhưng có thật: Ba chú thanh niên tuổi mới lớn, rủ nhau đi quán thịt chó. Trước khi đi, hỏi nhau mỗi đứa có bao nhiêu tiền. Bạn ít nhất 12.000đ.
- Mỗi đứa 12.000 móc ra đây. Bạn cầm đầu lên tiếng.
Ba bạn nghe nói quán thịt chó nổi tiếng muốn thử cho biết. Hơn nữa thịt chó vẫn là món khoái khẩu, dần dần trở thành quý hiếm. Bước vào quán chọn bàn kín đáo nhất, kêu một phần ba người và một xị rượu thuốc. Mới nhậu nửa đường cơ, mấy cô tiếp viên tử tế, lả lướt đến phục vụ tận tình. Ba bạn ngơ ngác nhìn nhau vừa hưng phấn, vừa hốt hoảng, cả ba nháy mắt giao nhau kêu chủ quán tính tiền. Giao phiếu xong, một cô tiếp viên đứng chờ, cộng chung các khoản một trăm hai chục ngàn, lấy đâu trả. Đường cùng, một bạn phải đào thoát, nói về lấy tiền thêm. Sau cùng hai bạn kia cũng “đào vi thượng sách”.
17. GÓP Ý XÂY DỰNG
Sau sự kiện Long Khánh, năm 1998 đã giúp hai bên nhà thờ và nhà nước hiểu nhau hơn. Tôi có ý kiến nhiều với anh em chính quyền rằng, đôi với các linh mục, thẳng thắn là điều cần thiết, trọng danh dự hơn vật chất. Anh em chính quyền địa phương cần tiếp xúc các linh mục ở đây để bàn những vấn đề lợi ích chung. Điều mà tôi vẫn tưởng câu nói chơi với ông Chủ tịch tỉnh Triệu Văn Bé, vụ này tôi chưa đòi khen thưởng đó! Bất ngờ trùng hợp hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh tôi nhận được Huy chương cao quý “VÌ SỰ NGHIỆP ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN”. Tuy nhiên, phần thưởng cao quý nhất chính là Đức Kitô. Ngài đã khích lệ nhóm bảy mươi hai môn đệ trở về hớn hở khoe với thầy: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con. Anh em chớ màng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc,10.17-20).
Gần kết thúc nhiệm kỳ HĐND khoá V (1994 - 1999) cũng là mùa vận động bầu cử khoá VI (1999 - 2004). Tôi tưởng mình sẽ nghỉ, vì rằng đã có thời cống hiến, lại vừa sợ thất cử sẽ làm giảm uy tín cá nhân và tập thể Linh mục. Nhưng bất ngờ, ngày hiệp thương lần thứ nhất, Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc tỉnh đã đề cử tôi trong danh sách cơ cấu đại biểu Tôn giáo. Tôi không còn lựa chọn nào khác, đã có đại biểu Phật giáo Khơmer, Phật giáo Kinh, tôi phải chấp nhận đại biểu Công giáo. Sau khi hiệp thương lần ba, tôi đã nộp đơn xin ứng cử và sơ yếu lý lịch thì một sự việc xảy đến khiến tôi không an tâm. Họ đạo Phước Hảo tôi đang làm sở, có một nhà thờ họ lẻ cách 8km đường ra cửa biển Ba Động, đã ngưng mọi hoạt động tôn giáo sau năm 1975. Còn trường học, có bốn phòng, hai lớp của nhà thờ do nhà nước quản lý. Năm 1995 tôi xin lại hai phòng để làm nơi cử hành thánh lễ mỗi Chúa nhật cho một số ít giáo dân đã bị phân hoá, hoang mang về đời sống đạo. Nhiều người còn bị ám ảnh thời chiến, sợ hãi không giám tới Nhà thờ, hoặc dấu lý lịch đạo. Ngôi nhà thờ nhỏ đã bị trận bão năm 1976 làm hư hại hoàn toàn, chỉ còn nền nhà thờ hoang phế, nhưng đất cũng bị lấn chiếm do chính giáo dân theo cách mạng ở cận kề. Tượng Đức Mẹ cũng bị lôi xuống khỏi đài cao uy nghi ở ngoài sân hướng ra sông Cổ Chiên. Dường như còn tin điều gì đó không ai dám đập bể mà nhấn chìm xuống sông cái, như muốn tận diệt nguyên nhân của niềm tin tôn giáo. Nhưng điều trớ trêu là người trút cơn giận lên đạo của mình lại chính là những người mang danh đạo. Không hiểu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào trong lịch sử nhân loại cổ kim, kẻ phá đạo hại đời không ai khác chính là con cháu trong nhà. Lịch sử Kinh Thánh đã chỉ rõ các Kinh sư, Biệt phái, Giuđa là những kẻ phản nộp thầy. Bếp Nhẫn tố cáo quan quân, chỉ điểm bắt cha Phêrô Lựu và cha Philipphê Minh chỉ vì không cho tiền đánh bài, dẫn đến cuộc hành quyết đẫm máu liên can ông Giuse Trùm Lựu và cha Philipphê Minh. Cũng chính một số giáo dân khác “cố sát”, phi tang Đức Mẹ dưới dòng sông “ly biệt” trên. Dư luận đồn đãi đến ngày nay và có lẽ không bao giờ xoá khỏi ký ức lương dân. Vùng sâu, vùng xa, ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ: “Đức Mẹ linh lắm! Những kẻ hại Đức Mẹ đều chết tức tưởi, kể cả những người đóng đáy đã vớt vướng Bà trong đáy, nhưng có lẽ sợ liên lụy lại đem ra biển buông trôi”. Ta thường thấy câu xăm trên cánh tay nhiều bạn trẻ “Thù người phản bạn, hận kẻ bạc tình”. Có cái gì đau đớn hơn cái hôn giả nhân, giả nghĩa để Đức Giêsu phải ngậm ngùi cay đắng thốt lên: “Giu - da ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con người sao?”(Lc 22,48).
Thánh lễ đầu tiên sau hai mươi năm gián đoạn, chỉ năm người dự lễ. Bàn ghế rệu rạo của trường học. Một năm sau, nhà thờ xây hàng rào lưới B40 phía trước, vỏn vẹn trên bốn chục mét chạy dài. Đang thi công bị lập biên bản đình chỉ. Một dì Phước 75 tuổi trông coi cũng bị trục xuất. Nhà nước ra lệnh tạm ngưng mọi hoạt động tôn giáo tại Thánh đường Mỹ Hưng.
Để bày tỏ thái độ không hài lòng quyết định này, tôi tự ý rút đơn ứng cử. Sau một tuần lễ nghiên cứu lý do nêu trong đơn, bà Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh mời tôi lên bàn bạc trao đổi và động viên tôi nộp đơn trở lại, hứa sau bầu cử sẽ xem xét giải quyết.
- Nếu tôi không uy tín với đạo thì tôi cũng không đem lại hiệu quả đối với Cách mạng. Tôi chân thành trình bày tâm tư nguyện vọng của tôi cũng chính nguyện vọng của bà con cử tri có đạo. Là công dân có đạo, muốn tốt đời đã phải đẹp đạo, là Linh mục càng đòi hỏi gắt gao hơn.
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 11,12,13) (15/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 7,8,9,10) (13/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 4,5,6) (12/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 1,2,3) (11/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (08/06/2012)
Nguồn gốc và ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê su (05/06/2012)
Theo gương Đức Mẹ đến với tha nhân (31/05/2012)
Đức Maria – Mẹ đầy ơn phúc (28/05/2012)
Công cuộc Phúc âm hóa mới (21/05/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log