Văn hóa nghệ thuật

Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 18-hết)

Cập nhật lúc 12:46 25/06/2012

 

Điều bất ngờ đến đã đến, tôi đã đắc cử và đạt hạng nhì sau ông Bí thư tỉnh. Đã vào sân chơi, cuộc chơi nào cũng ước mơ giành phần thắng. Và thất bại nào cũng cay đắng. Đỉnh cao của tôi là Linh mục bước theo Đức Kitô: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Sau kết quả công bố trên đài, ba đại biểu tôn giáo ra ứng cử, đắc cử hai: Khơmer và Công giáo. Kết quả bầu cử đã tạo thêm lợi thế cho tôi ở nhiệm kỳ mới, tái đắc cử HĐND khoá VI. Những đơn vị tôi tái ứng cử vẫn là sáu xã. Có điểm lợi và bất lợi, nếu được lòng dân sẽ dễ dàng thắng lợi. Ngược lại nếu dân chán ghét sẽ phải chịu hậu quả thất bại. Bà con cử tri biết tôi nhiều hơn, vì thường thấy trên tivi và tiếp xúc cử tri. Nghe bà con thỏ thẻ với nhau:
- Ông này tôi quen.
- Bà quen ở đâu ? (vẻ ngạc nhiên)
- Trên đài.
Đặc biệt khoá này tôi được bầu vào Ban Văn hoá xã hội, sẽ chiếm nhiều thời gian hơn, họp định kỳ tháng một lần, ít nhất một buổi. Chuyên sâu lĩnh vực văn hoá xã hội, trực tiếp những vấn đề bức xúc hiện nay của bà con cử tri, tôi phải đầu tư nghiên cứu nhiều tài liệu tham khảo, lắng nghe và tiếp cận thực tế, tham mưu, đề xuất những biện pháp khả thi đưa vào nghị quyết HĐND.
Ngoài ra, do thành quả kinh tế, văn hoá, giáo dục và các chính sách xóa đói giảm nghèo, điện khí hoá nông thôn, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… ngày càng hoàn thiện, người dân nhìn đại biểu HĐND với nhiều thiện cảm và tin tưởng. Bởi vì quan niệm người dân nhất là thời bao cấp các đại biểu chỉ là hội đồng ừ, hội đồng gật, ngày xưa gọi là nghị gật, hoặc hội đồng dư chẳng khác thời phong kiến. Nhờ chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước người dân có tiếng nói theo phương châm “DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN KIỂM TRA”. Từ các kỳ họp Quốc hội khoá X, những năm qua các đại biểu thẳng thắn chất vấn và đề nghị chính phủ nhiều biện pháp thiết thực hợp lòng dân. Do đó tiền đề cho các cuộc trao đổi trong các kỳ họp HĐND ở các tỉnh, thành địa phương.
19. CHUYỆN ĐỔI MỚI
Trong lãnh vực Tôn giáo, tôi đã góp ý đôi điều sửa đổi nghị định 26/CP, không còn phù hợp xu thế toàn cầu hoá trên trường quốc tế và chính sách đổi mới của đất nước ta hiện nay. Chẳng hạn, đề nghị bỏ bớt cơ chế xin, cho thường bao trùm trong toàn bộ nghị định. Đất nước ta đã định hướng phát triển đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội “công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Đã gọi công bằng, dân chủ thì không còn xin, cho mà nay thông dụng là hợp đồng, thoả thuận, bàn bạc đôi bên cùng có lợi.
Gần đây, vào tháng 2 năm 2002, một buổi trưa nắng gắt như đổ lửa, thời tiết nóng bức, một bà nông dân đến gặp tôi trình bày nỗi oan ức trong vụ giải quyết tranh chấp giữa bà và em dâu. Đất hương hoả ông bà để lại. Đất chùn cha mẹ đã chia đều cho mười người con. Người thứ chín, con gái độc thân nuôi cha mẹ. Người em út, con trai đã ra ở riêng nhưng đã bán phần đất cha mẹ cho. Không còn chỗ ở, xin về tá túc với cha mẹ. Vì thương con cha mẹ làm giấy tờ cho con tạm gìn giữ 3.300m2 đất ông bà. Sau khi người chồng mất sớm, một thời gian sau người vợ âm thầm bán miếng đất trên. Việc mua bán trái phép chính quyền xã không xác nhận. Khi cha mẹ còn sống đã ngăn cản. Sau đó chị thứ chín ở trong gia đình có quyền thừa kế, tiếp tục phát đơn khiếu kiện. Tuy nhiên chính quyền cũng giảng hoà đôi ba lần ở huyện Cầu Ngang nhưng không thành. Sau cùng tỉnh ra quyết định buộc Đinh Thị Chính giao đất cho em dâu là Nguyễn Thị Chính. Đinh Thị Chính tiếp tục kêu oan các cơ quan tỉnh. Ròng rã chín năm, bà vẫn kiên trì khiếu nại. Nghiên cứu lại hồ sơ và xem xét lại quyết định UB tỉnh, tôi viết thư gửi ông Chủ tịch tỉnh, xin xem lại QĐ 540/UBT, tôi thấy có điều không ổn. Không ngờ ông Chủ tịch nhạy cảm đến thế. Tôi nghĩ, vừa do tình bạn thời còn là cầu thủ bóng đá, vừa Linh mục, vừa đại biểu HĐND, ông đã mời tôi lên văn phòng UB, nơi tôi chưa bao giờ đặt chân tới, cùng đại diện các phòng, ban tham mưu. Sau khi ông Chủ tịch nêu nguyện vọng của ông Linh mục Sơn Đoài xin xem lại QĐ 540/UBT, các ban tham mưu lần lượt phát biểu và bên nào cũng bảo vệ luận chứng của mình hoàn toàn đúng như đã nêu trong quyết định. Tôi không phản bác lý luận, chỉ đặt câu hỏi: “tại sao địa phương là cơ quan, Nhà nước trực tiếp quản lý cả con người và đất đai, từ ấp lên xã không xác nhận cho Nguyễn Thị Chính em dâu bán đất làm thế nào tỉnh ra quyết định ?”. Do đó bà Đinh Thị Chính được quyền khiếu nại. Lý do đơn giản nữa, bà Đinh Thị Chính vẫn đóng thuế từ trước đến nay. Ông địa chính lập luận:
- Đóng thuế, không có nghĩa làm chủ
Nghe hơi chướng, tôi cãi lại:
- Chẳng lẽ ông chủ bóc lột đầy tớ đến mức ăn cả ruột lẫn vỏ còn kết tội nó.
Để tạo bầu không khí hoà dịu và tránh va chạm, tôi tiếp tục có ý kiến:
- Người nông dân không thể hiểu pháp luật như người làm luật. Tôi nghĩ pháp luật nhằm phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ luật pháp hay luật pháp là đầy tớ của con người, chứ con người không là đầy tớ của luật pháp. Nếu một Nhà nước chỉ cai trị dân bằng pháp luật thì đâu có khó khăn gì. Nhưng Nhà nước lo cho dân, phục vụ dân, vì lợi ích nhân dân. Nên tôi xin nêu một đề nghị sau cùng: “cho hai bên tái hoà giải, tôi xin làm trung gian và Nhà nước chứng kiến”.
Điều bất ngờ đối với tôi và bàng hoàng khó hiểu với các ngành tham mưu uỷ ban hiện diện, ông Chủ tịch Năm Vẹn kết luận:
- Các ban sắp xếp ngày, giờ, tôi sẽ xuống tận nơi với ông linh mục Sơn Đoài giải quyết việc này. Nếu hoà giải thành, tỉnh sẽ rút lại quyết định.
20. HIỆU QUẢ ĐÁNG NGẠC NHIÊN
Đúng một tuần sau, tôi nhận được thơ mời chánh văn phòng uỷ ban báo ngày, giờ họp giải quyết tranh chấp đất theo yêu cầu của Linh mục Sơn Đoài. Nội dung như đã thông qua trong cuộc họp tuần trước. Hôm ấy, một buổi chiều mưa, tôi vừa chạy xe vào sân Uỷ ban xã Vĩnh Kim, đã thấy chiếc xe Jeep mang biển số xanh đậu sẵn. Bước lên thềm, ngạc nhiên sao có cả đoàn quay phim đang chuẩn bị như dàn dựng một số hiện trường. Khoảng năm phút sau ông Chủ tịch bước xuống xe, cả hội trường im lặng như ngỡ ngàng khi ông đi thẳng đến chiếc ghế dành sẵn cho ông, bởi vì không thể tin ông đích thân xuống. Tôi đã thảng thốt bắt tay chào ông và nói: “đâu ngờ ông đi thật”. Sự hiện diện và lời phát biểu chân tình của một vị chủ tịch tỉnh đã khẳng định tinh thần dân chủ, thương dân, gần dân, lắng nghe dân và bàn với dân. Tôi cảm nhận sâu xa ấn tượng đẹp này và đã gợi lên trong tôi niềm ước mơ sâu thẳm, có nhiều lãnh đạo như thế đất nước hạnh phúc nào bằng!
Mặc dầu, sau buổi làm việc, cơ bản hai bên thoả thuận hoà giải, nhưng chưa thống nhất về giá tiền chuộc. Hơn nữa bên em dâu xin hoãn để bàn lại hai con. Sự việc kể như kết thúc tốt đẹp.
Qua những ngày chờ  đợi, người chị thường đi lại nhà em dâu thương lượng, chắc đã gợi lại bao kỷ niệm êm đềm trong quan hệ tình cảm gia đình mà bấy lâu đã cắt đứt vì mối hiềm thù tranh chấp kéo dài. Một hôm trời vừa mờ sang, từ tầm xa vài chục mét, tôi chưa phân biệt rõ người đang đi tới.Nghe tiếng chó sủa, tôi bước ra cửa, chợt nhìn hai chị em vừa đi vừa tâm sự, nét mặt tươi vui, đang tới gần tôi. Tôi không thấy ngạc nhiên, chỉ hỏi bâng quơ: “Hai chị em tới sớm chắc có chuyện vui”. Tôi mời vào nhà, kéo ghế ngồi (sau khi chồng mất sớm, em dâu về sống bên Nhà cha mẹ ruột ở Càng long). Tuy chồng đã mất, nhưng cuộc sống em dâu tương đối đã ổn định. Dầu vậy con người không ai hài lòng với chính mình. Hơn nữa trong cuộc đấu tranh nào cũng thế, luôn phải giành phần thắng về mình bao nhiêu có thể. Trường hợp hai chị em không ra ngoài quy luật muôn đời đó. Người em dâu luôn than thở với chị chồng: “Từ khi chồng em mất đi, ba mẹ con em phải sống trong cảnh mẹ goá con côi, em vẫn ở vậy nuôi hai cháu mong chúng nên người. Ngày xưa trông vào một tay anh lao động chính. Nay mẹ gặp rất nhiều khó khăn. Xin chị giúp em mười bốn triệu đủ trả nợ thôi”.      
- Thương em, cháu, chị nhận đi -Tôi xen vào.
- Theo ý cha, con xin nhận
Tôi liền viết biên bản, đọc lại cho hai chị em rồi ký tên và tôi ký tên cuộc hoà giải hi hữu này.
Tôi cảm thấy vui, sau bốn ngày hồi hộp, dù có ý kiến của ông Chủ tịch UBND tỉnh, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Ông Chủ tịch gia hạn cho hai bên và bản thân tôi, sau năm ngày. Hôm nay đã là ngày cuối cùng. Tôi đã báo cáo kết quả ngay cho ông Chủ tịch tỉnh.
Giữ đúng lời hứa, ông chỉ đạo thu hồi quyết định đã ban hành.
Qua sự việc này, tôi suy nghĩ mông lung:
Những người hành xử pháp luật vẫn còn nhiều bất cập.
21. ĐỜI LÀ THẾ
Hôm nay, sau hai mươi bảy năm đời Linh mục, trải qua muôn vàn biến chuyển xã hội. Ngay cả lòng người cũng biến chuyển theo dòng đời. Như trong các cuộc tranh tài thể thao, có những giây phút được hưởng vinh quang tuyệt đỉnh của thành công, nhưng có những tháng năm nếm mùi tủi nhục, ê chề của thất bại. Tôi đã từng phát biểu hung hăng trên đài, nhưng lại phải chờ hàng giờ, ngày này qua ngày khác để xin xỏ giấy phép những việc liên quan đến tôn giáo. Đối với một công dân bình thường, khó khăn nào cũng có thể vượt qua, quy chế nào cũng được hưởng. Ngày nay, đất nước đã mười mấy năm đổi mới, đâu đâu cũng nói đến “cải tổ hành chính” “Một cửa, một dấu”. Quy định đơn thưa, khiếu nại, tố cáo của công dân, sau mười lăm ngày phải giải quyết. Còn vấn đề của tôn giáo như người mang bệnh “phong”, ai cũng sợ lại gần, sợ làm sai, sợ tiêu cực. Tất nhiên trong đó có nét “kính sợ”. Giải quyết một vụ việc, cán bộ phải lục hết văn kiện này, thông tư khác, cho đúng chính sách. Như đất đai có riêng Thông tư liên tịch Tổng cục Địa chính - Ban tôn giáo của Chính phủ số 1646/2000/TTLT-TGCP. Quy định điều 3.2: “Cơ sở tôn giáo không được nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Tôi đã nêu thắc mắc và góp ý sửa đổi Nghị định 26 về điều khoản quy định này.
Hai mươi bảy năm làm linh mục, cũng là hai mươi bảy năm tham gia Cách mạng. Người ta gọi tôi là cán bộ hay đồng chí, không là vấn đề. Trong hội nghị phải như thế. Tuy nhiên khi phát biểu tôi không thưa các đồng chí, mà thưa anh chị em lãnh đạo Chính quyền, Mặt trận, vì tôi không phải đảng viên. Tôi phải biết tôi ở vị thế nào. Qua quá trình hai mươi bảy năm hội nhập văn hoá xã hội, tôi chỉ nhắm tới mục tiêu hiểu biết con người và xã hội, gần nhất là những con người Cách mạng và là cây cầu nối để Cách mạng hiểu biết Giáo hội hơn. Hẳn nhiên hai bên mong muốn tạo điều kiện cho nhau để cùng có lợi. Trước đây tôi vẫn sợ và quan điểm chung giáo dân kể cả người ngoài đạo và không đạo, nhận định Cách mạng là, khủng bố, hăm doạ, thủ tiêu, hạ người này, triệt người kia, luôn rình rập, nghi ngờ, đặt người theo dõi, tố cáo lẫn nhau… Tuy lịch sử có nhắc nhiều vụ đấu tranh giai cấp, đấu tố địa chủ, cha mẹ tố con, con tố cha mẹ...
Tuy nhiên lịch sử bất kỳ dân tộc nào cũng phải theo quy luật tiến hoá từ thấp lên cao, từ cổ sơ đến hiện đại, từ mọi rợ đến văn minh… Bản thân, chưa ai trói buộc tôi làm điều gì trái đạo đức, kể cả đạo đức làm người. Có anh cán bộ cấp cao thân mật hỏi đùa trên bàn tiệc:
- Ông sống, làm việc và quan hệ xã hội thế này, có vi phạm “giới cấm”?
- Tôi chỉ sợ chưa làm đúng, làm đủ theo gương thầy chí thánh của chúng tôi là Đức Giê-su xuống thế làm người thôi ! Dại gì phạm giới. Tôi sẽ mất tất cả. Ngoài ra tôi cũng chưa nghe lãnh đạo nào chỉ đạo tôi phải nói, phải thực hiện công tác nào kém đạo đức. Tôi chỉ làm những gì tôi nghĩ đúng phương châm: “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, trong luật pháp và quyền hạn nhắm đến phúc lợi của mọi người. Một thực tế hỉên nhiên khác, Giáo hội không quy định những hoạt động nào được tham gia, hoạt động nào không. Viết đến đây tôi liên tưởng đến cuộc tranh luận giữa nhóm Biệt Phái và Chúa Giê-su biết họ giả hình nên Người nói “Tại sao các người lại thử tôi? đem một quan tiền cho tôi coi!” Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: Của Xê-da. Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”. Và họ hết sức ngạc nhiên về Người (Mc 12,13 - 17). Có lẽ ngày nay ngạc nhiên về Người và Giáo hội như thế!
Trải qua những bước thăng trầm của cuộc đời mục vụ, tôi “ngộ ra chân lý này”: “dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn mãi mãi là tôi, không thể lẫn lộn với người khác”. Và mọi người chỉ nhìn nhận tôi khi tôi là linh mục của Chúa. Từ ngày nay thường được nhắc đến trong giáo hội, đó là: “Căn tính linh mục”.
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 14,15,16,17) (20/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 11,12,13) (15/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 7,8,9,10) (13/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 4,5,6) (12/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 1,2,3) (11/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (08/06/2012)
Nguồn gốc và ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê su (05/06/2012)
Theo gương Đức Mẹ đến với tha nhân (31/05/2012)
Đức Maria – Mẹ đầy ơn phúc (28/05/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log