Văn hóa nghệ thuật

LƯƠNG TÂM

Cập nhật lúc 20:38 16/09/2011

 

Điều mà lương tâm đi liền với hay dựa vào để thẩm định về mọi hành vi hay suy nghĩ của chúng ta đó chính là những luật lệ và tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa.
          Lương tâm là sự ý thức hay tình trạng nhận thức về những luật lệ của Đấng Tạo Hóa. Thật vậy, chính bàn tay của Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn loài và vạn vật, sắp đặt và ban luật vận hành cho chúng như đã diễn tả qua Thánh Vịnh:
          Trời xanh tường thật vinh quang Thiên Chúa,
          Không trung loan báo việc tay Ngài làm. (TV 19, 1)
          Vì thế mới có chyện lạ không tưởng, gây ấn tượng mạnh mẽ trong những năm đầu đời Linh mục của tôi nơi một bé gái 12 tuổi: một buổi sáng, trời bên ngoài còn đọng sương mai, trong nhà thờ, tôi đang dạy giáo lý, sau thánh lễ bỗng em bé gái đúng dậy, đi thẳng lên trước mặt tôi và các bạn, tay cầm sợi dây chuyền vàng, hai tay run run, gương mặt tái xanh mà mồ hôi đổ lăn dài trên má, giọng nói như lạc điệu, hơi thở dồn dập, em nói với tôi:
          Thưa cha, con lượm được sợi dây chuyền này của ai, con đem lên cho cha để cha trả lại cho người đó.
          Tôi thật sững sờ, tôi không tin tôi nghe và thấy sự thật kỳ lạ này.
          Trước hết tôi biểu dương khen ngợi em trước tập thể các em thiếu nhi và chắc chắn đã gây tác động mạnh giáo dục lương tâm, đạo đức cho toàn thể thiếu nhi.
          Sau đó, tôi đã phân tích những biểu hiện khác thường nơi em:
          Tại sao các con thấy bạn Vân run run, mặt tái xanh và đổ mồ hôi như vậy? Là vì có cuộc chiến, đánh nhau, giằng co giữa sự thiện và sự ác, giữa cái thật thà và gian dối, giữa cái  đúng cái sai, giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Cuối cùng bên thiện thắng bên ác, Thiên Chúa thắng ma quỷ. Như vậy, bạn Vân đã sống theo tiếng lương tâm, tức là sống theo tiếng Chúa nói trong linh hồn, bảo ta sống thật thà, ngay thẳng. Chắc chắn Chúa thưởng cho bạn Vân phần thưởng ngay bây giờ là niềm vui và bình an với Chúa và trong Chúa, báo trước phần thưởng lớn lao hơn ở đời sau, trên trời!
          Ở trên, lương tâm là sự ý thức hay tình trạng nhận thức cao dễ thực hiện nơi những nhà hiền triết, bậc thành hiền mới đạt được sự hài hòa. Nhưng thực ra, hầu như tất cả đều sống nhiều cho phần tâm linh, hơn là cho những đòi hỏi hay yêu cầu vật chất. Tuy nhiên, tính vật chất lại thống lĩnh, chi phối toàn bộ năng lực con người. Thật vậy, sức nặng của vật chất hình như lôi kéo phần đông nhân loại quay lưng lại với trời, mà chỉ biết cúi nhìn sát mặt đất này mà thôi, như hình ảnh người nông dân từ sáng đến chiều phải cày sâu cuốc bẫm, gieo cấy, gặt hài vv… tóm gọn trong mấy chữ: “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng không phải chỉ những người nông dân “Bán mặt, bán lưng cho đất cho trời, còn bao người trí thức, thương gia, đại gia, tỷ phú, khoa học, chính trị… cũng bán cả hồn xác, gia đình, dất nước, dân tộc, lương tri, đạo đức cho tiền bạc, danh vọng, địa vị, hưởng thụ… Như có ông thương gia nọ làm việc suốt mười sáu tiếng đồng hồ một ngày, quên cả vợ con, gia đình, thậm chí một ngày kia đi về nhà thì đã mất hết vợ con, bỏ nhà đi vì không chịu nổi người chồng, người cha chỉ lo vật chất. Sau đó, ông chồng hối hận thì đã muộn. Ông phải tự thú: “vì mải mê lo kiếm tiền, tôi quên cả món quà mà tôi đã hứa mua tặng cho vợ và con tôi”.
          Còn có ông hiền triết, triết gia điên điên, khùng khùng nào đó bên Hy Lạp cách đây hơn 2.500 năm, trước Chúa Giáng Sinh 500 năm, đã bị buộc phải uống thuốc độc tự tử vì người ta cho rằng ông là người điên. Không điên sao được khi ông cứ lải nhải một câu, bảo mọi người: “Hãy biết mình”. Nhóm triết gia khác thì ngược lại, ông jean- Paul Sartre đại diện trường phái “duy vật” thì cực đoan: “L’home est ce qu,il se fait”: khẳng định con người không cần có một Thượng Đế nào nhào nặn ra nó, như Kinh Thánh nói, mà còn hàm ý rằng hành động, chứ không phải như Kinh Thánh nói “In principio erat Verbum”, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1).
          Cũng vì những lý thuyết lệch lạc, khập khiễng, như cái xe bị trật bánh, nên không lạ gì đã dẫn ông này bà nọ vào những con đường tối tăm, lầm lạc của tiêu cực: “Những ai đọc nhiều thông tin liên quan đến xã hội, pháp luật trên báo chí, chịu khó quan sát, hay biết được những tính xấu của nhiều người thì có thể biết những hàng đồng nát (phế liệu) gần các công trình lớn không chỉ thu mua đồ phế thải có thể tái chế. Rất nhiều trong số đó cũng là nơi tiêu thụ đồ gian mà cánh công nhân, thậm chí cả cánh quản lý đánh cắp được từ công trình mang lại”. Điều khiến cô lo lắng ở đây là những chiếc nắp cống hoàn hảo trên con đường mới mở gần hàng đồng nát! Cứ sáng ra lại bị “bốc hơi”, không còn tăm tích. Ngành giao thông công chính trong thành phố lắm khi cũng phải than trời, vì cái tính tắt mắt vặt vãnh khốn nạn đó của một số người và hệ lụy đi theo, đánh cắp mất nắp cống mở ra cái miệng toang hoắc trong đêm, tờ mờ sáng bao nhiêu chiếc xe lọt thỏm xuống hố. Trời ơi, nhiều khi cô không dám tưởng tượng cụ thể cảnh tượng ấy”. (Truyện ngắn: “Chiếc nắp cống trên con đường mới mở”, Nguyễn Thị Việt Hà, TTCT 21-8-2011).
          Một số người trí trức sống có lương tâm hay với lương tâm:
          “… Chúng ta kết tội các em học sinh, sinh viên quay cóp, thử hỏi khi các em biết được việc này sẽ suy nghĩ như thế nào? Chúng ta nên tự vấn lương tâm”.(An Hòa Minh, trivymould@...)
          “…Sau những lần bị tra hỏi và buộc phải trả lời “tốt’ cho bạn, lòng tôi cảm thấy bất an làm sao ấy! Nếu tôi nói thật về tư cách làm việc của anh ấy, chắc chắn anh sẽ không bao giờ có được công việc mà anh ấy mong ước và anh sẽ xem tôi là một người hẹp hòi, không sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Lương tâm cứ cắn rứt tôi về chuyện này” (Tùng Trí, Phát thanh Hy vọng)
          Thật đáng buồn, đáng lo, và hết sức ngạc nhiên: mới đây, ngày 19-8-2011, trong cuộc hội thảo “Triết lý giáo dục Việt Nam do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường đại học sư phạm Tp.HCM tổ chức, TS Đặng Cảnh Khanh (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên) lên tiếng cảnh báo: “Điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là”kẻ ngốc”. Thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ  với 38% được hỏi cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường học hoặc công ty tốt, tỷ lệ với những người lớn được hỏi là 43%, mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối. (xem báo Tuổi Trẻ, 19.8.2011). Đây cũng có thể là một sự thất bại to lớn của nền giáo dục hiện có”.
Ai cũng có thể đánh giá đúng, sai, sự thật, gian dối, tốt, xấu, đạo đức hay mất đạo đức, qua hai người mua bán sau:
          Tâm làm việc ở một cửa hiệu bán tạp hóa, sau những giờ học ở trường. Ngày kia, một khách hàng bước vào, và sau khi mua một ít trái cây, ông nói nhỏ: “Thêm ít trái nữa! Cậu trai ở đây trước kia thường đưa nhiều hơn để được thêm tiền”.
- Không, tôi không thể làm thế. Chủ tôi không chấp nhận.
- Nhưng ông chủ không có đây.
- Có, ông ở đây! Chủ tôi luôn có mặt. Ông biết tôi là một Kitô hữu.
          Hầu như không ngày nào ta không nghe tiếng nói của lương tâm, lên tiếng nhắc nhở chúng ta về một lời nói, một suy nghĩ thầm kín hay về một hành vi nào đó. Lương tâm cắn rứt chúng ta về một lời nói thiếu thành thật. Lương tâm đặt câu hỏi với chúng ta về thái độ tự cao trong một lời nói tô bóng thành tích của mình trước mặt người khác.
          Do đó, lương tâm nào cho phép khi mà hằng ngày hàng trăm thai nhi bị cưỡng bức đẩy ra khỏi lòng mẹ, nhất là các thai nhi nữ; khi mà người ta tiếp tục đầu tư sức lực tiền của cho những phương tiện giết người hàng loạt, chạy đua vũ khí hạt nhân. Lương tâm chân chính nào có thể bảo, có nhiều người còn buôn bán ma túy khiến bệnh Sida cướp đi hàng triệu những thanh niên thiếu nữ khắp nơi trên thế giới….
          Chỉ có giải pháp cứu vãn những hiểm họa của thế giới “Bằng cách sống theo sự thật- thật với Thiên Chúa, với Lời Ngài và với ơn sủng của Ngài – chúng ta có thể tránh được những sai lầm và những hoa trái xấu trong đời sống của chúng ta”. (mở đầu bài giảng của Đức TGM Leopoldo Girelli tại Nhà thờ Chính tòa Gp Kon tum).
          Và “để có quyêt định đúng đắn về điều hòa sinh sản, gia đình đôi bạn cần phải có lương tâm ngay thẳng và chân chính, có tinh thần trách nhiệm cao, cùng với sự suy nghĩ chin chắn và quảng đại” (Giáo huấn của Hội Thánh MV, 50).
          Vì là luật tự nhiên, được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn mọi người, mọi nơi và mọi thời để giúp lý trí phân biệt điều thiện, điều ác.
          Tuy nhiên lương tâm có thể mất, hoặc sai lạc, giống quan niệm thâm thúy của người Da đỏ. Họ giải thích lương tâm như sau: Đó là một khối 3 góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ quen làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa!
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Ngày Tết Trung Thu: Chúa Giêsu yêu thương trẻ em (12/09/2011)
Hãy tha thứ! (07/09/2011)
Cách mạng tháng 8 với các Giám mục người Việt (31/08/2011)
Văn học Công giáo ở Việt Nam (phần I) (24/08/2011)
Lời “cảm ơn” đâu dễ nói! (16/08/2011)
Ký sự Xuân Bích một nhà (12/08/2011)
Khiêm nhường (24/06/2011)
Thăm tượng đài Chúa Ki tô Vua cao nhất thế giới (21/06/2011)
TÌNH CHÚA TÌNH CON (01/06/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log