Văn hóa nghệ thuật

Về giáo xứ có nhiều cái nhất

Cập nhật lúc 21:00 18/12/2011

Làm giàu từ thú chơi tao nhã.

Quỳnh Thanh là một xã Công giáo toàn tòng với hơn 11.000 người theo đạo Công giáo thuộc giáo xứ Thanh Dạ (giáo phận Vinh). Là một xã toàn tòng Công giáo nên tất cả những cán bộ xã Quỳnh Thanh cũng là người Công giáo. Đây quả là điều hiếm thấy trên cả nước, đồng thời cũng là một lợi thế để Quỳnh Thanh phát huy hơn nữa tình đoàn kết, sự thống nhất trong các chủ trương phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng xứ đạo…

Khoảng 5 năm trước, từ một thú chơi tao nhã, người dân Quỳnh Thanh đã phát huy nó thành một nghề để đột phá trong phát triển kinh tế. Đó là nghề trồng và tạo dáng cây cảnh.  Ban đầu, trồng cây cảnh chỉ là thú chơi của một số nhà giàu ở Quỳnh Thanh. Từ năm 2007 trở lại đây, người dân nhận ra cây cảnh còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn nếu biết “thổi hồn” vào nó. Từ nhận thức đó, Quỳnh Thanh đã nhanh chóng phát triển nghề trồng, tạo dáng cây cảnh. Hiện nay có khoảng 80% hộ dân  trong  xã có cây cảnh. Số vườn có 50 đến 100 chậu có 15 hộ, số vườn có 30 đến 50 chậu có 35 hộ, dưới 30 chậu có 58 hộ. Nhiều hộ có vườn cây cảnh với những cây trị giá cả trăm triệu đồng như hộ anh Trần Thiên xóm 5, anh Trần Sự (xóm 7), anh Trần Văn Nguyễn (xóm 9), Nguyễn Chung (xóm 10), Nguyễn Du Trọng, Trần Văn Trung, Trần Văn Thiên (xóm 11)…

Anh Trần Văn Nguyễn, người có cây bồ đề trăm tuổi được trưng bày tại đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, cho biết, có nhiều nơi trồng cây cảnh, nhưng Quỳnh Thanh lại tìm được lối đi riêng cho cây cảnh của mình. Nếu như ở nhiều tỉnh, chủ yếu người ta trồng cây sanh tại đất vườn, thì ở Quỳnh Thanh cũng trồng sanh nhưng là sanh bám đá.  Đây là điểm nhấn  để Quỳnh Thanh thú hút khách thăm quan và mua cây cảnh ở các nơi khác về.

 

Cây cảnh ở Quỳnh Thanh hội tụ được bốn yếu tố, đó là: cũ, kỹ, mỹ, văn. Cũ đó là giá trị của sự lâu năm, kỹ tức là kỹ thuật cắt tỉa,uốn cây, mỹ tức là đẹp, văn tức là có giá trị về mặt văn hóa. Có những cây nhìn già khụ dường như không có giá trị kinh tế gì thế nhưng nhờ đôi tay khéo léo và sự cần mẫn cắt tỉa, gọt dũa mà những gốc cây đó đã có hồn và có giá trị kinh tế cao đến bất ngờ. Có những gia đình hoàn cảnh khó khăn thế nhưng từ khi bán được một số cây cảnh thì họ đã bứt phá lên nhanh chóng, có tiền xây nhà, nuôi con đi học...

 

Từ việc kinh doanh sinh vật cảnh đã kéo theo những dịch vụ liên quan như quay chậu cảnh, buôn đá cảnh, dịch vụ vận chuyển. Vì Quỳnh Thanh phát triển theo hướng cây sanh bám đá do vậy những hòn đá là cái không thể thiếu. Các dịch vụ ăn theo này đã giải quyết thêm công ăn việc làm cho người dân trong làng với thu nhập hàng triệu đồng/tháng/người.

 

Anh Trần Văn Trung- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Quỳnh Thanh cho biết “Hiện nay trong  xã có 11 người chuyên kinh doanh cây cảnh, còn số hội viên chính thức trong Hội sinh vật cảnh của xã gồm 110 hộ. Năm 2010, thu nhập của Hội Sinh vật cảnh Quỳnh Thanh đạt 5,3 tỉ đồng, một con số khá lớn đối với một xã lâu nay chỉ chuyên canh cây lúa. Hội Sinh vật cảnh đang mở rộng, quảng bá hình ảnh của mình để nhiều người biết đến cây cảnh, đặc biệt là loại sanh bám đá độc đáo của  Quỳnh Thanh”.

 

Ngoài  phát triển cây cảnh, Quỳnh Thanh còn thực hiện nâng cấp làng nghề mây tre đan Trúc Vọng. Trúc Vọng được đầu tư nhiều vốn, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng thẩm mỹ các sản phẩm của làng nghề để đủ cạnh tranh với các sản phẩm ở địa phương khác. Làng nghề đã khẳng định được mình và đang từng bước phát triển với những khách hàng ổn định, vì thế cũng góp phần quan trọng cùng với nghề trồng và tạo thế cây cảnh đem lại nguồn thu nhập khá cho các gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Viên-  Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu cho biết:Trồng, tạo dáng cây cảnh và nghề mây tre đan phát triển nhanh đã tạo được đột phá trong việc phát triển kinh tế ở giáo xứ Thanh Dạ cũng như ở xã Quỳnh Thanh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Thanh Dạ đạt trên 7 triệu đồng/năm, 65% gia đình đạt danh hiệu văn hoá. Rất nhiều nhà tầng, nhà ngói kiên cố, đẹp đẽ mọc lên thay thế những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, trường học đều được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Trường Tiểu học Quỳnh Thanh A được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương. Người Công giáo ở Quỳnh Thanh có thêm điều kiện thuận lợi để sống đạo giữa đời, chăm lo cho con em học hành.

Có nhiều cái nhất

Cùng với niềm vui về thành quả phát triển kinh tế, niềm vui đón mừng lễ Giáng sinh và năm mới 2012, giáo dân Thanh Dạ cũng như người Công giáo xã Quỳnh Thanh còn tự hào về nhiều cái nhất nếu so với những giáo xứ khác trong giáo phận Vinh.

Giáo xứ Thanh Dạ được tách ra từ xứ đạo Cẩm Trường, nên không phải là xứ đạo lâu đời nhất, nhưng lại là giáo xứ đông giáo dân nhất của giáo phận Vinh với gần 13 nghìn người thuộc 6 giáo họ: Thanh Dạ, Cự Tân, Lộc Thủy, Hiền Môn, Hạ Lân và Thanh Xuân, trong đó có 5 giáo họ nằm trọn trên địa bàn xã Quỳnh Thanh với số giáo dân hơn 11 nghìn người. Vì thế Quỳnh Thanh là xã toàn tòng Công giáo. Thanh Dạ có tới 37 linh mục và hơn 400 tu sĩ nam, nữ, chủng sinh.

Đi liền với danh tiếng giáo xứ toàn tòng và đông nhất, Thanh Dạ còn nổi tiếng bởi có đội kèn đồng đông nhất giáo phận với 110 nhạc công. Trong những đại lễ của giáo phận, đội kèn đồng giáo xứ Thanh Dạ luôn chiếm vị trí danh dự nhất trong số các hội nhạc. Ngoài đội kèn đồng, Thanh Dạ còn có đội trống cổ với gần 200 thành viên. Mỗi dịp lễ trọng, tiếng trống lại nổi lên như long trời lở đất.

Điều ấn tượn, dễ nhận thấy nhất đó là sự  toạ lạc của ngôi thánh đường giáo xứ Thanh Dạ. Nhà thờ Thanh Dạ có kích thước lớn nhất và mang đậm nét văn hoá Á Đông nhất trong giáo phận Vinh. Nhà thờ có sức chứa 2.500 người.  Nhà thờ thể hiện sự hội nhập văn hóa ở mức độ sâu sắc thông qua phong cách kiến trúc với các ngọn tháp, mái thánh đường và cổng nhà thờ mang những nét hoa văn, đường cong giống đình chùa, Bên trong thánh đường từ cung thánh, bàn thờ, đài giảng và bàn thờ Đức Mẹ, bàn thờ các thánh đều mang đậm kiến trúc Đông phương. Các các câu đối, biểu ngữ trên gian cung thánh và hai bên phía trong nhà thờ đều viết bằng chữ Nho. Giáo dân Thanh Dạ cho biết, trước khi khởi công xây dựng nhà thờ, linh mục quản xứ thời bấy giờ - linh mục Phêrô Nguyễn Văn Bá, Hội đồng Mục vụ giáo xứ và kỹ sư đã đến rất nhiều nhà thờ và đình chùa để tìm hiểu về kiến trúc.

Với nhiều ưu điểm nổi bật về số lượng giáo dân, nhà thờ to đẹp, đời sống đạo sốt sáng, và sự bứt phá trong phát triển kinh tế, văn hoá nên dịp Giáng sinh về, Thanh Dạ được đánh giá là nơi có không khí Giáng sinh rộn rã nhất, với những chuẩn bị về hang đá, đèn ông sao, trang trí ánh sáng để đón những tâm hồn thánh thiện đến với thánh đường trong niềm hân hoan mừng sinh nhật Chúa, mừng một năm mới sắp tới bình an, hạnh phúc và thành công.  

An Luých

 

 

 

 
 

 

Thông tin khác:
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội– Mẹ diễm phúc tuyệt vời. (07/12/2011)
Đức Maria – Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội (06/12/2011)
Tháng các linh hồn: Niềm Hy Vọng Hằng Sống (30/11/2011)
Đức Giê su làm Vua hay làm Chủ tịch? (14/11/2011)
Tháng cầu cho các linh hồn: Chết là cửa dẫn vào cõi sống (14/11/2011)
Tham lam (07/11/2011)
Tháng cầu cho các Linh Hồn: Người Công giáo tại Việt Nam hướng về tổ tiên. (04/11/2011)
Trách nhiệm (21/10/2011)
Người Kitô hữu dấn thân trong hành trình phục vụ (22/09/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log