Người ta thường hay nói rằng “tấm lòng người cha là một tuyệt tác của tạo hóa” tôi tin điều đó là thật. |
Cha là người vẫn đưa đón tôi đi học. Sáng nào, ông cũng đi đặt lú cua ngoài sông rồi tranh thủ dẫn tôi vào một quán ăn sáng trước khi tới trường. Dẫu vậy, tôi vẫn không thể thân với cha được, hễ đến gần là lại bực bội, có lúc còn cọc cằn với cha khiến ông rất buồn. Má cũng hay rầy tôi vì chuyện này, “dầu sao ổng cũng là cha bây, làm sao được thì làm chứ má thấy vậy coi không đặng”... Tôi biết vậy nhưng vẫn không cải thiện được tình cảm của mình với cha. Khi tôi học lớp hai thì má sinh em bé. Ba má rất cưng em, ai cũng bảo coi chừng tôi bị ra rìa. Từ lúc có em trai thì cha dồn hết tình thương cho nó. Tôi lớn nên tự đi xe đạp, em thay tôi ngồi đằng trước để cha chở đi học. Có khi vì em mà cha la tôi khiến tôi và cha ngày càng xa cách.
Không biết từ lúc nào, tôi cảm thấy mình thương cha quá đỗi, có phải khi sống chung một nhà, nhiều thứ mình không nhận ra, hay khi va chạm cuộc sống mới thấy người thương mình nhất chỉ có cha mẹ mà thôi?
Đúng là thời gian có sức mạnh cảm hóa lòng người nhưng cũng lấy đi của con người ta nhiều thứ. Thời gian cho tôi suy nghĩ và cảm nhận được tình thương của cha, thấy hối hận vì những hành động trước đây của mình. Nhưng thời gian cũng lấy đi tuổi trẻ của cha, để lại trên đôi tay những vết chai sần, bàn chân nứt nẻ với những móng chân đóng phèn, mái tóc lốm đốm bạc và những cơn đau nhức mỗi khi đêm về. Tôi còn nhớ năm đó, nội tôi bệnh và qua đời, cha là người đau khổ nhiều nhất, có lúc tôi chợt thấy cha ngồi một mình như suy nghĩ gì đó rồi khóc, lúc ấy tôi mới hiểu cha cũng là người rất tình cảm, chỉ có điều tình cảm ấy được chôn giấu tận đáy lòng không thể hiện ra bên ngoài cho ai biết. Cha vốn là một tân tòng, khi cưới má mới theo đạo nhưng có thời gian bỏ bẵng không đi nhà thờ. Nội mất được một năm thì cha tôi trở lại đạo, nghe má nói, hễ tới Chúa nhật là cha chủ động nhắc má đi lễ vì sợ quên…
Đi trên con đường rừng len lỏi ra bến sông, từ xa đã thấy hình ảnh người đàn ông lom khom trên chiếc xuồng ba lá, đang giũ mấy con cá bỏ vô giỏ rồi chèo mái dầm lướt qua mấy bụi dừa nước, tôi bất chợt gọi “cha ơi!”, ông giật mình quay lại nhìn. Cha hỏi “mới dìa hả?” rồi biểu tôi vô nhà lẹ kẻo dính sình. Cha đi bắt cá để lát về nấu canh chua cho tôi ăn như thường lệ mỗi lần tôi về thăm nhà.
Nhìn bóng dáng cha lướt qua mấy bụi chà là rồi mất hút, tôi đứng thẫn thờ, mặt trời tàn lặn trên đám ô rô, ngoài sông nước đang lớn và gió bấc thổi từng đợt thật nhẹ, thật nhẹ…