Văn hóa nghệ thuật

Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 11,12,13)

Cập nhật lúc 13:43 15/06/2012

 

Tôi dự định tham gia HĐND một thời gian ngắn để học hỏi, vừa để vui lòng anh em. Thực tế tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích cho ơn gọi mục vụ của tôi. Tìm hiểu thêm tình đời, tình người thật vô cùng éo le. Lắm chuyện cười ra nước mắt. Hồi nhỏ tôi đã học nhiều câu ca dao, tục ngữ mà mãi tới nay tôi mới cảm nghiệm sâu xa đại loại như: “Cái sẩy nẩy cái ung”, “bé xé ra to”, “ít xít ra nhiều”, “nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”, “lật ngược như trở bàn tay” và những câu châm ngôn “lý lẽ của kẻ mạnh bạo bao giờ cũng thắng”. Ngoài ra lý lịch chính là yếu tố vô hình như bóng ma chi phối những phán quyết của quan toà. Nghề nào cũng có tai nạn đó gọi là tai nạn nghề nghiệp. Một bà đã giận tôi vì tôi nhắc nhở bà thiếu tế nhị trong cung cách cư xử với con cái. Về nhà, bà vác búa đập vách tường mặc dù nhát búa của bà không đủ sức công phá vật gì đáng kể. Bà là giáo dân, trong số các bà đạo đức. Nhưng bà đã bỏ nhà thờ, xa cha, xa Chúa. Bà luôn tránh mặt tôi khi tôi đối diện. Tuy tôi thường dừng xe lại chào và hỏi thăm bà. Bà không hề đáp lễ. Tôi vẫn kiên trì hỏi thăm bà. Bỗng một hôm bà đến xin lỗi tôi. Không ngạc nhiên, tôi mỉm cười mời bà ngồi. Thôi chuyện cũ bỏ qua tôi niềm nở nói với bà, chỉ mong bà trở lại đời sống đạo bình thường. Những ngày sau đó bà sốt sắng phục vụ đắc lực hơn. Vì lợi ích phục vụ con người theo đường hướng mục vụ, tôi đã can thiệp thúc đẩy ông Bí thư xã cho hoà giải một vụ giật hụi khá nghiêm trọng. Ông bí thư (Ba Hồng) cho rằng vụ việc không nghiêm trọng tình hình an ninh, chính trị. Mọi sinh hoạt của dân trong một đất nước là chính trị, tôi trình bày với ông. Như tôi đây không phải người làm chính trị nhưng tôi tham gia sinh hoạt chính trị. Dây hụi này mười lăm chân, tên đầu thảo đã ôm tiền trốn mất. Số bà con ngoài đạo công giáo dẫn nhau đến nhà thờ gặp tôi nhờ giải quyết. Họ cho biết đã chuẩn bị chai axit, dự định trả thù tên đầu thảo bất nhân này. Tôi vừa trấn an vừa hướng dẫn bà con viết tờ trình đến HĐND. Ông bí thư đã thống nhất chỉ đạo Hội đồng giải quyết. Kết quả bên gia đình đầu thảo ký cam kết trả nhiều lần.
Ngoài công việc hàng tuần một buổi ngồi tại văn phòng hoà giải, tôi còn làm công tác Mặt trận xã, HĐND huyện. Niềm vui và an ủi với tôi, thời kỳ quá độ tiến lên CNXHVN sau ngày giải phóng, tôi được đi đây đi đó hiểu thêm đất nước và con người lại được làm mục vụ ở những nơi những chỗ tưởng chừng vô cùng khó khăn trong chế độ cộng sản. Có những chuyện như không tưởng nhưng có thật và không ngờ còn nằm trong hồ sơ Ban Tôn giáo tỉnh. Chuyện linh mục ký giấy phép xây dựng cổng chùa. Sự việc hôm đó Chủ tịch Mặt trận đi vắng, tôi Phó Chủ tịch. Với phong thái niệm Phật, hai tay chắp kính cẩn, khép nép. Sư cô Diệu Châu nghiêm lễ chào sau đó trao lá đơn xin xây dựng cổng chùa. Sau khi hội ý trong ban, tôi quyết định ký giấy phép chấp thuận, lý do thông thường đã có nhà phải có cửa. Hơn nữa với quy mô nhỏ, kinh phí vài ba triệu không đáng kể. Quan điểm tôi có chức phải có quyền và tôi chịu trách nhiệm trước cấp trên. Lãnh đạo tập thể mang tính dân chủ, ít sai sót, nhưng không phát huy sang kiến và hiệu quả chậm. Mặc dù tôi đã được thuyên chuyển đi nơi khác, sau mười năm. Sư cô đến thăm tôi nhắc lại chuyện xưa, tôi ngạc nhiên, khiến tôi suy nghĩ, “hạt giống mình gieo, không biết Chúa cho mọc lên thế nào, mình chỉ chờ thu hoạch”. Lần khác, tôi cùng đi với phật tử gặp ông chủ tịch huyện xin sửa chánh điện. Nghe tôi lên tiếng, ông Chủ tịch ngỡ ngàng, cười trách :
- Ông tính trụ trì Chùa nữa hay sao đây?
Tôi đáp trả trong thân tình:
- Nếu bà con phật tử cung thỉnh và ông Chủ tịch cho phép, chắc tôi không dám từ chối!
Nói đến quan hệ các Tôn giáo, phải kể Phật giáo Khơmer. Số bà con Khơmer trong tỉnh Trà Vinh chiếm 33%, 141 ngôi Chùa, riêng huyện Trà Cú 41 chùa. Tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc các vị sư sãi, ban quản trị chùa và bà con Sóc. Vào các dịp lễ hội, tết cổ truyền của người dân tộc, tôi được mời hoặc công tác Mặt trận dự lễ, nói chuyện tại chùa hoặc nhà riêng ông chủ chùa. Một lần ông mất cặp trâu, tìm không ra chỗ giấu, ông nhờ tôi giúp tìm lại. Tôi liên hệ các cơ quan chức năng. Kết quả ông đã dắt trâu về. Sau đó, hằng năm, một hai lần ông đến dâng đèn cho nhà thờ. 
12. THUYÊN CHUYỂN
Chuyển sang giai đoạn mới, như một khúc quanh đời tôi. Lần đầu nhận bài sai của Đức Giám Mục Giáo phận, về làm sở Họ đạo Phước Hảo. Chưa hết bàng hoàng trong nỗi lo sợ, vì chưa kinh nghiệm mục vụ quản trị, lại đặt nhiều vấn đề xã hội rộng lớn ở tỉnh. Dẫu cho đã qua mười chín năm lăn lóc chuyện đời, chuyện người, nhưng vẫn là “chuyện nhỏ ở huyện’. Trí não chưa qua khỏi đầu, sống gần thiên nhiên, gắn bó những con người bình dị. Bây giờ về đây, một mình, họ đạo lớn, gần thành thị, cách thị xã Trà Vinh 11km. Vừa về tháng 5 (27/05/1993), tháng 7 được Mặt trận Tổ quốc tỉnh mời lên, có sự hiện diện của Đức Giám mục phó, Raphae Nguyễn Văn Diệp và ông Chủ tịch Mặt trận. Hai bên trao đổi ý kiến, mong muốn tôi tham gia xã hội, như đại diện Công giáo tỉnh. Sau cùng, tôi bày tỏ quan điểm, nếu được hai bên thoả thuận, đi đến thống nhất, vì lợi ích chung, tôi sẵn sàng. Theo lời đáp trả của Đức Maria, trước đề nghị của sứ thần Gabriael Truyền tin, “Này tôi xin vâng”. Từ đó Mẹ đã mau mắn lên đường, đến thẳng nhà chị họ Ysave, ở lại giúp đỡ Bà trong suốt thời gian sinh nở (Le 1,26-45). Tôi đã xin vâng trước đề nghị của Đức Giám mục với Nhà nước tỉnh. Tôi ra đi trong tâm trạng hoang mang, sẽ đi về đâu? Và mang lại gì cho Giáo hội và xã hội.
Làm sao dung hoà những quyền lợi chính đáng của đôi bên, từng lúc không luôn luôn là đồng hành trên trục đường thẳng. Mà trái lại còn đối chọi nhau gay gắt. Ban đầu tôi nghĩ, đã là linh mục, việc tham gia các phong trào Cách mạng cũng chỉ là hình thức, mang tính chất tuyên truyền, như lời Đức Kitô khiển trách các Tông đồ, “Ai không chống đối Ta, là thuận với Ta”. Mình không chống đối Cách mạng là thuận rồi.
Nhiều cuộc biểu quyết trong các hội nghị như thế, nhiều đại biểu chỉ đủ trình độ giơ tay nhất trí, thậm chí giơ sai nội dung. Thế là kết luận hội nghị thành công và thông qua nghị quyết 100%. Tôi còn nhớ một cán bộ, trong chỗ thân tình nói với tôi: “Tôi không cần biết trong đầu, trong bụng anh nghĩ cái gì, miễn bên ngoài anh đừng ra mặt chống đối là được”. Tuy nhiên, vì thấm nhuần tinh thần Kitô giáo đã được cưu mang từ trong lòng mẹ, lại được đào tạo tỉ mỉ trong Chủng viện về ý thức trách nhiệm, nên tôi không thể chấp nhận được thái độ cầu an. Có lần đi báo cáo điển hình phong trào an ninh, bảo vệ tổ quốc, ban lãnh đạo công an huyện đề nghị tôi báo cáo theo mẫu soạn sẵn. Tôi trả lời “nếu đọc báo cáo, ai đọc cũng được, không cần tôi”.
Tôi yêu cầu chính tôi soạn thảo, cần thông qua lãnh đạo, tôi chịu trách nhiệm. Ngay năm đầu, mới tách tỉnh (1992), các vị lãnh đạo tỉnh đã hiệp thương cơ cấu tôi vào uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh. Sau đại hội ra mắt, tôi được cử làm thành viên đoàn đại biểu dự Đại hội Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội. Lần đầu được đi Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi cảm nhận bầu không khí trang trọng, hoành tráng trên các đại lộ chính, từ Nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương đến hội trường Ba Đình, rực rỡ cờ hoa và biểu ngữ. Đoàn xe đưa rước đại biểu ngày đêm túc trực trước nhà nghỉ bên cạnh hội trường, trật tự theo đoàn xe dán số thứ tự từ 1-30. Mỗi đại biểu đeo huy hiệu Mặt trận. Trên từng chặng đường di chuyển, đoàn mô tô cảnh sát hộ tống dẫn đầu và xe còi hú mở đường, quang cảnh như một đoàn ngoại giao quốc tế. Vừa bước chân vào hội trường Ba Đình tôi có cảm giác mình thật bé nhỏ, với kiến trúc vừa hiện đại, vừa cổ điển, đồ sộ, tối tân, hệ thống điện tử mới lạ, toà nhà Quốc hội, nơi diễn ra kỳ họp Quốc hội từ ngày độc lập tới nay. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy mình trở nên quan trọng, tiêu biểu cho địa phương trong vận hội chung của đất nước. Trước giờ khai mạc, đoàn đại biểu đến thăm lăng Bác. Đúng như đi vào một ngôi mộ lớn hoàn toàn vắng lặng, lên từng nấc thang, toát ra hơi lạnh, từng bước đi nhẹ nhàng như nín thở, có thể lắng nghe nhịp đập của những con tim bồi hồi xúc động. Nhìn thân thể Bác nằm đó, tươi tắn như vừa nằm nghỉ. Tôi suy nghĩ về một lãnh tụ, trọn đời cống hiến cho dân tộc, vì nước, quên mình. Tôi muốn loại trừ ý thức hệ chính trị ở đây. Vì đường lối chính trị nào cũng nhắm đến cái lợi bản thân, gia đình, đảng phái…Người xưa thường nói “vinh thân, phì gia”. Nhưng vị lãnh tụ như Bác Hồ cuộc đời đơn độc như một bậc chân tu, thật đáng kính. Các vị đều xứng đáng được lập đình thần để thờ như “VI QUỐC CÔNG THẦN” trên khắp đất nước Việt Nam chúng ta.
13. DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM
Sau đại hội Mặt trận, tưởng đã hoàn thành nhiệm vụ đóng góp công sức với tỉnh trong phong trào đoàn thể. Ngoài ra, ngay từ ngày đầu mới về huyện Châu Thành, tôi đã được mời vào Ban chấp hành hội Chữ Thập Đỏ tỉnh. Nay vào vận động bầu cử HĐND 3 cấp, Nhà nước, tỉnh đưa tôi ra ứng cử đại biểu Công giáo. Xin cho tôi thời gian suy nghĩ, tôi hoang mang trả lời. Đâu là giải pháp thích đáng nhất để đi đến quyết định? Sau khi trình bày với Đức giám mục, và tham khảo ý kiến anh em linh mục tôi sẵn sang chấp nhận. Trước đây, thời bao cấp, dư luận không chính thức đã cho tôi “cha quốc doanh”, có người thẳng thừng hơn, bộc trực hơn, gọi “Ông cha Việt cộng”. Không biết phải đáng buồn hay đáng vui! Tôi chỉ tự hào, tôi là linh mục. Ngay chính linh mục, không phải lúc nào cũng yên ổn. Chúa Giêsu đã báo trước “Thầy đến không phải đem hoà bình, nhưng đem chia rẽ” (Mt 10,34-36). Tôi còn nhớ, khoảng 1975 - 1976, một cán bộ Dân vận tỉnh nói nhỏ với tôi “chúng tôi muốn anh làm linh mục như linh mục này, Linh mục kia”. Tôi cười thành tiếng giống cải lương:
- Nếu là linh mục, linh mục nào cũng là linh mục. Chúng tôi chỉ có một trường đào tạo duy nhất, là Chủng viện. Còn thi hành tác vụ linh mục thế nào tuỳ vào quan điểm và môi trường xã hội.
Ngày nay có thể so sánh tâm trạng của tôi với một nhà báo vào đất Taliban để thâm nhập thực tế, theo bình luận của tác giả Phan Nghị trong Kiến Thức Ngày Nay (KTNN), ngày 10/11/2001 “Trong cuộc chiến giữa Mỹ và Taliban, để hành nghề, các nhà báo đã gặp không ít khó khăn. Một số người đã bị cầm tù, trong đó có nhà báo nữ, Taliban thì sợ gián điệp đội lốt phóng viên, Mỹ sợ những cú sốc gây ra bởi những tấm hình. Pakistan muốn ngăn chặn những dư luận không tốt về mình. Còn những người Hồi giáo thì lại coi các nhà báo là đại diện của phương Tây. Thế là họ bị kẹt giữa bao nhiêu luồng đạn…” Tuy nhiên là linh mục tôi vẫn thấy cái gì khang khác nhà báo. Nhà báo có thể có quan điểm chính trị và có thể sợ cho sự an toàn tính mạng cá nhân, gia đình và tổ chức, còn linh mục chúng tôi, không biết sợ điều gì. Trong tháng 3/2002 truy cập trên Internet thấy bản tin đe doạ sát hại tại Colombia, chính phủ có các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhằm bảo vệ từng vị, nhưng tất cả các vị đều từ chối. Điều đáng sợ duy nhất của chúng tôi là làm những điều trái với lòng mình. Thánh Phaolô nói “điều phải, tôi muốn, tôi lại không làm, còn điều trái không muốn tôi lại làm” (Rom 7.14). Gần đây nhất, một cựu đại tá công an hồi hưu ngồi bên tôi, nhân lễ khánh thành trụ sở mới công an huyện Châu Thành, hỏi thăm tôi và giới thiệu bạn bè “tôi biết ông là linh mục phản gián”. Tôi lặng người đi như một cú sốc! Xưa nay tôi chỉ nghe từ phản gián trong ngành tình báo, hoặc trong tiểu thuyết gián điệp. Tôi muốn đính chính, hoặc hỏi cho biết, nguồn tin từ đâu, nhưng vì muốn tôn trọng uy tín của một đại tá công an đã nghỉ hưu, nên tôi im lặng, mặc dù dân gian thường nói “im lặng là đồng ý”, không phải đồng loã. Lần khác, người ta hỏi tôi, ông kết nạp Đảng năm nào, hoặc khẳng định chắc nịch, “ông là đảng viên Đảng cộng sản”. Tôi không biết thế nào để mọi người tin tôi! Lúc này tôi mới cảm nhận sâu xa “im lặng là vàng”.
Bây giờ tôi lại nhận ra ứng cử HĐND hai cấp, tỉnh, huyện nhiệm kỳ 1994 – 1999. Tôi đã xác định con đường hội nhập và hội nhập thế nào để đạt hiệu quả. Tham gia đoàn thể, mới chỉ mang hình thức tiêu biểu, chưa có thực quyền. Hội đồng do dân bầu nên được tăng cường thế mạnh từ nhân dân, do dân và vì dân. Sau đó Hội đồng bầu UBND và các ban. Điều thú vị, tôi không thể ngờ, chính Nhà nước đưa tôi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng giải phóng, dân tộc, để giới thiệu  Chúa và Giáo hội đang hiện diện nơi tôi. Những nơi này không một người Công giáo hiển nhiên chưa có nhà truyền giáo nào đặt chân tới đây. Dân chúng nghe biết tôi là linh mục, họ chăm chú nhìn tôi, chắc hẳn không phải cái nhìn thù nghịch, nhưng đầy thiện cảm, vì tôi đã là người của Nhà nước, đã qua 4 - 5 vòng hiệp thương chọn người ra ứng cử. Phần đông họ nhìn tôi do hiếu kỳ và tôi nghe những lời bàn tán trong đám đông:
- Đâu, ông linh mục đâu?
Có người đến gần tôi để nhìn rõ hơn và họ chỉ chỏ tôi cho người khác
- Ồ, ổng cũng như mình, vậy ai nói gì? Người nói này, người nói khác. Đúng như các Tông đồ thưa với Chúa “người thì bảo thầy là Gioan tẩy giả, kẻ khác thì bảo là Elia, có người lại cho là Giê - rê - mi - a hay một trong các vị ngôn sứ ” (Mt. 16,14). Cán bộ Mặt trận, người điều khiển chương trình vừa giới thiệu linh mục Sơn Đoài, là đại biểu HĐND tỉnh, huyện, cả hội trường như chìm vào im lặng, toàn thể cử tri và chính quyền địa phương hướng thẳng về tôi, hộ chăm chú nghe, chờ tôi phát biểu. Tôi có thể phỏng đoán bà con cử tri nghĩ rằng, ông này đâu phải Cách mạng “nòi”, vậy ông sẽ phát biểu gì?
Mở đầu, xin kính chào anh em lãnh đạo chính quyền địa phương, bà con cử tri, tôi là đại biểu HĐND tỉnh, nhưng lại là một linh mục, một người tu. Cuộc đời tôi chỉ để cống híến cho xã hội, tôi đi tu từ nhỏ 11,12 tuổi, nguyện sống độc thân, noi theo vị Tổ là Đức Giê-su, tu luyện bản thân để phục vụ hiệu quả hơn. Nếu bà con tín nhiệm dồn phiếu cho tôi, là giao trách nhiệm cho tôi, tôi sẵn sàng gánh thêm gánh nặng phục vụ bà con. Có lẽ bà con đồng tình, nên đã biểu lộ tán thưởng bằng những tràng pháo tay thật dài. Hôm ấy, một buổi chiều gió chướng, ở vùng cửa biển Long Hoà, nơi đây hoàn toàn vùng căn cứ Cách mạng, hầu như nhà nào trên ban thờ cũng có từ một đến ba bằng Liệt sỹ. Mẹ Việt Nam anh hùng. Cuộc tiếp xúc cử tri vừa kết thúc, bà con ra về, tôi nghe mấy cụ già bàn với nhau, mình sẽ bỏ hết cho ông linh mục, ổng không vợ, không con, ổng dễ đấu tranh cho mình. Sau đó chính quyền địa phương đãi cơm và một màn liên hoan. Trên bàn dọn sẵn 1,2 chai rượu đế (Nam bộ gọi là nước mắt quê), một tô thịt chó, xương hầm cà - ri vàng ếch (hon), một dĩa xào lăn, một chén mắm cá linh và ít trái bần, đặc sản vùng sông nước miền Tây, đồng bằng Sông Cửu Long, một dĩa rau rừng, khế, chuối chát. Do mối thiện cảm cùng lòng kính trọng, ai cũng bưng ly đến tận bàn xin uống cùng anh Út (tôi nhỏ nhất trong anh em linh mục, Cách mạng gọi là anh Út).
Xin cảm ơn, rất tiếc, tôi chỉ một mình, anh em có vợ, có con, đi thế, uống thế, ông bà có câu “Người ta đi biển có đôi, tôi nay đi biển đơn côi một mình”, còn tôi không ai thay thế việc mục vụ tôi được, mong anh em thông cảm. Vậy tôi xin uống nửa ly, chung trong bàn, chuyền nhông (không ai được bỏ ly xuống), ai uống người ấy rót.
- Ô…ô, cho một tràng pháo tay, hoan nghênh, hoan nghênh, được, được.
Một anh ngồi đối diện, gắp đút cho tôi một miếng mồi (tập quán này không xảy ra ở bên Tây, bên Bắc, Trung Việt Nam). Anh cán bộ tỉnh, chung liên danh tuyên bố:
- Hồi nãy nghe anh Út giới thiệu độc thân, mấy bà, mấy cô cử tri nhốn nháo cả lên.
Nghe bàn bên xôm tụ, cô cán bộ phụ nữ xã, xuân xanh xấp xỉ ba mươi mấy, vùng dậy bưng ly xin uống với anh Út một ly. Tôi đưa đẩy:
- Còn cô có người yêu yểm trợ, nên tôi nhấp môi.
- Còn em nữa, anh Út. Anh không uống với em, là em phân bì đó !
- Mấy em tôi cũng xin chịu, xin đầu hàng.
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 7,8,9,10) (13/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 4,5,6) (12/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (tiếp 1,2,3) (11/06/2012)
Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử (08/06/2012)
Nguồn gốc và ý nghĩa việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê su (05/06/2012)
Theo gương Đức Mẹ đến với tha nhân (31/05/2012)
Đức Maria – Mẹ đầy ơn phúc (28/05/2012)
Công cuộc Phúc âm hóa mới (21/05/2012)
Ứng xử của Hồ Chí Minh với vấn đề tôn giáo (16/05/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log