Noel, gốc từ tiếng La-tinh, Natalis, cộng với El,, tiếng Híp-ri, có nghĩa là Thiên Chúa. Vậy Noel là ngày lễ Thiên Chúa gíang sinh, theo truyền thống Kitô giáo.Cũng có người cho rằng Noel là từ viết tắt của danh hiệu Emmanuel mà Thiên sứ đã báo cho thánh Giuse biết, trước khi Đức Giêsu chào đời..(Mt 2123).
Đó là lý do người Kitô giáo tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Người đã chào đời, để chia sẻ thân phận con người, nhập cuộc, đồng hành và liên đới với nhân loại, trở thành một con người bằng xương bằng thịt, mà Gioan đã viết trong tựa ngôn của sách Tin Mừng của mình là : Et Verbum caro factum est (Ga 1,14), một kiểu nói rất sống thực: Lời của Thiên Chúa đã trở nên (con người) có xác thịt, có ý nói Người đã làm ngừơi thực sự giống hết như mọi người, chứ không chỉ là một hình ảnh, một khái niệm , hay một thần linh do con người tưởng tượng.
Đức Giêsu, cũng được gọi là người Nadarét, sinh ra tại đất Palestin, thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri (Lc 2,2). Khác với Đức Phật, vừa sinh ra đã đứng vững trên một đoá hoa sen, một tay chỉ trời, tay kia chỉ đất và nói : “Thiên thượng, thiên hạ duy nhất độc tôn´, nghĩa là “trên trời dưới đất, chỉ mình Ta là đáng tôn kính”!, Còn Đức Giêsu sinh ra làm trẻ thơ, bình thường như mọi trẻ sơ sinh khác, và được bọc tã đặt nằm trong một máng cỏ (Lc 2,7), vì thân mẫu và cha nuôi của Người không tìm được chỗ trọ, nên phải tá túc, có lẽ trong một cái chuồng bò được dọn sạch để làm chỗ tạm trú cho những người về Bêlem đăng ký hộ khẩu, theo lệnh của vua Augustô (Lc 2,1).
Mặc dầu được cả thế giới Kitô giáo tuyên xưng là “Thiên Chúa thật và là người thật”, cũng có khi còn được gọi là “Con Thiên Chúa”,”Con vua Đavít” là “Vua dân Do thái”, và thường được xưng hô là Rápbi, Thầy, hay là Ngôn sứ .v.v. Nhưng Đức Giêsu chỉ xưng mình là “Con Người” và sống hoà mình giữa mọi người, như mọi người, thậm chí không ngần ngại lui tới, gần gũi, và ăn uống với cả những kẻ mà người Do Thái coi là tội lỗi (x.Lc 15,1 tt).
Sở dĩ thế, là vì Đức Giêsu không có chủ đích vào đời để lập một tôn giáo thờ trời hay thần thánh nào. Cũng chẳng để ra một học thuyết hay lý tưởng đạo đức nào, giống như Khổng Tử đề cao lý tưởng quân tử, còn những người theo Đức Phật thì đề cao lý tưởng Bồ tát. Thiên hạ xưa nay phàm đã sinh ra làm người, thì đếu ước muốn nên người, thành ông nọ bà kia, phải có danh gì với núi sông, không làm thánh thì cũng là kẻ anh hùng…
Với danh xưng “Con người’ Đức Giêsu có lẽ chỉ muốn làm người, đơn giản là người, thế thôi, để có thể trở nên anh em, bạn hữu với tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, quốc tịch hay địa vị xã hội. Người không muốn có một danh xưng, tước hiệu hay địa vị nào khác, mà đơn giản chỉ muốn là người, thế thôi. Vì thế mà “đạo” mà Người muốn rao giảng truyền bá, không phải là cái gì xa lạ, cao siêu, trai lại, nó hợp với khả năng hiểu biết, tầm nhìn và tầm với của mọi người. Bởi vì Đạo của Đức Giêsu là Đạo Người-Chúa, hay Đạo Chúa-làm-người.
Tại Việt Nam, cho tới nay, các phương tiện truyền thống cũng như các văn kiện chính thức của Nhà nước, gọi Kitô giáo là “Đao Thiên Chúa”, nhưng như vậy không chính xác lắm, vì Đạo Do Thái cũng có thể được gọi là Đạo Thiên Chúa, vì họ cũng tôn thờ Thiên Chúa, và một cách nào đó, Đạo Hồi cũng là Đạo Thiên Chúa, nếu chúng ta hiểu Ala cũng là Thiên Chúa.
Chính xác hơn, phải gọi Kitô giáo là Đạo “Thiên-Chúa-làm-người”. Đạo “Người-Chúa”.như tiếng Pháp gọi là Homme-Dieu. Trước khi là một giáo lý, một nền thần học hay một ý`thức hệ tôn giáo, Đạo của Đức Giêsu, Người Nadarét, đơn giản chỉ muốn là một Con Đường, một Đạo Lý kêu gọi con người mọi dân mọi nước, mọi chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá và giai cấp giầu nghèo.v.v. hãy sống với nhau như anh em một nhà, vì là con cái cùng một Cha trên trời, để cùng nhau xây dựng một thế giới bình an, trên nền tảng của tình yêu thương huynh đệ.
Đó là lý do tại sao bài ca Noel chỉ tóm gọn trong hai câu:
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”