Văn hóa nghệ thuật

THIÊN CHÚA ĐỢI CHỜ “Trời cao hãy đổ sương xuống”

Cập nhật lúc 13:05 11/12/2012

Một mùa vọng nữa lại về bắt đầu cho hành trình của một năm phụng vụ mới. Lời bài thánh ca quen thuộc Trời cao hãy đổ sương xuống…  như gợi lại trong mỗi người Kitô hữu hãy sống tâm tình mùa vọng, mùa mà Giáo hội không ngừng mời gọi con cái cùng với mình sống lòng tin tưởng và đợi chờ.

Mùa vọng là mùa dạy chúng ta biết hướng lòng đợi chờ Chúa đến. Đợi chờ trong tiếng kêu cầu tha thiết : “Ngàn mây ơi hãy mưa Đấng chuộc tội”. Đợi chờ là tưởng niệm niềm trông mong Đấng Cứu thế ngày xưa đã nhập thế vào lịch sử Dân Chúa. Đợi chờ cũng là nỗ lực làm mới, tăng thêm lòng khao khát của chính chúng ta hôm nay đối với Chúa Kitô đang đến trong Hội Thánh qua các bí tích. Đợi chờ còn là thực sự mong chờ “Chúa lại đến” trong ngày vinh quang.

Mùa vọng là thời gian chờ Chúa đến. Con người mong chờ Chúa đến thì Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến. Đã đến trong cung lòng Đức Maria, đã sinh ra trong thành Nazareth. Đang đến vì Ngài đã sống lại, vẫn là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Để sẽ lại đến trong vinh quang.

Nhưng điều quan trọng ở đây là con người có thực sự mong chờ Chúa đến? Nếu thực sự con người đợi chờ Chúa đến thì sẽ không đến nỗi năm nào cũng vậy lời Giáo hội cứ mãi vang lên : “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Cứ như suy nghĩ bình dân thì người thiếu nợ có mong thấy chủ nợ hay không? Ngược lại thì chủ nợ luôn mong cho con nợ không còn nợ mình nữa. Vậy, sự đợi chờ ở đây sẽ là ai đợi ai?

Nếu nói Thiên Chúa đợi chờ con người thì: “con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân đáng là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv)

Vậy mà sự thật là vậy. Thiên Chúa đã đợi chờ con người trong suốt dòng lịch sử cứu độ, và cho đến ngày nay Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi con người.

Kinh Thánh ngay từ những trang đầu đã cho thấy rõ lời mà Thánh Gioan đã quả quyết :“vì Ngài đã yêu mến ta trước” (1Ga 4-19). Thiên Chúa đã yêu mến ta trước và Ngài luôn đi bước đầu tiên. Trong vườn địa đàng Thiên Chúa đã đợi chờ con người vào một buổi chiếu như bao buổi chiếu Ngài đến trò chuyện với con người. Nhưng hôm nay đây con người có ra đón chào Chúa như mọi khi? hay là đang chốn Thiên Chúa đang cố kiếm tìm mình “ngươi ở đâu ?” (St 3,1-9). Vậy, ai đợi và ai chờ?

Ngày hôm nay nhân loại con người đã đạt được nhiều tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội, nhưng con người vẫn còn đó nhiều ưu tư khắc khoải cùng bao sự lo lắng. Ưu tư khắc khoải trước số phận hay chết của mình, sống và chết, mạnh khỏe và bệnh tật … còn lo lắng mình sẽ ra sao ? Như thế nào trong một cuộc sống chẳng biết khi nào chết khi đang ngồi trên kho thuốc súng, chiến tranh hận thù và khủng bố. Sống mà cứ lo sợ phòng tránh H5N1, hay phải tránh xa Sida … Những điều đó chính con người đã tạo ra cho chính mình khi ra khỏi vườn địa đàng mà vẫn tiếp tục trồng cây gây bụi đề trốn sự tìm kiếm của Thiên Chúa. Còn Thiên Chúa, Ngài đã không bỏ mặc con người, nhưng Ngài cũng không áp đặt con người, Ngài đã cho con người được tự do rồi trong sự tự do của con người Thiên Chúa vẫn chờ và tìm đợi “ngươi ở đâu?”. Mãi mãi vẫn là Thiên Chúa đợi chờ.

Trong suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn mãi đợi chờ, đợi chờ giải phóng dân của Ngài ra khỏi Ai cập, nuôi dưỡng ủ ấp và dìu dắt suốt 40 năm trên đường v đất hứa. Vậy mà dân yêu dấu ấy đã thất trung, tìm cách lẫn chốn nhan Giavê, khiến Ngài cứ phải đợi chờ tìm lại. Trong chính âm thầm Thiên Chúa lại cho các ngôn sứ tìm họ trở về. Nhưng rồi ngựa quen đường cũ, dân Chúa cứ phản bội và Thiên Chúa lúc bấy giờ như người chồng bị phản bội lại đợi chờ tha thứ cho người vợ ngoại tình trở về. Thiên Chúa vẫn chờ đợi.

Không phải chỉ biết đứng đợi chờ, Thiên Chúa còn như ông chủ làm vườn nho, ngày đêm ra công trồng tỉa mong có vườn nho sai trái, nhưng cuối cùng nó lại sinh nho dại. Đợi chờ như nhà vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử “tiệc đã dọn sẵn, bò bê thú béo đã hạ, mọi sự đã sẵn sàng”. Nhưng nhà vua vẫn cứ phải đợi. Một Thiên Chúa đã đợi chờ dân Ngài một cách vô ích. Nhưng trong sự đợi chờ vô vọng ấy đã mở ra cho mọi người lời mời gọi :“hãy ra các ngã đường, hễ gặp ai thì mời vào dự tiệc cưới” (Mt 22,10)

Đúng là tiệc cưới đã dọn sẵn. Hoàng tử đã đứng đó. Các cửa đều mở toang, ai cũng được mời vào. Nhưng đâu phải ai cũng đã vào bàn tiệc đầy đủ. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa đợi chờ và Hội thánh mãi mãi cho đến tận thế vẫn phải loan báo Tin mừng Nước Chúa.

Người Kitô hữu dẫu được mời vào bàn tiệc rồi thì chưa hẵn Thiên Chúa không còn đợi chờ nữa, Ngài không những phải đợi chờ mà còn phải thêm lo lắng họ sẽ phản bội và bỏ đi. Tuy họ đã ngồi vào bàn tiệc nhưng tâm trí họ xa rời bàn tiệc, với trăm ngàn lo lắng bận tâm tìm lá che thân, và dễ dàng bị cám dỗ trở lại vườn địa đàng ăn trái cấm … cứ như vậy thì làm sao Thiên Chúa lại không phải lần nữa lần nữa đợi chờ tìm gọi “ngươi ở đâu?”. Hơn thế, bàn tiệc vẫn còn quá nhiều chỗ mà bên ngoài vẫn còn nhiều người còn đói còn khát. Còn người Kitô hữu vẫn dửng dưng dự tiệc. Lúc bấy giờ tiếng Thiên Chúa sẽ lại vang lên mạnh mẽ như đã từng vang vọng bên tai Cain : “em ngươi ở đâu?” Tiếng đó cũng sẽ vang lên trong mỗi người chúng ta đang sống ngày nay : chồng ngươi ở đâu? vợ con ngươi ở đâu? bạn bè người thân ngươi ở đâu? Thậm chí, kẻ thù ngươi ở đâu? Lúc đó chúng ta sẽ trả lời như thế nào đây? hay là : “Tôi không biết! tôi có phải là người canh giữ em tôi” (St 4,1-9).

Mùa vọng là mùa của đợi chờ. Thiên Chúa đã đợi chờ con người không phải chỉ trong những mùa vọng mà Thiên Chúa luôn chờ đợi con người trong từng biến cố đời sống của con người. trước khi người chờ thì Chúa đã đợi. Chúa đợi cả khi con người không chờ Chúa, tìm gọi con người ngay khi con người chạy trốn Chúa. Điều làm cho ta ngạc nhiên hơn khi hiểu rõ ngôn ngữ của đợi chờ sẽ là sự mòn mỏi trông mong một điều gì đó. Mong đợi nào cũng làm cho con người mòn mõi, có khi chán nản. Vậy mà, Thiên Chúa vẫn hoài đợi ta dù ta cứ mãi trốn Ngài. Tại sao vậy? chẳng sao cả vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.

Thiên Chúa là tình yêu. Với tình yêu, ngày qua ngày Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ, và niềm vui sẽ dâng cao khi con người trở về. Rồi con người càng vui hơn Thiên Chúa khi biết sự trở về của mình có sự chờ đón của Chúa.

Trong niềm vui chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy mở rộng căn nhà cuộc đời chúng ta để chờ đón Chúa vào. Ngài đã luôn chờ đợi chúng ta. Vậy, hãy một lần chân tình ta đón chờ Chúa, chờ đợi trong tĩnh thức cầu nguyện, chờ đợi với đèn thắp sáng trên tay. Để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, nguồn hạnh phúc cho con người, mùa cứu rỗi cho mọi nơi.

THIÊN ÂN
Thông tin khác:
Yêu thiên nhiên yêu chính mình (30/10/2012)
Ra mắt hợp xướng “BÀI TRƯỜNG CA NĂM THÁNH” (21/10/2012)
Giả hình (02/10/2012)
Vatican II ảnh hưởng gì tới Giáo hội Việt Nam ? (21/09/2012)
Khát giữa dòng nước lũ (05/09/2012)
TIN HAY KHÔNG TIN? (05/09/2012)
LƯỢC SỬ NGÀY LỄ ĐỨC MẸ LINH HỒN VÀ XÁC VỀ TRỜI (14/08/2012)
TRÁI TIM (11/08/2012)
BÊN MỘ CHỊ SÁU (26/07/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log